Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Xây dựng Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu

07/06/2019

     Huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là một trong những địa phương có nhiều sáng kiến trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Để nâng cao chất lượng xây dựng NTM trên địa bàn; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng, làm động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua hoạt động du lịch, dịch vụ, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 17/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 -  2025”. Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Viết Hồng -  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện hiệu quả Đề án.

 

Ông Đinh Viết Hồng -  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

 

     PV: Ông có thể cho biết một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Nghệ An về thực hiện Đề án xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện NTM kiểu mẫu?

     Ông Đinh Viết Hồng: Thực hiện Quyết định số 17/QĐ-TTg, ngày 4/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 2025. Ngày 28/3/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 913/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 17/QĐ-TTg, với nhiệm vụ trọng tâm sau:

     Tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM cấp xã, cấp huyện: Kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên doanh liên kết trong sản xuất tại các vùng, như: Vùng lúa khoảng 1.877 ha (tại các xã: Nam Xuân, Nam Giang, Kim Liên...); Vùng sản xuất rau màu (tại các xã: Nam Anh, Nam Xuân, Nam Thanh, Nam Lộc...); Vùng trồng sen, hoa (tại Kim Liên, Nam Kim, Nam Thanh...). Đồng thời, kêu gọi đầu tư một số khu chế biến các sản phẩm lợi thế của huyện; Củng cố và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển chăn nuôi gắn với BVMT và vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên các sản phẩm truyền thống.

     Nâng cấp hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, chú trọng giao thông kết nối từ huyện đến cơ sở, các điểm di tích phục vụ du lịch, công trình dự án trọng điểm, như: Xây dựng quốc lộ 46 tránh thị trấn Nam Đàn; mở rộng quốc lộ 15 đoạn qua Nam Đàn...

     Xây dựng cảnh quan môi trường Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp, thân thiện, trong đó chú trọng phát động nhân dân trồng cây, hoa trên các tuyến đường thôn, xóm, xã; xây dựng các vườn chuẩn NTM, khu dân cư kiểu mẫu; kêu gọi đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các nhà máy nước sạch tập trung trên địa bàn, trước mắt là xây dựng Nhà máy nước sạch vùng Năm Nam; xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung toàn huyện tại xã Khánh Sơn.

     Xây dựng các nội dung, tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch: Bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng trên địa bàn huyện, ưu tiên di tích đã được xếp hạng (Đình Hoành Sơn, Đình Trung Cần); hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch, kết nối các điểm di tích để hình thành tuyến du lịch trong và ngoài huyện; cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế (Bột sắn dây, tinh bột nghệ, bún, bánh, tương, hồng, chanh, sen...); xây dựng các mô hình NTM kiểu mẫu về văn hóa gắn với du lịch tại các xã Kim Liên, Nam Anh, Nam Thanh, Nam Nghĩa, Nam Cát, Vân Diên.

     PV: Một trong những nhiệm vụ về tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM là hoàn thành các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT), vậy kết quả thực hiện của huyện Nam Đàn trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?

     Ông Đinh Viết Hồng: Thực hiện tiêu chí môi trường không dễ, vì đây là tiêu chí động, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình đều phải có ý thức trong việc BVMT. Đối với việc xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT trên địa bàn huyện Nam Đàn, hiện tỉnh Nghệ An đã tích cực chỉ đạo triển khai các biện pháp nhằm xử lý dứt điểm 1 cơ sở gây ÔNMTNT là bãi rác thải thị trấn Nam Đàn (xã Nam Thái) và hỗ trợ xây dựng Nhà máy xử lý rác thải Nam Đàn.

