Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

14/04/2022

    Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    Quan điểm xuyên suốt của Chiến lược là: Môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội; BVMT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân có vai trò quan trọng; BVMT phải lấy bảo vệ sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; BVMT phải dựa trên nâng cao chất lượng thể chế và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả; tăng cường trách nhiệm giải trình, tính công khai, minh bạch và sự giám sát của cộng đồng; Đầu tư cho BVMT là đầu tư cho phát triển bền vững; tăng cường huy động nguồn lực trong xã hội kết hợp với tăng chi ngân sách; áp dụng hiệu quả nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý và bồi thường thiệt hại, người hưởng lợi từ các giá trị môi trường phải trả tiền; tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng và người dân trong BVMT.

    Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách cơ bản được giải quyết, chất lượng môi trường từng bước được cải thiện, phục hồi; tăng cường bảo vệ các di sản thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái; ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

    Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường; Giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường; Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thúc đẩy BVMT trong khai thác, sử dụng tài nguyên; Chủ động BVMT để góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính…

    Các giải pháp thực hiện Chiến lược gồm: Đổi mới tư duy của các cấp, các ngành; nâng cao nhận thức, ý thức BVMT của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT phù hợp với thể chế kinh tế thị trường; Hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong BVMT; Tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về BVMT; Huy động đầu tư từ xã hội, tăng dần chi ngân sách, nâng cao tính hiệu quả trong sử dụng nguồn lực về BVMT; Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu về môi trường; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về BVMT trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế.

    Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giám sát, kiểm tra, tổng hợp việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp BVMT trong lĩnh vực, địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý, lồng ghép trong báo cáo công tác BVMT hàng năm theo quy định, gửi Bộ TN&MT tổng hợp. Bộ TN&MT có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tổng hợp việc thực hiện Chiến lược; hàng năm xây dựng báo cáo về công tác BVMT trên phạm vi cả nước; tổ chức sơ kết 5 năm, tổng kết 10 năm tình hình thực hiện Chiến lược, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

An Bình

Ý kiến của bạn