Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Tăng cường kiểm soát, quản lý hoạt động săn bắt, buôn bán, vặn chuyển động vật hoang dã

09/06/2020

    Thời gian qua, tình trạng săn bắt, buôn bán, sử dụng, tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã (ĐVHD), đặc biệt là ĐVHD nguy cấp, quý hiếm vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều nơi. Một số khu chợ ở vùng cao, hoặc đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn hoạt động mua bán ĐVHD công khai với các loài như: Kỳ đà, gà lôi, trĩ, gà rừng và các loại chim, dẫn đến nhiều loài ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng. Nhằm tìm hiểu thực trạng công tác quản lý ĐVHD thời gian qua và đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả trong kiểm soát, quản lý, bảo vệ ĐVHD, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hiệu - Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) về vấn đề này.

 

Ông Nguyễn Quốc Hiệu - Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT)

 

PV: Xin ông cho biết về tình hình vi phạm trong hoạt động buôn bán, tiêu thụ trái phép ĐVHD trên cả nước thời gian qua?

Ông Nguyễn Quốc Hiệu: Thời gian qua, tình hình buôn bán trái phép ĐVHD ở Việt Nam diễn biến phức tạp, đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, sử dụng nhiều thủ đoạn đối phó với các lực lượng chức năng. Theo thống kê, các năm gần đây, lực lượng Kiểm lâm toàn quốc phát hiện và xử lý 466 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm (năm 2018 là 239 vụ, năm 2019 là 227 vụ).

    Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đã tác động lớn đến hoạt động khai thác, buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trên địa bàn toàn quốc, nên đã giảm số vụ vi phạm, cả về quy mô và mức độ vi phạm. Tình trạng vận chuyển trái phép ĐVHD vào Việt Nam đã được các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát trên cả 3 tuyến đường bộ, đường biển và hàng không; các điểm nóng vi phạm, chợ đầu mối thường xuyên bày bán, giết mổ ĐVHD đã cơ bản được chính quyền địa phương tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý. Bên cạnh đó, ý thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã dần thay đổi thói quen tiêu thụ, sử dụng ĐVHD, từ đó dẫn đến giảm thiểu các hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái pháp luật. Kết quả, trong 4 tháng đầu năm 2020, lực lượng Kiểm lâm toàn quốc đã phát hiện, xử lý 45 vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm; so với cùng kỳ năm 2019, giảm 8 vụ vi phạm (tương đương 16,6 %); các vụ vi phạm cơ bản ở mức độ nhỏ lẻ, ít nghiêm trọng.

    Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về buôn bán ĐVHD trái pháp luật còn diễn ra với thủ đoạn tinh vi như trà trộn ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp từ tự nhiên với ĐVHD gây nuôi sinh sản hợp pháp, hoặc trong các loại hàng hóa khác để vận chuyển, tiêu thụ... Đặc biệt, các đối tượng sử dụng mạng Internet để thực hiện giao dịch về buôn bán ĐVHD bất hợp pháp, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm.

    Trước tình hình đó, Cục Kiểm lâm đã tham mưu Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhiều giải pháp để quản lý và thực hiện nghiêm túc các cam kết về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm địa phương thực hiện tốt công tác tham mưu, tăng cường đấu tranh ngăn chặn các hành vi buôn bán, chế biến, tiêu thụ trái phép ĐVHD.

PV: Với chế tài xử phạt hiện nay liệu đã đủ sức răn đe đối với những hành vi vi phạm pháp luật về săn bắt, buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hiệu: Từ nhiều năm nay, Chính phủ đã đầu tư nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), ngăn chặn, xử lý hành vi săn bắn, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý các loài ĐVHD, kiểm soát các hoạt động khai thác, gây nuôi, chế biến, buôn bán ĐVHD phù hợp với các hiệp ước quốc tế. Cụ thể là Luật ĐDSH năm 2008, Luật Đầu tư năm 2014, Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, Luật Lâm nghiệp năm 2017, trong đó quy định rõ các hành vi bị cấm “Săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật”. Theo đó, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm  2017) đã quy định rõ 2 tội về ĐVHD, gồm: Tội vi phạm các quy định về bảo về ĐVHD (Điều 234); Tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244), quy định hình phạt lên đến 15 năm tù; hình phạt tiền đến 2 tỷ đồng đối với cá nhân và đến 15 tỷ đồng đối với pháp nhân.

    Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/2/2014 về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm (Chỉ thị số 03/CT-TTg) và Chỉ thị số 28/CT-TTg 17/9/2016 về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài ĐVHD trái pháp luật (Chỉ thị số 28/CT-TTg 17/9/2016).

    Gần đây, việc quản lý ĐVHD tiếp tục được tăng cường thông qua các Nghị định: số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ về sửa đổi Điều 7, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Đặc biệt, ngày 25/4/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó, quy định các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt (Điều 21); vận chuyển (Điều 22); tàng trữ, mua bán, chế biến trái pháp luật (Điều 23) động vật rừng, sản phẩm của động vật rừng, hoặc bộ phận không thể tách rời sự sống của động vật rừng sẽ bị xử phạt đến 400 triệu đồng đối với cá nhân và 800 triệu đồng đối với tổ chức.

