Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Lâm Đồng: Tập trung đẩy mạnh quản lý chất thải nguy hại

01/06/2022

    Lâm Đồng có diện tích lớn thứ 7 cả nước, tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nằm trên cao nguyên cao nhất của Tây Nguyên là Lâm Viên - Di Linh với độ cao 1.500 m so với mực nước biển và là  tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên không có đường biên giới quốc tế. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa phát triển mạnh khiến lượng chất thải trên địa bàn tỉnh những năm qua liên tục gia tăng. Trong đó, lượng chất thải nguy hại (CTNH) phát sinh gây tác động xấu đến môi trường, đe dọa đến sức khỏe người dân. Trước sức ép lớn đối với công tác BVMT, các cấp, ngành trong tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ CTNH.

Tình hình phát sinh CTNH

    Theo Luật BVMT năm 2020, CTNH là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác. Quản lý nhà nước đối với CTNH, pháp luật xác định địa vị pháp lý của các cá nhân, các tổ chức sản xuất kinh doanh có liên quan đến lĩnh vực CTNH, tạo hành lang pháp lý để các chủ thể này tham gia vào các quan hệ khai thác, sử dụng các thành phần môi trường. Cũng thông qua pháp luật, Nhà nước với vai trò là chủ thể quản lý tạo ra môi trường thuận lợi, tin cậy và chính thức cho các hoạt động quản lý CTNH trong phạm vi cả nước, kiểm soát tốt CTNH ngay từ nguồn thải, đồng thời thực hiện tốt các bước trong quy trình quản lý CTNH như thu gom, vận chuyển, quá cảnh, lưu trữ, xử lý và tiêu hủy CTNH là trách nhiệm của các cấp, ngành, chủ nguồn thải CTNH.

    Báo cáo của các chủ nguồn thải CTNH cho thấy, tổng lượng CTNH phát sinh trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 676.931,93 kg, trong đó: Chất thải y tế nguy hại phát sinh từ các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế và các cơ sở y tế cá nhân chiếm tỷ lệ 14,9%; cơ sở hoạt động trong lĩnh vực bán, bảo trì, bảo dưỡng xe ô tô, xe gắn máy chiếm tỷ lệ 11,97%; dự án khai thác, chế biến khoáng sản chiếm tỷ lệ 13,78%; dự án nông nghiệp và chế biến nông sản chiếm tỷ lệ 4,97%; dự án hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ chiếm tỷ lệ 46,18%; dự án hoạt động trong lĩnh vực điện lực, thủy điện chiếm tỷ lệ 5,41% và CTNH phát sinh từ các ngành khác chiếm tỷ lệ 2,79%.

    Tổng lượng CTNH đã xử lý là 636.681,93 kg, chiếm tỷ lệ 94%. Qua đó có thể thấy, các doanh nghiệp đã có trách nhiệm trong việc  quản lý CTNH phát sinh tại đơn vị và thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý CTNH. Loại CTNH được xử lý chủ yếu là chất thải y tế nguy hại, chất thải từ hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản (dầu thải; giẻ lau, dính dầu nhớt thải, bộ lọc dầu thải; bóng đèn huỳnh quang thải; pin ắc quy chì...) và chất thải từ các cơ sở bảo trì, bảo dưỡng xe ô tô, xe gắn máy.

    Đối với công tác chuyển giao CTNH cho đơn vị có giấy phép hành nghề QLCTNH, hiện nay đã có 147 đơn vị tiến hành chuyển giao CTNH, bao gồm: 40 đơn vị có sổ chủ nguồn thải và 107 đơn vị không thuộc đối tượng cấp sổ. Một số đơn vị chưa chuyển giao CTNH do khối lượng phát sinh quá ít hoặc chưa tìm được đơn vị xử lý phù hợp, trường hợp này Sở TN&MT đã có hướng dẫn về thu gom, phân loại và lưu giữ theo quy định của Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT về quản lý CTNH.

Người dân bỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vào thùng chứa tại Phường 12, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng

Triển khai nhiều giải pháp

    Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng chưa có đơn vị được cấp giấy phép hành nghề quản lý CTNH. CTNH phát sinh được các chủ nguồn thải hợp đồng với các chủ hành nghề quản lý CTNH được Tổng cục Môi trường cấp phép có địa bàn hoạt động tại tỉnh Lâm Đồng.  

    Trong năm 2021, có 12 chủ hành nghề quản lý CTNH tiến hành vận chuyển, xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (Công ty TNHH MTV Cao Gia Quý, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP. Hồ Chí Minh, Công ty CP Cơ điện - môi trường Lilama, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng An Sinh, Công ty TNHH xử lý môi trường sạch Việt Nam, Công ty TNHH TMTV dịch vụ môi trường và xử lý chất thải Hà Lan, Xí nghiệp dịch vụ xây lắp và thương mại Petrolimex Sài Gòn, Công ty CP môi trường Sao Việt, Công ty TNHH Môi trường Tươi Sáng, Công ty TNHH MTV SX-TM-DV môi trường Á Châu, Công ty CP môi trường Việt Úc, Công ty CP Công nghệ môi trường Trái Đất Xanh). Các đơn vị này đều được cấp phép hành nghề quản lý CTNH trong vùng Tây Nguyên, các loại chất thải xử lý phù hợp với giấy phép được cấp. Qua báo cáo quản lý CTNH định kỳ của các chủ nguồn thải CTNH trên địa bàn tỉnh cho thấy, việc chuyển giao CTNH được thực hiện bằng hợp đồng, các chứng từ CTNH sau khi chuyển giao được chủ nguồn thải nộp cho Sở TN&MT theo quy định. Thực hiện quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT, năm 2021, Sở TN&MT đã cấp mới mã số quản lý CTNH cho 2 chủ nguồn thải. Như vậy, tính đến ngày 31/12/2021, Sở TN&MT đã cấp được mã số quản lý cho 84 chủ nguồn thải CTNH.

