Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong công tác quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu

12/02/2020

     Để tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu (PLNK) làm nguyên liệu sản xuất, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu (NKPL) từ xa, giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT). Ngày 19/12/2019, Chính phủ đã ký Quyết định số 35/2019/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế phối hợp liên ngành quản lý hoạt động NKPL nhằm tạo sự đồng bộ giữa các biện pháp để ngăn chặn hành vi buôn bán, gian lận; phát huy năng lực, trách nhiệm của các Bộ và UBND các tỉnh có cửa khẩu; kiểm soát có hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động NKPL.

      Tình hình NKPL vào Việt Nam

     Thời gian qua, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng tăng mạnh, diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới môi trường sống. Trong quá trình theo dõi, kiểm tra, giám sát hàng hóa, điều tra xác minh, các cơ quan chức năng đã phát hiện doanh nghiệp thực hiện một số phương thức, thủ đoạn gian lận trong NKPL như làm giả, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản, Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong NKPL làm nguyên liệu sản xuất để hợp thức hóa hồ sơ NKPL; khai sai tên hàng, mã số hàng hóa khác với tên hàng, mã số hàng hóa là phế liệu thuộc danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời chủ động lấy mẫu giám định để sử dụng kết quả giám định hợp thức hóa, chứng minh hàng hóa nhập khẩu không phải phế liệu để khi nhập khẩu không chịu các chính sách quản lý đối với phế liệu hoặc nhập khẩu các lô hàng rác thải về Việt Nam, sau đó từ chối nhận hàng, để tồn đọng tại cảng biển nhằm thu lợi từ các đối tượng ở nước ngoài.

     Mặt khác, một số doanh nghiệp lợi dụng sơ hở về cơ chế, chính sách để nhập khẩu số lượng lớn phế liệu không đủ điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật về BVMT vào Việt Nam; sử dụng công nghệ tái chế lạc hậu, chủ yếu là phân loại, sơ chế, tái chế ra nguyên liệu bán thành phẩm; không có hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn (nước thải, khí thải); hàng nghìn tấn phế liệu giấy, nhựa được buôn bán dưới dạng thu gom, trong đó có cả PLNK được chuyển về từ các cảng biển… là nguyên nhân gây ÔNMT. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong NKPL làm nguyên liệu sản xuất để NKPL, nhưng lại bán cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ khác để đưa vào làng nghề, cụm công nghiệp tái chế, làm tăng nguy cơ gây ÔNMT, ảnh hưởng tới môi trường sống, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

 

Cán bộ hải quan kiểm tra hoạt động NKPL tại cảng Hải Phòng

 

     Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng số lượng phế liệu Việt Nam nhập khẩu năm 2018 là 9.254.300 tấn, tăng hơn 1.308.100 tấn so với năm 2017 là 7.946.200 tấn. Riêng đối với mặt hàng phế liệu nhựa, khi Trung Quốc có chủ trương cấm nhập khẩu nhiều chủng loại có nguy cơ gây ÔNMT cao thì lượng phế liệu nhựa nhập khẩu vào Việt Nam lại gia tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, từ tháng 7/2018, khi Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; thực hiện kiểm tra thực tế đối với mặt hàng PLNK thì lượng phế liệu nhựa nhập khẩu về Việt Nam đã giảm rõ rệt. Theo đó, trong 6 tháng cuối năm 2018, tổng lượng phế liệu nhựa nhập khẩu về Việt Nam là 107,1 nghìn tấn, giảm hơn 250% so với 6 tháng đầu năm 2018.

     Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động NKPL

     Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu, sử dụng PLNK làm nguyên liệu sản xuất, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, kiểm soát chặt chẽ việc NKPL từ xa, giảm thiểu nguy cơ gây ÔNMT. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 về giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng PLNK làm nguyên liệu sản xuất; chỉ đạo công tác quản lý hoạt động NKPL từ nước ngoài vào Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, không để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới, tốn kém chi phí tiêu hủy đối với hàng hóa là phế liệu, chất thải đưa vào lãnh thổ Việt Nam. Chỉ thị nêu rõ, không cấp phép cho các cơ sở sản xuất NKPL chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại nguyên liệu; áp dụng biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng PLNK không đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam; kiên quyết buộc tái xuất các lô hàng lợi dụng NKPL để đưa chất thải vào Việt Nam, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hành vi đưa chất thải, phế liệu gây ÔNMT vào Việt Nam.

