Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Quảng Trị tập trung nguồn lực cho công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

10/05/2019

     Việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT) được xem là một trong những nội dung ưu tiên trong công tác quản lý môi trường tại Quảng Trị. Điều đó đã được thể hiện rõ thông qua Nghị quyết số 30/2018/NQ-HĐND ngày 8/12/2018 của HĐND tỉnh Quảng Trị về Đề án xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT trên địa bàn tỉnh.

     Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, Quyết định số 1788/2013/QĐ-TTg về Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT, Quyết định số 1946/2010/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường (ÔNMT) do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu trên phạm vi cả nước); Thông tư số 04/2012/TT-BTNMT của Bộ TN&MT về quy định tiêu chí xác định cơ sở gây ÔNMT, ÔNMTNT, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt Danh mục các cơ sở ÔNMTNT và kế hoạch xử lý.

 

Lò giết mổ gia súc tại phường 2 (thị xã Quảng Trị, Quảng Trị)

 

     Theo đó, toàn tỉnh có 107 cơ sở ÔNMTNT, được chia thành 3 nhóm chính: Khu vực tồn lưu hóa chất BVTV (59 điểm); các cơ sở công ích (9 bãi rác, 6 chợ, 3 lò giết mổ gia súc, 3 bệnh viện, 1 làng nghề) và 26 cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD). Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT Quảng Trị cùng với các ngành, cơ sở SXKD đã có nhiều cố gắng trong xử lý triệt để cơ sở ÔNMTNT. Tính đến cuối tháng 11/2018, tỉnh đã hoàn thành xử lý 55/107 cơ sở gây ÔNMTNT (chiếm 51,4%). Cụ thể, đối với 26 cơ sở SXKD gây ÔNMTNT trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đến nay, đã có 21 cơ sở hoàn thành xử lý triệt để, còn lại 5 cơ sở hiện đang tích cực xây dựng công trình xử lý ÔNMT. Với nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh đã xử lý được 27/59 điểm ô nhiễm thuốc BVTV, điển hình như điểm ở thôn Mộ Đức, xã Cam Hiếu (Cam Lộ); thôn Tân Lịch, xã Gio Binh (Gio Linh); thôn Nam Đông, xã Gio Sơn (Gio Linh)…

     Đối với các đối tượng công ích, tỉnh có 9 bãi rác, 6 chợ, 3 bệnh viện (BV), 3 lò giết mổ gia súc và 1 làng nghề trong Danh sách các cơ sở gây ÔNMTNT. Trong số 9 bãi rác, đến nay, 5 bãi rác đã đóng cửa ngừng hoạt động, xử lý ô nhiễm và đang được đầu tư xây dựng bãi rác mới (giai đoạn 1), gồm các bãi rác: Thị trấn Gio Linh, thị trấn Cam Lộ, thị trấn Ái Tử, thị trấn Hải Lăng và thị xã Quảng Trị; 2 bãi rác đang dược xử lý ô nhiễm và đầu tư xây dựng bãi rác hợp vệ sinh là bãi rác Vĩnh Linh, Đắkrông; 2 bãi rác chưa được xử lý ô nhiễm.

     Tỉnh cũng đã và đang huy động nguồn vốn để xử lý ÔNMT ở 6 chợ gây ÔNMTNT, gồm: Khe Sanh, Bồ Bản, Mỹ Chánh, Cam Lộ, Cầu và Đông Hà, trong đó, chợ Đông Hà đã xử lý xong tình trạng ÔNMT. Hầu hết các khu chợ nằm ngay giữa khu dân cư và gần các bờ kênh, sông nên chất thải phát sinh từ các chợ cũng ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước tại các sông, kênh đó… Đặc biệt, một số chợ Đắkrông (huyện Đắkrông), Gio Linh (huyện Gio Linh), Diên Sanh (huyện Hải Lăng), Hồ Xá (huyện Vĩnh Linh)… chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; một số chợ còn có tình trạng ứ đọng rác thải, gây mất mỹ quan đô thị.

