Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Thái Nguyên: Ưu tiên các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn theo công nghệ tiên tiến

19/08/2019

     Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, Thái Nguyên đang phải đối mặt với các thách thức về BVMT, đặc biệt là vấn đề quản lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt. Để tăng cường công tác quản lý, thu gom, xử lý CTR sinh hoạt, UBND tỉnh và các Sở, ngành, địa phương đã ban hành cơ chế chính sách và đề ra nhiều giải pháp thu gom, xử lý triệt để CTR sinh hoạt, góp phần giảm thiểu các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

     Hiện trạng thu gom, xử lý CTR sinh hoạt

     Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh, mỗi ngày trên địa bàn Thái Nguyên phát sinh khoảng 785 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó, TP. Thái Nguyên phát sinh khoảng 300 tấn/ngày; TP. Sông Công, thị xã Phổ Yên và các thị trấn, thị tứ khác phát sinh khoảng 485 tấn/ngày. Khối lượng rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý khoảng 580 tấn/ngày (chiếm tỷ lệ khoảng 80%), trong đó TP. Thái Nguyên khoảng hơn 280 tấn/ngày; TP. Sông Công, thị xã Phổ Yên và các thị trấn, thị tứ khác trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 300 tấn/ngày. Phần lớn rác thải sinh hoạt được xử lý bằng cách chôn lấp (khoảng 62%) tại các bãi chôn lấp của huyện, TP, thị xã; một phần (khoảng 38%) được xử lý bằng cách đốt trong các lò đốt công nghiệp, hoặc lò đốt bằng khí tự nhiên.

     Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 17 đơn vị thu gom rác thải, trong đó việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt của TP. Thái Nguyên do hơn 550 lao động thuộc Công ty CP môi trường và công trình đô thị Thái Nguyên đảm nhiệm. Còn tại các huyện, công tác thu gom rác thải được giao cho Ban quản lý đô thị, các tổ, hợp tác xã vệ sinh môi trường thực hiện, với nguồn kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách và huy động xã hội hóa. Hầu hết các huyện, TP, thị xã trên địa bàn tỉnh đều có các bãi thu gom rác được thiết kế cơ bản đáp ứng quy định tại Thông tư số 01/2001/TTLT-BKHCN-BXD ngày 18/1/2001 hướng dẫn các quy định về BVMT đối với việc lựa chọn địa điểm, xây dựng và vận hành bãi chôn lấp CTR. Tuy nhiên, trong tổng số 9 bãi rác trên địa bàn chỉ có bãi rác Đá Mài (TP. Thái Nguyên) được đầu tư hoàn chỉnh; bãi rác Đại Từ đang được đầu tư hệ thống xử lý nước rỉ rác tập trung, còn lại các bãi chôn lấp rác khác chưa có chống thấm lót đáy hoặc đã xuống cấp, một số chưa có hệ thống thu gom nước rỉ rác…

     Để giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp, trong 5 năm gần đây, tỉnh đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ đốt vào xử lý rác thải sinh hoạt, nhờ đó giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Hiện TP. Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý CTR Đá Mài tại Khu xử lý CTR Đá Mài, thuộc Công ty CP môi trường và công trình đô thị Thái Nguyên, bằng công nghệ đốt với công suất 150 tấn/ngày, đêm, chủ yếu xử lý rác thải sinh hoạt cho TP. Thái Nguyên. Nhà máy có tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 3 ha, bao gồm các hạng mục: Nhà xưởng tiếp nhận phân loại rác, ủ giảm ẩm, hệ thống lò đốt, bể xử lý khói, xưởng lưu chứa chất tái chế, hồ xử lý nước thải, hồ điều hòa. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị tư nhân đã đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt tập trung quy mô lớn, bao gồm: Công ty CP môi trường Thái Nguyên (công suất 96 tấn/ngày tại thị xã Phổ Yên) và Công ty TNHH môi trường Sông Công (công suất 200 tấn/ngày tại TP. Sông Công); các huyện Võ Nhai, Đại Từ, Định Hóa, Phú Lương, Phú Bình, Đồng Hỷ đều được đầu tư lắp đặt lò đốt rác mini bằng không khí tự nhiên NFI 05 sản xuất tại Thái Lan, sử dụng công nghệ Nhật Bản, có công suất đốt tối đa 10 tấn/ngày, đêm. Ưu điểm của thiết bị này là đốt bằng không khí tự nhiên và năng lượng tạo ra trong quá trình cháy sẽ được tái sử dụng để đốt phần rác mới.