     Công tác quản lý đối với hoạt động NKPL cũng có sự thay đổi và điều chỉnh khi Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CPsửa đổi và bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT (Nghị định số 40/2019/NĐ-CP) ngày 13/5/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019. Tại các khoản từ 28 - 37, Điều 3, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP quy định chi tiết công tác quản lý đối với hoạt động NKPL, trong đó có một số nội dung quản lý được điều chỉnh mới, thay thế các quy định trước khi ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, cụ thể: Bộ TN&MT là cơ quan duy nhất có thẩm quyền trong việc cấp, cấp lại, thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong NKPL làm nguyên liệu sản xuất (Sở TN&MT không còn giữ trách nhiệm này như thời điểm trước khi Nghị định số 40/2019/NĐ-CP có hiệu lực); việc kiểm tra, giám định chất lượng lô hàng PLNK được thực hiện bởi các Tổ chức giám định được chỉ định. Đồng thời, việc lấy mẫu giám định và kiểm tra tại hiện trường lô hàng PLNK của tổ chức giám định được chỉ định thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan hải quan nơi làm thủ tục thông quan và quy định về trường hợp được miễn kiểm tra chất lượng PLNK và phát sinh thủ tục xem xét, cấp phép miễn kiểm, thông báo đến cơ quan hải quan để thông quan; thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động NKPL thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

     Như vậy, trong một thời gian ngắn, các quy định quản lý nhà nước về hoạt động NKPL làm nguyên liệu sản xuất liên tục có sự thay đổi và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Sau khi Nghị định số 40/2019/NĐ-CP được ban hành và chính thức có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2019 thì công tác quản lý nhà nước về hoạt động NKPL mới đi vào ổn định.

     Bảo đảm sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ, quản lý hiệu quả PLNK

     Hiện nay, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có một số Quy chế phối hợp song phương với các Bộ, ngành như Quy chế phối hợp với Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) trong đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; Quy chế phối hợp lực lượng giữa Hải quan và Cảnh sát biển… Tuy nhiên, các quy chế này là sự phối hợp giữa hai Bộ, ngành với nhau nên chỉ giải quyết công việc trong phạm vi giữa các cơ quan, không mang tính tổng thể, đồng bộ để có thể giải quyết được nôi dung mang tính phối hợp liên ngành giữa các Bộ: Tài chính, TN&MT, Công Thương, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, KH&CN, Ngoại giao và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có cửa khẩu trong việc quản lý hoạt động NKPL.

     Từ thực trạng trên, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có cửa khẩu xây dựng quy chế phối hợp liên ngành về quản lý hoạt động NKPL tại các cửa khẩu. Ngày 19/12/2019, Chính phủ đã ký Quyết định số 35/2019/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế phối hợp liên ngành quản lý hoạt động NKPL, nhằm tạo sự đồng bộ giữa các biện pháp để ngăn chặn các hành vi buôn bán, gian lận; phát huy năng lực trách nhiệm của các Bộ và UBND các tỉnh có cửa khẩu; kiểm soát hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động NKPL. Đây được xem là bước đi quyết liệt của Chính phủ trong nỗ lực quản lý chặt chẽ hoạt động NKPL vốn đã và đang được dư luận quan tâm trong thời gian qua.

     Theo Quy chế, việc phối hợp phải bảo đảm hiệu quả; phân công cụ thể trách nhiệm phối hợp của các Bộ và UBND trong công tác quản lý hoạt động NKPL. Hoạt động phối hợp phải dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các Bộ, UBND; tuân thủ các quy định tại Quy chế này và theo quy định của pháp luật; bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công việc, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động NKPL từ nước ngoài vào Việt Nam.Trong trường hợp phát sinh các vấn đề cần xử lý thuộc thẩm quyền của cơ quan nào thì cơ quan đó chủ trì, các đơn vị khác phối hợp và khi phát sinh vụ việc thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan quản lý thì cơ quan nào thụ lý đầu tiên sẽ chủ trì xử lý.

     Quy chế quy định, nội dung phối hợp gồm: Các Bộ, UBND sẽ phối hợp quán triệt, trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu về những quy định của pháp luật, chủ trương, chính sách mới liên quan trực tiếp đến công tác quản lý hoạt động NKPL làm nguyên liệu sản xuất thuộc lĩnh vực của đơn vị mình quản lý; Phối hợp trong công tác quản lý nhà nước theo lĩnh vực chuyên môn, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động NKPL. Ngoài ra, các Bộ, UBND cũng sẽ phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động NKPL khi cần thiết, đồng thời trao đổi về những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, phục vụ công tác xác minh, điều tra và xử lý vi phạm hoạt động NKPL; phối hợp phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động NKPL…

     Các Bộ, ngành chịu trách nhiệm về công tác quản lý, kiểm tra, kiểm định hàng hóa là PLNK làm nguyên liệu sản xuất theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin, kết luận kiểm tra, kiểm định của mình có liên quan đến mặt hàng này trong quá trình phối hợp. Thực hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về quản lý hoạt động NKPL và quy định tại Quy chế này đê kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền về những vấn đề, vướng mắc phát sinh.

     Như vậy, có thể thấy việc ban hành Quy chế phối hợp liên ngành giữa các Bộ và UBND các tỉnh trong quản lý hoạt động NKPL là cần thiết, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cũng như các quy định pháp luật khác có liên quan. Nội dung quy định chi tiết phù hợp với tinh thần, nội dung của Luật BVMT, Luật Hải quan và Bộ luật Hàng hải Việt Nam. Đồng thời, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ chặt chẽ giữa các Bộ, UBND các tỉnh, nhằm quản lý hiệu quả PLNK; kịp thời ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận trong NKPL, kiên quyết không để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới, không đánh đổi lợi ích kinh tế với môi trường.

 

Phạm Mỹ Hạnh

Tổng cục Hải quan

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2020)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn