Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

TP. Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

15/05/2019

     Từ tháng 11/2018, UBND TP. Hồ Chí Minh (HCM) đã ký Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND, ban hành quy định về phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn TP (TP). Ngày 15/2/2019, UBND TP.HCM đề nghị các sở ngành, UBND các quận huyện có kế hoạch tập trung công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, hộ gia đình, chủ nguồn thải thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn theo Quyết định 44/2018/QĐ-UBND trên địa bàn TP. Mục tiêu của TP đến năm 2020, tỷ lệ rác chôn lấp giảm xuống còn 50%, đến năm 2025 giảm còn 20%.

     TP. HCM là một đô thị đặc biệt với dân số hơn 10 triệu người, có vị trí và vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của cả nước, có tiềm năng thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch. Đi cùng với sự phát triển của TP, các vấn đề về môi trường, đặc biệt là chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) cũng ngày càng gia tăng. Hiện nay, mỗi ngày, trên địa bàn TP phát sinh khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt (trung bình tăng từ 5-6%/năm). Trong đó, 69% CTRSH được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, 20% làm phân compost, 11% áp dụng công nghệ đốt. Bên cạnh đó, TP đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ chất thải chôn lấp và tăng hiệu quả cho công tác xử lý rác thải sinh hoạt, như tăng tỷ lệ tái sử dụng, tái chế chất thải, giảm dần tỷ lệ chôn lấp. Để làm được điều này, TP xác định khâu đầu tiên là phải thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn.

     Phân loại CTRSH cần sự đồng thuận của người dân

     Thời gian qua, TP. HCM đã triển khai việc phân loại CTRSH qua nhiều giai đoạn từ thí điểm một cụm dân cư hoặc 1 phường trên địa 1 quận, đến mở rộng thí điểm trên địa bàn 6 quận giai đoạn 2015-2016 và sau đó nhân rộng phạm vi thực hiện trên địa bàn 24 quận/huyện từ năm 2017 đến nay. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, một số quận, huyện triển khai khá tốt công tác phân loại CTRSH, nhưng vẫn rất nhiều quận - huyện còn lúng túng, thực hiện không hiệu quả. Ngày 14/11/2018, UBND TP. HCM đã ban hành Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND quy định về phân loại CTRSH tại nguồn, có hiệu lực từ ngày 24/11/2018. Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ra đời đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý về việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, giải quyết vấn đề môi trường trên địa bàn TP. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng, đưa công tác phân loại CRTSH tại nguồn vào giai đoạn toàn diện và hiệu quả.

     Theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND, CTRSH tại TP.HCM sẽ được phân loại trước khi tiến hành thu gom, vận chuyển và xử lý nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Cụ thể, chất thải rắn được phân thành 3 nhóm: chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh) và chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải). Đồng thời, CTRSH phải được lưu chứa trong túi rác, thùng rác, đảm bảo vệ sinh môi trường.

    TP khuyến khích hộ gia đình, chủ nguồn thải sử dụng túi có màu trắng, màu xanh để chứa chất thải hữu cơ; sử dụng các loại túi có màu sắc khác (trừ màu trắng, màu xanh) để chứa chất thải còn lại. Túi chứa chất thải hữu cơ hoặc túi chứa chất thải còn lại được phân biệt bằng các hình thức như dán nhãn, ghi dòng chữ trên túi, màu sắc túi hoặc đánh dấu để nhận biết trước khi chuyển đến điểm tập kết hoặc giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển.

     Các tổ chức, cá nhân trong sinh hoạt thường ngày có phát sinh CTRSH thực hiện phân loại CTRSH theo quy định; đăng ký dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý và nộp phí, giá dịch vụ theo quy định (trừ các khu vực chưa có dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH). Khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình áp dụng các giải pháp phù hợp để xử lý CTRSH phát sinh tại nguồn, đảm bảo vệ sinh môi trường. CTRSH sau phân loại được xây dựng lộ trình và tổ chức thu gom, vận chuyển riêng đến các khu xử lý chất thải rắn tập trung.

     Trường hợp hộ gia đình, chủ nguồn thải không chấp hành phân loại, chuyển giao không đúng nhóm chất thải theo quy định, sau khi đã được nhắc nhở nhiều lần (3 lần trở lên/tuần), tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom có trách nhiệm thông báo đến UBND phường - xã - thị trấn biết để xử lý theo quy định. Trong khi đó, tại khoản 4 Điều 20, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường đã quy định phạt tiền 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ CTRSH theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao CTRSH cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.

 

Công nhân vệ sinh môi trường thu gom rác đã phân loại tại Quận 1, TP. HCM

 

     Theo quy định thì người dân được quyền giám sát phản ánh với chính quyền địa phương khi phát hiện các đơn vị thu gom, vận chuyển CTRSH thực hiện không đúng theo khung thời gian và tần suất quy định. Còn phía tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom được quyền từ chối chất thải của hộ gia đình, chủ nguồn thải khi thực hiện phân loại, chuyển giao chưa đúng theo quy định.