     Trước đây, bãi rác thải thị trấn Nam Đàn (xã Nam Thái) do UBND thị trấn quản lý, sử dụng và phục vụ xử lý chôn lấp rác thải sinh hoạt cho khu vực thị trấn, với diện tích khoảng 3.000 m2, cách đường quốc lộ 15A khoảng 500 m. Sau hơn 10 năm hoạt động, bãi rác đã quá tải. Ngày 23/6/2014, UBND huyện Nam Đàn ban hành Quyết định số 3353/QĐ-UBND về việc đóng cửa bãi rác thị trấn Nam Đàn. Ngày 6/10/2015, UBND tỉnh có Quyết định số 4502/QĐ-UBND phê duyệt Danh mục các cơ sở gây ÔNMTNT năm 2014 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó có bãi rác thải tại xã Nam Thái. Để khắc phục ô nhiễm môi trường (ÔNMT), trong thời gian qua, UBND huyện, thị trấn đã thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục ÔNMT tại bãi rác thị trấn Nam Đàn như: Xây tường bao quanh bãi rác; thường xuyên phun chế phẩm vi sinh EM; thực hiện chôn lấp rác và trồng cây xanh phủ kín khu vực bãi rác; bố trí lực lượng tuần tra, kiểm tra để tránh tình trạng người dân đổ rác thải bừa bãi. Đến nay, bãi rác Nam Thái đã được phủ kín bởi thảm thực vật gồm cây keo lá tràm và cây bụi. Rác thải hữu cơ đã phân hủy hết, không còn mùi hôi, không còn nước thải từ bãi rác gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân trong vùng. Hiện, Sở TN&MT đã có Công văn số 4057/STNMT ngày 17/7/2018 về việc hướng dẫn UBND huyện Nam Đàn lập hồ sơ đề nghị chứng nhận hoàn thành xử lý ÔNMT triệt để của bãi rác thị trấn Nam Đàn.

     Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4328/QĐ/UBND-CNTM ngày 6/9/2014 về phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu xử lý chất thải rắn thị trấn Nam Đàn và vùng phụ cận Lèn Dơi, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn. Theo đó, Nhà máy xử lý rác thải Nam Đàn sẽ được xây dựng tại xã Khánh Sơn do UBND huyện Nam Đàn làm chủ đầu tư và giao cho Công ty TNHH xây dựng và phát triển đô thị Phú An triển khai thực hiện. Song song với nguồn lực của địa phương, theo chủ trương của Bộ TN&MT, tỉnh Nghệ An đã đề xuất vay Quỹ BVMT Việt Nam để thực hiện.

     PV: Ông đánh giá gì về những điều kiện thuận lợi của địa phương khi thực hiện các nhiệm vụ của Đề án?

     Ông Đinh Viết Hồng: Nam Đàn là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh có bề dày truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hóa, là miền đất địa linh nhân kiệt, người dân cần cù lao động, hiếu học; được thiên nhiên ưu đãi một hệ thống cảnh quan tươi đẹp và đa dạng, hội tụ đầy đủ các yếu tố sông, núi, đồng bằng, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và du lịch dịch vụ. Tốc độ phát triển kinh tế trên địa bàn huyện trong những năm qua luôn ở mức khá cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Cơ sở hạ tầng ở nông thôn được phát triển mạnh, đồng bộ, bộ mặt nông thôn khởi sắc, tạo tiền đề phát triển kinh tế  - xã hội những năm tiếp theo.

 

Khu di tích Kim Liên (huyện Nam Đàn) - Quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh 

 

     Bên cạnh đó, kinh tế nông thôn có nhiều khởi sắc, các tuyến đường liên thôn được bê tông hóa. Mạng lưới chợ xây mới, nâng cấp góp phần phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp phát triển, nhận thức của nông dân đã từng bước chuyển biến sang tư duy sản xuất hàng hóa, các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng các loại cây trồng, giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích đều đạt và vượt kế hoạch.

     Ngoài ra, Nam Đàn có 03 cụm công nghiệp, gồm: Nam Thái (20 ha), Nam Giang (36,5 ha), Vân Diên (10 ha); các ngành nghề tiếp tục được khuyến khích đầu tư là: Dệt, may, chế biến nông sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất các mặt hàng tiêu dùng và xuất khẩu.

     Đặc biệt, huyện còn có hệ thống sông, núi, hồ đập đa dạng, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng cùng với diện tích rừng tạo nên cảnh quan thiên nhiên rất đẹp để khai thác du lịch sinh thái kết hợp với du lịch tâm linh.

