Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, hành động bảo vệ môi trường

30/01/2019

     Bảo vệ môi trường (BVMT) luôn là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa sống còn, có ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển bền vững của đất nước. Bám sát phương châm chỉ đạo “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” của Chính phủ, trong năm 2018, Tổng cục Môi trường đã chủ động ứng phó, giải quyết các vấn đề môi trường một cách bài bản, khoa học với tinh thần trách nhiệm cao để từng bước chuyển hóa thách thức thành cơ hội, tập trung tháo gỡ các rào cản, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất trong công tác quản lý nhà nước về BVMT. Những kết quả nổi bật có thể kể đến như sau:

     - Hình thành và thực hiện phương thức, tư duy quản lý mới đối với các vấn đề môi trường phát sinh, trọng tâm là chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm, đảm bảo các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) được kiểm soát chặt chẽ, chủ động triển khai các biện pháp giám sát trong quá trình thử nghiệm và vận hành, kết nối trực tuyến với hệ thống giám sát của Sở TN&MT, không để phát sinh các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT), qua đó chặn đà suy giảm môi trường. Nhiều dự án lớn như Công ty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Công ty Lee&Man tại Hậu Giang, Alumin Nhân Cơ, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty Cổ phần thép Hòa Phát - Dung Quất, một số nhà máy nhiệt điện... đã được kiểm soát, giám sát chặt chẽ, bảo đảm hoạt động an toàn, đóng góp cho tăng trưởng. Phương thức và tư duy quản lý mới này đã tiếp tục được cụ thể và thể chế hóa trong chỉ đạo điều hành; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với các dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, kiểm soát chặt chẽ các dự án tiềm ẩn nguy cơ cao gây ÔNMT.

     - Bức tranh toàn cảnh về môi trường của Việt Nam đã xuất hiện những “gam màu sáng”, khu vực, địa phương làm tốt về công tác BVMT đang được mở rộng; những “gam màu xám” đã được thu hẹp dần. Từ Trung ương đến địa phương đã nhanh nhạy, kịp thời trong giải quyết các vấn đề về môi trường như ứng phó, giải quyết các sự cố, xử lý phế liệu nhập khẩu. Trong năm 2018, nhiều địa phương đã triển khai các mô hình tái chế rác thải sinh hoạt như Hà Nội, Bắc Giang, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Các chỉ số về môi trường như tỷ lệ khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ chất thải rắn, nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý có sự chuyển biến tích cực.

     - Có sự thay đổi trong tư duy quản lý, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, không đánh đổi kinh tế với môi trường. Các địa phương đã chú trọng lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ cao, dự án có tỷ lệ đầu tư về môi trường lớn, từng bước tiệm cận hài hòa giữa phát triển kinh tế với BVMT, cải thiện chất lượng tăng trưởng. Đã xuất hiện ngày càng nhiều những KCN, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ sinh thái, thân thiện với môi trường. Nền kinh tế phát triển bền vững hơn, thân thiện hơn với môi trường. Các địa phương đã thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý BVMT trong các KCN theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg, nâng tỷ lệ KCN, KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường lên 228 cơ sở, đạt 88%, trong đó có 121 KCN đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục. Cả nước đã hoàn thành xử lý triệt để 233/366 cơ sở gây ÔNMTNT (tăng 62 cơ sở so với năm 2016). Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 12%, tăng khoảng 5% so với giai đoạn 2011 - 2015; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt 85,5% (năm 2010 đạt 82%, năm 2015 đạt xấp xỉ 85%); chất thải nguy hại được kiểm soát chặt chẽ hơn; xử lý hơn 60 điểm ô nhiễm tồn lưu do hóa chất bảo vệ thực vật, phát hiện mới và kiểm soát chặt chẽ hơn 400 khu vực môi trường bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu; xác định danh mục 160 làng nghề có nguy cơ ÔNMT, ÔNMTNT.                                  

     Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong bối cảnh phát triển của đất nước và dịch chuyển mạnh mẽ toàn cầu về vấn đề ÔNMT, công tác BVMT của nước ta vẫn tồn tại những thách thức cần tiếp tục được giải quyết. Cụ thể:

     - Mặc dù chúng ta đã bước đầu chặn được đà suy thoái môi trường, suy giảm  đa dạng sinh học (ĐDSH), song tình trạng ÔNMT vẫn diễn biến phức tạp do tác động tích lũy trong thời gian dài. Nhận thức và ý thức trách nhiệm của một số bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, người dân trong công tác BVMT chưa cao; chưa phát huy được vai trò của cả hệ thống chính trị. Chưa có cơ chế thúc đẩy việc phân loại rác thải tại nguồn theo phương thức 3R phục vụ nền kinh tế tuần hoàn; chưa tạo được sự tham gia vào cuộc của người dân, doanh nghiệp.

     - Hệ thống chính sách pháp luật về BVMT và pháp luật có liên quan còn có chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đáp ứng được thực tế quản lý về BVMT trong bối cảnh phát triển của đất nước và dịch chuyển mạnh mẽ toàn cầu về vấn đề ÔNMT, chưa có sự gắn kết chặt chẽ các quy định trong nước về BVMT với các quy định và luật pháp quốc tế mà Việt Nam tham gia, cũng như các quy định về BVMT của các nước trong khu vực.

     - Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường của Việt Nam vẫn còn mâu thuẫn giữa tiêu chuẩn, quy chuẩn chung và các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành; còn thấp hơn và chưa đồng bộ với các tiêu chuẩn, quy chuẩn của một số nước phát triển trong khu vực.

     - Hệ thống tổ chức quản lý, chuyên môn về BVMT tuy đã được phát triển về số lượng, song còn yếu về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phân cấp quản lý; chưa có sự gắn kết cao giữa Trung ương và địa phương trong vấn đề môi trường.

     - Đầu tư cho BVMT mặc dù bước đầu đã có chuyển biến tích cực, song còn ở mức thấp; việc sử dụng nguồn chi sự nghiệp môi trường hiệu quả chưa cao; các quy định thuế, phí về BVMT còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu về xử lý, giải quyết các vấn đề ÔNMT phát sinh thực tế; chưa tạo được cơ chế để thu hút tài chính đầu tư vào lĩnh vực môi trường, xử lý ô nhiễm.

     - Các dự án tiềm ẩn nguy cơ cao gây ÔNMT vẫn còn xu hướng đầu tư vào Việt Nam, trong khi đó chúng ta lại thiếu cơ chế để sàng lọc, ngăn chặn từ đầu, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường. Vẫn còn tồn dư một lượng lớn chất thải rắn công nghiệp thông thường trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhất là trong các dự án nhiệt điện than, sản xuất hóa chất, chế biến khoáng sản. Quản lý môi trường trong các cụm công nghiệp (CCN), làng nghề, hạ tầng xử lý nước thải sinh hoạt, quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều bất cập, nhiều khu vực bị ô nhiễm nhất là ô nhiễm tồn dư hóa chất chậm được xử lý. Diện tích rừng tự nhiên tiếp tục có xu hướng giảm; ĐDSH vẫn tiếp tục bị suy thoái.

 

Dự án Alumin Nhân Cơ tỉnh Đắk Nông

 

     Bước sang năm 2019, năm bản lề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra cho giai đoạn 2016 – 2020, nhằm đạt được những mục tiêu về môi trường đến năm 2020 mà Chiến lược quốc gia về BVMT đã đề ra, cần tập trung triển khai một số các hoạt động trọng tâm sau:

     Thứ nhất, tập trung sửa đổi Luật BVMT năm 2014, khắc phục những hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật về BVMT nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển mới của đất nước, đồng thời đáp ứng được các luật pháp quốc tế và trong khu vực về vấn đề môi trường mà Việt Nam tham gia. Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng các văn bản hướng dẫn dưới luật để đảm bảo luật có thể được triển khai ngay sau khi có hiệu lực thi hành; tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường để xây dựng, trình ban hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường một cách đồng bộ, có tính hệ thống và tương đồng với các tiêu chuẩn, quy chuẩn của một số nước làm tốt công tác BVMT trong khu vực cũng như quốc tế.

     Thứ hai, tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, hành động BVMT, chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường:

     - Tập trung triển khai lập các quy hoạch về BVMT theo đúng tinh thần của Luật Quy hoạch như: Quy hoạch BVMT quốc gia; Quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia, Quy hoạch phát triển mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, đảm bảo phù hợp với ngưỡng chịu tải của môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường; nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, hoạt động cấp giấy phép về môi trường.

