Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Trả phí theo lượng chất thải: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam

16/07/2020

   Điều 79 Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) quy định “Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) theo khối lượng phát sinh”, thay cho cách tính phí bình quân theo đầu người hay hộ gia đình hiện nay. Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi của việc trả phí theo lượng chất thải (VBWF). Từ kinh nghiệm thực hiện VBWF trên thế giới, đặc biệt là kinh nghiệm của Mỹ và Hàn Quốc - một trong những “gương sáng” thực hiện thành công VBWF, rút ra một số bài học cho quá trình xây dựng chính sách và thực thi ở Việt Nam.

1. Kinh nghiệm chung về trả phí theo lượng chất thải (VBWF)

   VBWF là một loại công cụ kinh tế trong quản lý môi trường - một chính sách quy định người dân, các hộ gia đình và các cơ quan/tổ chức phát sinh chất thải tương tự như chất thải hộ gia đình phải trả phí theo loại chất thải và lượng chất thải mà họ thực sự xả thải.

    CTRSH (còn gọi là rác) phát sinh từ các nguồn trên được phân thành các loại như: CTR có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải cồng kềnh; CTRSH thông thường khác. Hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có phát sinh CTRSH phải thực hiện phân loại theo quy định và phải mua các loại túi, bao bì chuyên dụng do cơ quan quản lý thiết kế riêng để chứa đựng từng loại chất thải đó.

    Các loại túi, bao bì chuyên dụng có các loại kích cỡ khác nhau từ bé đến lớn, phù hợp với nhu cầu vứt rác nhiều hay ít của từng hộ gia đình, cá nhân hay tổ chức. Đối với chất thải cồng kềnh (như các loại đồ gỗ, bàn ăn, chậu bếp…), không để được trong túi chuyên dụng, thì phải được dán tem thu gom - cũng do cơ quan quản lý quy định.

    Các đơn vị, tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải có quyền từ chối thu gom, vận chuyển đối với các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức không phân loại chất thải, không để chất thải vào đúng loại bao bì như quy định hoặc chất thải cồng kềnh không được dán tem thu gom đúng quy cách. Các trường hợp vi phạm vứt rác như vậy thậm chí còn bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

    Tiền phí xả rác đã được tính vào trong giá bán các loại túi đựng hoặc tem thu gom. Các hộ gia đình, cá nhân hay tổ chức vứt nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền hơn vì phải mua nhiều loại túi hơn, mua túi to hơn hoặc tem đắt tiền hơn. Vì vậy, họ sẽ cân nhắc việc giảm thải và phân loại chất thải để tái sử dụng, sao cho số tiền mình phải trả là ít nhất.

    Việc trả phí theo lượng và loại chất thải như vậy được áp dụng ở nhiều quốc gia như Ôxtrâylia, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức và các nước châu Âu, Trung Quốc, Đài Loan… đã tạo ra động cơ kinh tế khuyến khích giảm lượng chất thải, từ đó giảm tác động tiêu cực tới xã hội do hoạt động chôn lấp hoặc đốt rác, góp phần thúc đẩy tái chế, tái sử dụng chất thải. Mặt khác, việc mua bao bì đựng rác hay tem thu gom rác chính là đã trả một phần hoặc toàn bộ kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, phù hợp với nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả”, góp phần làm giảm gánh nặng và sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước cho việc quản lý chất thải.

2. Kinh nghiệm tại Mỹ

    VBWF thực hiện từ 1973 tại Grand Rapids, thành phố lớn thứ hai của bang Michigan. Đến giai đoạn 1998 - 2008, số lượng các địa phương ở Mỹ thực hiện VBWF tăng 70%. Năm 2011 đã có khoảng 30 trong tổng số 100 thành phố lớn nhất với khoảng 25% dân số toàn nước Mỹ thực hiện chính sách VBWF. Nhờ động cơ kinh tế từ chương trình VBWF, lượng rác phải xử lý đã giảm trung bình 17%, tỷ lệ tái chế và sản xuất phân compost tăng tương ứng. Mức phí khi mới triển khai thường bù đắp được khoảng 30 - 40% chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác và sẽ tăng dần trong các năm tiếp theo. Chính sách VBWF cũng được điều chỉnh cho phù hợp với hạ tầng thu gom và điều kiện cụ thể của các đô thị.

