Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Triển vọng hợp tác Việt Nam với Quỹ Khí hậu xanh

21/08/2018

     Tính đến hết tháng 6 năm 2018, Việt Nam là một trong số 10 quốc gia châu Á (trong tổng số 33 quốc gia trong khu vực) tiếp cận thành công nguồn tài trợ của Quỹ Khí hậu xanh (GCF). Theo đó, Việt Nam có 2/18 Dự án khu vực châu Á đã nhận được tài trợ từ GCF với số vốn 116,1 triệu USD (Chiếm 15% số vốn tài trợ của GCF cho khu vực) và 1 Dự án hỗ trợ sẵn sàng tiếp cận GCF, trong tổng số 19 Dự án Quỹ GCF đã tài trợ cho 19 nước trong khu vực châu Á.

 

Bộ KH&ĐT tổ chức công bố Dự án “Tăng cường năng lực chống chịu với tác động của BĐKH cho

các cộng đồng cư dân ven biển tại Việt Nam”, ngày 26/6/2017

 

Đôi nét về GCF

     GCF được thành lập năm 2010 tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP16) tại Cancun, Mêhicô nhằm huy động các nguồn tài trợ cho đầu tư phát triển ít phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở các nước đang phát triển. Các lĩnh vực chiến lược của GCF gồm: Năng lượng, giao thông, xây dựng, đô thị, công nghiệp và thiết bị; Sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và rừng (LULUCF); Tăng cường khả năng chống chịu và phúc lợi cho các cộng đồng, dân cư và khu vực dễ bị tổn thương; Nâng cao chất lượng y tế, phúc lợi, an ninh nước và lương thực; Tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng và môi trường; Tăng cường khả năng chống chịu của hệ sinh thái và dịch vụ hệ sinh thái. Ban Chỉ đạo GCF gồm 24 thành viên đại diện các nước đang phát triển và các nước phát triển.

     Tính đến tháng 4/2018, GCF đã nhận được cam kết đóng góp là 10,3 tỉ đôla Mỹ và đã huy động được 10,2 tỉ đôla Mỹ, có mục tiêu huy động 100 tỉ đô la Mỹ đến năm 2020 để thực hiện thỏa thuận toàn cầu về BĐKH. Đây là cơ chế tài chính mới được thành lập và vận hành năm 2013. Tuy nhiên, dự kiến trong thời gian tới, GCF sẽ là cơ chế tài chính quan trọng và duy nhất trên cơ sở sáp nhập các cơ chế tài chính hiện thời để thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về  BĐKH (UNFCCC).

     Các quốc gia có thể tiếp cận GCF thông qua đối tác công và tư (tiếp cận trực tiếp); các tổ chức đa phương, song phương, trong nước hay khu vực được GCF công nhận, như các tổ chức của Liên hợp quốc hay thể chế tài chính (tiếp cận gián tiếp). Mục đích của các phương thức tiếp cận này là tạo xúc tác cụ thể cho hợp tác công tư trong BĐKH bên cạnh việc cung cấp các hỗ trợ truyền thống như viện trợ phát triển chính thức ODA, hỗ trợ tài chính không hoàn lại, và các khoản cho vay nợ. Vì vậy, một số khu vực, cộng đồng có thể tiếp cận GCF trong cả 2 lĩnh vực thích ứng và giảm nhẹ (50/50).

     Các đơn vị (cả tiếp cận trực tiếp hay gián tiếp) đều phải thể hiện được năng lực thích hợp trong quản lý tài chính và thỏa mãn các yêu cầu tín dụng của GCF tương ứng với quy mô của các chương trình, dự án cũng như khả năng quản lý và đánh giá tác động môi trường và an ninh xã hội trong quá trình thực hiện các hoạt động BĐKH.

Việt Nam - điểm sáng trong quan hệ hợp tác với GCF

     Để điều phối các hoạt động hợp tác với GCF, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là Cơ quan thẩm quyền quốc gia (NDA) về GCF và các vấn đề liên quan. Theo đó, Bộ KH&ĐT đã tích cực tham gia các hoạt động đối thoại, hợp tác với GCF về cấu trúc chính sách và cơ hội hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với BĐKH và đầu tư phát triển ít phát thải.

