Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Thống nhất nhận thức và hành động về chủ trương, giải pháp trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt

15/11/2019

     Trong những năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường do lượng lớn chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát  sinh tại các địa phương trên cả nước, đang là thách thức mà các cấp, ngành và địa phương cần tập trung giải quyết. Nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác quản lý CTRSH, cải thiện chất lượng môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, Bộ TN&MT đang tích cực triển khai các hoạt động cụ thể để tăng cường công tác quản lý, kiểm soát CTRSH trên phạm vi cả nước.

     Để hiểu rõ hơn về thực trạng công tác quản lý CTRSH tại Việt Nam và các giải pháp cấp bách nhằm kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường do CTRSH gây ra, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường về vấn đề này.

 

TS. Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

 

     PV: Xin ông cho biết đôi nét về bức tranh thực trạng công tác quản lý CTRSH tại Việt Nam hiện nay?

     TS. Hoàng Văn Thức: Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự gia tăng dân số mạnh mẽ và tốc độ đô thị hóa ở nước ta diễn ra nhanh chóng, dẫn đến lượng CTR phát sinh có xu hướng gia tăng, kể cả về thành phần và tính chất của CTR đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý chất thải, đặc biệt là đối với CTRSH đã tác động không nhỏ đến môi trường.

     Theo kết quả điều tra, đánh giá của Tổng cục Môi trường, hiện nay, trên cả nước khối lượng CTRSH phát sinh khoảng hơn 61.000 tấn/ngày, trong đó tại khu vực đô thị là hơn 37.000 tấn/ngày, khu vực nông thôn là hơn 24.000 tấn/ngày.

      Thời gian qua, công tác quản lý CTRSH ở nước ta chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp, chưa chú trọng nhiều đến các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải, dẫn đến khối lượng CTRSH phải chôn lấp cao, không tiết kiệm được đất đai, đã và đang là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, việc phân loại CTR tại nguồn chỉ thực hiện tại một số địa phương, chưa được nhân rộng trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, vấn đề về hạ tầng, thiết bị, phương tiện thu gom riêng đối với từng loại chất thải được phân loại chưa phù hợp, dẫn đến việc thực hiện phân loại chất thải tại nguồn chưa hiệu quả.

     Việc thu gom, vận chuyển CTRSH được thực hiện khác nhau giữa đô thị và nông thôn, giữa các địa phương và thậm chí giữa các vùng trong cùng một địa phương. Tại đô thị, chất thải phát sinh tại các hộ gia đình thường được các đơn vị thu gom theo giờ nhất định, các phương tiện xe thủ công được người thu gom sử dụng để chuyển rác thải ra điểm tập kết, từ đó đưa lên xe vận chuyển về cơ sở xử lý, hoặc trạm trung chuyển trước khi chuyển đến cơ sở xử lý. Tại nông thôn, nhiều địa phương có các tổ tự quản, hội phụ nữ thu gom chất thải theo tần suất nhất định và chuyển đến điểm tập kết để các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, chuyển về cơ sở xử lý. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không được thu gom, hoặc thu gom không triệt để dẫn đến hình thành các bãi rác tạm, gây ô nhiễm môi trường.

     Trong khi đó, các bãi chôn lấp chất thải thường ở xa khu dân cư làm tăng chi phí vận chuyển. Hiện nay, chi phí của hộ gia đình, cá nhân cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH mới chỉ chi trả được một phần cho hoạt động thu gom chất thải, không đủ để chi trả, cũng như duy trì hoạt động vận chuyển; năng lực vận chuyển của một số địa phương còn hạn chế, chưa có thiết bị, phương tiện vận chuyển chuyên dụng, dẫn đến rò rỉ, rơi vãi chất thải ra môi trường.

     Đồng thời, công tác triển khai quy hoạch quản lý CTR tại các địa phương còn chậm; việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng khu xử lý, nhà máy xử lý CTR gặp khó khăn. Công tác đầu tư cho quản lý, xử lý CTR còn chưa tương xứng; nhiều công trình xử lý CTR đã được xây dựng và vận hành, nhưng cơ sở vật chất, năng lực, hiệu suất xử lý chưa đạt yêu cầu. Trong đó, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, lò đốt chưa đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, gây ô nhiễm môi trường do phát sinh các chất thải thứ cấp như nước thải, khí thải và CTR.

     PV: Thời gian qua, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về quản lý CTRSH tại các địa phương đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập, nguyên nhân do đâu, thưa ông?

     TS. Hoàng Văn Thức: Theo quy định hiện hành, công tác quản lý nhà nước về CTR không được giao thống nhất cho một cơ quan mà được phân công cho nhiều Bộ, ngành cùng tham gia quản lý, bao gồm: Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế... Việc giao thoa, chồng chéo về chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực CTR dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật về quản lý CTR.

     Bên cạnh đó, trong các văn bản pháp luật hiện hành vẫn đang còn thiếu các hướng dẫn lựa chọn công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật phù hợp về thu gom, lưu giữ, xử lý CTRSH. Hoạt động tái chế CTR còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan hữu quan có thẩm quyền về BVMT ở địa phương. Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số công nghệ lạc hậu, máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường. Việc xây dựng các cơ sở xử lý chất thải hiện đại, bãi chôn lấp CTRSH hợp vệ sinh đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn, trong khi nhiều địa phương không đủ nguồn vốn đầu tư; cơ chế thúc đẩy xã hội hóa công tác thu gom, xử lý CTRSH còn thiếu, chưa thu hút được các nguồn lực. Nhiều công nghệ xử lý CTR nhập khẩu không phù hợp với đặc điểm CTRSH tại Việt Nam (chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị thấp, độ ẩm cao). Trong khi đó, thiết bị, công nghệ xử lý CTR chế tạo trong nước chưa đồng bộ, hoàn thiện, chưa được sản xuất ở quy mô công nghiệp; quá trình kiểm tra, giám sát việc xây dựng và vận hành một số công trình xử lý CTRSH chưa chặt chẽ...

     PV: Theo ông, các công nghệ xử lý CTRSH tại Việt Nam hiện nay có đáp ứng được yêu cầu xử lý không?

     TS. Hoàng Văn Thức: Hiện nay, tại Việt Nam, công nghệ xửlý CTRSH phổ biến là chôn lấp, còn lại là ủ phân hữu cơ, đốt và tái chế. Tỷ lệ xử lý chất thải hiện nay theo các phương pháp xử lý như sau: 71% tổng lượng chất thải (tương đương 43 nghìn tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp chôn lấp (không bao gồm lượng bã thải, tro xỉ từ các cơ sở chế biến phân compost và lò đốt);16% tổng lượng chất thải (khoảng 9,5 nghìn tấn/ngày) được xử lý tại các nhà máy chế sản xuất phân compost; 13% tổng lượng chất thải (khoảng 8 nghìn tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp đốt.

     Các công nghệ xử lý CTRSH đang được áp dụng (cả các công nghệ trong nước và nước ngoài) ngày càng đa dạng, nhưng hiệu quả thực tế chưa được tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ. Mặc dù, trong thời gian qua, một số công nghệ nghiên cứu trong nước được triển khai áp dụng, bước đầu đã đem lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, các công nghệ đó hầu hết do doanh nghiệp tư nhân đảm nhiệm, nên việc hoàn thiện công nghệ, cũng như triển khai ứng dụng trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Các công nghệ nước ngoài khi sử dụng tại Việt Nam gặp khó khăn do CTR chưa được phân loại tại nguồn độ ẩm cao, điều kiện thời tiết nhiệt đới; lượng CTR tiếp nhận thấp hơn công suất thiết kế, hoặc không ổn định, vốn đầu tư khá cao dẫn đến chi phí xử lý cao.

     Tại các địa phương, phần lớn các bãi chôn lấp tiếp nhận CTRSH chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao, nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác. Một số bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng như hoạt động sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng xung quanh.

     PV: Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về CTR trong thời gian tới, cần có các giải pháp gì nhằm kiểm soát tình trạng ô nhiễm do CTR gây ra, thưa ông?

     TS. Hoàng Văn Thức: Ngày 03/02/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP, trong đó giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối thống nhất quản lý nhà nước về CTR. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 09/NQ-CP, Bộ TN&MT đã nhanh chóng ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý CTR, trong đó có đánh giá tổ chức, bộ máy từ cấp Trung ương đến địa phương về quản lý CTR; thực hiện kiểm tra, đánh giá công tác quản lý CTR trên phạm vi cả nước nhằm nắm bắt hiện trạng, phát sinh CTR và thực trạng công tác xử lý CTR hiện nay; tổ chức các Hội thảo quản lý nhà nước về CTR, Hội thảo mô hình quản lý và công nghệ xử lý CTRSH để trao đổi, thảo luận về hiện trạng quản lý nhà nước, mô hình quản lý và công nghệ xử lý CTRSH hiện nay tại Việt Nam; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CTR và đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc về quản lý CTR. Bộ đang triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch BVMT, trong đó có nội dung quy hoạch về CTR.