     Đối với các BV, trước đây, tỉnh Quảng Trị có 3 BV nằm trong Danh sách các cơ sở gây ÔNMTNT gồm: BV Đa khoa TP. Đông Hà; BV Đa khoa khu vực Triệu Hải và BV Điều dưỡng Cửa Tùng (nay là BV Phục hồi chức năng Quảng Trị). Đến nay, BV Đa khoa TP. Đông Hà đã giải quyết triệt để vấn đề ÔNMT, BV đã cải tạo, xây dựng khu vực lưu giữ chất thải sinh hoạt và chất thải y tế riêng biệt, đồng thời ký hợp đồng với đơn vị chức năng để vận chuyển, xử lý chất thải y tế theo đúng quy định. Hai BV còn lại đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hiện đang làm hồ sơ, thủ tục gửi Sở TN&MT để được xem xét ra khỏi Danh sách các cơ sở gây ÔNMTNT.

     Thời gian qua, tình trạng ÔNMT tại các cơ sở giết mổ gia súc cũng là vấn đề bức xúc trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Hầu hết, các lò mổ trên địa bàn tỉnh đều nằm gần các khu dân cư tập trung, giết mổ theo phương thức thủ công và chưa có hệ thống xử lý chất thải, gây ÔNMT. Thống kê cho thấy, toàn tỉnh có 11 cơ sở giết mổ gia súc tập trung và 203 điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ tại các hộ gia đình, hàng chục hộ giết mổ gia cầm tại chợ, hoặc nhỏ lẻ ở thành phố, thị xã, thị trấn. Trong đó, có 3 lò mổ có công suất tương đối lớn và gây ÔNMTNT, nhưng đến nay, chưa thực hiện xử lý ÔNMT gồm: Lò giết mổ gia súc phường 1 (TP. Đông Hà); lò giết mổ gia súc phường 2 (thị xã Quảng Trị) và Hợp tác xã giết mổ gia súc thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa).

 

Giai đoạn 2019 - 2020, bãi rác thị trấn Khe Sanh (Quảng Trị) sẽ được xử lý triệt để ô nhiễm môi trường

 

     Bên cạnh đó, tình trạng ÔNMT tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh cũng là vấn đề đáng báo động hiện nay. Quảng Trị có 1 làng nghề nằm trong Danh sách các cơ sở gây ÔNMTNT là làng bún Cẩm Thạch (xã Cam An, huyện Cam Lộ) nằm trong Danh sách cơ sở gây ÔNMTNT. Hiện, Sở TN&MT đã đề xuất Bộ TN&MT bổ sung 2 làng nghề: Làng bún Thượng Trạch và làng bún Linh Chiểu (xã Triệu Phong, huyện Triệu Sơn) vào Danh sách trên. Các làng nghề đều không có biện pháp xử lý chất thải, gây ÔNMT, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân... Kết quả phân tích mẫu nước thải tại một số làng nghề trên địa bàn tỉnh của Sở TN&MT cho thấy, các thông số BOD5, COD, TSS và Coliform đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 6 - 14,9 lần.

     Thời gian qua, Sở TN&MT đã hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở hoàn thành xử lý triệt để, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn tình trạng phát sinh mới cơ sở gây ÔNMTNT trên địa bàn. Hàng năm, Sở đã ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở SXKD trên địa bàn, trong đó có kiểm tra đối với cơ sở gây ÔNMT, ÔNMT. Qua đó, nhiều cơ sở đã chủ động thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để; một số điểm ô nhiễm tại các kho thuốc BVTV tồn lưu, bãi chôn lấp chất thải rắn đã đầu tư dự án xử lý ÔNMT. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai xử lý ô nhiễm triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, công tác xử lý, khắc phục ÔNMT chưa được quan tâm đúng mức. Trong đó, các cơ sở thuộc đối tượng công ích, nhất là các điểm chợ và các cơ sở giết mổ tập trung của các thị trấn vẫn chưa có kinh phí đầu tư để xử lý gây ÔNMT; trong khi, các giải pháp đều mang tính nhỏ lẻ, không đồng bộ dẫn đến tình trạng ô nhiễm tại các chợ tiếp tục kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Chính quyền địa phương một số nơi chưa thực sự quan tâm, ý thức BVMT của các chủ cơ sở gây ÔNMT còn hạn chế, chưa tích cực tìm nguồn kinh phí xử lý; một số công trình, dự án xử lý ô nhiễm còn chắp vá, thiếu đồng bộ...