     PV: Vậy, kế hoạch để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch trong xây dựng NTM của huyện Nam Đàn là gì, thưa ông?

     Ông Đinh Viết Hồng: Hàng năm, trên địa bàn huyện Nam Đàn có 2 lễ hội chính là: Đền Vua Mai và Làng Sen; huyện nằm trong vùng dân ca Ví, Giặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 173 di tích, danh thắng trong đó có 37 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là Kim Liên và Nhà lưu niệm Phan Bội Châu, Đình Hoành Sơn (xã Khánh Sơn) và một số di tích tiêu biểu có giá trị lớn về văn hóa và du lịch...

     Để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch huyện trong xây dựng NTM, tỉnh đã giao cho Sở Văn hóa Thể thao phối hợp với UBND huyện Nam Đàn xây dựng chương trình du lịch gắn với các hoạt động văn hóa trên địa bàn huyện; đề xuất danh mục các dự án ưu tiên đầu tư phát triển du lịch huyện Nam Đàn; xác định một số công trình trọng điểm để bảo tồn, tu tạo hướng tới kỷ niệm 130 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh... Cùng với đó, tăng cường công tác bảo vệ và cải thiện môi trường tại các di tích lịch sử, cụ thể: Lập đề án xây dựng tiêu chí BVMT tại di tích cấp quốc gia; kiểm soát chất lượng dịch vụ, vệ sinh môi trường, đảm bảo môi trường trong sạch, hấp dẫn du khách.     

     PV: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai những giải pháp gì để thực hiện hiệu quả Đề án?

     Ông Đinh Viết Hồng: Để thực hiện Đề án, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp của các cấp, ngành, tổ chức cá nhân và triển khai một số giải pháp:  

     Thứ nhất, căn cứ mục tiêu, nội dung đầu tư, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án, giao UBND huyện Nam Đàn lồng ghép nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với chương trình hỗ trợ và các chương trình, dự án (kể cả dự án ODA) khác trên địa bàn; huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; huy động đóng góp của nhân dân theo nguyên tắc tự nguyện (có thể bằng ngày công lao động, tiền mặt, hiện vật, hiến đất để giải phóng mặt bằng phục vụ cho xây dựng các công trình)...

     Thứ hai, vận dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi về phát triển văn hóa truyền thống, sản xuất, dịch vụ hướng tới phục vụ du lịch; Phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đối với cây ăn quả, hồng địa phương, rau, chế biến các sản phẩm từ sen; phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ du lịch...

     Thứ ba, tăng cường công tác lãnh đạo và quản lý, giám sát thực hiện: Thường xuyên kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và bộ máy giúp việc cho Ban Chỉ đạo xây dựng NTM các cấp. Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý và giám sát thực hiện, gắn trách nhiệm với cá nhân cụ thể trong triển khai thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu. Nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư trong quản lý và giám sát thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu.

     Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng với vai trò chủ thể của người dân trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu; nâng cao chất lượng cán bộ chuyên trách về tuyên truyền, vận động xây dựng NTM kiểu mẫu; biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng NTM kiểu mẫu.

     Thứ năm, tổ chức triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; an sinh xã hội, chăm sóc y tế. Yêu cầu các xã của huyện triển khai đồng bộ các giải pháp về đổi mới y tế cơ sở, tăng cường công tác chăm lo nâng cao sức khỏe của người dân theo các quy định hiện hành.

     Thứ sáu, giữ vững an ninh, trật tự xã hội,  xây dựng mô hình xóm, xã an ninh trật tự NTM kiểu mẫu. Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, trách nhiệm của lực lượng công an, các ngành, đoàn thể, quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống tội phạm và thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

     Thứ bảy, đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp có phẩm chất, năng lực thực sự ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo lao động với quy mô, chất lượng để tạo ra cơ cấu lao động hợp lý...

      PV: Xin cảm ơn ông!

 

Châu Loan (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2019)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn