Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tăng cường phối hợp với các địa phương giải quyết vấn đề môi trường cấp bách liên vùng, liên tỉnh

05/12/2017

Ông Lại Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang

   Với chiều dài khoảng 290 km, sông Cầu có vai trò quan trọng trong hệ thống sông Thái Bình, trải dài trên 6 tỉnh: Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương và một phần Hà Nội. Thời gian qua, lưu vực sông (LVS) Cầu đang phải chịu những áp lực không nhỏ từ các hoạt động khai thác tài nguyên và phát triển kinh tế, dẫn đến ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường LVS Cầu, một số địa phương đã chủ động đề xuất các vấn đề môi trường cấp bách cần giải quyết liên vùng, liên tỉnh và triển khai một số dự án BVMT LVS quan trọng, trong đó có tỉnh Bắc Giang.

   Nhân dịp Phiên họp lần thứ 13 Ủy ban (UB) BVMT LVS Cầu được tổ chức tại Hải Dương, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn về việc triển khai Đề án tổng thể BVMT LVS Cầu trên địa bàn tỉnh.

   Xin ông cho biết, tình hình triển khai Đề án tổng thể BVMT LVS Cầu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thời gian qua?

   Ông Lại Thanh Sơn: Trong nhiều năm qua, tỉnh Bắc Giang đã tham gia đầy đủ, nỗ lực vào các hoạt động của UBBVMT LVS Cầu, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của UB, triển khai đồng bộ các nội dung và nhiệm vụ BVMT. Theo đó, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách về BVMT, trong đó có BVMT LVS; đồng thời, tổ chức điều tra, thống kê, rà soát đầy đủ các đơn vị phát sinh nguồn thải trên địa bàn tỉnh và LVS, trên cơ sở đó, có kiến nghị phối hợp quản lý; chỉ đạo các ngành, UBND huyện, TP tích cực đẩy mạnh biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường ngay từ khi cấp phép đầu tư, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), xác nhận đăng ký kế hoạch BVMT.

   Song song với đó, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình BVMT, đặc biệt là xử lý nước thải (XLNT) và rác thải. Đến nay, 4/6 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, xây dựng Nhà máy XLNT tập trung (KCN Vân Trung với công suất 5.000 m3/ngày, đêm; KCN Đình Trám, công suất 2.000 m3/ngày, đêm; KCN Quang Châu, công suất 3.000 m3/ngày, đêm; KCN Song Khê - Nội Hoàng, công suất 500 m3/ngày, đêm). Trong đó, 2 KCN Vân Trung và Quang Châu đã lắp đặt thiết bị quan trắc tự động nước thải và truyền số liệu về Sở TN&MT. Đối với công tác quản lý chất thải rắn (CTR), tỉnh đã xây dựng Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải khu vực nông thôn giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 (tỷ lệ rác thải khu vực nông thôn được thu gom đạt khoảng 74%) và tổ chức thu gom rác thải tại các đường làng, ngõ xóm, vớt rác trên sông, kênh mương, ao hồ; tăng cường quản lý chất thải nguy hại đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

   Đặc biệt, tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường. Để ngăn chặn các hành vi xả thải ra môi trường LVS, tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND huyện, TP tăng cường triển khai công tác BVMT tại khu vực giáp ranh, liên huyện, liên tỉnh; phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, địa phương khu vực giáp ranh trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nguồn ô nhiễm, đảm bảo chất lượng môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường; phổ biến, hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật BVMT cho doanh nghiệp (DN), người dân thông qua các hình thức như: Tổ chức hưởng ứng các sự kiện môi trường (Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…), hội nghị tuyên truyền tập huấn, tọa đàm về BVMT, hướng dẫn phân loại rác; đăng tin, bài trên Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh huyện, xã...

Bắc Giang xử lý nghiêm những đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép trên LVS Cầu

   Trong quá trình triển khai Đề án tổng thể BVMT LVS Cầu trên địa bàn tỉnh, có những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?

