Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

04/07/2022

Khái niệm về giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường (GĐTHMT)

    Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam (2009), giám định là kiểm tra, kết luận về một hiện tượng hoặc một vấn đề mà cơ quan nhà nước cần tìm hiểu và xác định. Khái niệm giám định còn được nêu trong Đại Từ điển Tiếng Việt (1999) là việc kiểm tra bằng phương pháp nghiệp vụ để có kết luận cụ thể.

    Giám định có thể được thực hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau như pháp y tâm thần, cháy nổ, chữ ký cá nhân, thiệt hại dân sự, thậm chí giám định ngoài tố tụng… Giám định thường được gắn liền với việc kiểm tra các thông số thực tế để đi đến một kết luận về một vụ việc cụ thể. Trong mỗi lĩnh vực khác nhau thì áp dụng các phương pháp nghiệp vụ khác nhau.

    Theo Luật Giám định tư pháp (sửa đổi năm 2020), giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.

    Tại Khoản 1 Điều 130 Luật BVMT 2 020 quy định: Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường bao gồm suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường; thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra. Trong đó, giám định về thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có quy định cụ thể riêng như: giám định sức khỏe, giám định thiệt hại dân sự… còn GĐTHMT đòi hỏi chuyên môn về môi trường và được quy định tại một điều riêng của Luật BVMT (Điều 166 Luật BVMT năm 2014 sửa đổi tại Điều 135 Luật BVMT năm 2020).

    GĐTHMT có thể hiểu là việc áp dụng các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật, kinh nghiệm thực tiễn để nghiên cứu, xem xét, đánh giá mức độ chính xác của các thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường và những thiệt hại khác từ suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường (thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người, tài sản…) mà những thiệt hại này đã được tổ chức, cá nhân thực hiện để làm căn cứ giải quyết vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường.

Điểm mới về GĐTHMT

    Tại Điều 166 Luật BVMT 2014 quy định: (1) GĐTHMT được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường; (2) Căn cứ giám định thiệt hại gồm hồ sơ đòi bồi thường thiệt hại, thông tin, số liệu, chứng cứ và căn cứ khác liên quan đến bồi thường thiệt hại và đối tượng gây thiệt hại; (3) Việc lựa chọn tổ chức giám định thiệt hại phải được sự đồng thuận của bên đòi bồi thường và bên phải bồi thường; trường hợp các bên không thống nhất thì việc chọn tổ chức giám định thiệt hại do cơ quan được giao trách nhiệm giải quyết việc bồi thường thiệt hại quyết định.

    Trên thực tế, nhiều trường hợp giải quyết vụ án kéo dài, ách tắc do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ kết luận của các tổ chức xác định bồi thường thiệt hại. Thực hiện GĐTHMT cũng làm sáng tỏ vụ việc tranh chấp môi trường, tránh tình trạng thiếu khách quan từ các cơ quan giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường, cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên thời gian qua, hầu như chưa có vụ việc nào thực hiện GĐTHMT được thực hiện đến cùng hoặc yêu cầu GĐTHMT chưa đúng đối tượng, chỉ có ở Gia Lai đã thực hiện việc giám định thiệt hại rừng (2017). Vụ việc này do Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai thụ lý, khi cần trưng cầu GĐTHMT, cơ quan đã gửi hồ sơ trưng cầu GĐTHMT đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc giám định thực hiện theo Thông tư liên tịch số 65/2008/TTLT-BNN-BTC hướng dẫn Nghị định số 48/2007/NĐ-CP về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Tài chính ban hành.

    Do đó, các vụ việc bồi thường thiệt hại về môi trường phần lớn được giải quyết thông qua hình thức thương lượng để yêu cầu bên gây thiệt hại bồi thường cho người dân các thiệt hại về tài sản, còn các thiệt hại về môi trường rất khó xác định và sau đó nếu yêu cầu GĐTHMT để xem xét lại kết quả xác định thiệt hại môi trường cũng là một quá trình phức tạp và tốn nhiều chi phí.

    Không những vậy, thực tế triển khai việc thực hiện GĐTHMT còn nhiều vướng mắc, bất cập. Một trong những lí do chính là do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung này. Do đó, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 đã sửa đổi, bổ sung quy định này tại Điều 135. Để hướng dẫn chi tiết nội dung này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường trong đó quy định chi tiết về GĐTHMT tại Mục 4 Chương IX.

