Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Đà Nẵng: Bảo vệ môi trường làm nền tảng để xây dựng thành phố sinh thái

03/06/2021

     UBND TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố (TP) môi trường” giai đoạn 2021 - 2030. Đề án đặt mục tiêu tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao các mục tiêu xây dựng TP môi trường theo Đề án phê duyệt năm 2008. Phấn đấu đến năm 2025, TP đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái; tạo sự an toàn về sức khỏe và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, cho du khách trong và ngoài nước khi đến với TP Đà Nẵng. Nhân dịp này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Tô Văn  Hùng - Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng.

                   Ông Tô Văn  Hùng - Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng

     PV: Xin ông cho biết, việc TP tiếp tục ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường” giai đoạn 2021 - 2030 có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh Việt Nam hiện nay?

     Ông Tô Văn Hùng: Trên cơ sở triển khai Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường” giai đoạn 2008 - 2020, TP tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường” giai đoạn 2021 - 2030 thể hiện sự quyết tâm của Lãnh đạo TP trong xây dựng và phát triển TP Xanh - Sạch - Đẹp; tạo sự an toàn và sức khỏe cho người dân trong một TP có chất lượng môi trường tốt, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống. Thực hiện Đề án chính là thực hiện chủ trương mà Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Với định hướng trở thành một TP sinh thái, hiện đại trong tương lai, Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường” chính là lộ trình về quản lý môi trường được đề ra để triển khai đồng thời với quá trình xây dựng và phát triển TP.

     Hiện nay, các chỉ đạo của Trung ương về môi trường đã có những định hướng rõ nét và giao quyền hết sức cụ thể, quyết liệt cho UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Ban hành Đề án trong bối cảnh hiện nay chính là TP sẵn sàng có một kế hoạch cụ thể về môi trường, hoàn toàn đáp ứng với các chủ trương, chỉ đạo của các Bộ, ban, ngành Trung ương. Cụ thể như: Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đang hoàn thiện Dự thảo để trình Chính phủ ban hành); Chỉ thị số 41/CT - TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn; Chỉ thị số 03/CT-TTg về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí ngày 18/1/2021; Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa ngày 20/8/2020.

     Đặc biệt, tại thời điểm hiện nay, việc ban hành Đề án là rất thuận lợi, hoàn toàn khả thi khi TP Đà Nẵng đã có sự nghiên cứu, tích hợp trong quy hoạch chung của TP vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

     PV: Ông có thể đánh giá qua những kết quả đạt được của Đề án giai đoạn 2008 - 2020, thưa ông?

     Ông Tô Văn Hùng: Sau 12 năm triển khai Đề án, được sự Lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy, chính quyền TP, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện đã tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu Đề án, góp phần xây dựng Đà Nẵng phát triển vượt bậc, chất lượng môi trường nhìn chung cơ bản tốt. TP nhận được nhiều giải thưởng như là một trong 11 TP bền vững về môi trường của ASEAN (2011); TP phong cảnh châu Á (2013); đô thị xuất sắc trong phong trào xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp, TP xuất sắc trong chuyển đổi (2015); TP Xanh quốc gia của Việt Nam (năm 2018).

     Trong Đề án giai đoạn trước, có 10 chỉ tiêu đề ra thì có 7 chỉ tiêu đạt được, đó là: Chỉ số ô nhiễm không khí (API) trong khu vực đô thị luôn nhỏ hơn 100; độ ồn tại khu dân cư nhỏ hơn 60dbA, đường phố nhỏ hơn 75dbA; diện tích không gian xanh đô thị bình quân đầu người từ 6-8m2/người; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại các quận nội thành là 97,83%, khu vực nông thôn là 76,81%; tỷ lệ nước thải công nghiệp đạt yêu cầu xả thải đạt 100%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị đạt hơn 95%, khu vực nông thôn là hơn 70%; tổng lượng nước thải sinh hoạt thu gom đến năm 2020 đạt trên 83%, tỷ lệ xử lý đạt quy chuẩn đạt hơn 50%.

