Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Phê duyệt Đề án quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

15/07/2020

    Ngày 19/6, UBND tỉnh Quảng Nam đã ký ban hành Quyết định số 1662/QĐ-UBND phê duyệt Đề án quản lý chất thải rắn (CTR) tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

    Theo Đề án, CTR phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, được phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý được lựa chọn; khuyến khích xử lý chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp với thu hồi năng lượng. Đồng thời, phù hợp với các điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn và khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng đất.

   Cùng với đó, quản lý CTR theo hướng giảm thiểu chất thải rắn phát sinh tại nguồn, đi đôi với phân loại rác thải tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm lượng chất thải rắn chôn lấp; đáp ứng nhu cầu thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn theo từng giai đoạn. Từng bước đưa công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước vào sử dụng. Áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hạn chế chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua xây dựng Đề án phân loại rác thải tại nguồn theo hướng thí điểm 1 xã/huyện giai đoạn 2020 - 2025 và nhân rộng trên toàn tỉnh giai đoạn 2025 - 2030; Khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng, tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.

   Mục tiêu tổng quát, đến năm 2022 mỗi huyện/thị/thành phố phải hình thành mặt bằng sạch ít nhất 1 khu xử lý CTR tập trung để xử lý chất thải trên địa bàn. Đối với các Khu xử lý rác thải liên vùng cấp tỉnh sẽ lấp đầy trong 2 năm (Khu xử lý Đại Hiệp sẽ đóng cửa vào tháng 6/2021, Khu xử lý rác Tam Xuân 2 sẽ đóng cửa vào tháng 12/2023) nên tùy theo tình hình thu hút các dự án đầu tư, UBND tỉnh sẽ xem xét quyết định cho phù hợp.

    Đến năm 2025 có 95% tổng lượng CTR sinh hoạt đô thị phát sinh trên địa bàn Quảng Nam được thu gom và xử lý; 90% lượng CTR phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom và xử lý; 90% tổng lượng CTR công nghiệp không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý; 95% lượng CTR y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường...

    Định hướng đến năm 2030, 100% tổng lượng CTR sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý; 95% lượng CTR phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom và xử lý; 100% tổng lượng CTR công nghiệp không nguy hại và nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý; 90% tổng lượng CTR xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom xử lý đảm bảo môi trường.

    Kinh phí thực hiện giai đoạn đến 2025 là 375.467 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 1.079,984 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ODA, tài trợ nước ngoài, tín dụng đầu tư, các nhà đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác.

 

An Bình

 

Ý kiến của bạn