Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo

08/02/2017

   Năm 2016, Tổng cục Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác và đạt được nhiều kết quả tích cực, kịp thời vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân hải sản chết hàng loạt, khảo sát, thu thập dữ liệu mẫu vật để phục vụ việc đánh giá thiệt hại và chất lượng môi trường biển sau sự cố môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung… Để thực hiện hiệu quả công tác chuyên môn, nhằm tạo bước chuyển biến tích cực hơn trong năm 2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Thành Minh đã có cuộc trao đối với phóng viên Tạp chí Môi trường trước thềm Xuân mới.

Ông Nguyễn Thành Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

   Ngày 1/7/2016, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (TN,MTB &HĐ) có hiệu lực thi hành, vậy Tổng cục đã triển khai hoạt động này như thế nào, thưa ông?

   Ông Nguyễn Thành Minh: Luật TN, MTB &HĐ được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Để Luật sớm được đi vào cuộc sống, làm nền tảng cho công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo, thời gian qua, Tổng cục đã tập trung phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương có biển để xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản thi hành Luật. Trong năm 2016 có 9 văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật được ban hành (2 Nghị định của Chính phủ, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 6 Thông tư của Bộ trưởng). Trong đó, nhiều quy định quan trọng đã được ban hành nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề đang gây lúng túng trong công tác quản lý như thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, nhận chìm ở biển...

   Trong năm, Tổng cục đã tổ chức 2 đợt tập huấn về Luật TN,MTB &HĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cho gần 200 cán bộ, công chức, viên chức của các Bộ, ngành, địa phương; phối hợp, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cho trên 1.000 cán bộ, công chức, viên chức các địa phương có biển, 300 cán bộ, chiến sỹ của Lực lượng Cảnh sát biển. Từ hoạt động này, nhiều địa phương có biển trên cả nước đã chủ động tổ chức Hội nghị phổ biến pháp luật TN,MTB &HĐ đến các Sở, ban, ngành và địa phương ven biển như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Bình Thuận, Cà Mau.    

   Thời gian tới, Tổng cục sẽ đề xuất, chuẩn bị cho việc xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản TN,MTB &HĐ… nhằm tiếp tục hoàn chỉnh đồng bộ các công cụ quản lý tổng hợp tài nguyên, BVMT biển và hải đảo. Đồng thời, tham mưu, giúp Bộ TN&MT triển khai các vấn đề về kiểm soát ô nhiễm môi trường (KSÔNMT) biển và hải đảo; ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; quản lý việc nhận chìm ở biển; thiết lập, quản lý hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp về TN,MTB &HĐ; xây dựng, quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu TN,MTB &HĐ quốc gia. Đặc biệt, Tổng cục tham mưu giúp Bộ hướng dẫn kiểm tra việc thiết lập và bảo vệ hành lang bờ biển nhằm bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng; bảo đảm quyền lợi của người dân với biển.

   Xin ông cho biết, tình hình triển khai “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (Chiến lược 1570) và Kế hoạch thực hiện Chiến lược (Kế hoạch 798) tại các địa phương?

   Ông Nguyễn Thành Minh: Chiến lược 1570 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1570/QĐ-TTg, với mục tiêu “Hiểu rõ hơn về biển, tiềm năng, lợi thế, các tác động bất lợi từ biển; thúc đẩy khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển theo hướng bền vững; gìn giữ chất lượng môi trường nước biển; duy trì chức năng sinh thái và năng suất sinh học của các hệ sinh thái biển góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước”.

   Thực hiện Chiến lược trên, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tham mưu cho Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (tại Quyết định số 798/QĐ-TTg ngày 11/5/2016). Đến nay, Tổng cục đã tham mưu giúp Bộ TM&MT hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành liên quan và địa phương có biển tổ chức thực hiện Kế hoạch; tổ chức các nhiệm vụ điều tra tài nguyên, môi trường biển thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ.

   Tại các địa phương có biển, công tác tổ chức thực hiện Chiến lược 1570 cũng đã được khởi động thông qua việc đề xuất các dự án, nhiệm vụ phù hợp với nội dung của Chiến lược. Một số địa phương đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược 1570 như Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Phú Yên, Khánh Hòa.

   Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương có biển trong việc triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược 1570.

   Xin ông cho biết, công tác kiểm soát tài nguyên và BVMT biển, hải đảo trong năm qua và thời gian tới?

   Ông Nguyễn Thành Minh: Trong năm 2016, trước sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, Tổng cục đã tổ chức các đoàn quan trắc nước biển xa bờ tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế phục vụ việc đánh giá chất lượng môi trường biển tại các tỉnh nói trên. Đồng thời, khảo sát, nắm bắt tình hình việc chấp hành pháp luật trong quản lý, khai thác sử dụng TN,MTB &HĐ; hiện trạng môi trường biển tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị; phối hợp Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, đánh giá việc chấp hành pháp luật trong quản lý khai thác sử dụng TN,MTB &HĐ.

   Bên cạnh đó, Tổng cục đã triển khai các hoạt động liên quan đến công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nhận chìm ở biển, thẩm định hồ sơ cấp giấy phép nhận chìm ở biển. Hiện nay, Tổng cục đang giúp Bộ TN&MT tổ chức thẩm định hồ sơ cấp giấy phép nhận chìm ở biển cho dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

   Đối với việc kiểm soát tài nguyên và BVMT biển, hải đảo giai đoạn 2016 - 2020, Tổng cục xây dựng chương trình, kế hoạch cho cả giai đoạn với mục tiêu “Nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tài nguyên và BVMT biển, hải đảo; chủ động trong công tác phòng ngừa và KSÔN đối với các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên biển và hải đảo nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên và BVMT biển, phát triển bền vững đất nước” cùng các nhiệm vụ cơ bản sau:

   Hạn chế, ngăn chặn ô nhiễm suy thoái môi trường biển, bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái biển. Giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường biển, thường xuyên thống kê các điểm nóng ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, xây dựng báo cáo hiện trạng môi trường biển quốc gia 5 năm và hàng năm.

   Tổ chức đánh giá và KSÔN biển, hải đảo và xác định các vùng ô nhiễm nghiêm trọng phát sinh do các hoạt động khai thác, sử dụng biển, hải đảo và các sự cố hoặc thiên tai trên biển. Tổ chức thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn chất thải từ đất liền ra biển, phát sinh trên biển và hải đảo phục vụ việc đề xuất các giải pháp quản lý, ngăn ngừa, giảm thiểu, xử lý. Phối hợp với các cơ quan có liên quan đánh giá và KSÔN, suy thoái môi trường...

   Đẩy mạnh công tác giám sát, cảnh báo sự cố môi trường trên biển và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, xử lý, khắc phục hậu quả ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường biển, hải đảo khi được Bộ TN&MT phân công.

   Phối hợp thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên môi trường biển, hải đảo, để đảm bảo cung cấp đủ số liệu, thông tin phục vụ công tác quản lý, KSÔNMT biển, hải đảo, dự báo thời tiết, khí tượng, hải văn, cảnh báo thiên tai và tác động của BĐKH trên biển. Xây dựng kịch bản diễn biến tác động của BĐKH đến vùng bờ, đưa ra các giải pháp phù hợp thích ứng với BĐKH.

   Tăng cường phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển - Bộ Quốc Phòng, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an và các địa phương ven biển trong các hoạt động quản lý nhà nước về biển và hải đảo.

   Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong dự báo thiên tai và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo. Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, ứng phó sự cố tràn dầu với các nước trong khu vực Biển Đông.

   Tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và BVMT vùng biển, vùng ven biển và hải đảo. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý tài nguyên, BVMT biển, hải đảo.

Hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam năm 2016

   Năm 2017, Tổng cục có những định hướng gì nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo, thưa ông?

   Ông Nguyễn Thành Minh: Để nâng qua hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo, năm 2017 Tổng cục đã đưa ra các định hướng sau:

   Thứ nhất, đẩy mạnh xây dựng và triển khai có hiệu quả hệ thống pháp luật, chiến lược, quy hoạch phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo. Trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy định kỹ thuật về quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo; thực hiện hiệu quả Luật TN,MTB&HĐ; Kế hoạch thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam sau khi được phê duyệt.

   Thứ hai, củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về biển và hải đảo ở cấp trung ương và địa phương. Tổng cục tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy cho phù hợp với nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ; tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có biển trong quản lý nhà nước về biển và hải đảo; hướng dẫn nghiệp vụ các địa phương có biển về việc giao khu vực biển, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, xây dựng Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ, cấp phép nhận chìm ở biển...

   Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT đối với các hoạt động có nguy cơ và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển, đặc biệt là các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản, các hoạt động thương mại, dịch vụ du lịch dọc theo bờ biển, trên các đảo. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT biển, lực lượng cảnh sát môi trường, bộ đội biên phòng và cảnh sát biển trong thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên và BVMT biển, hải đảo.

   Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương và đa phương, tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên trên cơ sở tích cực, chủ động, đảm bảo an ninh quốc gia và phù hợp với định hướng hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực biển và hải đảo. Bên cạnh đó, Tổng cục tăng cường huy động nguồn lực hợp tác quốc tế phục vụ nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên, BVMT biển.

   Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật TN,MTB &HĐ, Chiến lược 1570, Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam tới các cấp, các ngành, các địa phương, cán bộ các cơ quan chức năng thực thi trên biển và các tầng lớp nhân dân.

   Thứ sáu, thực hiện thẩm tra theo quy định của pháp luật các dịch vụ công. Tổ chức tiếp nhận, kiểm tra, thẩm định và trình Bộ TN&MT xem xét phê duyệt đối với các dịch vụ công theo quy định của pháp luật như: giao khu vực biển cho tổ chức cá nhân; nhận chìm đổ thải; cấp phép nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài...

   Xin cảm ơn ông!

                Phạm Tuyên (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2017

Ý kiến của bạn