     Bên cạnh những kết quả nêu trên, TP vẫn còn tồn tại, bất cập về môi trường cũng như việc thực hiện Đề án, cụ thể đó là: 3 tiêu chí chưa đánh giá được hoặc chưa đạt được theo mục tiêu đến năm 2020 (tỷ lệ các nhà máy kiểm soát ô nhiễm không khí; tỷ lệ chất lượng nước đạt yêu cầu tại các khu vực: sông, ven biển, hồ, nước ngầm (có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ); tỷ lệ tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp). Công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, chưa tuân thủ các quy định, quy chuẩn dẫn đến tình trạng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoạt động chưa bảo đảm quy định về khoảng cách cách ly vệ sinh môi trường từ các cơ sở sản xuất với khu vực dân cư xung quanh; thiếu diện tích cây xanh; các trạm trung chuyển rác quy mô nhỏ, chưa đảm bảo nằm trong khu dân cư hay bãi chôn lấp vệ sinh Khánh Sơn; sự phát triển quá mức các dự án du lịch ven biển gây quá tải hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, cũng như quản lý chất thải rắn ở các khu vực này. Công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật về môi trường còn thiếu đồng bộ, việc tính toán quy mô, lựa chọn công nghệ xử lý chưa bảo đảm. Các công cụ quan trắc môi trường để dự báo và ngăn ngừa ô nhiễm chưa đáp ứng, phần lớn trang thiết bị quan trắc thủ công, thụ động; năng lực quan trắc môi trường tự động, ứng dụng công nghệ thông tin còn ở mức thấp; nhân lực quản lý môi trường các cấp, ngành chưa tương ứng với sự phát triển đô thị và những công tác quản lý chuyên ngành mới. Nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước chưa thực sự bền vững, trong khi việc thu hút từ xã hội hóa còn mới, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…

     PV: Đề án giai đoạn 2021 - 2030 có điểm gì nổi bật so với Đề án giai đoạn trước, thưa ông?

     Ông Tô Văn Hùng: Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ rất quan trọng mà Bộ Chính trị đặt ra cho TP Đà Nẵng là sau năm 2030, TP tiếp cận với mô hình đô thị sinh thái; Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường” giai đoạn 2021-2030 đã tiếp cận rất nhiều mục tiêu mà hiện nay các nước tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là các nước Châu Âu đã thực hiện, nhất là việc xử lý môi trường nước, không khí, rác thải, năng lượng, tuần hoàn chất thải, giảm phát thải khí nhà kính…, bảo đảm các tiêu chuẩn cao nhất và quan tâm đến vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học. Ngoài các tiêu chí về chất lượng môi trường như trước đây, Đề án đã bổ sung các tiêu chí thể hiện hành động thực thi của các ngành, địa phương tham gia trong công tác quản lý, BVMT.

Đoàn viên, thanh niên TP Đà Nẵng thu gom rác thải trên bãi biển Thọ Quang, quận Sơn Trà

     Trong giai đoạn này, Đề án có cách tiếp cận tổng hợp và có tính chiến lược theo 4 nhóm chỉ tiêu: Phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm; Cải thiện môi trường, giải quyết vấn đề môi trường trọng tâm - trọng điểm; Bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái; Nâng cao năng lực, nhận thức cộng đồng về môi trường. Theo đó, có những điểm mới là: Bảo tồn đa dạng sinh học – hệ sinh thái, xây dựng các khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp sinh thái, cải tạo – phục hổi môi trường ở các khu vực khai thác khoáng sản, tiếp cận kinh tế tuần hoàn đối với rác thải, nước thải, công khai thông tin, xử lý các phản ánh, kiến nghị về môi trường một cách kịp thời…

     Trước đây, Đề án chỉ xác định 10 tiêu chí liên quan về chất lượng các thành phần môi trường (không khí, nước, đất). Do đó, khi thực hiện đánh giá kết quả sau 12 năm triển khai, chúng tôi xét thấy cần thiết phải cụ thể hóa hơn và bổ sung một loạt các tiêu chí liên quan các lĩnh vực mục tiêu mới, hướng đến các tiêu chí sinh thái (KCN, Khu đô thị, năng lượng, giảm phát thải,…); đồng thời bổ sung các tiêu chí nhằm đánh giá sự tham gia, hành động được tổ chức triển khai bởi các sở, ngành, đơn vị (giáo dục, giao thông, công nghiệp, y tế, xây dựng…) trong phân loại rác thải trong trường học, trong cộng đồng, sự tiếp nhận và phản ánh về môi trường… Theo đó, Đề án giai đoạn 2021-2030 có 31 tiêu chí chia thành 4 nhóm, tăng 21 tiêu chí so năm 2008.

     Nhóm phòng ngừa và kiểm soát có 7 tiêu chí, nổi bật là đến năm 2030 có ít nhất 3 khu công nghiệp sinh thái, 25% xe buýt công cộng chạy bằng động cơ điện trên tổng số xe buýt đang hoạt động trên địa bàn TP; tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính từ các giải pháp phát triển năng lượng điện, năng lượng mới và tái tạo đến năm 2030 giảm 5-7%...