 

Bảng 1: Thực hiện VBWF tại một số đô thị của Mỹ

Địa điểm

Năm bắt đầu

Loại túi/ thùng rác và mức phí

Lợi ích

Giảm rác thải

Tăng tỷ lệ tái chế

Grand Rapids bang Michigan

1973

3 USD/túi 32 gallon

28%, từ 32.197  xuống 23.052 tấn (2006 -2013)

76%, từ 5.958 lên 10.508 tấn (2006 -2013)

Sandwich, bang Massachusetts

2012

0,25 USD/ túi 8 gallon; 0,60 USD/túi 15 gallon và 1,20 USD/túi 30 gallon

42% (2012- 2013)

từ 29% lên 54% (tái chế vỏ lon, đồ nhựa và chai thủy tinh tăng 74%; tái chế giấy và bao bì carton tăng 20%)

San Jose, bang California

1993

29 USD/ thùng 20 gallon; 31 USD/ thùng 32 gallon; 62 USD/ thùng 64 gallon và 93 USD/ thùng 96 gallon

21% (1993-2014); hướng tới mục tiêu giảm 50% diện tích bãi chôn lấp vào năm 2020

từ 33% lên 45% (1993-2014)

 

 

Binghamton, New York

1991

1,35 USD/ túi 30 gallon; 0,75 USD/ túi 20 gallon; 0,5 USD/ túi 10 gallon

42,8 % (1990-2008)

Chi phí chôn lấp giảm 34,6%

41,2% (1990-2008)

 

 

Nguồn: Tổng hợp từ John Abrashkin (2015), Columbia University

 

    New York là thành phố đông dân nhất ở Mỹ, với khoảng 9 triệu người, phát sinh khoảng 14 triệu tấn CTR/năm. Áp dụng VBWF từ 2015, túi rác được bán với giá  2 USD/ túi 30 gallon, 3 USD/túi 45 gallon – có thể mua trực tuyến  và tại các điểm bán lẻ trong thành phố. Chủ các tòa nhà có thể đăng ký chương trình VBWF trực tuyến qua tài khoản liên kết với cơ sở dữ liệu được duy trì bởi Bộ Xây dựng cho phép theo dõi thông tin về từng đơn đặt hàng và tiêu thụ túi của tòa nhà. Chủ tòa nhà đã đăng ký sẽ được giảm giá 10% cho tất cả các loại túi, được cung cấp áp phích và tài liệu truyền thông cho cư dân về Chương trình VBWF. Thông qua một ứng dụng trên máy tính bảng được gắn trong xe thu gom, Sở Công chính thành phố có thể trích xuất thông tin về bất kỳ vi phạm nào và gửi thư/email cảnh báo cho các chủ tòa nhà. Các khoản phạt lũy tiến được áp dụng: 25 USD với thông báo vi phạm lần đầu, 50 USD lần thứ hai, 100 USD lần thứ ba và 500 USD nếu tái phạm lần 4 trong vòng sáu tháng. Chương trình VBWF đã giúp thành phố giảm 10 -13% lượng rác, tăng tỷ lệ tái chế 5-6%, tiết kiệm khoảng 145 triệu USD/ năm cho việc thu gom và xử lý chất thải. Trên toàn thành phố, phí bán túi đựng rác cũng tạo ra doanh thu mới lên tới 550 triệu USD/ năm, đáp ứng khoảng 43% ngân sách hàng năm của cơ quan vệ sinh môi trường, bù đắp cho kinh phí thu gom và xử lý chất thải trước đây phải lấy từ nguồn thuế tài sản. Vì vậy, cũng giảm được những sự phản ứng về chính trị đối với các loại phí mới phát sinh.

3. Kinh nghiệm tại Hàn Quốc

    Hàn Quốc từng gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng về thu gom và xử lý rác, khối lượng phát sinh khá lớn và không được phân loại tại nguồn để tái sử dụng, tái chế. Những năm cuối 1980, đầu 1990, nước này đã có nhiều nỗ lực truyền thông để hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn, tạo điều kiện cho tái chế và giảm nhu cầu xử lý, thải bỏ. Tuy nhiên, trong suốt khoảng 5 năm, việc này gần như không đem lại hiệu quả do người dân không thấy có lợi ích gì, đặc biệt là lợi ích kinh tế do chính sách thu phí bình quân cố định theo hộ gia đình, không phân biệt lượng rác thải.

