Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Chế định kiểm toán môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

06/01/2021

   Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã ghi nhận kiểm toán môi trường (KTMT) như một công cụ khuyến khích để thực hiện quản lý môi trường (tại Khoản 7, Điều 6). Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại nội dung này chưa có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện. Thực tế nội dung KTMT đã được triển khai trong một số dự án, một số doanh nghiệp nhưng chủ yếu được lồng ghép ở các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán năng lượng mà chưa có cuộc kiểm toán môi trường theo đúng nghĩa.

    Từ kết quả triển khai tại một số đơn vị cũng như những đánh giá đúng vai trò, ý nghĩa của KTMT. Đồng thời từ việc nghiên cứu kinh nghiệm một số nước trên thế giới, nhóm nghiên cứu đã đề xuất xây dựng một điều khoản riêng về KTMT. Ngày 17.11.2020, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với 171 Điều trong đó Điều 74 đã quy định cụ thể hơn, chi tiết hơn về nội dung KTMT tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật hoạt động tự KTMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Bên cạnh đó Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đã quy định vai trò của Kiểm toán nhà nước trong thực hiện kiểm toán quản lý môi trường (quy định tại Điều 160).

    Chế định KTMT trong Luật BVMT 2020 bao gồm các nội dung sau:

    Thứ nhất, Luật BVMT đã đưa ra một khái niệm tổng quan và đầy đủ về KTMT đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. KTMT là việc xem xét, đánh giá có hệ thống, toàn diện hiệu quả quản lý môi trường, kiểm soát ô nhiễm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. So sánh với các khái niệm về KTMT mà một số nước và các tổ chức quốc tế đang sử dụng hiện nay cho thấy khái niệm nêu trên là phù hợp, bao hàm đầy đủ nội dung và mục đích chính của kiểm toán môi trường.

    Thứ hai về nội dung thực hiện KTMT tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gồm 02 nội dung: Một là việc sử dụng năng lượng, hóa chất, nguyên liệu, phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất và hai là kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải.

    Với nội dung quy định như trên có thể hiểu tương ứng với loại hình KTMT thực hiện tại cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ gồm: kiểm toán chuyên đề (năng lượng, hóa chất, nhiên liệu, nguyên liệu, chất thải), kiểm toán vận chuyển (phế liệu nhập khẩu) và kiểm toán tuân thủ chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

    Về kiểm toán chuyên đề hay còn được gọi là kiểm toán kỹ thuật sẽ giúp mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cải thiện được hiệu quả quản lý môi trường, tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, nước, nguyên vật liệu, và có giải pháp phù hợp để xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Yêu cầu về thông tin đầu vào như năng lượng, hóa chất, nguyên vật liệu và các thông tin đầu ra như thông tin về sản phẩm, thông tin về chất thải phát sinh là rất quan trọng và là yêu cầu bắt buộc để triển khai kiểm toán chuyên đề thông qua phương pháp tính toán cân bằng vật chất.

   Về nội dung kiểm toán vận chuyển: việc thực hiện sẽ giúp cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhận biết được những nguyên nhân gây ra thất thoát nguyên vật liệu, phế liệu và gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển từ các kho bãi, bến cảng... tới nhà máy. Thực hiện nội dung này cũng yêu cầu có đầy đủ thông tin về phương tiện vận chuyển, quãng đường đi chuyển, phương án vận chuyển, thiết bị vận tải, thiết bị kỹ thuật...

    Đối với nội dung thực hiện kiểm toán tuân thủ chính sách, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường thì thông tin về tình hình hoạt động, hồ sơ môi trường là nguồn thông tin đầu vào cần thiết. Kinh nghiệm của một số nước cho thấy để thực hiện nội dung kiểm toán tuân thủ chính sách, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường thì cần phải có đầy đủ thông tin về môi trường của doanh nghiệp thông qua việc tiếp cận hồ sơ hoặc thông qua các đợt khảo sát, thu thập thông tin bằng bảng hỏi và quan sát thực tế tại doanh nghiệp.

    Thứ ba, chính sách khuyến khích của nhà nước đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tự thực hiện KTMT mà chưa có yêu cầu bắt buộc. Việc quy định như vậy nhằm tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chủ động thực hiện. Bản thân mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thể tự lựa chọn phương án: (1) tự thực hiện KTMT nếu có đầy đủ điều kiện về nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật hoặc (2) thuê một đơn vị  tư vấn có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và các điều kiện khác để tư vấn, lập báo cáo KTMT của cơ sở. Việc quy định như trên nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện KTMT và lựa chọn phương án thực hiện tối ưu, phù hợp với điều kiện và khả năng của mỗi doanh nghiệp. Mục đích cuối cùng là tự bản thân mỗi doanh nghiệp nhận thấy được ý nghĩa, vai trò của hoạt động KTMT trong công tác quản lý môi trường và trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

    Vì KTMT là một chế định mới do vậy để đảm bảo hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ xây dựng hướng dẫn về KTMT tại cơ sở, sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Nếu được ban hành tài liệu hướng dẫn này sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp thực hiện báo cáo KTMT phù hợp với đặc trưng, đặc điểm riêng của mỗi ngành nghề, khu vực sản xuất. Nội dung tài liệu hướng dẫn về trình tự, thủ tục, các bước và phương pháp cần thiết để thực hiện KTMT tại doanh nghiệp cũng như các biểu mẫu chung trong báo cáo KTMT.

    Việc quy định về KTMT trong Luật bảo vệ môi trường năm 2020 là một bước tiến lớn để thực hiện quản lý môi trường tại doanh nghiệp được tốt hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm các lựa chọn với cơ sở pháp lý vững chắc hơn trong thực hiện quản lý môi trường tại doanh nghiệp.

ThS. Hàn Trần Việt

  Viện Khoa học môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2020)

Ý kiến của bạn