Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí ở Việt Nam

26/07/2016

    Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí (CLKK) đến năm 2020, tầm nhìn 2025 (KHHĐQG) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016 đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường các hoạt động kiểm soát ô nhiễm không khí (ÔNKK), đặc biệt là triển khai các quy định của Luật BVMT năm 2014 và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

     Trong thời gian qua, tại Việt Nam, ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam gây ra những tác động không nhỏ tới sức khỏe cộng đồng và các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác quản lý CLKK hiện nay còn nhiều khó khăn, bất cập. Công tác phòng ngừa, giảm thiểu ÔNKK từ các cơ sở sản xuất, phương tiện giao thông chưa được thực hiện đầy đủ. Hệ thống quan trắc và thông tin về kiểm soát, quản lý CLKK chưa đáp ứng yêu cầu thực tế…

     Để khắc phục tình trạng trên, trong Luật BVMT 2014 và Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã đưa ra một số quy định về quản lý CLKK. Để tăng cường công tác quản lý CLKK, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành KHHĐQG nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về bảo vệ, quản lý chất lượng môi trường không khí của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

 

        

     Kế hoạch có mục tiêu tổng quát là tăng cường công tác quản lý CLKK thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát CLKK xung quanh nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Trong đó, trước hết là kiểm soát tốt các nguồn khí thải, tập trung vào nguồn khí thải công nghiệp, năng lượng và giao thông. Đến năm 2020, bảo đảm 80% các cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học xử lý bụi và các khí thải đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 90% cơ sở sản xuất nhiệt điện, 80% cơ sở sản xuất xi măng, 70% cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục với các thông số theo quy chuẩn; Kiểm kê khí thải cho 90% cơ sở sản xuất nhiệt điện, 80% cơ sở sản xuất xi măng, 70% cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học; Triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm bụi PM10 và PM2.5 tại các nguồn thải chính; Hoàn thành thực hiện Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, TP”, Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 1/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô 2 bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; Tăng cường năng lực quốc gia về kiểm soát khí nhà kính (KNK), góp phần thực hiện cam kết quốc gia về giảm phát thải KNK của Việt Nam.

     Song song với kiểm soát nguồn thải, KHHĐQG cũng đề ra mục tiêu về theo dõi CLKK xung quanh, trong đó phải xác định hiện trạng ô nhiễm bụi PM10 và PM2.5­ tại các đô thị đặc biệt và đô thị trực thuộc Trung ương; Tăng cường công tác giám sát CLKK xung quanh thông qua việc tăng số lượng trạm quan trắc không khí xung quanh tự động liên tục tại các đô thị so với năm 2015 theo đúng quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, giám sát thường xuyên các thông số theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thông số VOCs, HC.

     KHHĐQG đã đưa ra quan điểm quản lý CLKK phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam để đảm bảo tính hiệu quả, lấy phòng ngừa ô nhiễm là chính, kết hợp với xử lý, khắc phục ô nhiễm, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường không khí xung quanh. Quản lý CLKK phải dựa trên phân tích chi phí lợi ích, được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình quản lý phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Kế hoạch cũng xác định đây là trách nhiệm của chủ các nguồn phát thải và các cơ quan quản lý Nhà nước với sự giám sát của nhân dân.

     Để thực hiện các mục tiêu trên, KHHĐQG đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý CLKK; Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực về quản lý CLKK; Phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải; Hoàn thiện cơ chế tài chính, đa dạng hóa nguồn lực cho lĩnh vực quản lý CLKK; Hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học, công nghệ về quản lý CLKK; Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT không khí; Tuyên truyền, giáo dục và nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý CLKK.

     Đồng thời, yêu cầu sự tham gia, phối hợp của các Bộ, ngành, đặc biệt là vai trò của Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải cũng như các cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương. Mặt khác, KHHĐQG cũng đưa ra các chương trình, nhiệm vụ ưu tiên để triển khai, thực hiện kế hoạch, trong đó nêu rõ thời gian, cơ quan thực hiện và các kết quả mong đợi của các nhiệm vụ này.

     Quản lý CLKK là trách nhiệm không chỉ của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương mà còn của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, vì vậy cần sự chung tay của cả xã hội trong việc nâng cao nhận thức, tăng cường công tác phối hợp nhằm BVMT không khí và sức khỏe cộng đồng. KHHĐQG là cơ sở để hoạt động quản lý CLKK của Việt Nam trong thời gian tới được thực hiện một cách toàn diện, bài bản, phù hợp với yêu cầu thực tiễn tại Việt Nam và theo xu thế của thế giới về quản lý CLKK.

     Hiện tại, Bộ TN&MT với vai trò là cơ quan đầu mối đang khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, để triển khai KHHĐQG một cách có hiệu quả, trong thời gian tới, bên cạnh việc sử dụng nguồn lực trong nước, Việt Nam cần sự hỗ trợ của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý CLKK, kinh nghiệm thực tiễn về kiểm soát ÔNKK, xây dựng cơ sở dữ liệu về khí thải...; cũng như sự tham gia của các nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu về quản lý CLKK nhằm ứng dụng các công cụ kỹ thuật vào quản lý CLKK. Ngoài ra, các doanh nghiệp, người dân cũng cần tích cực thực hiện các biện pháp về kiểm soát nguồn thải trong những hoạt động của mình.

 

ThS. LÊ HOÀI NAM

Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm  – Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2016)

Ý kiến của bạn