    Theo đó, tại Điều 135 Luật BVMT 2020 quy định: (1) GĐTHMT được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường; (2) Căn cứ giám định thiệt hại gồm hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại, thông tin, số liệu, chứng cứ và căn cứ khác có liên quan đến bồi thường thiệt hại và đối tượng gây thiệt hại; (3) Tổ chức giám định thiệt hại để bên yêu cầu giám định thiệt hại lựa chọn; trường hợp không có sự thống nhất của các bên thì việc chọn tổ chức giám định thiệt hại do cơ quan giải quyết bồi thường thiệt hại quyết định; (4) Chính phủ quy định chi tiết về GĐTHMT.

    Như vậy so với Luật BVMT 2014, quy định về GĐTHMT của Luật BVMT 2020 theo hướng giữ nguyên Khoản 1, 2; sửa đổi Khoản 3 và bổ sung Khoản 4. Khoản 4 tại Điều 135 là một điểm mới quan trọng, tạo cơ sở để hướng dẫn cụ thể hơn quy định này tại Điều 119 và Điều 120 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Theo đó, tại Điều 119 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định: Tổ chức GĐTHMT được lựa chọn theo quy định tại khoản 3 điều 135 Luật BVMT; Tổ chức GĐTHMT là tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực môi trường được công bố theo quy định hoặc tổ chức khác có đủ điều kiện: Có tư cách pháp nhân; Có hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung được yêu cầu giám định; Có điều kiện về cán bộ chuyên môn, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc thực hiện giám định.

    Tại Điều 120 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định: Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường không đồng ý với kết quả xác định thiệt hại có thể yêu cầu GĐTHMT; Trình tự, thủ tục thực hiện GĐTHMT áp dụng theo quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực môi trường và các quy định của pháp luật có liên quan; Kết quả GĐTHMT là căn cứ để cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường đưa ra quyết định yêu cầu bồi thường thiệt hại trước khi lựa chọn giải quyết thông qua các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 133 Luật BVMT.

    Có thể thấy, GĐTHMT là một loại giám định thuộc lĩnh vực môi trường và đã có quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực TN&MT. Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 15/2021/TT-BTNMT  ngày 31/8/2021 quy đinh giám định tư pháp trong lĩnh vực TN&MT có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2021, thay thế Thông tư số 44/2014/TT-BTNMT ngày 1/8/2014 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực TN&MT và Thông tư số 45/2014/TT-BTNMT ngày 1/8/2014 của Bộ TN&MT quy định về hồ sơ giám định tư pháp và mẫu giám định tư pháp trong lĩnh vực TN&MT. Thông tư này quy định: tiêu chuẩn, hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; tiêu chuẩn, điều kiện, công nhận, hủy bỏ, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc và thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực TN&MT.

    Do đó, theo tinh thần hướng dẫn của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP sẽ không thành lập cơ quan, tổ chức giám định mới, tổ chức GĐTHMT là tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực môi trường được công bố theo quy định hoặc tổ chức khác có đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 119. Đây không chỉ là một điểm mới góp phần đưa ra cơ sở để lựa chọn tổ chức giám định mà còn là quy định mở, thực hiện xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực môi trường nói chung và GĐTHMT nói riêng để đáp ứng nhu cầu giám định trên thực tế.

    Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định rõ hơn về căn cứ, giai đoạn thực hiện giám định tại Khoản 1 Điều 120, bổ sung cho quy định tại Khoản 1, 2 Điều 135 Luật BVMT. Theo đó, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc cơ quan giải quyết việc bồi thường thiệt hại về môi trường không đồng ý với kết quả xác định thiệt hại có thể yêu cầu GĐTHMT. GĐTHMT được thực hiện sau khi xác định thiệt hại làm căn cứ giải quyết vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với môi trường. Ngoài ra sẽ không đưa ra thêm trình tự, thủ tục giám định mới mà trình tự, thủ tục thực hiện GĐTHMT áp dụng theo quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực môi trường và các quy định của pháp luật có liên quan.