Công tác chuẩn bị

    Hàn Quốc chính thức áp dụng VBWF trên quy mô toàn quốc đối với rác sinh hoạt từ năm 1995. Trước đó, nước này đã có hơn 3 năm chuẩn bị, nghiên cứu khả thi, thử nghiệm tại các thành phố lớn và các khu vực tập trung đông dân cư ở nông thôn. Công tác chuẩn bị được thực hiện khá bài bản. Chính phủ Hàn Quốc nỗ lực giải quyết các vấn đề phát sinh trong giai đoạn thử nghiệm, yêu cầu chính quyền địa phương thực thi các biện pháp hiệu quả để đáp ứng tình trạng gia tăng nhanh nhu cầu tái chế rác thải. Hàn Quốc cũng kéo dài thời hạn thu gom các loại rác phải chôn lấp, bố trí nhân lực để ứng phó với việc tăng đột biến lượng rác chôn lấp ngay trước khi bắt đầu thực hiện chính sách mới về VBWF. Thông qua truyền thông đại chúng và các chương trình quảng cáo, Chính phủ đã cung cấp một danh sách chi tiết những loại chất thải có thể vứt bỏ và ở đâu.

Phương thức thực hiện

    Phương thức trả phí được thực hiện thông qua việc bán túi và tem thu gom chất thải, với giá tùy theo điều kiện của mỗi địa phương, quận huyện nhưng không chênh nhau nhiều lắm. Lúc đầu chỉ có hai loại túi là tái chế và không tái chế được. Sau 15 năm, túi không tái chế được tách riêng thành túi thông thường và túi rác thực phẩm. Có nhiều kích cỡ túi khác nhau để đáp ứng nhu cầu thải rác nhiều hay ít của các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức.

 

Bảng 2: Kích cỡ của các loại túi đựng rác tại Hàn Quốc

 

Chủng loại

Thể tích túi (lít)

Nguyên liệu làm túi

1

Túi rác thông thường

3, 5, 10, 20, 30, 50, 75, 100

HDPE, LLPE, Carbonat Canxi, túi phân hủy sinh học (AP + tinh bột/HDPE hoặc AP + tinh bột/ LLPE)

2

Túi rác có thể tái sử dụng

3, 5, 10, 20, 30

3

Túi rác nơi công cộng

30, 50, 100

4

Túi rác thực phẩm

1, 2, 3, 5

Nguồn: Bộ Môi trường Hàn Quốc (2016), Hướng dẫn thực hiện VBWF
 

    Mức giá bán túi rác năm 1995 khoảng 6 cents/túi 5 lít; 11 cents/ túi 10 lít; 21 cents/túi 20 lít; 51 cents/ túi 50 lít, bù đắp được khoảng 40% tổng chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác, nhà nước bù 60% còn lại. Mức giá được điều chỉnh theo thời gian, đến nay đã cao khoảng gấp đôi so với mức ban hành năm 1995, đáp ứng được 60 - 70% tổng chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý, tùy từng địa phương. Các đồ dùng gia đình và các vật cồng kềnh như bàn ghế, tủ, thảm sàn… thì được dán tem thu gom với mức phí dao động 10 - 20 USD/ đơn vị.

    Từ năm 2013, rác thực phẩm được tính phí theo cân nặng nhằm khuyến khích người dân hạn chế lượng nước trong rác, giúp cho quá trình thu gom và vận chuyển loại rác này bảo đảm vệ sinh hơn. Các dụng cụ cân rác thực phẩm cũng được trang bị ngày càng nhiều, nhất là tại các khu chung cư đông dân.

Kết quả và hiệu quả

    Về mặt môi trường, Chương trình VBWF ở Hàn Quốc giúp giảm tổng lượng rác sinh hoạt khoảng 14%, từ 58.118 tấn/ngày năm 1994 xuống còn 49.915 tấn/ngày năm 2014. Lượng rác bình quân đầu người giảm 29%, từ 1,33 kg/ngày năm 1994 xuống còn 0,95 kg/ngày năm 2014. Lượng rác thực phẩm vứt lẫn với các loại rác khác là 31,6% năm 1994 đã giảm xuống chỉ còn 2,1% năm 2014.

 

Bảng 3: Lượng rác sinh hoạt tại Hàn Quốc qua các năm

 

1994

1995

1996

2000

2005

2010

2014

Lượng thải bình quân (kg/người/ ngày)

1,33

1,07

1,11

0,98

0,99

0,97

0,95

Tổng lượng (tấn/ngày)

58.118

47.774

49.925

46.438

48.398

49.159

49.195

Nguồn: Bản tin chính sách môi trường Hàn Quốc (2016)

 

    Lượng tái chế rác năm 2004 cao gấp 2,8 lần năm 1995 (tăng từ 8.927 tấn/ngày lên 24.588 tấn/ngày). Tỷ lệ tái chế rác tăng từ 15,4% năm 1994 lên 59% năm 2014, trong khi tỷ lệ rác chôn lấp giảm từ 81,2% xuống còn 15,7%. Lượng rác giảm cũng giúp giảm thiểu vấn đề ô nhiễm do nước rỉ rác từ các bãi chôn lấp, giảm ô nhiễm do việc đốt rác và giảm tiêu hao tài nguyên đất cho mục đích xây dựng các bãi chôn lấp mới.