    Với mức tăng nặng hình phạt có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực bảo vệ các loài ĐVHD vì thực tiễn cho thấy, việc áp dụng các chế tài hình sự nghiêm khắc sẽ tăng tính răn đe, phòng ngừa chung, góp phần giảm thiểu tình trạng săn bắt, buôn bán, tiêu thụ ĐVHD.

PV: Mặc dù, công tác quản lý ĐVHD ngày càng được tăng cường, nhưng tình trạng săn bắn, mua bán, kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ trái phép các loài ĐVHD và động vật nguy cấp, quý hiếm vẫn còn diễn biến phức tạp, vậy nguyên nhân là do đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hiệu: Tình hình khai thác, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ trái pháp luật các loài ĐVHD còn diễn ra phức tạp ở một số nơi, xuất phát từ các nguyên nhân: Lợi nhuận cao từ việc buôn bán ĐVHD trái phép (được đánh giá xếp sau, hoặc gần như ngang bằng với buôn lậu vũ khí, ma túy và buôn bán người), dẫn đến tình trạng buôn bán trái pháp luật ĐVHD tiếp tục diễn biến phức tạp; các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt lực lượng chức năng. Ngoài ra, với vị trí địa lý nằm tiếp giáp các nước Lào, Campuchia và Trung Quốc với nhiều cửa khẩu và cảng biển, Việt Nam dễ trở thành điểm trung chuyển ĐVHD xuyên quốc gia. Trong khi đó, một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ, vẫn còn thói quen sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD có nguồn gốc tự nhiên, đặc biệt các loài nguy cấp, quý, hiếm.

    Mặc dù, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về săn bắn, buôn bán, vận chuyển trái phép các loài ĐVHD đã hoàn thiện, nhưng vẫn còn nhiều chồng chéo, bất cập, gây khó khăn cho lực lượng thực thi pháp luật trong quá trình xử lý các vụ vi phạm. Bên cạnh đó, còn có những kẽ hở pháp luật để các đối tượng vi phạm về ĐVHD lợi dụng. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình gây nuôi ĐVHD tại một số địa phương còn nhiều khó khăn, dẫn đến một số đối tượng lợi dụng hồ sơ gây nuôi để hợp pháp hóa các loài được săn bắt từ tự nhiên. Hiện nước ta vẫn chưa có những nghiên cứu đầy đủ về quá trình sinh trưởng, sinh sản của một số loài ĐVHD trong môi trường nuôi nhốt, nên gây khó khăn cho công tác quản lý, giám sát. Đặc biệt, sự vào cuộc của chính quyền cấp cơ sở tại một số nơi chưa thực sự quyết liệt, dẫn đến tình trạng mua bán, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật vẫn diễn ra.

PV: Trước sự nguy hiểm của các dịch bệnh do sự lây truyền virus từ ĐVHD sang con người như đại dịch  COVID-19, theo ông, cần có những giải pháp gì nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ ĐVHD?

Ông Nguyễn Quốc Hiệu: Có thể nói, hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật tiềm ẩn rủi ro truyền nhiễm các bệnh sang con người như virus SARS, cúm H5N1 và mới đây là SARS-CoV-2, đe dọa đến sức khoẻ cộng đồng và sự phát triển kinh tế của đất nước. Nhằm tăng cường thực thi pháp luật trong quản lý, kiểm soát buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trong tình hình mới, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Dự thảo Chỉ thị về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD, Chỉ thị yêu cầu các Bộ: NN&PTNT, TN&MT, Công an, Y tế, Tài chính, Công thương, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Quốc phòng và UBND các tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật.

 

Các cán bộ kiểm lâm kiểm tra cân nặng của các cá thể tê tê được thu giữ trong một vụ vi phạm pháp luật về mua bán, vận chuyển ĐVHD

 

    Bên cạnh đó, cần thực hiện những nội dung như: Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ (Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/02/2014; Chỉ thị số 28/CT-TTg và gần đây nhất là Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra); Tham mưu cho Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để quản lý chặt chẽ hoạt động buôn bán và tiêu thụ ĐVHD phù hợp với tình hình mới, đặc biệt là nội dung liên quan đến tiêu thụ ĐVHD hiện chưa được quy định trong các văn bản pháp luật. Các cơ quan, ban ngành, cấp ủy, chính quyền, các thành phần trong xã hội từ Trung ương đến địa phương cân tăng cường phối hợp nhằm đấu tranh, ngăn chặn, cương quyết xử lý nghiêm các hành vi khai thác, nuôi nhốt, tàng trữ, chế biến, kinh doanh, buôn bán, xuất nhập khẩu trái pháp luật ĐVHD, kể cả các đối tượng quảng cáo, mua bán ĐVHD trên mạng Internet; kiểm soát chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử liên quan đến ĐVHD.

    Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ ĐVHD tới cộng đồng, làm thay đổi thói quen về tiêu thụ, sử dụng ĐVHD và sản phẩm ĐVHD, nghiên cứu, quảng bá các sản phẩm nhằm thay thế các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm; công khai thông tin đối tượng vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc xét xử các vụ án về ĐVHD tại nơi xảy ra vi phạm để tăng tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, tội phạm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở gây nuôi trong nước, cũng như cửa khẩu, không để việc nhập khẩu trái phép ĐVHD về Việt Nam, hoặc lợi dụng hồ sơ gây nuôi để hợp thức hóa ĐVHD trái phép.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Giáng Hương (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2020)

 

Ý kiến của bạn