Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Tăng cường bảo vệ môi trường Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận

31/05/2018

     Thời gian qua, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) đã tích cực thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường như: xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sau xử lý được nhập chung với nước thải công nghiệp sau khi xử lý để tiếp tục lắng, lọc và tái sử dụng tưới tro, xỉ… qua đó hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhằm đảm bảo môi trường tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (TTĐL), tỉnh Bình Thuận kiến nghị Trung ương đưa TTĐL Vĩnh Tân vào Chương trình giám sát đặc biệt và thành lập Tổ giám sát môi trường tại khu vực này.

     Đôi nét về TT ĐL Vĩnh Tân

     TTĐL Vĩnh Tân đóng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được quy hoạch gồm 5 Dự án nhà máy nhiệt điện chạy than với 10 tổ máy phát điện, mỗi tổ máy có công suất 600MW -660MW, sử dụng các loại lò hơi cận tới hạn và siêu tới hạn, tổng công suất lắp đặt toàn Trung tâm là 6.264 MW, cụ thể:

     Dự án Vĩnh Tân 1 theo hình thức Hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), gồm 2 tổ máy 600 MW, sử dụng lò hơi đốt than phun (PC), do Công ty TNHH lưới điện Phương Nam, Công ty TNHH Điện lực quốc tế (Trung Quốc) và Tổng Công ty Điện lực - Vinacomin làm chủ đầu tư theo hình thức BOT, với đại diện chủ đầu tư là Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân. Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo Quyết định số 133/QĐ-BTNMT ngày 22/1/2008 và Quyết định số 552/QĐ-BTNMT ngày 23/3/2010 (ĐTM bổ sung), dự kiến trong năm 2018-2019 dự án sẽ đi vào hoạt động.

     Đối với Dự án Vĩnh Tân 2, gồm 2 tổ máy 622MW, sử dụng lò hơi cận tới hạn, do tổng thầu EPC là Tập đoàn Điện khí Thượng Hải/Trung Quốc (SEC) đảm nhiệm. Báo cáo ĐTM theo Quyết định số 1386/QĐ-BTNMT ngày 22/7/2009. Khởi công ngày 8/8/2010 và đưa vào hoạt động năm 2015 (cấp PAC Tổ máy số 1 ngày 30/1/2015, Tổ máy số 2 ngày 21/3/2015) và tham gia phát điện cạnh tranh từ ngày 1/1/2017.

     Dự án BOT - Vĩnh Tân 3, gồm 3 tổ máy 660KW, sử dụng lò hơi đốt than phun (PC), chủ đầu tư là Công ty CP Năng lượng Vĩnh Tân 3, xây dựng Nhà máy theo hình thức BOT, với các cổ đông: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific Corporation); Tổ hợp One Energy... Báo cáo ĐTM theo Quyết định số 2829/QĐ-BTNMT ngày 8/12/2014, dự kiến 2020 dự án đi vào hoạt động.

     Dự án Vĩnh Tân 4, gồm 2 tổ máy 600MW, sử dụng lò hơi đốt than phun (PC) siêu tới hạn, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, tổng thầu EPC là Tổ hợp nhà thầu Doosan-Mitsubishi-PECC2-Pacific (DMPP). Báo cáo ĐTM theo Quyết định số 1871/QĐ-BTNMT ngày 3/10/2013, dự án khởi công ngày 9/3/2014 và đưa vào hoạt động năm 2017 - 2018 (Tổ máy số 1 ngày 26/12/2017, Tổ máy số 2 là ngày 26/6/2018).

     Dự án Vĩnh Tân 4 mở rộng, gồm 1 tổ máy 600MW, sử dụng lò hơi đốt than phun (PC), siêu tới hạn, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, do Tổ hợp nhà thầu DMPP (Pacific) thực hiện. Theo Báo cáo ĐTM của dự án theo Quyết định số 3041/QĐ-BTNMT ngày 27/11/2015. Khởi công ngày 23/4/2016 và dự kiến đưa vào hoạt động năm 2019 (cấp PAC ngày 12/2019).

     Thực trạng môi trường tại TTĐL Vĩnh Tân

     Do hoạt động đốt các loại than cám (than 6A Hòn Gai, Quảng Ninh; than bituminous và sub-bituminous của Inđônêxia, Ôxtrâylia) trong quá trình sản xuất nhiệt điện than gây ra các thành phần ô nhiễm như bụi; NOx; SOx…Đây là mối quan tâm hàng đầu cần giải quyết bằng các công nghệ xử lý thích hợp. Đối với than 6A có thành phần (độ tro xỉ 33,12%; chất bốc 6,4%; lưu huỳnh 0,55%; nitrogen 0,8%; chỉ số nghiền 45 - 60%. Đối với than bituminous có thành phần: độ tro xỉ 8 - 15%; chất bốc 16 - 46%; lưu huỳnh 0,8%; nitrogen 0,8%; chỉ số nghiền 40 - 55%...) có tính chất quyết định đến chất lượng nguồn thải đốt than của các nhà máy.

     Công đoạn Việc xử lý khí thải các nhà máy thuộc TTĐL Vĩnh Tân gồm: Khí thải nhà máy điện Þ Bộ Khử NOx (SCR-Selective Catalytic Redution) Þ Bộ lọc bụi tĩnh điện (ESP- Electrostatic Precipitator) Þ Bộ khử SOx (FGD - Flue Gas Desulfurization) Þ Hệ thống ống khói.

 

Toàn cảnh TTĐL Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận

 

     Bộ khử NOx của các nhà máy thuộc TTĐL Vĩnh Tân gồm 2 loại: Có trang bị hệ thống khử NOx, trong bộ SCR, sử dụng NH­3 là hóa chất khử NOx thành Nitrogen và nước, dưới sự hiện diện của chất xúc tác để đạt khử NOx trong khói thải (áp dụng tại Nhà máy Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 mở rộng) và loại không trang bị bộ SCR mà áp dụng biện pháp giảm thiểu NOx trong buồng đốt nhiệt độ thấp (low NOx burner), làm giảm sự tạo thành NOx trong khói thải (áp dụng tại Nhà máy Vĩnh Tân 3 và Vĩnh Tân 4). Hiệu suất xử lý NOx đối với Nhà máy Vĩnh Tân (87,5%), Vĩnh Tân 2 (88,4%), Vĩnh Tân 3 (65%), Vĩnh Tân 4 (65%) và Vĩnh Tân 4 mở rộng (65%). Loại sử dụng bộ khử NOx bằng SCR có tính tối ưu hơn đối với hiệu suất xử lý khí thải…

     Bộ lọc bụi tĩnh điện (ESP), sử dụng dòng khói thải chứa bụi đi qua điện trường (dòng điện một chiều có hiệu điện thế cao) dòng khói thải chứa bụi sẽ bị điện li tạo thành các điện tử là các ion âm và các ion dương. Bụi trong khói thải khi đi qua điện trường cũng bị nhiễm điện, các hạt bụi nhiễm điện sẽ bị hút về phía các điện cực trái dấu và bám trên bề mặt các điện cực. Sau một thời gian bụi bám trên bề mặt điện cực sẽ được hệ thống búa gõ, máy rung tách các hạt bụi và đưa về phễu thu hồi bụi tro bay về hệ thống thải tro xỉ. Hiệu suất xử lý bụi của hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) Nhà máy Vĩnh Tân 1 (99,7%), Vĩnh Tân 2 (99,3%), Vĩnh Tân 3 (99%), Vĩnh Tân 4 (97,8%) và Vĩnh Tân 4 mở rộng (99,13%).

      Bộ khử SOx (FGD), là công nghệ sử dụng các gốc hóa chất mang tính kiềm có trong nước biển để hấp thụ SOx có trong khói thải. Nước biển được đưa vào các tháp hấp thụ tiếp xúc để hấp thụ SOx có trong khói thải để tạo ra ion SO32- và ion H+, khi đó pH của nước biển hấp thụ sẽ giảm và nước biển này sẽ có tính chất acid. Nước biển từ tháp hấp thụ hòa trộn cùng nước biển làm mát và sục khí tăng cường để chuyển hóa SO32- thành ion sulfate bền vững SO42-(SO32- phản ứng với O2 khi sục khí). Hiệu suất xử lý SOx bằng nước biển của Nhà máy Vĩnh Tân 1 (90,5%), Vĩnh Tân 2 (90%), Vĩnh Tân 3 (88,5%), Vĩnh Tân 4 (86,8%) và Vĩnh Tân 4 mở rộng (90%). Các nguồn thải chính thuộc TTĐL Vĩnh Tân gồm: khí thải (Bụi; NOx; Sox…), nước làm mát (nhiệt độ cao, hóa chất…), chất thải rắn (xỉ than, tro bay...).