 

         Bãi chôn lấp CTR Đá Mài (Thái Nguyên)

 

     Với những nỗ lực của Sở TN&MT và các ban, ngành trong tỉnh, công tác quản lý, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc như: Trên địa bàn vẫn còn một số bãi chôn lấp rác chưa được đầu tư đồng bộ công trình xử lý chất thải, hệ thống thu khí; Hoạt động xã hội hóa trong công tác quản lý CTR sinh hoạt chưa được đẩy mạnh; Tỷ lệ CTR được thu hồi để tái chế và tái sử dụng nhỏ… Thêm vào đó, mặc dù công tác phân loại tại nguồn đã triển khai thí điểm ở một số phường trung tâm TP. Thái Nguyên, tuy nhiên, hiệu quả mới chỉ dừng ở việc phân loại tại các hộ gia đình. Nguyên nhân chủ yếu là do phương tiện thu gom, vận chuyển còn hạn chế, chưa có xe chuyên dụng cho từng loại rác thải đã được phân loại; đồng thời, tỉnh chưa có quy định, chế tài cụ thể cho việc đầu tư công trình, thiết bị thu gom đảm bảo việc phân loại được duy trì từ nguồn thải đến khu vực xử lý. Ngoài ra, một số địa phương chưa đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo nên hạn chế khả năng thu gom, vận chuyển rác thải đi xử lý; do thiếu nguồn lực tài chính nên chỉ phục vụ được khu vực nội thị, còn các vùng sâu, vùng xa thiếu phương tiện thu gom rác...

     Tăng cường nguồn lực cho công tác thu gom, xử lý CTR

     Nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, tăng cường công tác quản lý  CTR trên địa bàn, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quy hoạch quản lý CTR vùng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Quy hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu sẽ thu gom, xử lý 100% CTR sinh hoạt đô thị, trong đó có 90% được tái chế, sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc phân hữu cơ; thu gom 100% CTR công nghiệp, 100% CTR y tế, 90% CTR xây dựng, 90% CTR phát sinh tại điểm dân cư nông thôn và 100% CTR phát sinh tại các làng nghề.

     Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh đã đẩy mạnh xã hội hóa, tạo môi trường cạnh tranh, ưu tiên các dự án đầu tư xử lý CTR theo công nghệ tái chế... đặc biệt, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác thu gom, xử lý CTR, hình thành lối sống thân thiện với môi trường...

     Trong thời gian tới, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, TP đầu tư cải tạo, nâng cấp, đóng bãi và xây dựng bãi chôn lấp rác mới, hoặc nhà máy xử lý, tái chế đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường; Giải quyết đồng bộ từ việc ban hành các văn bản, tăng cường năng lực của các đơn vị dịch vụ môi trường, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân... Trước mắt, tăng cường năng lực thu gom rác, nghiên cứu, lựa chọn địa điểm và xây dựng khu chôn lấp CTR hợp vệ sinh, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra; Xây dựng mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt thống nhất trong toàn tỉnh về cơ chế quản lý, tài chính, hỗ trợ, đặc biệt là có quy định hướng dẫn và bắt buộc thực hiện theo lộ trình phân loại rác thải tại nguồn đến năm 2025 trên toàn tỉnh; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quản lý CTR, gây ô nhiễm môi trường đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

 

Nguyễn Mạnh - N. Minh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn