Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Thực trạng và giải pháp quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hải Phòng

15/11/2019

     Trong những năm qua, cùng với sự gia tăng dân số và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội đã làm gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại các đô thị của Việt Nam, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do lượng CTRSH phát sinh, những năm qua, TP. Hà Nội đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý CTRSH trên địa bàn thành phố (TP), tạo môi trường sống trong lành cho người dân.

      Cải tiến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH

     Hiện nay, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn TP khoảng 6.500 tấn/ngày, bao gồm khối lượng phát sinh trên địa bàn 12 quận, thị xã Sơn Tây khoảng 3.500 tấn/ngày và tại 17 huyện ngoại thành là 3.000 tấn/ngày. Hiện nay, CTRSH phát sinh trên địa bàn TP chủ yếu được thu gom và phân luồng vận chuyển về các khu xử lý: Khu xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn (trung bình khoảng 4.500 - 5.000 tấn/ngày) và Khu xử lý chất thải Xuân Sơn, Sơn Tây (1.200 - 1.400 tấn/ngày), Khu xử lý rác Phương Đình, Đan Phượng (80 tấn/ngày); lượng CTRSH còn lại được thu gom, xử lý tại các khu xử lý quy mô cấp huyện.

     Thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn (CTR) nói chung và CTRSH nói riêng đã được Thành ủy, HĐND, UBND TP quan tâm và xác định là một nhiệm vụ quan trọng mà các cấp chính quyền của TP cần tập trung thực hiện. UBND TP đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH... Tại Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 về quy định phân cấp quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn TP, từ ngày 1/1/2017, UBND TP giao cho các quận, huyện thực hiện duy trì vệ sinh môi trường (VSMT) trong toàn bộ phạm vi địa giới hành chính (trừ các đường cao tốc) để tránh chồng chéo, không rõ trách nhiệm quản lý và thực hiện.

     Bên cạnh đó, TP đã tích cực cải tiến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm VSMT. Từ năm 2017, TP đã thay đổi phương thức quản lý, duy trì VSMT, chuyển từ cơ chế đặt hàng sang tổ chức đấu thầu tập trung, đảm bảo một đầu mối thực hiện, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực; tăng cường sử dụng cơ giới hóa trong hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH; áp dụng quy trình định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá mới… Việc đấu thầu công tác thu gom, vận chuyển CTRSH được TP giao Sở Tài chính tổ chức công khai lựa chọn các đơn vị đủ năng lực thực hiện trên nguyên tắc một địa bàn một đơn vị thực hiện VSMT; Các đơn vị thực hiện công tác VSMT phải đầu tư trang thiết bị, lập phương án đảm bảo VSMT theo hướng cơ giới hóa và thể hiện trong hồ sơ dự thầu, hợp đồng đã ký kết.

     Đối với CTRSH từ các hộ gia đình, cá nhân, nơi công cộng trên địa bàn, TP sẽ hỗ trợ kinh phí để chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý. Riêng đối với các đối tượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ nguồn thải phát sinh phải ký hợp đồng dịch vụ với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý, kinh phí được tính đúng, tính đủ từ khâu thu gom, vận chuyển đến xử lý. Cùng với đó, UBND TP cũng đã ban hành quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH; giá dịch vụ VSMT đối với CTR công nghiệp thông thường trên địa bàn TP. Việc tổ chức thu chi được phân cấp cho UBND cấp huyện thực hiện để chi trả cho công tác duy tu, duy trì VSMT.

     Mặt khác, UBND TP. Hà Nội đã quan tâm, chỉ đạo đầu tư, xây mới, cải tạo, mở rộng đồng bộ các khu, nhà máy xử lý chất thải, bãi chôn lấp CTRSH quy mô lớn tại Sóc Sơn, Chương Mỹ, Sơn Tây. TP cũng giao các huyện đầu tư mới, hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng các khu tập kết rác thải có phạm vi phục vụ trong địa bàn huyện. Trong việc thực hiện các khu xử lý CTR theo Quy hoạch, TP. Hà Nội đã đầu tư xây dựng và mở rộng các khu xử lý CTRSH tập trung tại vùng I (Sóc Sơn), vùng III (Xuân Sơn) theo quy hoạch; duy trì hoạt động khu xử lý rác thải vừa, nhỏ tại một số huyện và thực hiện đóng bãi theo quy định.

 

Nhà máy đốt rác phát điện tại Nam Sơn, Sóc Sơn

 