    Về mặt kinh tế, lợi ích từ tiết kiệm chi phí xử lý rác và từ bán các sản phẩm tái chế tăng từ 19,6 nghìn tỉ won (17,8 tỉ USD) năm 1995 lên 21,4 nghìn tỉ won (19,5 tỉ USD) năm 2013. Năm 1995 có tổng số 1,59 tỉ túi rác được bán ra trên toàn quốc. Số lượng này giảm nhanh chóng 43% trong 4 năm sau, xuống còn 913,34 triệu túi năm 1998. Hiện tại số túi bán ra duy trì ở mức trung bình 939,18 triệu túi/năm.

    Về mặt xã hội, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên, phân loại rác để tái tái sử dụng, tái chế đã dần trở thành thói quen, thành nét văn hóa của đa số người dân sứ xở kim chi. Gần 90% người được hỏi cho biết họ cảm thấy thoái mái, không bị phiền hà đối với việc phân loại rác thải.

Tồn tại

    Vấn đề lớn nhất trong Chương trình VBWF ở Hàn Quốc là tình trạng không vứt rác vào đúng loại theo quy định và đốt rác bất hợp pháp. Nhiều gia đình không dùng túi thu gom chuyên dụng mà dùng các loại túi khác, né tránh camera giám sát ở các điểm thu gom hoặc đổ trộm rác ra các khu vực đất trống không có sự giám sát. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương yêu cầu không thu gom những túi rác không đúng chủng loại, để cho khu vực vứt rác trở nên bẩn thỉu. Vì vậy cộng đồng dân cư ở đó phải có cơ chế tự giám sát để ngăn việc vứt rác trộm. Tuy số lượng các vụ vi phạm đã giảm đáng kể từ 1.091.849 vụ năm 1995 xuống 287.404 vụ năm 2014, đây vẫn là vấn đề cần tiếp tục khắc phục.

4. Bài học và đề xuất

    Giảm thiểu, phân loại để tái sử dụng và tái chế chất thải (3R) là xu hướng chung của xã hội văn minh, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) quy định trả phí theo lượng thải (VBWF) là phù hợp và cần thiết đối với Việt Nam. Từ kinh nghiệm của các nước, để VBWF nhận được sự ủng hộ của người dân và sớm đi vào thực tế, chúng ta cần: 

Thứ nhất, có sự chuẩn bị chu đáo về chính sách, hạ tầng, nghiên cứu khả thi và hoạt động thử nghiệm trước khi có thể chính thức triển khai;

Thứ hai, tạo sự đồng thuận giữa cơ quan quản lý và người dân trên cơ sở thực hiện tốt công tác truyền thông đa chiều. Cách thức thu phí và sử dụng nguồn thu, cách phân loại rác… cần được hướng dẫn đầy đủ cho người dân và các hộ gia đình;

Thứ ba, nghiên cứu quy định mức phí phù hợp. Mức phí cần đủ lớn để khuyến khích giảm thải, nhưng không được quá cao, tạo nên gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình. Mức phí áp dụng tại các nước thường được điều chỉnh tương ứng với lạm phát và điều kiện kinh tế - xã hội;

Thứ tư, áp dụng các chế tài và mức phạt phù hợp đối với việc không tuân thủ. Tại Hàn Quốc, người vi phạm có thể bị phạt tới 900 USD nếu không bỏ rác bằng túi đựng rác đúng quy định. Các máy quay camera được lắp đặt tại các điểm thu gom rác và nhiều nơi khác để kiểm soát hành vi vi phạm.

lllThứ năm, cần thiết lập một hệ thống đồng bộ các khâu từ thu gom, vận chuyển và xử lý. Người dân sẽ mất niềm tin vào hệ thống nếu rác thải được họ phân loại tại nhà nhưng sau đó lại bị vứt lẫn vào nhau trên các xe thu gom rác.

Thứ sáu, để tránh việc nhiều người hiểu nhầm là phải cân rác, gây ra nhiều tranh luận không cần thiết, quy định trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) cần được điều chỉnh, chỉ nêu là “theo lượng phát sinh” chứ không phải là “khối lượng”. Cũng có thể giải thích rõ hơn là tính phí theo thể tích hoặc đơn vị rác thải.

 

PGS.TS Lê Thu Hoa

Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2020)

Ý kiến của bạn