     Mặc dù từng Nhà máy đã được xử lý đáp ứng QCVN 22:2009/BTNMT (Kp=0,85 và Kv=1,0), tuy nhiên khói thải sau xử lý vẫn còn các thành phần ô nhiễm rất đáng kể như: Nhà máy Vĩnh Tân 1 có NOx 300 mg/Nm3; SOx 144 mg/Nm3; Bụi 98mg/Nm3. Vĩnh Tân 2 có NOx 200 mg/Nm3; SOx 153 mg/Nm3; Bụi 148 mg/Nm3. Vĩnh Tân 3 có NOx 160; mg/Nm3; SOx 200 mg/Nm3; Bụi 50 mg/Nm3. Vĩnh Tân 4 có NOx 160; mg/Nm3; SOx 204 mg/Nm3; Bụi 50 mg/Nm3. Vĩnh Tân 4 mở rộng có NOx 160 mg/Nm3; SOx 204 mg/Nm3; Bụi 50 mg/Nm3... với tổng lưu lượng thải của TTĐL Vĩnh Tân là 23.846.400m3/h…có thể gây ra các tác động tổng hợp đối với môi trường trong khu vực…

     TTĐL Vĩnh Tân khi đi vào hoạt động có lượng nước làm mát thải ra biển với 967.590 m3/h, nhưng lượng nước này không chỉ đơn thuần là xử lý nhiệt độ (theo thiết kế cho TTĐL Vĩnh Tân là 27,60C (thực tế khoảng 300C), độ chênh nhiệt độ giữa nước thải và môi trường nước biển là 70C, như vậy nhiệt độ tại vị trí xả thải không vượt quá 400C đáp ứng quy chuẩn nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT), mà còn các thành phần nhiễm bẩn khác chưa kiểm soát, đó là việc gia tăng hàm lượng SO42- trong nước thải ra biển do quá trình hấp thụ SOx từ hệ thống khử lưu huỳnh khí thải bằng nước biển. Dự báo tải lượng hấp thụ SOx (chuyển hóa thành SO­42-sau sục khí) qua nước biển của các nhà máy thuộc TTĐL Vĩnh Tân như sau: Vĩnh Tân 1 khoảng (7.175 kg/h); Vĩnh Tân 2 (7.212 kg/h); Vĩnh Tân 3 (10.306 kg/h); Vĩnh Tân 4 (5.974 kg/h) và Vĩnh Tân 4 mở rộng (4.091 kg/h)… Lượng SOx sau hấp thụ sẽ được chuyển hóa thành SO­42-sau sục khí và tham gia vào thành phần nước xả thải ra vịnh Vũng Mũ. Đặc biệt, lượng nước biển lấy vào làm mát theo mùa sẽ kéo theo các nguồn lợi trứng thủy sản, ấu trùng tôm, cua, nhuyễn thể (Nauplius; zoae; mysis; postlarvae…), các loài thủy sinh (algae;phytoplankton; zooplankton; zoobenthos…), sẽ bị tiêu diệt qua hệ thống làm mát hấp thụ nhiệt. Bên cạnh đó, lượng sunphat(SO­42-) có trong nước xả thải của cả TTĐL Vĩnh Tân lại chưa được đánh giá, kiểm soát và dự báo trong các hồ sơ tài liệu của các nhà máy ở đây, mà đặc biệt là các tác động vật lý, hóa học và sinh thái đến vùng biển vịnh Vũng Mũ của tỉnh Bình Thuận.

     Các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, 2,3,4 và 4 mở rộng được quy hoạch đổ thải tro xỉ và tro bay tại bãi xỉ tại khu vực chân núi Hố Dừa với tổng diện tích 181,5 ha. Tổng lượng tro xỉ và tro bay của các nhà máy thuộc TTĐL Vĩnh Tân khoảng (3.427.980 tấn/năm), trong đó Vĩnh Tân 1 (1.262.900 tấn/năm); Vĩnh Tân 2 (1.150.000 tấn/năm), Vĩnh Tân 3 (1.150.000 tấn/năm); Vĩnh Tân 4 (330.260 tấn/năm) và Vĩnh Tân 4 mở rộng (144.820 tấn/năm). Vào mùa khô, việc vận chuyển tro xỉ và tro bay ra bãi thải, làm phát sinh các vấn đề bụi phát tán và tro rơi vãi trên đường và tại bãi thải, nhất là khi có thời tiết“cực đoan” gió cuộn, lốc xoáy thường xảy ra trong khu vực (địa hình eo biển núi đá cao ngăn cản gây các diễn biến gió quẩn, lốc xoáy)… đã gây ra các tác động khí bụi trong khu vực. Vào mùa mưa, môi trường đất khu vực dân cư gần bãi thải bị ngập nước, một số giếng nước ngầm có dấu hiệu bị nhiễm Cloruatrong trong nước ngầm (một số cây trong khu vực rụng lá, khô cành chết hàng loạt), nước mưa chảy tràn khu vực triền núi Hố Dừa có thể xâm thực vào chân bãi thải tro xỉ tro bay làm xói lở và ngập nước...

