Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

03/07/2017

   Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học (ĐDSH) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013 với mục tiêu bảo tồn và sử dụng bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, loài, nguồn gen nguy cấp, quý, hiếm, góp phần phát triển đất nước theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc xây dựng Chiến lược quốc gia về ĐDSH đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh ĐDSH ở Việt Nam đang ngày càng bị suy thoái và bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, đồng thời giúp Việt Nam thực hiện tốt cam kết quốc gia đối với Công ước ĐDSH.

   Tình hình thực hiện Chiến lược giai đoạn 2013 - 2016

   Sau 3 năm triển khai thực hiện Chiến lược, công tác bảo tồn ĐDSH bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng. Tính đến tháng 10/2016, có 43/63 tỉnh, thành phố đã hoàn thành xây dựng Kế hoạch hành động ĐDSH và 13/63 tỉnh đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn ĐDSH; 166/176 khu rừng đặc dụng được thiết lập với diện tích 2.106.051 ha, chiếm 6,36% diện tích lãnh thổ; tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,84% (tính đến 31/12/2015); 10/16 khu bảo tồn biển được thành lập, với diện tích là 111.211 ha, chiếm 0,11% diện tích vùng biển trên cả nước (tính đến tháng 6/2016), trong đó có 6 khu bảo tồn biển đã chính thức đi vào hoạt động. Đặc biệt có 8 khu Ramsar, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 2 khu di sản thiên nhiên thế giới và 5 Vườn di sản ASEAN đã được quốc tế công nhận (tính đến tháng 6/2016).

Khu đất ngập nước Bàu Sấu là nơi có tính đa dạng sinh học cao ở Việt Nam

   Để tăng cường công tác bảo tồn loài và nguồn gen, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, trong đó có 17 loài thực vật, 83 loài động vật, 15 giống cây trồng và 6 giống vật nuôi được ưu tiên bảo vệ; Quyết định số 1671/2015/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1141/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường năng lực về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen giai đoạn 2016 - 2025.

   Các nhiệm vụ của Chiến lược đã được triển khai ở cấp Trung ương và địa phương trên tất cả các lĩnh vực: bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn các loài hoang dã và các giống vật nuôi, cây trồng nguy cấp, quý, hiếm; sử dụng bền vững và thực hiện cơ chế chia sẻ hợp lý lợi ích từ dịch vụ hệ sinh thái và ĐDSH; kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến ĐDSH; bảo tồn ĐDSH trong bối cảnh BĐKH. Hiện đã có 7 Nghị định và 1 Chỉ thị của Chính phủ; 11 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 11 Thông tư được ban hành. Ngoài ra, còn có 2/7 chương trình đề án ưu tiên đã được các Bộ chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện.

   Bên cạnh các kết quả đạt được, việc thực hiện Chiến lược trong thời gian qua cũng đã bộc lộ một số bất cập, cụ thể như công tác phân công và phân cấp quản lý nhà nước về ĐDSH còn chưa rõ ràng; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước (QLNN) về ĐDSH còn phân tán và thiếu đồng bộ; sự phối hợp giữa các Bộ/ngành ở cấp Trung ương và địa phương trong công tác bảo tồn ĐDSH chưa được chặt chẽ; các quy định của pháp luật về bảo tồn ĐDSH chưa được triển khai một cách đầy đủ; công tác thực thi pháp luật bị hạn chế do thiếu nguồn lực; các chế tài xử phạt vi phạm hành chính chưa được thực thi nghiêm minh, thiếu các quy định để triển khai các hoạt động tố tụng hình sự.

   Nguồn lực cho bảo tồn ĐDSH còn hạn chế, trong đó nguồn nhân lực làm công tác bảo tồn ĐDSH còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã; nguồn lực tài chính chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách nhà nước (khoảng từ 60-80%); nguồn tài chính quốc tế phụ thuộc vào nguồn tài trợ (ODA) cho các dự án ngắn hạn nên khó có thể thực hiện các cam kết bảo tồn trong dài hạn và thường phân bổ không đều; thiếu các chính sách cụ thể để huy động đóng góp hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân cho hoạt động bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam.

   Các thông tin và cơ sở dữ liệu về ĐDSH phân tán ở nhiều cơ quan quản lý và nghiên cứu; chất lượng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về ĐDSH không đồng bộ, do vậy hạn chế trong việc chia sẻ và sử dụng thông tin.

   Bảo tồn ĐDSH trong bối cảnh BĐKH đã bước đầu được quan tâm, nhưng các chính sách bảo tồn ĐDSH đặt trong bối cảnh BĐKH còn chưa nhiều, cụ thể như thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái, lồng ghép ứng phó với BĐKH vào các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (như xóa đói giảm nghèo, tăng cường an ninh lương thực, phát triển sinh kế bền vững) ở những vùng có tính ĐDSH cao và chịu tác động lớn từ BĐKH, lồng ghép bảo tồn ĐDSH trong Chiến lược quốc gia về BĐKH.

   Tăng cường công tác bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH, triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về ĐDSH

   Để tăng cường công tác bảo tồn, sử dụng bền vững ĐDSH và thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình đề án ưu tiên của Chiến lược, trong thời gian tới (2017 - 2020) cần tập trung giải quyết những vấn đề:

   Củng cố về thể chế, hệ thống QLNN về ĐDSH nhằm quản lý một cách thống nhất, hiệu quả và toàn diện. Ở cấp Trung ương, cần làm rõ vai trò, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của Bộ TN&MT với tư cách là cơ quan đầu mối để đảm bảo thực hiện chức năng QLNN tổng thể về bảo tồn và phát triển ĐDSH trên toàn quốc theo Luật ĐDSH đã quy định. Đồng thời, làm rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ các Bộ, ngành khác với tư cách là các cơ quan quản lý chuyên ngành trong công tác QLNN về ĐDSH. Xác định cơ chế chủ trì và phối hợp giữa các Bộ, ngành quản lý trong việc xây dựng và ban hành chính sách để tránh trùng lặp, chồng chéo giữa các chính sách (ban hành theo các luật khác nhau) về cùng một đối tượng, nội dung ĐDSH (khu bảo tồn, loài, nguồn gen). Ở cấp địa phương, cần tăng cường bộ máy QLNN ở cấp tỉnh, đẩy mạnh việc thành lập đơn vị chuyên trách về bảo tồn ĐDSH tại địa phương (trong Chi cục Bảo vệ môi trường), bổ sung 1 biên chế có chuyên môn, nghiệp vụ về bảo tồn ĐDSH trước mắt là tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các Vườn quốc gia, khu bảo tồn trên địa bàn quản lý.

   Hoàn thiện luật pháp và chính sách bảo tồn ĐDSH: Luật ĐDSH ra đời là một bước tiến lớn giúp hệ thống hóa vấn đề bảo tồn ĐDSH. Tuy nhiên, một số quy định trong Luật ĐDSH (2008) và Luật Bảo vệ và phát triển rừng (2004), Luật Thủy sản (2003) chưa được phân định rõ ràng, dẫn đến chồng chéo và khó khăn trong quá trình thực thi. Do đó, cần rà soát, sửa đổi các Luật nêu trên theo hướng các quy định về ĐDSH trong các Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Thủy sản phải phù hợp và thống nhất với các quy định của Luật ĐDSH; trong trường hợp một số quy định của Luật ĐDSH còn bất cập thì sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và thống nhất.

   Tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật ĐDSH: Quan tâm, thực hiện nghiêm và đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH trong các hoạt động quy hoạch phát triển; xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án có ảnh hưởng xấu đến ĐDSH, trong đó đặc biệt lưu ý lồng ghép bảo tồn ĐDSH trong các công cụ đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; Rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và bảo vệ các loài động vật hoang dã bảo đảm tính khả thi, thống nhất và đồng bộ; Tăng cường và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, đặc biệt là Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, An ninh hàng không, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Interpol… để trao đổi, chia sẻ, phối hợp xử lý thông tin về các đối tượng và tương trợ tư pháp về điều tra hình sự đối với các tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã và sản phẩm của động, thực vật hoang dã; Tăng cường năng lực cho cơ quan thực thi pháp luật để kiểm soát tiêu thụ động vật hoang dã trái phép; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và cán bộ làm công tác quản lý ĐDSH.

   Phát triển nguồn lực cho bảo tồn ĐDSH: Tăng cường đào tạo cán bộ nòng cốt cho công tác bảo tồn ĐDSH từ Trung ương đến địa phương; bố trí kinh phí ổn định, thường xuyên cho hoạt động QLNN về ĐDSH ở cấp Trung ương và địa phương; xây dựng chính sách đầu tư và tài chính dài hạn của Nhà nước cho bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020 hoặc 2015 - 2025; đa dạng hóa các nguồn tài chính; đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng các cơ chế tài chính mới để hỗ trợ cho công tác bảo tồn (tài chính các bon, chi trả dịch vụ có liên quan đến ĐDSH, bồi hoàn ĐDSH, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích); xây dựng cơ chế huy động tài chính trong nước (từ doanh nghiệp, cộng đồng, cá nhân…) dựa trên các khuyến khích kinh tế (giảm thuế, phí..), đẩy mạnh hợp tác công tư trong bảo tồn ĐDSH.

   Củng cố thông tin và cơ sở dữ liệu về ĐDSH: Thiết lập và áp dụng hệ thống báo cáo, chia sẻ thông tin và cơ sở dữ liệu về ĐDSH ở các cấp (quốc gia, tỉnh, khu bảo tồn) và tiến tới đưa các thông tin về ĐDSH vào hệ thống thống kê quốc gia.

   Xây dựng chính sách và đầu tư nguồn lực để thực hiện các chính sách về bảo tồn ĐDSH trong bối cảnh BĐKH (thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái), lồng ghép ứng phó với BĐKH vào các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (như xóa đói giảm nghèo, tăng cường an ninh lương thực, phát triển sinh kế bền vững) ở những vùng có tính ĐDSH cao và chịu tác động lớn từ BĐKH, lồng ghép bảo tồn ĐDSH trong chiến lược quốc gia về BĐKH.

TS. Phạm Anh Cường, TS. Nguyễn Thành Vĩnh,

ThS. Nguyễn Đặng Thu Cúc, TS. Phạm Hạnh Nguyên

Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2017

Ý kiến của bạn