Đề xuất một số giải pháp triển khai quy định GĐTHMT

    Luật BVMT 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung, trong đó có một số quy định về GĐTHMT như đã nêu trên. Cùng với đó, Luật Giám định tư pháp năm 2020, Thông tư số 15/2021/TT-BTNMT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực TN&MT; các quy định kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật lĩnh vực môi trường đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung theo quy định của Luật BVMT 2020. Như vậy, về cơ bản cơ sở pháp lý để thực hiện GĐTHMT đã khá đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình áp dụng, thực hiện.

    Nhằm triển khai nhanh chóng, kịp thời, thống nhất, hiệu quả Luật BVMT, mới đây, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký Quyết định số 420/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, phổ biến Luật BVMT và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Theo đó, để triển khai nhanh chóng, kịp thời, thống nhất, hiệu quả Luật BVMT, Bộ TN&MT ban hành Kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, phổ biến Luật BVMT và các văn bản quy định chi tiết thi hành với các nội dung: Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách mới về BVMT theo quy định của Luật BVMT và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; Tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ trong công tác quản lý nhà nước về BVMT cho cán bộ lãnh đạo, công chức tại các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT và các cơ quan BVMT có liên quan; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong công tác BVMT cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật BVMT của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân; tạo sự đồng thuận trong xã hội về thực thi Luật BVMT và các quy định chi tiết thi hành, góp phần nâng cao hiệu quả công tác BVMT.

    Về giám định tư pháp trong lĩnh vực TN&MT, ngày 29/12/2021, Bộ TN&MT có Văn bản số 8089/BTNMT-PC gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện Thông tư số 15/2021/TT-BTNMT quy định giám định tư pháp trong lĩnh vực TN&MT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, thực hiện một số nội dung: Tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Thông tư số 15/2021/TT-BTNMT đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng; giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực TN&MT; Thực hiện bổ nhiệm giám định viên tư pháp và công bố tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực TN&MT của địa phương theo thẩm quyền; Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi danh sách giám định viên tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực TN&MT của địa phương về Bộ TN&MT để tổng hợp, công bố theo quy định.

    Để nâng cao hiệu quả thực hiện GĐTHMT trên thực tế, xin đề xuất một số giải pháp:

- Rà soát, công bố các tổ chức giám định tư pháp lĩnh vực môi trường làm cơ sở để lựa chọn tổ chức GĐTHMT.

- Thực hiện xã hội hóa hoạt động GĐTHMT và nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi, hỗ trợ các tổ chức giám định nhất là trong thời gian đầu mới thành lập vì đây là lĩnh vực khó và yêu cầu chuyên môn, trách nhiệm cao. 

- Người giám định phải tuân thủ quy chuẩn chuyên môn của chuyên ngành đó. Giám định phải được tiến hành theo một trình tự nhất định, không chủ quan, võ đoán, hay bỏ qua một bước, một khâu nào trong quá trình giám định. Tuân theo quy chuẩn chuyên môn là cơ sở để đánh giá kết luận giám định, đảm bảo tính đúng đắn, khách quan.

- Cần thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định, kiến thức pháp luật cho đội ngũ làm công tác giám định. Cụ thể, thời gian tới, Bộ TN&MT cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giám định tư pháp; đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp, các bộ, ngành tăng cường công tác phối hợp, trao đổi nghiệp vụ, tổ chức tập huấn để nâng cao chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác giám định tư pháp.

- Tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa cơ quan trưng cầu giám định và cơ quan được trưng cầu giám định để nội dung trưng cầu giám định sát với yêu cầu giám định; phù hợp với tính chất chuyên môn theo từng lĩnh vực; cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu, thông tin cần thiết cho việc thực hiện giám định để việc thực hiện giám định có hiệu quả và đảm bảo thời hạn quy định.

- Bảo đảm nguồn kinh phí chi trả chi phí GĐTHMT; Đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị, công nghệ và cơ sở vật chất đảm bảo để thực hiện GĐTHMT.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp trong lĩnh vực môi trường ở cấp Bộ và địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật BVMT 2014

2. Luật BVMT 2020

3. Luật Giám định tư pháp 2020

4. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT

5. Thông tư số 15/2021/TT-BTNMT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực TN&MT

6. Yêu cầu GĐTHMT, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Hoàng Bích Hồng - Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường, Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2018.

Hoàng Bích Hồng

Viện Khoa học Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2022)

Ý kiến của bạn