Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về bảo vệ môi trường năm 2018

31/01/2018

   Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương, công tác BVMT trong năm 2017 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT tiếp tục có những bước phát triển mới, ngày càng hoàn thiện, đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước đang xây dựng. Tổ chức chuyên môn về BVMT đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương và tại các Bộ, ngành; hợp tác quốc tế về BVMT liên tục được tăng cường, mở rộng. Chất lượng môi trường ở nhiều địa phương đã có những chuyển biến tích cực. Chúng ta đã bước đầu thành công trong việc thực hiện mục tiêu kiểm soát, hạn chế cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học (ĐDSH); tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường; một số dự báo tác động xấu tới môi trường bước đầu được ngăn ngừa; nhiều vấn đề bức xúc về môi trường đã được giải quyết kịp thời.

Bộ TN&MT kiểm tra tình hình khắc phục sự cố môi trường tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh

   Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Việc triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch công tác của ngành Môi trường được đặt trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm cao, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược với phương châm hành động của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Bên cạnh những thuận lợi, ngành Môi trường cũng đứng trước những khó khăn, thách thức như: Một số cơ chế, chính sách pháp luật chưa theo kịp với thực tiễn; thiếu các công cụ, biện pháp quản lý mạnh, hiệu quả; năng lực thực thi pháp luật ở một số địa phương còn hạn chế; ô nhiễm, suy thoái môi trường vẫn có chiều hướng gia tăng; năng lực, nhân lực, nguồn tài chính cho công tác BVMT chưa theo kịp mức độ gia tăng nhanh của đối tượng quản lý và các vấn đề môi trường phát sinh.

   Trên cơ sở những chuyển biến tích cực trong công tác BVMT của năm 2017, để tăng cường công tác BVMT, sớm giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường, quản lý tốt chất thải, cải thiện chất lượng môi trường, cần tập trung vào các nhóm nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp cơ bản sau:

   Thứ nhất, tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT.

   - Rà soát, xây dựng Đề án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT và các Luật có liên quan đến BVMT; ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định, quy định chi tiết thi hành Luật BVMT.

   - Rà soát, điều chỉnh, hoặc xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm về công tác quản lý môi trường, hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn môi trường của các nước phát triển trên thế giới.

   - Xây dựng và triển khai Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất phục vụ cho việc thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư.

   - Xây dựng Đề án về cơ chế đột phá huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa BVMT, thực hiện đúng nguyên tắc: “Người được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho công tác BVMT; người gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phải bồi thường, chi trả chi phí xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường”.

   - Xây dựng Đề án tổng thể về tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn; Đề án về quan trắc, cảnh báo môi trường vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường giai đoạn 2018 - 2025, định hướng 2030; Đề án tăng cường năng lực bảo tồn ĐDSH tại các khu bảo tồn và hành lang ĐDSH.

   Thứ hai, tiếp tục đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vi phạm.

   - Xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2018 theo hướng đổi mới, giảm đối tượng thanh tra, kiểm tra, đổi mới hình thức tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra. Xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Trong năm 2018, tập trung thanh tra, giám sát các dự án lớn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường như dệt nhuộm, luyện thép, sản xuất hóa chất; các cơ sở có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày, đêm trở lên; các đối tượng có loại hình sản xuất, công nghệ lạc hậu, nguồn thải lớn, xả thải ra những khu vực nhạy cảm về môi trường như ven biển, lưu vực sông; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường.

   - Tiếp tục duy trì hoạt động, phát huy hiệu quả Đường dây nóng, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường của Trung ương và địa phương, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, ngăn chặn các sự cố môi trường có thể xảy ra.

   - Xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát toàn diện các cơ sở, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, bao gồm: Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, Nhà máy Giấy VNT19, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; các dự án lớn (bauxite Tây Nguyên, sắt Thạch Khê - Hà Tĩnh, đất hiếm Đông Pao - Lai Châu, Nghi Sơn - Thanh Hóa).

   Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, kết nối giữa Trung ương và địa phương, đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và người dân.

   - Tập trung xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn về BVMT ở Trung ương, các Bộ, ngành và địa phương, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong quá trình triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT.

   - Nâng cao chất lượng, sự thống nhất trong việc hướng dẫn, trả lời các vướng mắc, xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương trong lĩnh vực BVMT.

   - Nghiên cứu, xây dựng cơ chế đối thoại thường xuyên giữa cơ quan môi trường ở Trung ương và địa phương, người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường, trong đó chú trọng giải quyết tốt các thủ tục hành chính về môi trường; kịp thời lắng nghe, ghi nhận và giải quyết thỏa đáng các khó khăn, vướng mắc, góp ý của địa phương và có biện pháp tháo gỡ về chuyên môn và tài chính trong công tác quản lý nhà nước về BVMT.

   Thứ tư, thực hiện chương trình quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường.

   - Tập trung thực hiện các chương trình quan trắc tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường thông qua triển khai xây dựng Đề án về quan trắc, cảnh báo về môi trường vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường giai đoạn 2018 - 2025, định hướng 2030.

   - Kết nối, kết hợp số liệu quan trắc nguồn thải với quan trắc chất lượng môi trường dự báo diễn biến, đánh giá, xác định nguyên nhân và có các giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.

   - Phối hợp với UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế triển khai xây dựng hệ thống quan trắc môi trường biển 4 tỉnh miền Trung.

   Thứ năm, kiện toàn tổ chức bộ máy và cải cách thủ tục hành chính.

   - Triển khai thực hiện Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

   - Tiếp tục cải tiến lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả của công tác cải cách hành chính, đặc biệt, đối với các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp; tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; hoàn thiện các quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa trong việc thực hiện thủ tục hành chính, cấp phép qua mạng. Triển khai linh hoạt, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, cơ chế hải quan một cửa quốc gia.

   Giai đoạn 2016 - 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định việc hoàn thành mục tiêu xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhiệm vụ của công tác BVMT đặt ra trong giai đoạn này là rất lớn đòi hỏi chúng ta trong năm 2018 phải tiếp tục có sự chung sức, chung lòng, cùng nhau quyết tâm, nỗ lực và sáng tạo hơn nữa trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu quan trọng đã đề ra, để môi trường thực sự là 1 trong 3 trụ cột của phát triển bền vững.

TS. Nguyễn Văn Tài
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2018

Ý kiến của bạn