Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Xác định nguyên nhân và truy tìm thủ phạm gây ô nhiễm tại Khu công nghiệp Hòa Cầm - Đà Nẵng

07/05/2019

     Ngày 20/3/2019, người dân phường Hòa Thọ Tây (Q.Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) phát hiện dòng nước từ kênh thoát nước mưa khu công nghiệp (KCN) Hòa Cầm chuyển màu trắng đục đổ ra ruộng đồng và sông Cầu Đỏ, nơi cung ứng nước sinh hoạt chính cho gần 2 triệu dân Đà Nẵng. Trước sự việc đó, người dân ngay lập tức thông báo đến cơ quan chức năng.

     Ô nhiễm môi trường kéo dài

     KCN Hòa Cầm bắt đầu đi vào xây dựng từ năm 2003 với tổng diện tích 261 ha. Ngày 3/4/2008, UBND TP. Đà Nẵng đã chính thức bàn giao KCN Hòa Cầm từ Công ty Phát triển và Khai thác Hạ tầng KCN Đà Nẵng (Công ty Daizico) sang Công ty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm. Hiện tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 85%, với 60 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực: Cơ khí, kho bãi, điện, điện tử, lắp ráp; chế biến nông sản thực phẩm; công nghiệp vật liệu xây dựng, trang trí nội thất cao cấp và công nghiệp khác (nhựa, hóa mỹ phẩm, bao bì...).

     Tình trạng ô nhiễm môi trường từ nguồn nước của Trạm xử lý nước thải KCN Hòa Cầm xảy từ năm 2014. Cứ vào mùa nắng, nhất là khi mưa giông, tại khu vực Trạm xử lý nước thải của KCN bốc mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh hưởng nặng nhất là 19 hộ dân ở các tổ dân phố 7A, 7B, 7C (P. Hòa Thọ Tây, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng), vì cư trú ở sát đường mương thoát nước. Được biết, nguyên nhân của tình trạng trên là do một số doanh nghiệp trong KCN chưa đấu nối nước thải vào trạm xử lý, nên bị chảy ra ngoài mương thoát nước mưa gây ô nhiễm; hệ thống xử nước thải chưa có lối thoát ra KCN, khiến cho nước thải ứ đọng gây ô nhiễm nặng.

     Trước năm 2014, Công ty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm đã ký kết với Công ty TNHH Khoa học, Công nghệ Môi trường Quốc Việt (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) để triển khai xây dựng và vận hành Trạm xử lý nước thải. Theo thiết kế, từ Trạm xử lý nước thải còn có một đường cống kín, dẫn nước thải đã qua xử lý về phía hạ lưu, cách Nhà máy nước Cầu Đỏ khoảng 500 m. Tuy nhiên, đến năm 2016, hệ thống cống này vẫn không được triển khai xây dựng, nước thải từ Trạm xử lý vẫn thải ra hệ thống kênh mương dẫn nước sản xuất nông nghiệp của khu dân cư. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, mà còn gây thiệt hại đến việc sản xuất, cây cối hoa màu không phát triển, cá nuôi ao hồ chết hàng loạt…

 

Nước thải có màu trắng đục gây ô nhiễm do Công ty TNHH Quốc Cường lén xả thải ra môi trường  

 

     Trước thực trạng này, đã nhiều lần người dân làm đơn kiến nghị tập thể gửi đến lãnh đạo UBND Quận Cẩm Lệ và phản ánh tại cuộc họp cử tri của HĐND TP. Đà Nẵng xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm. Do đó, Công ty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm đã xây dựng bờ tường rào bê tông để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm, tuy nhiên biện pháp này chỉ là tạm thời, chưa thể khắc phục triệt để. Ngày 20/3/2019, người dân Phường Hòa Thọ Tây lại phát hiện dòng nước từ kênh thoát nước mưa KCN Hòa Cầm chuyển màu trắng đục, vàng nhạt, kèm mùi hôi đổ ra ruộng đồng và sông Cầu Đỏ. Trước sự việc đó, người dân đã thông báo đến cơ quan chức năng.

     Xác định nguyên nhân và tìm ra thủ phạm gây ô nhiễm

     Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, Sở TN&MT Đã Nẵng đã chủ trì phối hợp với UBND Quận Cẩm Lệ, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, Công ty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm kiểm tra việc thoát nước tại KCN Hòa Cầm, đồng thời truy tìm, xử lý nghiêm đơn vị, doanh nghiệp đã lén xả thải ra môi trường gây ô nhiễm.

     Tại thời điểm kiểm tra, hệ thống thoát nước mưa của KCN Hòa Cầm có màu trắng đục, lưu lượng khoảng 3m3/giờ; và kiểm tra hệ thống thoát nước mưa bên trong KCN thì phát hiện hố gom nước mưa của Công ty TNHH Quốc Cường (chuyên đóng gói sơn và bột trét tường) có màu trắng đục, giống màu nước tại mương thoát nước mưa KCN Hòa Cầm. Cơ quan chức năng đã tiến hành lấy 3 mẫu nước để phân tích thông số, cụ thể: Một điểm cuối xả nước mưa của KCN Hòa Cầm, một điểm tại hố gom nước mưa của Công ty TNHH Quốc Cường và một điểm tại cống Xả Thì, thuộc Phường Hòa Thọ Tây, Quận Cẩm Lệ.

     Đồng thời, để đảm bảo môi trường, Công ty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm đã chặn dòng và bơm hút toàn bộ lượng nước đang tồn đọng trong đoạn mương dọc của tuyến đường số 15 về Nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN để xử lý. Đến sáng ngày 21/3/2019, nước tại đoạn mương đất của KCN ra đến cống của tuyến đường WB Hòa Thọ - Hòa Nhơn đã trong trở lại, không còn hiện tượng màu trắng đục.

     Sau 10 ngày tiến hành kiểm tra, kết quả quan trắc cho thấy, tại vị trí điểm xả nước mưa của KCN Hòa Cầm so với cột A, QCVN 40:2011/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp, các thông số ô nhiễm: pH, TSS, Cr6+, Cd, Cu, Pb, Zn, Mn, As, Hg nằm trong giới hạn cho phép; riêng thông số độ màu vượt 23,6 lần, COD vượt 5,81 lần. Tại hố gom nước mưa của Công ty TNHH Quốc Cường, so với cột A, QCVN 40:2011/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp cho thấy, các thông số ô nhiễm: pH, Cd, Cu, Pb, Zn, Mn, Ni, Hg, dầu mỡ khoáng nằm trong giới hạn cho phép; riêng thông số độ màu vượt 300 lần, tổng chất rắn lơ lửng (TSS) vượt 20,38 lần, COD vượt 32,67 lần.

     Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc và đặc biệt Sở TN&MT và UBND Quận Cẩm Lệ tiến hành kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm đã cho kết quả, xác định Công ty TNHH Quốc Cường đã lén xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Ngày 31/3/2019, Chi cục BVMT (Sở TN&MT TP. Đà Nẵng) đã ban hành văn bản công bố thông tin về mẫu nước vượt các ngưỡng cho phép tại KCN Hòa Cầm xả ra khu dân cư. Đồng thời, Chi cục cũng đề xuất Thanh tra Sở TN&MT TP. Đà Nẵng xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Quốc Cường và Công ty CP Đầu tư KCN Hòa Cầm do có vi phạm trong việc xả thải.

     Để hoạt động của các KCN đảm bảo quy định về BVMT, tránh tái diễn tình trạng xả nước thải ra môi trường qua hệ thống thoát nước mưa, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng đã đề xuất với UBND TP giao cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng thực hiện kiểm tra, rà soát công tác đấu nối nước mưa, nước thải của tất cả các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn thành phố quản lý, lắp đặt biển báo nước mưa, nước thải theo quy định; đồng thời giao UBND các quận, huyện chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT của các cơ sở thuộc quy mô quản lý nằm trong KCN.

 

Xuân Ngọ

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2019)

 

Ý kiến của bạn