Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Quảng Ninh: Bảo vệ môi trường là chỉ tiêu bắt buộc trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

04/10/2016

   Với chủ trương “phát triển kinh tế đi đôi với BVMT”, trong những năm qua, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Công tác quản lý nhà nước về môi trường, nhất là việc lồng ghép các yêu cầu BVMT trên địa bàn tỉnh trong các chiến lược phát triển, quy hoạch KT - XH, quy hoạch ngành, chương trình, dự án... đã được tỉnh quan tâm. Đồng thời, các nhiệm vụ, dự án được triển khai đều phải phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và bảo đảm quy hoạch về BVMT. Đó là chia sẻ của Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Ngọc Thu với Tạp chí Môi trường về việc đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Ngọc Thu -
Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ninh

   Xin ông cho biết sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 của HĐND tỉnh, đến nay công tác quản lý, BVMT đã đạt được những kết quả như thế nào góp phần vào việc phát triển bền vững của tỉnh?

   Ông Nguyễn Ngọc Thu: Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2010/NQ-HĐND (Nghị quyết số 33), công tác quản lý, BVMT trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, hệ thống văn bản tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện. Hiện tỉnh đã hoàn thành 17/19 chỉ tiêu theo Nghị quyết đề ra; hoàn thành xử lý 100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 100% KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; Tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 51% (năm 2011) lên 53,5% (năm 2015), tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh từ 86% (năm 2011) lên 94% (năm 2015), tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị từ 90% (năm 2011) lên 92% (năm 2015)…

   Đồng thời, hoàn thành và triển khai các quy hoạch, chiến lược phát triển KT - XH và BVMT tỉnh làm nền tảng theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; nhiệm vụ BVMT đã được lồng ghép, trở thành chỉ tiêu bắt buộc trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT - XH ngành, địa phương, đơn vị. Tỉnh đã đầu tư 26 trạm quan trắc môi trường tự động cố định, với thiết bị mới, công nghệ tiên tiến, hiện đại thân thiện với môi trường, đảm bảo đo các thông số cơ bản theo các quy chuẩn Việt Nam về môi trường, có khả năng cập nhật, đồng bộ dữ liệu với trạm quan trắc môi trường quốc gia.

   Công tác quản lý và xử lý chất thải được tăng cường, một số khu vực môi trường bị ô nhiễm được khắc phục, cải tạo và phục hồi, đã hạn chế phát sinh mới và giảm dần số lượng và mức độ tác động của các nguồn hiện đang gây ô nhiễm, tác động xấu đến môi trường; Công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm, chất lượng môi trường nhìn chung được cải thiện, mức độ ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực được kiềm chế và không phát sinh những vấn đề bức xúc mới; Công tác quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học đã đạt được những kết quả bước đầu. Từ đó, nhận thức về công tác BVMT của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân được cải thiện.

   Có thể nói, Nghị quyết số 33 tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ và những bước đột phá trong công tác quản lý, BVMT, giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) qua đó đã góp phần vào việc phát triển bền vững trong giai đoạn 2011-2015 của tỉnh Quảng Ninh.

   Là tỉnh ven biển, trong những năm qua, Quảng Ninh đã phải chịu hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của BĐKH. Vậy tỉnh có các giải pháp trước mắt và lâu dài như thế nào để ứng phó với BĐKH, thưa ông?

   Ông Nguyễn Ngọc Thu: Trước những ảnh hưởng và tác động của BĐKH trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh đã có những nỗ lực trong ứng phó. Một số kết quả ban đầu trong công tác ứng phó với BĐKH và thiên tai: Công tác bảo vệ và trồng rừng ngập mặn được đẩy mạnh nhằm ứng phó với nước biển dâng, triều cường, xói lở bờ đê và tăng bể hấp thụ, giảm khí thải nhà kính. Đến nay, tỉnh đã trồng và bảo vệ được gần 14.900 ha rừng ngập mặn và hiện đang triển khai các dự án, hạng mục trồng rừng giai đoạn 2015-2020 theo Chương trình hỗ trợ SP-RCC, với kinh phí khoảng 138 tỷ đồng.

