Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư giai đoạn 2019 - 2030

20/03/2020

     UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt “Phương án quản lý rừng bền vững Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, giai đoạn 2019 - 2030”, nhằm bảo vệ những sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu và độc đáo của hệ sinh thái đất ngập nước ở vùng đồng bằng ngập nước ven sông Cửu Long; bảo vệ nơi cư ngụ của các loài sinh vật bản địa, đặc biệt là các loài động vật quý hiếm, cung cấp nguồn giống sinh vật tự nhiên như thực vật, thủy sản và động vật hoang dã cho vùng Tây Sông Hậu.

     Tổng diện tích Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 về quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020 là 1.050 ha. Phân theo hiện trạng sử dụng đất rừng trồng gỗ ngập phèn là hơn 707 ha; đất trống ngập nước phèn và đất mặt nước gần 122 ha; đất đang trồng lúa nước hơn 200 ha và đất khác hơn 18 ha.

     Các phân khu chức năng khu bảo vệ nghiêm ngặt diện tích 365 ha, chiếm 35% tổng diện tích tự nhiên của Khu bảo vệ cảnh quan; phân khu phục hồi sinh thái diện tích 523 ha, chiếm 50% tổng diện tích tự nhiên của Khu bảo vệ cảnh quan; phân khu dịch vụ hành chính diện tích 162 ha, chiếm 15% tổng diện tích tự nhiên của khu bảo vệ cảnh quan.

     Tổng diện tích vùng đệm của Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư quy hoạch ổn định cho giai đoạn đến năm 2030 là gần 1.140 ha; được xác định bao gồm một phần diện tích của xã Văn Giáo 378,7 ha, xã Vĩnh Trung 383,3 ha, xã Thới Sơn 30,5 ha, thuộc huyện Tịnh Biên và một phần diện tích của xã Ô Long Vỹ 345 ha thuộc huyện Châu Phú.

     Phương án xác định, bảo vệ diện tích rừng gồm toàn bộ diện tích lâm phần hiện có là 1.050 ha, gồm đất có rừng là 707,32 ha, đất chưa có rừng và đất mặt nước 342,68 ha; bảo tồn đa dạng sinh học góp phần bảo tồn các loài động, thực vật đặc hữu của rừng tràm Trà Sư, bảo tồn hệ sinh thái, cảnh quan rừng tràm Trà Sư trên đất ngập nước tiêu biểu vùng Tây sông Hậu phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển du lịch sinh thái.

     Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh An Giang sẽ triển khai Dự án khôi phục rừng tràm và hệ sinh thái đất ngập nước Trà Sư, gồm 2 hạng mục: V sinh, nuôi dưỡng rừng trồng 425 ha với biện pháp chặt dọn cây chết, đổ ngã, tỉa những đám cây có mật độ dày; trồng dặm vào diện tích rừng bị thiệt hại 60 ha. Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh đầu tư các công trình phục vụ bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bao gồm 2 tháp quan sát cao 25 m; 2 chốt bảo vệ rừng; xây dựng hệ thống đê bao ở khu vực mở rộng của Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư; tu bổ, nâng cấp hệ thống thủy lợi Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư...

     Dự kiến, tổng vốn đầu tư của phương án quản lý rừng bền vững Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư giai đoạn 2019 - 2030 là hơn 90 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách (vốn sự nghiệp) gần 23,4 tỷ đồng (chiếm 25,76%); vốn ngân sách (đầu tư công) hơn 67 tỷ đồng (chiếm 74,24%) và vốn đầu tư kinh doanh du lịch sinh thái trên diện tích cho thuê môi trường rừng do nhà đầu tư, đơn vị được thuê môi trường rừng tự đầu tư.

 

Rừng tràm Trà Sư nhìn từ trên cao

 

     Để triển khai thực hiện phương án, thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ chuyển diện tích 15 ha khoảnh 3A thuộc phân khu dịch vụ hành chính nằm về phía Tây rừng đặc dụng ra khỏi lâm phần rừng đặc dụng, đồng thời quy hoạch bổ sung tương ứng diện tích 15 ha có hiện trạng là đất lúa nước nằm ở phía Bắc đưa vào lâm phần rừng đặc dụng Trà Sư. Bên cạnh đó, điều chỉnh diện tích 76 ha của khoảnh 6A từ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt sang phân khu phục hồi sinh thái để tạo thuận lợi trong công tác bảo tồn và kết hợp phát huy các giá trị kinh tế - văn hóa - xã hội của rừng đặc dụng Trà Sư, nhằm phát triển bền vững tài nguyên rừng.

     Trước mắt, tỉnh giữ nguyên hiện trạng khu vực 205 ha mở rộng rừng đặc dụng Trà Sư về phía Bắc có hiện trạng là đất sản xuất lúa nước theo quy hoạch của Quyết định số 1976/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

     Phương án quản lý rừng bền vững Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư sẽ giúp tỉnh An Giang bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái, cảnh quan rừng tràm và đất ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, làm cơ sở cho việc hợp tác về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đất ngập nước với các nước vùng hạ lưu sông Mêkông; giữ ổn định độ che phủ rừng đạt tỷ lệ trên 68%, đảm bảo mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng tại Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư giai đoạn từ nay đến năm 2030.

     Về kinh tế, phương án sẽ tạo ra nguồn thu ổn định từ việc khai thác kinh doanh các dịch vụ từ rừng và môi trường rừng, hệ sinh thái rừng tràm ngập nước để phục vụ trở lại công tác bảo vệ rừng. Về xã hội, thu hút trên 70% số hộ dân vùng đệm vào tham gia các hoạt động bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, xây dựng và phát triển rừng, du lịch sinh thái tạo ra sản phẩm, nhằm ổn định đời sống cho cộng đồng dân cư sống chủ yếu dựa vào rừng...

 

Nguyên Hằng

 

Ý kiến của bạn