Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Quảng Trị: Triển khai nhiều giải pháp tích cực về bảo tồn đa dạng sinh học

10/11/2017

   Nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, Quảng Trị có tổng diện tích rừng là 242.240 ha và hệ động, thực vật đa dạng, phong phú, trong đó có nhiều loài đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm như gà lôi lam mào trắng, sao la, mang lớn, thỏ vằn, đinh tùng, lan hài, trầm hương... Để tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và ngăn chặn nạn săn bắn, buôn bán trái phép động, thực vật quý hiếm, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, góp phần sử dụng bền vững nguồn tài nguyên ĐDSH của tỉnh.

Lực lượng kiểm lâm thả động vật hoang dã bị săn bắt trái phép về môi trường tự nhiên

   Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 3 khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) gồm Đakrông (40.526 ha); Bắc Hướng Hóa (23.456 ha); KBT biển đảo Cồn Cỏ (4.532 ha) và 2 khu Bảo vệ cảnh quan là Rú Linh (270 ha) và KBT Đường Hồ Chí Minh (5.680 ha). Rừng Quảng Trị nằm trong vùng chuyển tiếp của hai vùng sinh thái Nam và Bắc thuộc vùng Trung Trường Sơn, nơi đây được Tổ chức Birdlife đánh giá là 1 trong 18 vùng chim quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, do vị trí địa lý là giao điểm của trục kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, có điều kiện giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy, đặc biệt, có tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, tuyến đường xuyên Á ngắn nhất nối với các nước trong khu vực từ Myanma - Thái Lan - Lào qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, La Lay, Quảng Trị có nguy cơ trở thành điểm trung chuyển buôn bán, vận chuyển trái phép nhiều loài động vật hoang dã. Vì vậy, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng như ban hành một số văn bản pháp lý quan trọng, gồm “Kế hoạch Hành động ĐDSH năm 2015, định hướng đến năm 2020”; Quyết định số 852/QĐ-UBND và Quyết định số 853/2017/QĐ-UBND ngày 25/4/2017 về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và Phát triển bền vững 2 KBTTN Bắc Hướng Hóa và Đakrông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030….; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan (Kiểm lâm, Sở TN&MT, Công an, Biên phòng, Hải quan, chính quyền địa phương…) để kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các tụ điểm mua bán động, thực vật hoang dã (ĐTVHD) trái phép; phối hợp với tỉnh Savannakhet (Lào) trong việc ngăn chặn tình trạng buôn bán ĐTVHD quý hiếm trên tuyến biên giới từ Lào vào Việt Nam; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn ĐDSH; tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc để tham gia bảo tồn ĐDSH, bảo vệ động, thực vật quý hiếm; …

   Cùng với đó, các KBT cũng triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ các loài động, thực vật có trong KBT, đặc biệt là các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm; đồng thời, tổ chức nhiều đợt điều tra ĐDSH thuộc nhiều chương trình, dự án khác nhau và đã đạt được một số kết quả như: Tại KBTTN Đakrông, trong số 1.452 loài thực vật, đã ghi nhận được 38 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, 40 loài trong Sách đỏ Thế giới; hệ động vật xương sống có 401 loài (91 loài thú, 193 loài chim, 32 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư, 71 loài cá). KBTTN Bắc Hướng Hóa đã ghi nhận 1.124 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 36 loài thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới; về hệ động vật, có 109 loài thú, 206 loài chim, 61 loài bò sát ếch nhái… Hiện các KBT đang xây dựng kế hoạch phát triển bền vững các loài sinh vật (cá rạn, động thực vật phù du, rùa biển, cá heo, cua đá…) và tiếp tục kiểm soát, ngăn ngừa các loài ngoại lai xâm hại; lưu giữ, bảo quản 23 mẫu động vật, 300 mẫu thực vật trong KBT. Thông qua các chương trình, dự án, các KBT đã cử cán bộ tham gia những khóa học tập ngắn hạn, dài hạn nhằm nâng cao nhận thức và cách tiếp cận trong nghiên cứu về ĐDSH; phối hợp với các trường lồng ghép chương trình giáo dục về mục đích, lợi ích của KBT đem lại, từ đó tác động tích cực đến các em học sinh và cộng đồng… Đặc biệt, thời gian qua, tại Quảng Trị, đã có một số mô hình, sáng kiến về bảo tồn ĐDSH phát huy hiệu quả: Mô hình khoanh nuôi xúc tiến tái sinh trồng bổ sung (50 ha) rừng; mô hình làm giàu rừng (15 ha) tại tiểu khu 701 thuộc phân khu phục hồi sinh thái trên địa bàn xã Tà Long; xây dựng vườn dược liệu (2.400 m²), tìm và quy tập được khoảng 40 loài cây có giá trị về dược liệu; trồng thử nghiệm cây sa nhân dưới tán rừng tại Bắc Hướng Hóa; trồng rừng bổ sung khoảng 351,2 ha và nâng cấp 46 ha, phục hồi 7 ha rừng trên đất trồng bị nhiễm chất độc dioxin…

   Nhờ những nỗ lực trên, tỉnh đã hạn chế nạn khai thác, buôn bán, săn bắt, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, bảo đảm dịch vụ hệ sinh thái rừng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc triển khai một số dự án bảo tồn ĐDSH đã góp phần hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng địa phương thông qua các dịch vụ của hệ sinh thái và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cùng với việc xây dựng các hệ thống rừng đặc dụng cũng giúp bảo vệ rừng tự nhiên còn lại của Quảng Trị, bảo tồn ĐDSH và rừng phòng hộ đầu nguồn, tạo ra nơi cư trú an toàn cho các loài hoang dã. Nhiều chương trình tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, thôn bản, trường học đã giúp người dân địa phương nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng và ký cam kết không buôn bán động vật hoang dã. Tuy nhiên, công tác bảo tồn ĐDSH, bảo vệ các loài ĐTVHD, nguy cấp, quý hiếm là một việc làm lâu dài, đòi hỏi sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là cộng đồng dân cư. Trong khi đó, một số quy định của các Luật liên quan đến ĐDSH (Luật ĐDSH, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng…) còn chồng chéo, dẫn đến khó khăn, bất cập trong phân công, trách nhiệm quản lý nhà nước về ĐDSH. Mặt khác, nguồn nhân lực trong quản lý nhà nước về ĐDSH còn thiếu, chưa được quan tâm đào tạo về nhân lực và nâng cao nhận thức về bảo tồn ĐDSH…

   Để tăng cường công tác quản lý, bảo tồn ĐDSH, bảo vệ động, thực vật quý hiếm trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, cần thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về ĐDSH, quản lý KBT từ Trung ương đến địa phương để thống nhất trong quản lý và sử dụng nguồn lực hiệu quả, khắc phục chồng chéo trong quản lý; Hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo tồn ĐDSH trong pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, thủy sản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật về ĐDSH; Tích cực tuyên truyền, vận động người dân về Luật ĐDSH, bảo vệ rừng, không buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã; Tăng cường năng lực cho cơ quan thực thi pháp luật về ĐDSH, quản lý chặt chẽ các hoạt động gây nuôi động vật hoang dã; Đổi mới cơ chế quản lý bảo tồn ĐDSH theo hướng đồng quản lý với cộng đồng dân cư và chia sẻ lợi ích; Đồng thời, tăng nguồn thu từ khai thác giá trị ĐDSH để đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn. Ngoài ra, cần có sự quan tâm, giúp đỡ của các Bộ, ngành, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đơn vị nghiên cứu về bảo tồn ĐDSH, bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

                Hồng Hạnh

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017 

Ý kiến của bạn