Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tăng cường công tác quản lý các loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại tại Việt Nam

27/04/2017

   Trong thời gian gần đây, tại một số địa phương đã xuất hiện một số loài ngoại lai xâm hại (NLXH) và có nguy cơ xâm hại (NCXH) như tôm hùm nước ngọt, cá chim trắng toàn thân… làm mất cân bằng sinh thái, lấn át nguồn gen bản địa, gây ra những hậu quả lớn về môi trường và đa dạng sinh học (ĐDSH). Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề trên cũng như tham khảo kinh nghiệm của thế giới trong công tác quản lý các loài NLXH và có NCXH.

PGS. TS Mai Văn Trịnh Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp

   Xin ông cho biết, thực trạng và những nguy cơ tác động đến môi trường sinh thái của các loài NLXH và có NCXH tại Việt Nam?

   PGS. TS Mai Văn Trịnh: Hiện nay, tại Việt Nam có 25 loài NLXH bao gồm 4 loài vi sinh vật, 5 loài động vật không có xương sống, 6 loài cá, 2 loài lưỡng cư bò sát, 1 loài chim và 7 loài thực vật. Bên cạnh đó là 15 loài sinh vật ngoại lai có NCXH đã từng xuất hiện ở Việt Nam và tiềm ẩn 41 loài sinh vật NLXH chưa từng xuất hiện ở Việt Nam. Các loài NLXH có sức sống và cạnh tranh mạnh nên chúng thường lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển. Sự xâm lấn của các loài NLXH có thể làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, thậm chí làm tuyệt chủng nhiều loài, tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội và sức khỏe của con người.

   Đối với các loài ngoại lai có NCXH thì có thể xâm nhập vào môi trường sống mới bằng nhiều cách. Chúng có thể đi theo con đường tự nhiên như gió, dòng nước biển và bám theo các loài di cư, nhưng chủ yếu là do hoạt động của con người. Cùng với sự phát triển của giao thông vận tải và hoạt động thông thương, con người đã vô tình hay hữu ý mang theo các loài NLXH. Nhiều loài được du nhập một cách có chủ ý, với mục đích kinh tế, giải trí, khoa học, nhưng do không được kiểm soát tốt đã bùng phát và gây ra các tác hại nặng nề. Với mức độ tăng trưởng nhanh, thậm chí nhiều loài ngoại lai có NCXH còn cho năng suất cao. Tuy nhiên nguy cơ tiềm ẩn sẽ phát triển đến đỉnh điểm, mất cân bằng trong chuỗi thức ăn thì có thể bùng phát cạnh tranh, tiêu diệt các loại sinh vật bản địa hoặc mùa màng.

   Hiện nay, ở một số địa phương đã xuất hiện các loài mới có NCXH như tôm hùm nước ngọt, cá chim trắng toàn thân đe dọa đến sự sinh trưởng của các loài khác, xin ông cho biết các quy định cũng như chế tài để kiểm soát các loài trên?

   PGS. TS. Mai Văn Trịnh: Trong Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 26/9/2013 của Bộ trưởng Bộ TN&MT và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thì tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkia) và cá chim trắng toàn thân (Piaractus brachypomus) là 2 loài ngoại lai có NCXH. Mặc dù, chưa có biểu hiện của sự xâm hại trên diện rộng nhưng theo quan sát thực tế ban đầu thì 2 loài này có sức sống và cấu tạo cơ thể khỏe, có những bộ phận cơ thể có thể gây hại cho một số loài như cấu tạo càng của tôm hùm rất cứng, ưa đào hang trú ẩn, là mối nguy cho các công trình kênh mương, hệ thống thủy lợi hay như răng của cá chim trắng có 2 hàm trên và dưới, mỗi hàm có tới 2 hàng răng. Chúng rất phàm ăn, thường săn mồi theo bầy cùng với hàm răng nhọn, cứng nên khi chúng phát triển bùng phát với quần thể lớn thì cũng sẽ trở thành kẻ săn mồi hoặc quần thể ăn mồi tiêu diệt các loài khác. Do vậy, pháp luật đã có quy định cấm không được nuôi các loài sinh vật NLXH và có NCXH. Để kiểm soát các loài này, hiện các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành các quy định về xử phạt những hành vi vi phạm pháp luật về thả, gây nuôi hoặc phóng sinh các loài NLXH, đó là Nghị định số 155/2016/NĐ - CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT; Thông tư số 53/2009/TT- BNNPTNT ngày 21/8/2009 của Bộ NN&PTNT quy định về quản lý các loài thủy sinh ngoại lai. Đồng thời, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ TN&MT rà soát, cập nhật Danh mục các loài NLXH; Các UBND, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo địa phương kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về quản lý các loài NLXH và có NCXH…

   Ông có thể cho biết, một số kinh nghiệm của thế giới trong quản lý các loài NLXH, có thể áp dụng tại Việt Nam?