     Hiện nay, tại Hà Nội, tỷ lệ CTRSH được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, chiếm khoảng 89%. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp, TP đang tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý CTR bằng công nghệ hiện đại, thu hồi năng lượng để phát điện tại các khu xử lý chất thải tập trung theo quy hoạch. TP đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy xử lý đốt rác (không phát điện) tại các khu vực Xuân Sơn (Ba Vì), Phương Đình (Đan Phượng), với tổng công suất thiết kế xử lý đốt 1.095 tấn/ngày, đêm. Đồng thời, TP đang tập trung đầu tư 4 nhà máy đốt rác phát điện công nghệ hiện đại, phấn đấu hoàn thành trong năm 2021, gồm: Nhà máy điện rác Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), công suất 4.000 tấn/ngày, đêm; Khu xử lý chất thải Đồng Ké (huyện Chương Mỹ), công suất 1.500 tấn/ngày, đêm; 2 Dự án Nhà máy xử lý chất thải chuyển thành năng lượng (Dự án Nhà máy xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn, công suất 1.000 tấn/ngày, đêm; Dự án Nhà máy khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng, công suất 500 tấn rác thải/ngày, đêm) tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn. Ngoài ra, TP cũng đã đầu tư xây dựng 3 trạm trung chuyển, chuyển tải CTRSH cỡ vừa và nhỏ tại một số huyện; Trạm chuyển tải Lâm Du (công suất 300 tấn/ngày, đêm); Trạm chuyển tải Ao Bút - Thanh Xuân đã được UBND TP chấp thuận chủ trương, đang tiến hành các thủ tục đầu tư xây dựng.

     Một số bất cập trong xử lý, thu gom rác thải

     Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý CTRSH của Hà Nội vẫn còn những khó khăn, cần có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới. Cụ thể, trong việc thực hiện Quy hoạch, khoảng cách thu gom và vận chuyển CTRSH từ nguồn thải đến nơi xử lý còn xa; việc xử lý CTRSH vẫn chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, dẫn đến quá tải; vị trí theo quy hoạch của một số địa điểm khu xử lý nằm ngoài đê, hoặc do tốc độ đô thị hóa nhanh nên một số khu xử lý dù sử dụng công nghệ tiên tiến, nhưng vẫn không đảm bảo khoảng cách hành lang môi trường theo quy định. Các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2020 theo quy hoạch chưa được thực hiện đúng tiến độ, chưa có nhà máy xử lý sử dụng công nghệ cao với quy mô lớn; một số vị trí xây dựng nhà máy công suất xử lý nhỏ theo quy hoạch chưa thu hút về hiệu quả đầu tư.

     Mặt khác, tại một số địa phương, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về giữ gìn VSMT chưa được chú trọng; ý thức của một số người dân còn hạn chế, dẫn đến tình trạng bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định, đặc biệt tại các bãi đất trống, kênh, mương. Trong khi công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm về xả rác thải sinh hoạt không đúng quy định theo Nghị định số 155/2016/CP-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực BVMT còn gặp nhiều khó khăn. Để phát hiện, lưu giữ bằng chứng, lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm phải theo quy trình và cần lực lượng có nghiệp vụ tuần tra, trinh sát, nên gây khó khăn đối với các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT.

     Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng các khu xử lý mới chỉ tập trung vào các khu xử lý tại vùng I (Sóc Sơn) và vùng III (Xuân Sơn), trong khi vùng II chưa có nhà máy xử lý chất thải hoạt động; tiến độ triển khai xây dựng các nhà máy xử lý CTRSH, đặc biệt là những dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư từ trước thời điểm có tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư đều chậm tiến độ, gặp phải khó khăn chung là người dân phản đối. Đối với các dự án sử dụng phương pháp đốt không phát điện đã đi vào hoạt động, qua thực tế cho thấy, việc lựa chọn công nghệ chưa hợp lý, thiết bị xuống cấp nhanh, thường xuyên hỏng hóc, dẫn đến công suất đốt thực chưa đáp ứng được so với công suất thiết kế.

     Hơn nữa, để các nhà máy đốt rác phát điện có thể đốt triệt để, đảm bảo tro xỉ < 20% theo quy định thì việc phân loại rác tại nguồn cũng là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, công tác phân loại rác tại nguồn hiện mới chỉ dừng lại tại các dự án thí điểm, chưa đi sâu vào ý thức của người dân. Đồng thời, chất lượng sản phẩm mùn vi sinh khi sản xuất ra chưa đảm bảo, không tiêu thụ được sản phẩm phân vi sinh, dẫn đến các nhà máy xử lý rác hữu cơ làm phân compost đã đầu tư xây dựng trước đây, nhưng giờ lại dừng hoạt động.

     Giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả quản lý CTRSH

     Để giải quyết các vấn đề tồn tại trong công tác quản lý CTRSH, nâng cao chất lượng công tác VSMT trên địa bàn Thủ  đô, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung vào những giải pháp: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về BVMT nông thôn, phân định và có giải pháp xử lý phù hợp đối với các loại CTR phát sinh (CTRSH, chất thải làng nghề, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại); Thường xuyên rà soát điều chỉnh bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật, giá dịch vụ trong lĩnh vực VSMT. Đồng thời, triển khai các mô hình mới trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý như: Trạm trung chuyển phân loại CTRSH kết hợp xử lý tại chỗ; mô hình phân loại CTRSH phù hợp với công nghệ xử lý; xử lý tái chế CTR xây dựng và thực hiện tốt các Đề án về quản lý chất thải công nghiệp, nguy hại, chất thải y tế, chất thải nông nghiệp, BVMT làng nghề. 

     Bên cạnh đó, TP sẽ tạo cơ chế huy động nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý CTR tại khu vực nông thôn, giảm tải cho các khu xử lý tập trung của TP; Sớm triển khai thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về CTR theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019 để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và xử lý CTR.

 

Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng

 Chi cục BVMT Hà Nội

(Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 10/2019)

 

 

 

Ý kiến của bạn