     - Tiếp tục tăng cường kiểm soát các dự án, cơ sở tiềm ẩn nguy cơ ÔNMT cao thông qua việc tiếp tục duy trì, kiện toàn các Tổ giám sát về BVMT đối với  các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây sự cố, ÔNMT cao, bảo đảm không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, các dự án, cơ sở này vận hành an toàn về môi trường; áp dụng các tiêu chí môi trường trong sàng lọc, lựa chọn các dự án đầu tư theo hướng không thu hút đầu tư loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ÔNMT cao, nhất là trong thu hút đầu tư vào các khu vực nhạy cảm về môi trường; khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

     - Tập trung giải quyết các vấn đề nóng về môi trường hiện nay như quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn, các KCN, CCN, làng nghề, lưu vực sông, nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, các cơ sở gây ÔNMTNT. Từng địa phương phải đặt quyết tâm cao và bắt tay ngay vào tuyên truyền, vận động, thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn để thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý rác thải kết hợp thu hồi năng lượng. Rà soát, yêu cầu chủ đầu tư các KCN, CCN xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, các đối tượng có quy mô xả thải lớn lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải. Có các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng thông qua các công cụ thuế, phí, tuyên truyền nâng cao nhận thức; tạo thuận lợi để người dân tiếp cận sản phẩm thay thế thân thiện môi trưởng; thúc đẩy nếp sống văn minh, hợp vệ sinh môi trường.

     - Thúc đẩy triển khai thực hiện Luật ĐDSH và các văn bản quản lý về ĐDSH đã được ban hành, Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đánh giá toàn diện việc tổ chức thực hiện công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác này.

     - Đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống cảnh báo môi trường 4 tỉnh miền Trung, hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ về môi trường bao gồm: cơ sở dữ liệu về nguồn thải, các điểm ÔNMT tồn lưu, quan trắc chất lượng môi trường và bảo tồn, ĐDSH để từ đó kiểm soát hiệu quả, chặt chẽ các vấn đề môi trường phát sinh, đưa ra các vấn đề xử lý kịp thời, kiềm chế được tốc độ gia tăng ÔNMT, năm sau phải thấp hơn năm trước, tiến tới ngăn chặn được sự gia tăng này.

     - Phân định rõ trách nhiệm của cơ quan trong quản lý, BVMT ở Trung ương và địa phương; có các cơ chế giải quyết các vấn đề có tính liên ngành, trách nhiệm cơ quan chịu trách nhiệm chính và các cơ quan trực tiếp quản lý đối với những vấn đề cụ thể.

     Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, phát huy có hiệu quả đường dây nóng về ÔNMT. Thực hiện các đợt thanh tra theo hình thức “cuốn chiếu” tại từng địa phương, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ gây ÔNMT cao và vi phạm pháp luật về BVMT. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về BVMT phải thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải gắn kết chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương để không chồng chéo, có được hiệu quả giải quyết cao; huy động sự cùng tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội, hội nghề nghiệp và của cộng đồng trong công tác giám sát. Tiếp tục tổ chức vận hành có hiệu quả, mở rộng phạm vi hoạt động, tăng cường kiểm tra, đôn đốc để phát huy có hiệu quả Đường dây nóng tiếp nhận, xác minh, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ÔNMT nhằm đẩy mạnh sự tham gia giám sát và vào cuộc của người dân đối với công tác BVMT.

     Thứ tư, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, nhất là nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để tập trung giải quyết theo đúng lộ trình các điểm nóng về ÔNMT, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đồng thời, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút tài chính đầu tư vào lĩnh vực môi trường, xử lý ô nhiễm; thực hiện đúng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải trả chi phí”; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, của cộng đồng trong công tác BVMT. Đây là lực lượng không thể thiếu, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra những thay đổi về chất trong công tác BVMT.

     Thứ năm, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương quản lý nhà nước và văn hóa công sở, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc để giải quyết dứt điểm việc xử lý quá hạn các thủ tục hành chính về môi trường; chậm xử lý, trả lời, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về BVMT của địa phương, doanh nghiệp.

     Thứ sáu, phát hiện, nêu gương, nhân rộng các phong trào, địa bàn, khu vực, mô hình, cách làm hay, tốt về môi trường; thúc đẩy các điểm sáng, “gam màu sáng" về môi trường nhằm giảm dần, thu hẹp các địa bàn, loại hình, đối tượng tác động xấu đến môi trường.

     Để thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra, trong thời gian tới, nhiệm vụ hết sức quan trọng của Tổng cục Môi trường là phải coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giỏi về chuyên môn, vững vàng về bản lĩnh chính trị, tâm huyết với công việc. Đồng thời, các hoạt động của Tổng cục Môi trường ngày càng có sự gắn kết, hướng về địa phương, cơ sở. Từ đó, nắm bắt thực tiễn phát sinh tại địa phương về vấn đề môi trường để có những chính sách và giải pháp hiệu quả. Với truyền thống đoàn kết, làm việc với tinh thần trách nhiệm, sáng tạo cao, tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động của Tổng cục Môi trường sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2019 và những năm tiếp theo.

 

TS. Nguyễn Văn Tài - Tổng cục trưởng

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2019)

 

 

 

Ý kiến của bạn