   PGS. TS. Mai Văn Trịnh: Hiện nay, trên thế giới có 890 loài NLXH, trong đó 130 loài đã xuất hiện ở Việt Nam. Thống kê tại 57 quốc gia thì trung bình mỗi quốc gia có 50 loài sinh vật NLXH, gây tác động tiêu cực đến ĐDSH. Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN, 2001) thì trong 100 loài NLXH nguy hiểm nhất có 8 loài vi sinh vật, 4 loài thực vật thủy sinh, 32 loài thực vật trên cạn, 9 loài động vật thủy sinh, 17 loài động vật trên cạn, 3 loài lưỡng cư, 8 loài cá, 3 loài chim, 2 loài bò sát và 14 loài thú.

   Do tính chất phức tạp và mức độ gây hại nghiêm trọng của các loài NLXH và có NCXH, mỗi quốc gia đều có chiến lược quản lý sinh vật ngoại lai phù hợp và triển khai những dự án để kiểm soát các loài này. Tại nước Anh đã triển khai 1 dự án về giảm thiểu tác động của sinh vật ngoại lai đến môi trường xung quanh vùng các lãnh thổ thuộc Đại Tây Dương bao gồm các hoạt động: Thu thập các thông tin cơ sở, nâng cao mối quan tâm về sinh vật ngoại lai, lồng ghép các loài ngoại lai đang quan tâm với các chính sách của địa phương, tăng cường năng lực cho các địa phương, kiểm soát và diệt trừ các loài NLXH.

   Scotland đã đưa ra 3 nguyên tắc đối với việc kiểm soát loài NLXH là ngăn chặn (phát hiện và ngăn chặn ngay từ nơi xuất hiện đầu tiên), phản ứng nhanh (diệt trừ để tránh sự hình thành khu vực sinh sống lớn của loài mà các hoạt động ngăn chặn bị thất bại) và kiểm soát và ngăn chặn (giảm thiểu tác động khi cả hai biện pháp ngăn chặn và diệt trừ bị thất bại và áp dụng đối với loài hình thành nhanh).

Tại Sóc Trăng, loài tôm hùm nước ngọt được nhập về phát triển rất nhanh, đe dọa loài tôm bản địa

   Như vậy, có thể thấy, tùy thuộc vào đặc tính sinh trưởng của loài NLXH, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội mà áp dụng các biện pháp quản lý và phòng ngừa khác nhau. Tuy nhiên, Việt Nam có thể dựa theo nguyên tắc chung của thế giới hướng dẫn cho việc quản lý các loài NLXH, gồm 6 bước là: Xác định phạm vi và mức độ xuất hiện, tập quán sinh sống, tác hại và mức độ tác động đến môi trường; Xác định biện pháp quản lý phù hợp và biện pháp phục hồi môi trường; Xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các biện pháp quản lý; Giám sát các hoạt động quản lý và thực hành; Giám sát kết quả của việc phòng trừ sau khi đã áp dụng các biện pháp; Báo cáo và tổng kết công tác quản lý của dự án triển khai.

   Để quản lý hiệu quả các loài NLXH và có NCXH, ông có đề xuất, kiến nghị gì?

   PGS. TS. Mai Văn Trịnh: Trong một số trường hợp, sự xâm nhập của các loài NLXH và có NCXH nhằm phục vụ lợi ích kinh tế hoặc các hoạt động khác như nhập khẩu để sản xuất thực phẩm, làm cảnh, thậm chí là phục vụ đa dạng sinh học thì cần phải có biện pháp kiểm soát đầu vào các loài NLXH. Quá trình kiểm dịch động thực vật và các sản phẩm sinh học phải được tiến hành đánh giá nghiêm túc về tác động của các loài NLXH và có NCXH đối với môi trường sinh thái. Đặc biệt, phải quan trắc, tính toán các nguy cơ ảnh hưởng của các loài NLXH đến môi trường sinh thái của Việt Nam trước khi cho phép nhập khẩu.

   Đối với các loài NLXH đã có mặt ở Việt Nam cần có thông tin đầy đủ về hiện trạng phân bố và sinh sống, động thái, xu hướng phát triển của chúng, từ đó dự báo sự hoạt động của chúng và có các giải pháp như nhận biết, khoanh vùng, đề xuất biện pháp diệt trừ, quản lý sau diệt trừ… Đặc biệt, đối với loài ngoại lai phân bố rộng và ở các địa hình phức tạp, cần áp dụng các công nghệ tiên tiến như sử dụng ảnh vệ tinh độ phân giải cao vào thu thập sự phân bố của loài, từ đó xây dựng các phương án khoanh vùng và diệt trừ hiệu quả cao, thậm chí có thể sử dụng máy bay không người lái, rô bốt vào công tác diệt trừ. Ngoài ra, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về nguy cơ gây hại của các loài NLXH, làm ảnh hưởng đến ĐDSH, an ninh an toàn sinh vật.

Xin cảm ơn ông!

 Châu Loan (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2017

Ý kiến của bạn