     Nhóm cải thiện môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm có 13 tiêu chí, trong đó, 100% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; 100% dân số nông thôn được cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh; tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt quy chuẩn đến năm 2030 đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn theo quy định đến năm 2030 đạt hơn 97%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 100%; các điểm nóng ô nhiễm môi trường được cải tạo, không có cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng).

     Nhóm bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học có 4 tiêu chí, gồm: giữ vững và khuyến khích việc gia tăng tỷ lệ che phủ rừng, bảo đảm duy trì diện tích đất được bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học; bảo đảm bố trí diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người khu vực nội thành, nội thị đạt 9m2/người vào năm 2030, xây dựng mô hình các khu đô thị sinh thái...

     Nhóm tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về BVMT có 7 tiêu chí. Theo đó, bảo đảm tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động BVMT hơn 3%; tỷ lệ hộ dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đạt 100% vào năm 2030, tỷ lệ trường học triển khai phân loại rác tại nguồn đạt 100% vào năm 2025; 100% các phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường của người dân được giải quyết kịp thời...

     PV: Để xây dựng Đà Nẵng - TP Môi trường và hướng đến đô thị sinh thái vào năm 2030 trong điều kiện Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng đang có mức phát triển trung bình, TP đã đề ra những giải pháp gì thưa ông ?

    Ông Tô Văn Hùng: Trên thế giới có nhiều mô hình xây đựng đô thị sinh thái, đặc biệt là ở các nước phát triển nhưng phần lớn là đặt ra việc xây dựng TP sinh thái trên nền kinh tế phát triển. Mặc dù TP đang phát triển ở mức trung bình nhưng Đà Nẵng có khát vọng và rất mong muốn đặt nền móng để tương lai trở thành đô thị sinh thái. Để thực hiện và tiếp cận mục tiêu hướng đến đô thị sinh thái vào năm 2030, Đề án đề ra 51 nhiệm vụ, dự án, công trình, phi công trình với tổng kinh phí khái toán thực hiện trong giai đoạn 2021-2030 là 15.546 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước 5.436 tỷ đồng, nguồn vốn ODA 3.200 tỷ đồng và nguồn vốn xã hội hóa 6.910 tỷ đồng.

     Trong quá trình thực hiện Đề án, bên cạnh nội lực của TP, rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các nước, trở thành các đối tác lớn của TP trong hành trình xây dựng Đà Nẵng TP môi trường trong tương lai. Theo đó, TP cần sự hỗ trợ, phát triển những giải pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường như xây dựng, phát triển hệ thống giao thông thông minh; xây dựng các công viên trong đô thị, bảo tồn các khu vực bảo tồn thiên nhiên, khu vực đất ngập nước…; cải thiện cảnh quan môi trường các hồ sinh thái, hồ thủy lợi, kênh mương… Bên cạnh đó, cần có sự huy động hiệu quá các nguồn lực từ khối doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển, tích hợp với mục tiêu TP Môi trường, ví dụ như xây dựng Khu đô thị sinh thái, Công nghiệp sinh thái..., hay xã hội hóa trong đầu tư, vận hành các dịch vụ môi trường…

     Trong Đề án lần này, vai trò của cộng đồng, người dân tiếp tục được xác định là 1 trong 4 trụ cột chiến lược của Đề án. Theo đó, chúng tôi tiếp tục duy trì các hoạt động hưởng ứng phong trào, mô hình BVMT trong toàn thể nhân dân, doanh nghiệp (như: phong trào Ngày Chủ nhật xanh-sạch-đẹp, Ngày môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn...). Huy động, kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phân loại rác tại nguồn, giảm sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần... TP cũng tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT, làm cho ý thức BVMT trở thành thói quen, đi sâu vào nếp sống của mọi tổ chức, người dân và hướng tới TP sinh thái, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, Đề án lần này nhấn mạnh đến việc đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, người dân, doanh nghiệp về chất lượng môi trường, công tác BVMT trên địa bàn TP. Như vậy, Đề án có thực hiện thành công hay không, ngoài nỗ lực thực hiện, còn được phản ánh thông qua kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, người dân, doanh nghiệp về chất lượng môi trường, công tác BVMT.

     PV: Xin trân trọng cám ơn ông!

Nguyễn Hằng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2021)

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn