Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Nhìn lại chặng đường 20 năm hợp tác giữa Việt Nam và ASEAN trong lĩnh vực môi trường

02/03/2017

     Trải qua 20 năm tham gia hợp tác ASEAN, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò và vị thế trong khu vực, đồng thời tạo dựng hình ảnh một đất nước đang đổi mới, phát triển năng động, có trách nhiệm, là đối tác tin cậy trong ASEAN và cộng đồng quốc tế.

     Hợp tác ASEAN về môi trường diễn ra trong bối cảnh khu vực và trên thế giới có những biến động về kinh tế xã hội và môi trường, cùng với các thảm họa thiên nhiên như sóng thần, động đất, bão lũ…, đặt ra nhiều thách thức cho các nước ASEAN. Năm 1989, đánh dấu sự thúc đẩy hợp tác về môi trường giữa các nước thành viên ASEAN thông qua việc thành lập Tổ chức Quan chức cấp cao ASEAN về môi trường. Sau đó, Hiến chương ASEAN (có hiệu lực vào năm 2008) và Kế hoạch Tổng thể về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN 2009 - 2015 là những tiền đề quan trọng để các hoạt động hợp tác ASEAN có những bước phát triển mạnh mẽ.

     Bắt đầu gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động hợp tác của khu vực trên tất cả các lĩnh vực chuyên ngành. Tháng 2/1996, Tổ chức các quan chức cấp cao về môi trường của Việt Nam (ASOEN Việt Nam) được thành lập và hình thành 6 nhóm công tác: Môi trường biển và đới bờ, Kinh tế Môi trường; Ô nhiễm xuyên biên giới; Quản lý môi trường; Giáo dục môi trường và Bảo tồn thiên nhiên. Từ đó đến nay, ASOEN Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động môi trường của khu vực, đưa ra nhiều sáng kiến, đóng góp quan trọng vào các thỏa thuận, hiệp định của ASEAN.

 

Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 27 diễn ra tại Thủ đô Naypyidaw (Myanma) từ ngày 3 - 4/8/2016

 

     Trong giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong triển khai các trọng tâm, ưu tiên hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN. Với phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã đăng cai tổ chức nhiều hội nghị nhóm công tác, triển khai các chương trình hợp tác và tham gia đầy đủ các hội nghị ASEAN về môi trường ở tất cả các cấp trong vai trò là nước thành viên. Trong đó, dấu ấn lớn nhất là việc Việt Nam đăng cai tổ chức chuỗi các hội nghị quan trọng gồm Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13, Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN+3 lần thứ 14 và chuỗi sự kiện liên quan vào năm 2015. Trong khuôn khổ chuỗi các hội nghị trên, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến và phối hợp với Ban Thư ký ASEAN xây dựng Tuyên bố về Chương trình Nghị sự bền vững môi trường và biến đổi khí hậu ASEAN sau 2015, với mục tiêu hướng tới Cộng đồng ASEAN phát triển bền vững, đảm bảo môi trường xanh và trong lành. Đồng thời, cam kết, ASEAN sẽ tích cực tham gia vào các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết những thách thức môi trường trong đó có biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ô-zôn, cũng như phát triển và ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường.

     Trong các nhóm công tác ASEAN về môi trường, với vai trò là một trong những thành viên trụ cột của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, Việt Nam đã tham gia hiệu quả vào các chương trình, dự án, hoạt động của nhóm, đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực, đóng góp cho sự phát triển chung của khu vực và toàn cầu. Bên cạnh việc tăng cường thúc đẩy hợp tác và liên kết nội khối, Việt Nam cũng tích cực tham gia thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác bên ngoài (Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ…) về môi trường, qua đó, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam với quốc tế. Trong 20 năm hợp tác ASEAN, bạn bè trong và ngoài khu vực hiểu rõ hơn đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam đã có điều kiện để học tập và chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận các tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực cũng như chủ động nêu các sáng kiến thúc đẩy hợp tác. Đến nay, Việt Nam đã đề xuất hơn 10 sáng kiến hợp tác với ASEAN về môi trường, triển khai 7 dự án mà Việt Nam là đầu mối. Hiện Việt Nam có 6 Vườn quốc gia (VQG) được công nhận là Vườn Di sản ASEAN gồm: VQG Chư Mom Ray, Hoàng Liên, Ba bể, Kôn Ka Kinh, U Minh Thượng, Bái Tử Long. Ngoài ra, Việt Nam có 4 TP đạt Giải thưởng TP bền vững về môi trường và các chứng nhận là TP Đất sạch, Không khí sạch, Nước sạch và tiềm năng bền vững về môi trường ASEAN: Hạ Long, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt; 4 trường học được trao Giải thưởng Trường học sinh thái ASEAN gồm: Trường THCS chuyên Amsterdam, Trường THPT chuyên Chu Văn An, Trường PTTH Chuyên ngoại ngữ, Trường THCS Thực nghiệm.

 

Huế vinh dự là 1 trong 10 TP bền vững về môi trường ASEAN

 

     Mặc dù, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp trong quá trình hợp tác, nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế và thách thức cần phải giải quyết như các chương trình hợp tác trong lĩnh vực môi trường rất rộng, đòi hỏi phải có một cơ chế linh hoạt để có thể huy động tối đa nội lực trong nước nhằm chủ động tham gia một cách có hiệu quả các hoạt động hợp tác ASEAN về môi trường. Hiện nay, số lượng và trình độ cán bộ chuyên trách về ASOEN Việt Nam còn thiếu và hạn chế, các cán bộ thực hiện công việc của ASOEN đa phần là cán bộ kiêm nhiệm. Trong khi hoạt động hợp tác giữa ASEAN với các quốc gia khác ngày càng tăng, đòi hỏi phải kịp thời cập nhật, tổng hợp thông tin để tham mưu, điều phối hoạt động giữa các Nhóm công tác với nhau và với các Bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, nguồn kinh phí để thực hiện các sáng kiến của Việt Nam còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai và tham gia các hoạt động hợp tác trong khu vực. Đây là những thách thức lớn, gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động hợp tác với ASEAN.   

     Trong bối cảnh, ASEAN đang nỗ lực xây dựng và triển khai các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN đến năm 2025, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược hay kế hoạch hành động tham gia hợp tác ASEAN về môi trường phù hợp trong từng giai đoạn và kịp thời hỗ trợ các chiến lược phát triển của đất nước, nhất là các chiến lược về TN&MT. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực cho Văn phòng ASOEN Việt Nam để đảm nhiệm tốt việc điều phối chung mọi hoạt động hợp tác ASEAN, cũng như các hoạt động cấp cao Đông Á về môi trường. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách phù hợp đối với hoạt động hợp tác ASEAN, nhất là các quy định về chi tiêu cho các hoạt động tổ chức, tham gia các sự kiện hợp tác quốc tế. Đặc biệt, cần sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp về hợp tác ASEAN, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng trong hoạt động hợp tác với ASEAN về môi trường, vì sự phát triển bền vững của khu vực, cũng như thế giới.

 

Nguyễn Thị Thanh Trâm, Trương Thị Tuyết Nhung

 Văn phòng ASOEN Việt Nam

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2017

Ý kiến của bạn