Banner trang chủ

Hà Nội: Ban hành Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải đến năm 2030

19/05/2025

    Nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam và Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030, góp phần thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, ngày 13/5/2025, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải đến năm 2030 trên địa bàn TP.

    Kế hoạch tập trung vào các nội dung sau:

    - Xử lý chất thải rắn (7 nội dung): Giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; xử lý có thu hồi khí mê-tan đối với chất thải rắn sinh hoạt hữu cơ phù hợp; tái chế chất thải rắn; sản xuất phân compost; đốt chất thải rắn và đốt chất thải phát điện; sản xuất viên nén nhiên liệu RDF; chôn lấp có thu hồi khí mê-tan.

    - Xử lý nước thải sinh hoạt (2 nội dung): Tăng cường thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; xử lý nước thải sinh hoạt có thu hồi khí mê-tan.

    - Xử lý nước thải công nghiệp (2 nội dung): Giảm phát sinh nước thải công nghiệp tại nguồn; thu hồi khí mê-tan từ xử lý nước thải công nghiệp.

Ảnh minh họa

    Để đạt được mục tiêu đề ra, TP sẽ tậ trung thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính cấp cơ sở đối với các cơ sở xử lý chất thải. Đồng thời, thực hiện các biện pháp, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm khí mê-tan: Điều tra, đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với đặc điểm các khu dân cư tập trung, đô thị, nông thôn; điều tra nguồn thải phục vụ xây dựng báo cáo giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải hằng năm của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm khí mê-tan trong lĩnh vực quản lý chất thải; thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ hgng năm đối với lĩnh vực quản lý chất thải và các cơ sở xử lý chất thải. Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; cập nhật, tích hợp cơ sở dữ liệu về quản lý chất thải rắn vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia; tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực, nhận thức của cộng đồng.

    UBND Thành phố giao Sở Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan thường trực, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch. Điều tra, đánh giá, cập nhật hiện trạng phát sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; xây dựng kế hoạch và triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn. Hướng dẫn, triển khai các mô hình thí điểm về giảm phát thải khí nhà kính, khí mê-tan trong lĩnh vực quản lý chất thải.

    Các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn Thành phố và các cơ sở xử lý chất thải, các doanh nghiệp bố trí nguồn lực và chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức; vận động, thu hút, khuyến khích sự tham gia của các bên liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức trong nước và quốc tế trong việc phối hợp với các sở, ngành, địa phương chủ động thực hiện các nhiệm vụ. Đào tạo, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức làm công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.

Trần Tân

Ý kiến của bạn