Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040

05/10/2017

   Quảng Bình nằm trong khu vực đa dạng sinh học (ĐDSH) Bắc Trường Sơn - nơi có khu hệ thực vật, động vật đa dạng, độc đáo với nhiều nguồn gen quý hiếm. Đặc trưng cho ĐDSH ở Quảng Bình là Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng. Để bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên ĐDSH, tỉnh Quảng Bình vừa phê duyệt Quy hoạch bảo tồn ĐDSH đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn ĐDSH của địa phương.

   Quảng Bình là một trong những địa phương có tính ĐDSH cao với 2.766 loài thực vật, trên 1.000 loài côn trùng, 342 loài chim, 171 loài thú và 158 loài bò sát - lưỡng cư, trong đó có tới 156 loài thực vật, 14 loài côn trùng, 25 loài chim, 48 loài thú, 32 loài bò sát -lưỡng cư, 10 loài cá quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Nghị định số 32/2006/NĐ-CP. Đây là nguồn tài nguyên đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và đất nước nói chung. Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng Quy hoạch bảo tồn ĐDSH nhằm bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên ĐDSH, sử dụng hợp lý các giá trị ĐDSH; duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái (HST), môi trường, cảnh quan ĐDSH góp phần xóa đói, giảm nghèo; bảo tồn ĐDSH nhằm thích ứng và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Du khách tham quan VQG Phong Nha - Kẻ Bàng với hệ thực vật phong phú

   Quy hoạch đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng rừng tại các khu vực HST tự nhiên đã được khoanh vùng bảo vệ, tiến tới nâng tỷ lệ che phủ rừng lên mức 69 - 70% vào năm 2020; Phân vùng bảo tồn; bảo tồn được loài và nguồn gen động, thực vật quý hiếm; BVMT và nét đẹp độc đáo của tự nhiên. Trong đó, hoàn thiện quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn và hành lang ĐDSH trên địa bàn tỉnh; Kiểm soát chặt chẽ, giảm tối đa nạn buôn bán và tiêu thụ các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ… Định hướng đến năm 2040 tiếp tục bảo vệ các HST tự nhiên đã có và HST núi đá vôi đặc trưng đang bị tác động; Tiếp tục thành lập và đưa vào hoạt động các cơ sở bảo tồn ĐDSH, khu bảo vệ cảnh quan và hành lang ĐDSH được đề xuất; Hạn chế tối đa về suy giảm ĐDSH; bảo vệ và phát triển các HST tự nhiên; quản lý, kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa sự lây lan và diệt trừ, giảm thiểu tác hại của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại…

   Theo Quy hoạch, đã xác định được 1 khu vực có khả năng quy hoạch thành hành lang bảo tồn ĐDSH, đó là hành lang bảo vệ ĐDSH Khe Nét - Vũ Quang, nơi có ĐDSH cao nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng chia cắt về sinh cảnh và các HST hỗ trợ quá trình di cư trong tương lai của các loài sinh vật dưới tác động của BĐKH, đặc biệt là nhóm gà lôi đặc hữu có biên độ sinh thái hẹp; đồng thời mở rộng vùng sống và sinh cảnh được ưu tiên bảo vệ cho quần thể voi châu Á…

   Ngoài VQG Phong Nha - Kẻ Bàng (có diện tích khoảng 126.326 ha) và Khu Bảo vệ Cảnh quan núi Thần Đinh (136 ha), cũng đã xác định được 5 khu vực có thể quy hoạch bảo vệ và phát triển HST rừng tự nhiên đặc thù của tỉnh, bao gồm: Khu Bảo tồn Thiên nhiên Khe Nét (26.800 ha); Khu Bảo tồn Thiên nhiên Động Châu - Nước Trong (19.000 ha); Khu Bảo tồn Thiên nhiên dãy núi Giăng Màn (20.000 ha); Khu Bảo vệ Cảnh quan Vũng Chùa- Đảo Yến (8.000 ha); Khu Bảo vệ Cảnh quan Đất ngập nước Bàu Sen (200 ha). Đây là nơi có tính ĐDSH cao, còn lưu giữ các nguồn gen động thực vật quý hiếm. Nhiệm vụ của các Khu Bảo tồn thiên nhiên là bảo tồn nguồn tài nguyên động thực vật, đặc biệt là các nguồn gen động thực vật quý hiếm; Quản lý, bảo vệ rừng và phục hồi sinh thái các nhóm động thực vật trước đây đã có trong khu vực; Tổ chức nghiên cứu khoa học và dịch vụ nghiên cứu khoa học về rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