   Ông Lại Thanh Sơn: Trong quá trình triển khai các hoạt động BVMT LVS có một số khó khăn, vướng mắc như: Các cơ chế chính sách, quy định về hoạt động của UBBVMT LVS chưa đầy đủ và rõ ràng, trong khi, các tỉnh chưa chủ động trong việc giải quyết những vấn đề môi trường liên tỉnh; Cơ chế phối hợp giữa các tỉnh cũng chưa cụ thể, thiếu sự ràng buộc, dẫn đến hiệu quả thực hiện chưa cao; Việc xử lý ô nhiễm môi trường LVS đòi hỏi kinh phí lớn, nhưng kinh phí hoạt động của UBBVMT LVS Cầu còn hạn chế, các tỉnh thường phải chủ động, dẫn đến khó khăn trong xây dựng công trình BVMT mang tính chất liên vùng, liên tỉnh.

   Ngoài ra, tại các tỉnh, trong đó có Bắc Giang, công tác ĐTM đối với dự án đầu tư đã bộc lộ một số bất cập; ý thức chấp hành pháp luật của các DN còn hạn chế, trong khi, cơ quan quản lý địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình và thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT cho các DN, người dân chưa phát huy hiệu quả. Để công tác BVMT LVS đạt kết quả tốt thì cần phải có sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động của các cấp, ngành, DN và người dân, tuy nhiên, đó là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các bên. Mong rằng, trong thời gian tới, các tỉnh sẽ khắc phục những khó khăn, chủ động và tăng cường phối hợp để xử lý sự cố môi trường trên LVS; đồng thời, UBBVMT LVS Cầu cũng phát huy được vai trò, trách nhiệm để góp phần cải thiện chất lượng nước LVS Cầu.

KCN Vân Trung là một trong 4 KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có trạm xử lý nước thải tập trung

   Công tác ĐTM đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm môi trường. Nhưng theo như ông cho biết, việc triển khai công tác này tại Bắc Giang đang có những bất cập, cụ thể là gì, thưa ông?

   Ông Lại Thanh Sơn: Thời gian qua, Bắc Giang luôn quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả công tác ĐTM đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc: Số lượng các dự án đầu tư tại Bắc Giang ngày càng tăng, ước tính mỗi năm, tỉnh có thể tiếp nhận từ 300 - 500 dự án xin giấy xác nhận ĐTM. Với số lượng nhiều dự án, lĩnh vực đa dạng, đa ngành, nên việc đánh giá được hết tác động môi trường của tất cả các dự án là thách thức đối với cơ quan quản lý ở Bắc Giang. Nguyên nhân là do năng lực của các đơn vị tư vấn lập báo cáo ĐTM còn hạn chế; công tác thẩm tra, xác nhận báo cáo ĐTM của cơ quan chức năng, Hội đồng thẩm định chưa đáp ứng yêu cầu quản lý. Mặt khác, chất lượng báo cáo ĐTM thấp, giữa các nội dung trong báo cáo ĐTM so với thực tế của dự án chưa đúng.

   Trong thời gian tới, để công tác BVMT đạt hiệu quả cao, cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao chất lượng thẩm tra các thủ tục về môi trường (báo cáo ĐTM, xác nhận hoàn thành công trình BVMT, kế hoạch BVMT…); tăng cường năng lực cho đội ngũ tư vấn ĐTM, Hội đồng thẩm định ĐTM tại địa phương. Các địa phương nên thiết lập một danh sách đơn vị tư vấn có chất lượng, uy tín để giới thiệu cho dự án. Vừa qua, Bắc Giang đã triển khai nội dung này và đã thông báo đến các đơn vị tư vấn có đủ điều kiện, năng lực, trách nhiệm để tham gia lập báo cáo ĐTM cho DN, các DN có thể tham khảo danh sách những đơn vị tư vấn đó. Tôi nghĩ, Bộ TN&MT cũng nên lập danh sách đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, có năng lực trên cả nước để giới thiệu cho các DN tiếp cận. Đây là việc làm cần thiết không chỉ đối với các DN, mà còn đối với cơ quan quản lý nhà nước, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT.

   Xin cảm ơn ông!

                Phương Tâm

(Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2017

Ý kiến của bạn