     Tháng 6/2016, Việt Nam đã trở thành một trong các quốc gia đầu tiên tại châu Á được GCF phê duyệt khoản tài trợ trị giá 29,5 triệu đô la Mỹ thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho Dự án “Tăng cường năng lực chống chịu với tác động của BĐKH cho các cộng đồng dân cư ven biển tại Việt Nam” do Bộ NN&PTNT và Bộ Xây dựng đồng thực hiện.

     Ngày 16/6/2017, GCF đã chính thức phê duyệt khoản hỗ trợ trị giá 300 nghìn đô la Mỹ cho Việt Nam thông qua Chương trình Hỗ trợ chuẩn bị và sẵn sàng của Việt Nam nhằm tăng cường năng lực cho NDA Việt Nam trong quá trình xây dựng khung chiến lược quốc gia và phối hợp hợp tác hiệu quả hơn nữa với GCF. Bộ KH&ĐT đã hoàn thành thủ tục tiếp nhận khoản tài trợ và chính thức đi vào hoạt động kể từ tháng 1/2018.

     Ngày 16/3/2018, Ban chỉ đạo GCF đã quyết định phê duyệt khoản tài trợ trị giá 86,3 triệu đôla Mỹ, trong đó, viện trợ không hoàn lại là 11,3 triệu đô la Mỹ cho Dự án “Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam” do Bộ Công Thương và Ngân hàng Thế giới phối hợp xây dựng. Ngoài ra, Bộ KH&ĐT đang tích cực nghiên cứu hỗ trợ một số tổ chức trong nước trở thành tổ chức của Việt Nam được GCF công nhận.

     Hiện nay, Bộ KH&ĐT đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các tổ chức được GCF công nhận đang hoạt động tại Việt Nam (17 tổ chức) xây dựng danh mục dự án ưu tiên với tổng giá trị khoảng 2,2 tỷ đô la Mỹ, trong đó đề xuất tài trợ từ nguồn GCF khoảng 780 triệu đô la Mỹ cho các hoạt động ứng phó với tác động của BĐKH, giảm thiểu rủi ro và tăng trưởng phát thải thải ở Việt Nam nhằm thu hút nguồn hỗ trợ từ GCF. Bộ KH&ĐT hiện đang cung cấp 4 thư không phản đối với 4 đề xuất xin tài trợ của GCF (2 đề xuất cấp toàn cầu và cấp vùng do IFC và IUCN khởi xướng ; 2 đề xuất cho Việt Nam do UNDP và FAO thực hiện).

Tiềm năng hợp tác hiệu quả với GCF

    Trong thời gian qua, Việt Nam tích cực hợp tác với GCF để khơi thông dòng tài chính khí hậu này phục vụ việc thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh (TTX), BĐKH và đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Các hoạt động hợp tác được thể hiện trên nhiều hình thức thông qua các chuyến thăm, trao đổi chuyên môn cấp cao và cấp kỹ thuật giữa Việt Nam và GCF đã được thực hiện và mang lại nhiều lợi ích cho cả hai phía.

     Tháng 4/2018, Quỹ GCF đã lựa chọn Việt Nam làm đối tác đồng chủ trì Hội nghị Đối thoại của Quỹ GCF với các nước châu Á cùng sự tham dự của 7 Bộ trưởng và hơn 200 đại biểu đại diện các cơ quan thẩm quyền/đầu mối quốc gia (NDA), cơ quan được GCF công nhận (AEs) và các bên có liên quan khác ở khu vực châu Á.

    Kết quả của đối thoại hợp tác Việt Nam - GCF và chuyến thăm Việt Nam tháng 6/2017 của Giám đốc điều hành GCF cùng Lễ ký kết gói tài trợ sẵn sàng giữa Bộ trưởng Bộ KH&ĐT và Giám đốc điều hành GCF tại Songdo (Hàn Quốc) tháng 8/2017 đã khẳng định sự hợp tác chặt chẽ và mở ra nhiều hướng đi mới để phát triển hợp tác giữa Việt Nam - GCF. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chúng ta thể hiện với các nhà tài trợ, đối tác về khả năng và tiềm năng của Việt Nam trong các hoạt động hợp tác phát triển.

 

Nguyễn Thị Diệu Trinh

Vụ Khoa học, Giáo dục, TN&MT - Bộ KH&ĐT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tăng trưởng xanh năm 2018)
Ý kiến của bạn