   Đối với công tác quy hoạch bảo tồn chuyển chỗ, quy hoạch các nhà bảo tàng thiên nhiên; vườn sưu tập cây thuốc và ngân hàng gen. Hiện tại, tỉnh Quảng Bình có Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, có chức năng tham mưu, giúp Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng trong công tác cứu hộ, bảo tồn, phát triển sinh vật và giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư địa phương và du khách, học sinh, sinh viên tham quan, học tập, nghiên cứu tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng; Thu thập, lưu trữ, bảo tồn nguồn gen các loài nguy cấp, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; Nghiên cứu, duy trì giống gốc, nhân giống, cung ứng nguồn giống cho phát triển gây nuôi bền vững... Như vậy, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng có thể phát triển, mở rộng đáp ứng nhu cầu phát triển thành vườn thực vật và vườn thú cũng như Trạm cứu hộ động vật mang ý nghĩa phục vụ vui chơi giải trí, tham quan học tập, bảo vệ, duy trì tài nguyên ĐDSH cho tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ. Ngoài ra, tỉnh còn quy hoạch các vùng được ưu tiên kiểm soát và phòng chống các loài ngoại lai xâm hại. Trong giai đoạn 2018 - 2025, sẽ kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai đang xâm hại nghiêm trọng, bao gồm: Ốc bươu vàng, cây Mai dương, Bìm bôi hoa vàng và một số loài ngoại lai xâm hại khác.

   Để thực hiện Quy hoạch Bảo tồn ĐDSH tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 và các kế hoạch về bảo tồn ĐDSH, trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai một số giải pháp:

   Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo tồn ĐDSH, tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước. Có thể nói, để triển khai thực hiện Quy hoạch và các kế hoạch về bảo tồn ĐDSH nhu cầu về vốn là rất lớn, cần phải có chính sách, biện pháp huy động tối đa các nguồn vốn như nguồn kinh phí được bố trí từ ngân sách Trung ương,các nguồn tài trợ và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH.

   Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao khả năng quản lý trong lĩnh vực ĐDSH; huy động sự tham gia của các tổ chức và nhân dân trong tỉnh.Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ góp phần nâng cao năng suất xã hội, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, có thể đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của dân cư.

   Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật ĐDSH và các văn bản có liên quan nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, phát huy tính chủ động của người dân vào việc tham gia bảo vệ rừng, bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH của tỉnh; giúp cộng đồng dân cư gắn bó cuộc sống và thu nhập của mình với công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn ĐDSH.

   Rà soát, bổ sung, xây dựng chính sách và chế định cụ thể trong phát triển kinh tế gắn với BVMT, bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH trên cơ sở Luật ĐDSH, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật BVMT, chiến lược phát triển bền vững của cả nước.

   Tăng cường liên kết với các tỉnh lân cận và hợp tác quốc tế về bảo tồn ĐDSH, trong đó chú trọng việc trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, chuyển giao công nghệ, tư vấn kỹ thuật về ĐDSH.

   Xây dựng và triển khai các giải pháp khoa học công nghệ về ĐDSH; trong đó ứng dụng các tiến bộ mới trong công tác điều tra ĐDSH; Tăng cường nghiên cứu sử dụng các phương pháp, công cụ và áp dụng các mô hình mới, đặc biệt là phương pháp tiếp cận dựa vào HST thích ứng với BĐKH trong công tác quản lý các Khu Bảo tồn, cơ sở bảo tồn ĐDSH và hành lang ĐDSH.

Phan Xuân Hào - Chi cục trưởng

Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Bình

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2017

Ý kiến của bạn