     Sau 4 tháng thực hiện, công tác phân loại CTRSH tại nguồn chưa có nhiều chuyển biến tích cực, tiến độ triển khai của các quận, huyện đều chậm so với lộ trình. Nguyên nhân là do nhiều người dân chưa được tuyên truyền, phổ biến đầy đủ cách thức phân loại; các đơn vị thu gom chưa có thùng rác chuyên dụng để phân loại; xe chở rác cũng chưa được thiết kế để bỏ các loại rác theo sự phân loại; các bãi rác cũng chưa xây dựng thành các khu vực rác được phân loại riêng mà còn đổ dồn chung một chỗ.

     Mức độ tiếp cận và sự tham gia của người dân, bước đầu người dân, hộ gia đình, chủ nguồn thải hiểu và nắm được chủ trương của nhà nước. Người dân, hộ gia đình, chủ nguồn thải có tham gia phân loại trong giai đoạn đầu sau mỗi đợt tuyên truyền, hướng dẫn của địa phương. Tuy nhiên, thói quen này vẫn chưa duy trì thường xuyên. Người dân, hộ gia đình, chủ nguồn thải vẫn còn thói quen mang rác ra để trước nhà, vỉa hè, cột điện vào bất cứ thời gian nào (trước, trong và sau khi lực lượng thu gom tổ chức thu gom).

     Để đẩy mạnh triển khai phân loại CTRSH, Sở TN&MT TP kiến nghị HĐND TP chỉ đạo HĐND cấp quận, huyện giám sát triển khai phân loại CTRSH của chính quyền cùng cấp. Đồng thời, đề nghị các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện truyền thông liên tục để người dân TP nâng cao nhận thức, tiến đến thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn.

     Tập trung công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện phân loại CTRSH

     Nhằm đẩy mạnh việc triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn TP, ngày 15/2/2019, UBND TP đã có văn bản đề nghị các sở ngành, UBND các quận huyện có kế hoạch tập trung công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, hộ gia đình, chủ nguồn thải thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn theo Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND trên địa bàn TP từ nay cho đến hết quý II/2019 và duy trì thường xuyên với việc kết hợp triển khai cuộc vận động “Người dân TP không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước” theo Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy trong 2 năm (2019-2020).

    UBND TP đề nghị các sở ngành, UBND các quận huyện và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai phân loại CTRSH tại nguồn tại trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, các điểm sinh hoạt công cộng (khu phố, tổ dân phố, công viên), chủ động sắp xếp, bố trí các thùng rác, thực hiện việc dán nhãn nhận biết bên ngoài thùng rác để cán bộ, công chức, người lao động, người dân thực hiện phân loại, bỏ rác vào thùng đúng quy định khi có phát sinh. Yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị gương mẫu thực hiện và vận động người thân tham gia phân loại CTRSH tại nguồn tại nơi sinh sống nhằm tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, dân cư.

     Sở TN&MT hoàn thiện thống nhất các nội dung tuyên truyền, hướng dẫn để cung cấp đến các sở ngành, UBND các quận huyện, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông... để tuyên truyền sâu rộng đến người dân. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở về tiến độ triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn các quận, huyện và các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Chủ động trao đổi và tìm kiếm các nhà đầu tư có công nghệ mới xử lý chất thải hữu cơ, đề xuất trình UBND TP để đảm bảo từ năm 2020 trở đi, các nhà máy xử lý chất thải của TP có công nghệ và đủ công suất tiếp nhận, xử lý hết khối lượng chất thải hữu cơ của chương trình phân loại CTRSH tại nguồn.

     UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch mở rộng phạm vi thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn quận, huyện trong năm 2019. Triển khai sắp xếp, bố trí các thùng rác công cộng phù hợp, thực hiện dán nhãn nhận biết trên nắp và thân thùng rác để người dân, khách vãng lai bỏ rác phân loại vào thùng theo quy định để tạo sự đồng bộ từ nhà đến khu vực công cộng; đẩy mạnh tổ chức sắp xếp hoàn thiện hệ thống thu gom, vận chuyển riêng CTRSH sau phân loại phù hợp với lộ trình mở rộng triển khai; đảm bảo hệ thống thu gom, vận chuyển phải được tổ chức, vận hành đồng bộ trong việc thu gom riêng chất thải hữu cơ và chất thải còn lại của các tổ chức, cá nhân có thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn.

     Các giải pháp trọng tâm phải hoàn thành trong năm 2019 của TP là đẩy mạnh tổ chức, sắp xếp lực lượng thu gom rác dân lập theo mô hình hợp tác xã vệ sinh môi trường hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; hoàn thành việc chuyển đổi các phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH trên địa bàn TP. Tùy điều kiện của từng địa phương mà các quận, huyện có thể tổ chức thu gom, vận chuyển riêng chất thải sau phân loại song song với việc triển khai tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn hoặc chậm nhất đến quí II/2019, UBND các quận, huyện phải tổ chức được hệ thống thu gom, vận chuyển riêng chất thải sau phân loại tại các phạm vi phường, xã trong kế hoạch triển khai trong năm 2019. 

 

Phạm Phương Lan

Đại học TN&MT TP Hồ Chí Minh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2019)

 

      

Ý kiến của bạn