     Trước tình hình trên, ngày 8/12/2018, HĐNDT tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 30/2018/NQ-HĐND về Đề án xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT trên địa bàn tỉnh, trong đó đề ra mục tiêu từ năm 2019 - 2021, tập trung xử lý triệt để 75% khu vực, cơ sở gây ÔNMTNT, ngăn chặn không để phát sinh cơ sở mới; phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành xử lý đối với 100% khu vực, cơ sở gây ÔNMTNT. Tổng kinh phí thực hiện Đề án hơn 161 tỷ đồng, trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ hơn 144 tỷ đồng; ngân sách địa phương (từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn vốn hợp pháp khác) là khoảng 17 tỷ đồng.

     Việc thực hiện Đề án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn năm 2019 - 2021: Xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với 17 khu vực bị ÔNMTNT do hóa chất BVTV tồn lưu trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 807/QĐ-TTg ngày 3/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định số 807/QĐ-TTg ); Xử lý ÔNMT tại 4 bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh, gồm các bãi rác: TP. Đông Hà (xử lý ô nhiễm tại bãi rác cũ); thị trấn Khe Sanh (xử lý ô nhiễm tại bãi rác cũ); bãi rác Vĩnh Linh; bãi rác huyện Đắkrông; Xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với 3 làng nghề: Làng bún Cẩm Thạch (xã Cam An, huyện Cam Lộ); làng bún Linh Chiểu và làng bún Thượng Trạch (xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong).

     Giai đoạn hướng đến năm 2025: Xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với 19 khu vực bị ÔNMTNT do hóa chất BVTV tồn lưu theo Quyết định số 807/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Đầu tư xây dựng bãi rác TP. Đông Hà (nâng cấp các hạng mục BVMT tại bãi rác mới), bãi rác thị trấn Khe Sanh (xây dựng cụm lò đốt ở bãi rác mới), hoàn thành việc đầu tư xây dựng giai đoạn 2 cho 4 bãi rác tại các thị trấn Hải Lăng, Ái Tử, Gio Linh, Cam Lộ; Xử lý ô nhiễm tại 5 khu chợ gây ÔNMTNT gồm: chợ Khe Sanh, Bồ Bản, Mỹ Chánh, Cam Lộ và chợ Cầu; Xử lý ô nhiễm 3/3 cơ sở giết mổ gia súc gây ÔNMTNT và chứng nhận hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để gồm: Lò giết mổ gia súc phường 1 (TP.Đông Hà); lò giết mổ gia súc phường 2 (thị xã Quảng Trị) và Hợp tác xã giết mổ gia súc thị trấn Khe Sanh.

     Triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/2018/NQ-HĐND, Sở TN&MT Quảng Trị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Văn bản số 5772/ UBND-MT ngày 28/12/2018 gửi Bộ TN&MT để xin kinh phí hỗ trợ xử lý bãi rác thị trấn Khe Sanh và bãi rác TP. Đông Hà, các kho thuốc BVTV. Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm việc với Sở Tài chính trình cấp vốn đối ứng cho 7 dự án xử lý ô nhiễm do tồn lưu hóa chất BVTV. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan Ban, ngành, địa phương triển khai các dự án xử lý ô nhiễm tại làng nghề bún Linh Chiểu và làng nghề bún Cẩm Thạch. Sở TN&MT cũng tăng cường kiểm tra, đốc thúc các cơ sở hoàn thành việc xử lý ô nhiễm và tiến hành thẩm định hồ sơ hoàn thành xử lý ÔNMT triệt để của BV Phục hồi chức năng Quảng Trị, BV Đa khoa khu vực Triệu Hải. Hiện các đơn vị đang thực hiện dự án xử lý ô nhiễm tại bãi rác Vĩnh Linh, làng nghề bún Thượng Trạch và 5 điểm ô nhiễm thuốc BVTV trên địa bàn và các kho thuốc BVTV trên địa bàn huyện Vĩnh Linh và Gio Linh…

     Có thể nói, việc  xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT là một việc làm lâu dài, đòi hỏi sự quan tâm, nỗ lực của các cấp, ngành; đồng thời, tăng cường đầu tư nguồn lực cho nhiệm vụ này nhằm góp phần thúc đẩy phát triển bền vững tại địa phương.

 

Phương Tâm

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2019)

 

Ý kiến của bạn