Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Thực trạng nuôi tôm thẻ chân trắng quảng canh cải tiến tại Bạc Liêu và các tác động đến môi trường

04/04/2017

   Thời gian qua, ngành nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Trước tình hình trên, một số hộ nông dân Bạc Liêu trước đây nuôi tôm sú đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Để tìm hiểu về thực trạng, cũng như đặc tính sinh trưởng của loài tôm thẻ chân trắng, từ đó có những đánh giá về tác động của quá trình nuôi tôm đến môi trường tự nhiên, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Quốc Khởi - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bạc Liêu về vấn đề này.

Ông Huỳnh Quốc Khởi - Phó Giám đốc
Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bạc Liêu
 

   Xin ông cho biết thực trạng nuôi tôm thẻ chân trắng quảng canh cải tiến (QCCT) của Bạc Liêu trong những năm gần đây?

   Ông Huỳnh Quốc Khởi: Trong những năm gần đây, do tình hình nuôi tôm sú gặp nhiều rủi ro, đặc biệt là thời điểm năm 2011, Bạc Liêu bị hạn hán và xâm nhập mặn, các hộ nuôi tôm ở các huyện Hồng Dân, Phước Long và thị xã Giá Rai (Bạc Liêu) đã chuyển sang nuôi loài tôm thẻ chân trắng bằng hình thức QCCT. Loài tôm thẻ chân trắng được đưa vào Việt Nam từ năm 2001, nuôi ở mức độ thử nghiệm, đến năm 2006, Bộ NN&PTNT cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Đến năm 2008, Bộ cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng ở các tỉnh phía Nam. Trước đây, người dân thường nuôi tôm theo loại hình nuôi quảng canh truyền thống là chọn các đầm nước lớn để nuôi tôm, sau đó, lấy đầy nước khi thủy triều lên, nên thức ăn và con giống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên nên cho năng suất thấp. Hiện nay, người dân cải tiến phương pháp nuôi theo mô hình QCCT loại hình chọn các ao nuôi có diện tích nhỏ, mật độ thả giống từ 1 - 5 con trở lên, bổ sung thức ăn công nghiệp hoặc tự tạo, do các hộ nuôi chủ động được nguồn thức ăn và con giống, nên năng suất cao hơn.

   Từ khi các hộ dân ở địa phương đưa loài tôm thẻ chân trắng vào nuôi, diện tích nuôi loài tôm này đã tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2016, tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 25.020 ha, tăng 68 lần so với năm 2013 (368 ha), trong đó nuôi QCCT chuyên tôm thẻ chân trắng 11.220 ha, nuôi kết hợp với tôm sú hoặc tôm càng xanh là 13.800 ha. Tính đến tháng 2/2017, tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 16.095 ha, trong đó nuôi chuyên tôm thẻ chân trắng 8.525 ha; nuôi kết hợp với tôm sú, tôm càng xanh là 7.595 ha. Hiện nay, diện tích tôm thẻ chân trắng thả được 1 - 2 tháng tuổi, đang phát triển tốt.

   Về năng suất và mùa vụ thả giống tôm thẻ chân trắng, tùy vào điều kiện cụ thể của từng tiểu vùng mà người dân thả giống nuôi chuyên tôm thẻ chân trắng theo hình thức QCCT thường kéo dài từ 2 - 3 vụ/năm. Riêng hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp tôm sú, tôm càng xanh thì thả nuôi từ 1 - 2 vụ/năm. Với năng suất thu hoạch trung bình từ 130 - 250 kg/ha/vụ, cao nhất năng suất đạt 300 - 400kg/ha/vụ. Cỡ tôm thẻ chân trắng thu hoạch từ 60 - 100 con/kg (giá bán từ 70.000 - 120.000 đồng/kg tùy kích cỡ). Theo ghi nhận thực tế của các hộ nuôi tôm cho thấy, có 70% hộ nuôi tôm có lãi từ 10 - 20 triệu đồng/ha/vụ (có hộ lãi từ 30 - 40 triệu đồng/ha/vụ); 20% số hộ hòa vốn và 10% bị thua lỗ.