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cùng Đoàn công tác của Bộ TN&MT tham quan mô hình

Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện Cần Thơ (huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ) ngày 5/3/2019

 

     Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về CTR trong thời gian tới, cần phải tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

      Giải pháp về tổ chức, quản lý và cơ chế, chính sách: Kiện toàn hệ thống tổ chức phục vụ công tác quản lý CTR từ Trung ương đến địa phương; Sửa đổi chức năng nhiệm vụ, quản lý nhà nước về CTR của các Bộ để thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về CTR; Rà soát, quy định rõ trách nhiệm của UBND từ cấp tỉnh tới cấp huyện, xã, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cộng đồng dân cư trong công tác quản lý chất thải; Nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý chất thải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương; Xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng và trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành dự án xử lý chất thải (sau khi dự án xây dựng xong, phải đảm bảo tính hiệu quả, ổn định và bền vững); Khuyến khích tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng từ chất thải (như các mô hình thu hồi sinh khối biomas từ chất thải thực phẩm; thu hồi methanol từ rác thải sinh hoạt, thực phẩm, đồ ăn thừa; thu methanol, tạo nhiên liệu sinh học từ dầu ăn thải loại), ứng dụng nhiều cách thức xử lý nguồn thải hữu cơ để góp phần giảm khí thải nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu.

     Giải pháp về truyền thông, nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực: Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu nội dung các quy định về quản lý chất thải tới các cấp, ngành, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân; Tăng cường trao đổi, tham quan, học tập kinh nghiệm trong triển khai công tác quản lý chất thải, chú trọng đến tính khả thi, sự phù hợp khi triển khai áp dụng cùng mô hình xử lý chất thải giữa các địa phương; Đào tạo và tăng cường nguồn nhân lực phục vụ cho công tác quản lý chất thải; Đẩy mạnh việc tuyên truyền, đào tạo và tổ chức các khóa tập huấn cho doanh nghiệp về sản xuất sạch hơn, giảm thiểu phát sinh CTRSH, quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế CTRSH theo đúng quy định pháp luật; Đẩy mạnh việc xây dựng và phổ biến cơ sở dữ liệu, trang thông tin điện tử về CTRSH; các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về quản lý, xử lý CTRSH.

     Giải pháp về đầu tư và tài chính: Đẩy mạnh xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý CTR; tăng dần nguồn thu phí vệ sinh, giảm dần hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH; rà soát sửa đổi, bổ sung và ban hành đơn giá xử lý CTRSH có thu hồi năng lượng; mở rộng hỗ trợ tín dụng nhà nước cho các công trình đầu tư, dự án tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ CTRSH, cũng như các ưu đãi về thuế, phí và lệ phí. Đồng thời, rà soát, nghiên cứu giảm thiểu thủ tục trong quá trình triển khai vay vốn, bao gồm cả việc vay từ nguồn vốn ưu đãi để thực hiện các dự án xử lý CTRSH áp dụng công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam; xây dựng chính sách mua sắm công để ưu tiên mua sắm sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm sau quá trình tái chế, xử lý chất thải từ nguồn ngân sách; lựa chọn các địa điểm hợp lý để đầu tư trung tâm xử lý và tái chế chất thải ở quy mô liên vùng, liên tỉnh.

     Giải pháp về giám sát, kiểm tra, thanh tra: Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của các địa phương trong kiểm soát chặt chẽ khu xử lý chất thải, bãi chôn lấp chất thải giáp ranh giữa các địa phương và việc vận chuyển chất thải liên tỉnh; Đẩy mạnh giám sát việc thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng thể CTR, tăng đầu tư để xây dựng năng lực quản lý CTR hướng tới phát triển xanh và cácbon thấp; Quyết liệt yêu cầu các địa phương khi thực hiện tiêu chí về môi trường trong khuôn khổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới không đầu tư các lò đốt cỡ nhỏ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH để phòng ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm.

     Giải pháp hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu, phát triển công nghệ: Nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý CTRSH hiện đại, thân thiện với môi trường, theo hướng giảm thiểu lượng CTRSH chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải; Nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ sẵn có tốt nhất, công nghệ thân thiện với môi trường; Đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình điểm về tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ CTRSH nhằm lựa chọn những mô hình phù hợp để nhân rộng trên phạm vi cả nước.

     PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Phương Linh (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)

 

 

Ý kiến của bạn