     Đề xuất một số giải pháp BVMT

     Vĩnh Tân là một trung tâm năng lượng điện lớn của quốc gia trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là cung cấp điện năng cho khu vực phía Nam. Tuy nhiên, khi đưa tất cả các tổ máy của các nhà máy vào hoạt động sẽ có các tác động môi trường về khí thải, nước thải, chất thải rắn… Do đó cần phải đưa vào cơ chế giám sát đặc biệt tổng hợp các vấn đề môi trường để đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững…

     Thứ nhất, đối với khí thải, xây dựng mạng lưới quan trắc chặt chẽ, để giám sát chất lượng khí thải tại nguồn (quan trắc tự động liên tục tại các nhà máy nhiệt điện), chất lượng khí thải xung quanh (khu vực TTĐL Vĩnh Tân, đường vận chuyển, bãi thải tro xỉ tro bay, khu vực dân cư xung quanh tại địa phương)... đề xuất các biện pháp úng phó sự cố ô nhiễm không khí đối với TTĐL Vĩnh Tân một cách hiệu quả.

     Thứ hai, đối với nước thải, nghiên cứu, đánh giá các tác động vật lý, hóa học và sinh thái của nguồn nước thải, thải ra biển sau xử lý đến vùng biển vịnh Vũng Mũ của tỉnh Bình Thuận (cả các tác động đối với rạn san hô và thảm cỏ biển trong khu vực). Đặc biệt hệ thống khử SOx (FGD) bằng nước biển đã làm gia tăng hàm lượng SO42- trong nước thải ra biển khoảng 34.758 kg/h (tính theoSOx), tương đương 834.192 kg/ngày là một khối lượng rất lớn cần phải được quan tâm trong việc xử lý và thu hồi sản phẩm phụ trong xử lý khí thải. Lưu ý, nguồn nước biển làm mát xả ra biển hầu như đã được khử các thành phần hữu cơ mà lại chứa sự gia tăng của thành phần SO42, có thể là điều kiện thuận lợi để đề xuất các nghiên cứu thu hồi SO42 qua sản phẩm thạch cao tỉnh thể từ bay hơi mặt bằng (CaSO­­­­42.H2O – gypsum) trong sản xuất muối bằng phương pháp phơi nước. Đặc biệt, việc nghiên cứu hệ nước biển (hệ 5 cấu tử Muối-Nước:Na+, K+, Mg2+//Cl-, SO­42-; H2O, t0C) làm cơ sở khoa học để sản xuất các muối khoáng từ nước biển là rất quan trọng.

     Thứ ba, đối với tro xỉ và tro bay, áp dụng các biện pháp triệt để, toàn diện hơn trong việc vận chuyển và xử lý các nguồn thải tro xỉ và tro bay một cách lâu dài ổn định và bền vững, đáp ứng các yêu cầu BVMT và sẵn sàng ứng phó với các sự cố môi trường có thể sảy ra. Đề xuất giải pháp vận chuyển tro xỉ và tro bay bằng đường ống kín tổng hợp của toàn TTĐL Vĩnh Tân, thay cho việc sử dụng phương tiện xe tải đường bộ như hiện nay, để tránh được hiện tượng thời tiết “cực đoan” gió cuộn, lốc xoáy thường xảy ra trong khu vực. Hoàn thiện quy hoạch đầu tư bãi thải tro xỉ và tro bay đáp ứng các yêu cầu BVMT của cả TTĐL Vĩnh Tân một cách bền vững, xây dựng các công trình ngăn ngừa sự xâm thực của nước mưa chảy tràn khu vực chân núi Hố Dừa vào bãi thải. Nhà nước cần nhanh chóng ban hành các chính sách về khuyến khích sử dụng tro xỉ và tro bay, quy chuẩn ký thuật về tro xỉ và tro bay làm vật liệu xây dựng, hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư đối với các dự án sử dụng tro xỉ và tro bay làm vật liệu xây dựng và nông nghiệp…

 

Phạm Đình Đôn

Cục Bảo vệ môi trường miền Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2018)

 

 

Ý kiến của bạn