   Nhìn chung, hình thức nuôi QCCT chuyên tôm thẻ chân trắng ở Bạc Liêu cho thấy hiệu quả cao hơn so với hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp với các loài tôm khác như tôm sú, tôm càng xanh, cua và cá nên Trung tâm cũng khuyến khích bà con nên chọn nuôi chuyên tôm thẻ chân trắng.

   Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất trong thời gian qua là do người dân chưa chú trọng đến cải tạo và xử lý nước ban đầu (đặc biệt là không chú trọng đến khâu diệt cá tạp, ảnh hưởng đến tỷ lệ sống). Người dân chọn mua tôm giống trôi nổi, rẻ tiền, không rỏ nguồn gốc nên tiềm ẩn nhiều mầm bệnh có khả năng gây chết tôm. Đồng thời, thả giống nhiều để trừ hao tôm, không đạt tỷ lệ sống (nhiều trường hợp thả dầy, tỷ lệ sống cao thì gặp sự cố thiếu ôxy cục bộ gây chết hàng loạt); cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, thu hoạch nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết trong sản xuất nên tôm nguyên liệu thường bị thương lái ép giá.

Hệ thống ao nuôi tôm cần phải xử lý môi trường nước đúng quy trình

   Ông có thể cho biết, đặc điểm sinh học của loài tôm thẻ chân trắng và những đánh giá về tác động tới môi trường, dịch bệnh của loài này?

   Ông Huỳnh Quốc Khởi: Loài tôm thẻ chân trắng là loài tôm nhiệt đới, phân bố dọc vùng duyên hải Đông Thái Bình Dương, kéo dài từ Bắc Mêhycô, qua Trung và Nam Mỹ đến Bắc Pêru, nơi có nhiệt độ nước quanh năm trên 20oC. Hiện tôm thẻ chân trắng được nuôi ở nhiều nước Đông Nam Á như Trung Quốc, Thái Lan, Philipin, Malaixia và Việt Nam. Về đặc điểm sinh học, tôm thẻ chân trắng có màu trắng đục, trên thân không có đốm vằn, chân bò có màu trắng ngà, chân bơi có màu vàng, các vành chân đuôi có màu đỏ nhạt và xanh. Râu tôm có màu đỏ gạch và dài gấp rưỡi lần chiều dài thân, chủy tôm có 8 - 9 răng cưa ở gờ phía trên, có 2 - 4 (đôi khi có 5 - 6) răng cưa ở phía bụng. Đây là loài tôm có khả năng thích nghi và có giới hạn rộng về nhiệt độ và độ mặn. Trong tự nhiên, tôm thẻ chân trắng sống nơi đáy cát bùn, tôm trưởng thành sống ở vùng biển ven bờ, tôm con phân bố ở vùng cửa sông - nơi giàu chất dinh dưỡng. Tôm thẻ chân trắng là loài ăn tạp thiên về động vật, phổ thức ăn rộng, khả năng bắt mồi khỏe, tôm sử dụng được nhiều loại thức ăn tự nhiên có kích cỡ phù hợp từ bùn bã hữu cơ đến các động vật, thực vật thủy sinh. Nhu cầu prôtein trong khẩu phần thức ăn cho tôm thẻ chân trắng từ 20 - 35%, thấp hơn so với các loài tôm khác cùng họ. Loài tôm này có tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian 60 ngày nuôi, sau đó mức tăng trọng giảm dần theo thời gian. Thời điểm thả nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả cao nhất là từ tháng 2 - 6 dương lịch hàng năm. Mật độ thả nuôi: Từ 4 - 10 con/m2/vụ (phổ biến nhất là từ 4 - 7con/m2, có một số trường hợp cá biệt người dân thả giống >10 con/m2).

