Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Vụ vỡ đập chứa gyps thải tại Lào Cai: Tổng cục Môi trường nhiều lần cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường với Công ty CP DAP số 2

01/10/2018

     Ngày 7/9/2018, tại đập chứa gysp thải của Nhà máy sản xuất phân bón Diamon phốt - phát (DAP) số 2 (Công ty CP DAP số 2, thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem) đã xảy ra sự cố vỡ đập. Vị trí khu vực xảy ra sự cố nằm cạnh Tỉnh lộ 151, hướng đi về phía huyện Văn Bàn, chiều dài thân đập bị vỡ khoảng 45 m (đập được đắp bằng đất, có lớp vải địa kỹ thuật). Ước tính, lượng nước và bùn thải tràn ra môi trường khoảng 45.000 m3, nước thải có đặc tính axít, độ pH = 1,9, theo 2 hướng ra sông Hồng cách đập thải bị vỡ khoảng 15 km (1 hướng chảy tràn ra suối Hoai và chảy vào suối Phú Nhuận; 1 hướng chảy tràn qua Tỉnh lộ 151 sang bãi đất trống giáp Công ty TNHH MTV Apatit và chảy vào cống ngầm ra suối Mã Ngan và chảy vào suối Trát). Theo xác định sơ bộ ban đầu, có 35 hộ dân nằm dưới chân bãi thải và 3 tổ chức bị ảnh hưởng trực tiếp, không có thiệt hại về người.

 

Nước và bùn thải gyps của Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 tràn vào nhà dân

 

     Ngay sau khi nhận được thông tin xảy ra vụ việc, Tổng cục Môi trường đã có Công văn hỏa tốc số 4846/BTNMT - TCMT gửi UBND các tỉnh Lào Cai và Yên Bái đề nghị huy động nhân lực, vật lực và phương tiện để triển khai các giải pháp ứng phó sự cố, cô lập nguồn nước bị ô nhiễm; thông báo cho người dân sinh sống gần khu vực dòng chảy bị ô nhiễm do sự cố vỡ đập để di dời, hoặc có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân; tiến hành điều tra, khảo sát, xác định nguyên nhân gây ra sự cố, phạm vi ảnh hưởng, tổng hợp mức độ thiệt hại về kinh tế, sức khỏe, môi trường khu vực bị ảnh hưởng và thông báo kết quả về Bộ. Đồng thời, để nắm bắt tình hình thực tế tại hiện trường, Bộ TN&MT đã cử Đoàn công tác của Tổng cục Môi trường đến tỉnh Lào Cai nhằm phối hợp với địa phương thực hiện khảo sát và tổ chức triển khai khắc phục sự cố.

     Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân ban đầu là do mưa lớn, bờ đập bằng đất bị ngấm nước và lượng nước róc từ gyps chứa trong đập khá lớn, dẫn đến sạt lở đập chứa gyps, khiến hàng nghìn mét khối nước thải tràn ra môi trường. Sự cố xảy ra vào ban ngày, nên công tác ứng phó sự cố đã được triển khai kịp thời; tỉnh Lào Cai đã huy động các lực lượng quân đội, công an và doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) Tằng Loỏng tham gia ứng phó, khắc phục kịp thời sự cố. Đến ngày 9/9/2018, sự cố cơ bản được khống chế; phần thân đập bị vỡ đã được đắp lại, bảo đảm không rò rỉ nước ra môi trường. Lực lượng ứng phó đã sử dụng vôi bột rắc tại khu vực nước thải tràn và đầu nguồn các dòng chảy để trung hòa nồng độ axít nước thải tràn ra ngoài. Qua kiểm tra, phân tích chuỗi số liệu đo mẫu nước dọc theo các con suối lân cận dẫn ra cửa sông Hồng, độ pH đạt mức 6 - 7, đảm bảo ngưỡng an toàn theo quy định. Việc hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng cũng được Công ty triển khai kịp thời, ổn định cuộc sống của người dân trong khu vực.

 

Sử dụng vôi bột để trung hòa axít dọc theo các dòng suối bị ô nhiễm

 

     Trước đó, Tổng cục Môi trường đã từng nhiều lần cảnh báo Công ty DAP số 2 về nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra đối với đập chứa bùn thải gyps. Cụ thể, tại Biên bản kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT lần 3 của Công ty ngày 8/3/2018, Tổng cục Môi trường yêu cầu, Công ty phải gia cố toàn bộ thành đê bãi thải gyps để tránh sạt lở; đảm bảo độ cao phù hợp với thực tế, phân tầng, cắt lớp; lót đáy toàn bộ bãi thải gyps, đảm bảo không rò rỉ ngấm ra môi trường. Mới đây, ngày 9/8/2018 Tổng cục Môi trường có Thông báo số 27/TB-TCMT về việc trả hồ sơ đề nghị xác nhận hoàn thành các công trình BVMT, trong đó nêu rõ, Công ty phải báo cáo kết quả thực hiện việc khắc phục hậu quả, hoàn thiện hồ sơ báo cáo hoàn thành các công trình BVMT gửi về Bộ TN&MT để kiểm tra theo quy định. Tuy nhiên, đến nay, Công ty chưa báo cáo hoàn thành theo yêu cầu của Tổng cục Môi trường thì xảy ra sự cố vỡ đập lần nay.

     Qua sự cố vỡ đập chứa gyps thải của Công ty CP DAP số 2 có thể thấy, doanh nghiệp này còn khá chủ quan, cũng như chậm trễ trong việc phòng ngừa, ứng phó sự cố do đập chứa gyps thải, mặc dù, đã có yêu cầu và cảnh báo của Tổng cục Môi trường, Đoàn Giám sát của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội gần đây.

     Để đảm bảo an toàn đập chứa gyps thải, Công ty cần rà soát đánh giá tổng thể khắc phục những điểm xung yếu có nguy cơ mất an toàn đập hiện có; xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và sự cố môi trường từ đập chứa gyps thải; đặc biệt, cần có kế hoạch đổ bê tông hoặc kè đá và lót đáy chống thấm qua thân đập. Thời gian tới, Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh Lào Cai, Yên Bái thường xuyên theo dõi diễn biến chất lượng nước sông Hồng và các suối gần KCN Tằng Loỏng để sớm cảnh báo các tác động xấu đến môi trường nước; đồng thời, giám sát, nắm bắt thông tin về công tác khắc phục sự cố môi trường tại Công ty CP DAP số 2 để kịp thời báo cáo Bộ TN&MT.

 

Phương Linh

Ý kiến của bạn