    Công tác thanh tra, kiểm tra tình hình quản lý CTNH tại các đơn vị được lồng ghép trong các cuộc thanh tra, kiểm tra công tác BVMT theo Quyết định của Sở TN&MT, UBND tỉnh và Bộ TN&MT. Bên cạnh các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc phân định, phân loại, thu gom và lưu trữ CTNH theo đúng quy định còn có một số đơn vị vi phạm các quy định về BVMT đối với chủ nguồn thải CTNH như: Không lập báo cáo quản lý CTNH định kỳ theo quy định, không thu gom CTNH theo quy định.

Một số khó khăn trong quản lý CTNH

    Trong quá trình triển khai các hoạt động quản lý CTNH trên địa bàn tỉnh, việc quản lý các loại CTNH phát sinh ở các cơ sở bảo trì, bảo dưỡng xe còn nhiều khó khăn do vỏ thùng chứa sơn, thùng chứa dầu nhớt sau khi sử dụng hầu hết được trả cho nhà sản xuất và các cơ sở tận dụng chất thải vào các hoạt động khác của đơn vị. Các đơn vị sản xuất, phân phối thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là các đơn vị hưởng lợi khá lớn từ việc kinh doanh nhưng lại không được gắn trách nhiệm đối với công tác thu gom, vận chuyển cũng như xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

    Mặc dù công tác tuyên truyền ngày càng được các địa phương quan tâm, tăng cường thực hiện, tuy nhiên, vẫn còn số ít người dân thiếu ý thức, do đó vẫn còn tình trạng bỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên đồng ruộng hoặc vứt ra sông, suối, kênh, mương gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng về công tác BVMT và xử lý chất thải còn hạn chế. Người dân vẫn còn quan niệm quản lý chất thải là công việc của Nhà nước, chính vì vậy, tình trạng xả rác thải ra môi trường vẫn còn diễn ra. Trong khi đó, công tác tài trợ thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng gặp nhiều khó khăn do kinh phí để vận động khá lớn, ngoài ra các đơn vị kinh doanh, phân phối thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng đang tham gia Chương trình “Cùng nông dân BVMT” giai đoạn II (2017 - 2021) do Cục BVTV chủ trì phối hợp với 18 đơn vị kinh doanh lĩnh vực thuốc BVTV và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của 22 tỉnh phía Nam thực hiện (trong đó có nội dung thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng).

    Do dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên dẫn đến phát sinh một khối lượng lớn chất thải y tế nguy hại, vì vậy, một số địa phương quá tải trong việc xử lý rác thải này, biện pháp trước mắt xử lý vô trùng và lưu trữ sau đó đốt luân phiên. Về lâu dài sẽ phải hợp đồng với đơn vị chức năng để xử lý chất thải này theo quy định. Ngoài ra, một số lò đốt chất thải rắn y tế đã xuống cấp, chưa đảm bảo quy định về BVMT.

Tiếp tục kiểm soát các nguồn thải

    Có thể khẳng định, công tác quản lý CTNH trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đảm bảo yêu cầu chung về quản lý CTNH như: CTNH được quản lý toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy; Chủ nguồn thải CTNH luôn đảm bảo có trách nhiệm tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng, có giấy phép môi trường để xử lý theo quy định; Tổ chức, cá nhân vận chuyển CTNH có trách nhiệm vận chuyển chất thải đến cơ sở có chức năng, giấy phép môi trường để xử lý theo quy định.

    Thời gian tới, ngành TN&MT tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục phối hợp các Sở, ngành địa phương thực hiện các nội dung sau:

    Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền trong lĩnh vực BVMT nói chung và công tác quản lý về CTNH nói riêng; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác quản lý CTNH của các đơn vị;

    Thứ hai, đẩy mạnh kêu gọi hỗ trợ các nhà đầu tư có nhu cầu thực hiện dự án xây dựng nhà máy xử lý CTNH tập trung để chủ động hơn trong công tác xử lý CTNH;

    Thứ ba, tiếp tục rà soát, bổ sung và chỉnh sửa các chương trình, các kế hoạch như Kế hoạch số 3825/KH-UBND ngày 19/6/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch quản lý chất thải y tế tỉnh Lâm Đồng đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 1655/QĐ-UBND ngày 31/7/2015 và Kế hoạch số 3876/KH-UBND ngày 26/6/2020 của UBND tỉnh về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo thực hiện việc quản lý CTNH theo quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Nguyễn Văn Trãi

Phó Giám đốc Sở TN&MT Lâm Đồng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2022) 

Ý kiến của bạn