   Mặc dù, tôm thẻ chân trắng có thời gian nuôi ngắn, tốc độ tăng trưởng nhanh, tuy nhiên, khuyến cáo của các nhà chuyên môn, không nên thả loài tôm này vào các đầm nước lớn vì loài tôm ăn tạp nên sẽ cạnh tranh với loài thủy sinh trong đầm. Bên cạnh đó, cũng giống như các loài tôm khác, khi nuôi tôm trong môi trường ao nuôi công nghiệp thường phát sinh lượng chất thải lớn như bùn thải, ước tính, lượng bùn thải trên 1 ha khoảng 200 m3/ha/năm. Nếu thải trực tiếp ra các kênh, rạch sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. Lượng thức ăn công nghiệp cung cấp để nuôi tôm nếu dư thừa sẽ gây độ đục cho nước, lượng ôxy giảm, nguồn hữu cơ trong nước tăng cao làm ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh…Thêm vào đó, lượng hóa chất, thuốc để phòng trừ bệnh cho tôm cũng gây tồn dư một lượng độc hại trong nước. Theo tính toán, sau mỗi vụ nuôi tôm, lượng nước thải ra trung bình khoảng 9.000 - 12.000 m3/ha có chứa chất ô nhiễm như BOD, COD, H2S cao, tùy vào hệ số thức ăn và quy trình nuôi.

   Về dịch bệnh, thực tế cho thấy, tôm thẻ chân trắng đều chịu mối nguy từ dịch bệnh nguy hiểm như virút đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh hoại tử gan tụy, bệnh vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng nên về cơ bản hệ thống ao nuôi cần phải được xử lý triệt để các mầm bệnh trước khi nuôi.

   Việc chuyển dịch nhanh chóng từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng là xu thế tất yếu để phát triển kinh tế của người dân, tuy nhiên, hình thức chuyển đổi này là tự phát. Sự phát triển quá nhanh sẽ dẫn đến hậu quả như không kiểm soát giống đầu vào tốt làm chất lượng tôm kém, việc nuôi ồ ạt sẽ làm giá trên thị trưởng giảm… Vì vậy, cần phải có những nghiên cứu đánh giá toàn diện về loài tôm này đề có quy hoạch về diện tích nuôi tôm.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

   Ông có đề xuất, kiến nghị gì để phát triển loài tôm thẻ chân trắng ở địa phương trong thời gian tới?

   Ông Huỳnh Quốc Khởi: Đề nghị Bộ NN&PTNT ban hành quy định quản lý, hướng dẫn cụ thể về quy trình nuôi trồng, sản xuất, chế biến loài tôm thẻ chân trắng;

   Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào, đầu ra các loại vật tư nông nghiệp, cũng như về giá, chất lượng con giống... để hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông, bày bán trôi nổi trên thị trường, gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất và thu nhập của nông dân nuôi tôm; Hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh có diện tích nuôi tôm QCCT lớn đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, xây dựng các trạm quan trắc tự động (đặc biệt là tại vùng phía bắc Quốc lộ 1A), nhằm chủ động hơn nữa trong công tác dự báo, cảnh báo môi trường, phục vụ sản xuất trong nuôi trồng thủy sản;

   Sở NN&PTNT tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kết hợp các đơn vị có liên quan tăng cường công tác theo dõi, quản lý vùng nuôi tôm thẻ chân trắng; Tăng cường công tác quan trắc cảnh báo môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho tôm để giúp người dân giảm thiểu rủi ro trong sản xuất;

   Chính phủ ban hành chủ trương thực hiện liên kết chuỗi khâu thu mua và tiêu thụ sản phẩm để hạn chế tối đa hiện tượng tư thương ép giá đối với sản phẩm làm ra từ loại hình nuôi trên.

   Xin cảm ơn ông!

Châu Loan (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2017

Ý kiến của bạn