   Đẩy mạnh công tác xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đê sông, đê biển nhằm ứng phó với triều cường, nước biển dâng, xâm nhập mặn và bảo vệ đời sống dân cư khu vực ven sông, ven biển. Đến nay, Quảng Ninh đã có khoảng 397 km đê sông và đê biển. Hiện tỉnh đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án nâng cấp hệ thống đê sông thuộc Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020, với tổng kinh phí khoảng 63 tỷ đồng; đồng thời, triển khai dự án nâng cấp hệ thống đê Quan Lạn, huyện Vân Đồn (giai đoạn 2015-2020) theo Chương trình hỗ trợ SP-RCC, với kinh phí khoảng 327 tỷ đồng.

   Hàng năm, tỉnh giành không dưới 1% chi sự nghiệp môi trường cho BVMT (năm 2012 đến nay đã chi 3-6%), chi và thu cho công tác BVMT từ các nguồn thuế, phí BVMT trên 300 tỷ đồng.

   Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn về BĐKH được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỷ lệ người dân có nhận thức, hiểu biết về BĐKH trên địa bàn ước tính tăng từ 1,5% (năm 2010) lên 46% (năm 2015).

   Trong thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên tập trung thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm sau: Triển khai thực hiện các dự án ưu tiên đã được xác định trong Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, ưu tiên phát triển phương thức sinh kế nuôi trồng thủy sản bền vững thích ứng với BĐKH; Xây dựng mô hình thủy lực, thủy văn tỉnh Quảng Ninh nhằm hỗ trợ công tác quy hoạch phát triển đô thị chống ngập lụt; Xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo sớm lũ và sạt lở cho tỉnh; Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực trong ứng phó BĐKH và nâng cao nhận thức, hành động của cộng đồng trong ứng phó BĐKH.

   Đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện Kế hoạch Tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020; Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão trên địa bàn; Đề án di dân tổng thể ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm và Quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn; Kế hoạch triển khai và thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị bền vững, ứng phó với thiên tai và BĐKH trên địa bàn tỉnh.

 

Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam

   Để triển khai hiệu quả công tác BVMT trên địa bàn, ông có những đề xuất kiến nghị với các cơ quan chức năng?

   Ông Nguyễn Ngọc Thu: Đề xuất, kiến nghị với Bộ TN&MT một số nội dung sau:

   Thứ nhất, cần xem xét, điều chỉnh bổ sung giám sát môi trường xung quanh đối với một số dự án đặc thù khác ngoài cơ sở phát sinh phóng xạ; Có quy định thời gian chỉnh sửa bổ sung báo cáo ĐTM, báo cáo hoàn thành các công trình BVMT sau thẩm định đối với trường hợp phải chỉnh sửa bổ sung; Xem xét ban hành quy định về việc đốt, khởi động lò (kèm dầu) của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy xi măng.

   Thứ hai, điều chỉnh nội dung Quy định về thời gian ký quỹ nhập khẩu phế liệu theo Khoản 1, Điều 59, Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu theo hướng giảm thời gian từ thời điểm đã ký quỹ đến thời điểm hàng hoá được thông quan để giảm chi phí lưu kho, bãi cho doanh nghiệp. Đồng thời, xem xét ban hành quy định và hướng dẫn thực hiện công tác BVMT đối với khu vực nông thôn: Quy định và hướng dẫn thực hiện đối với việc xử lý vỏ chai lọ, bao thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng; mô hình xử lý rác thải nông thôn phù hợp, hiệu quả…

   Thứ ba, có văn bản hướng dẫn về việc lập đề án BVMT chi tiết, đề án BVMT đơn giản đối với các cơ sở đã cải tạo, mở rộng, nâng công suất sau ngày 1/4/2015; Ban hành văn bản hướng dẫn về hoạt động của Quỹ BVMT cấp tỉnh.

   Thứ tư, các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, điều chỉnh đảm bảo sự thống nhất giữa Luật BVMT và Luật Đa dạng sinh học về yêu cầu đánh giá ĐTM đối với các dự án đầu tư trong vùng đệm của các khu bảo tồn thiên nhiên để hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện.

   Trân trọng cảm ơn ông.

Phạm Tuyên (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2016)

Ý kiến của bạn