Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Một số tồn tại, khó khăn trong triển khai Quyết định số 1788/QÐ-TTg tại các cơ sở y tế và đề xuất phương hướng giải quyết

08/06/2016

   Hiện nay, trên toàn quốc có khoảng 13.511 cơ sở y tế (CSYT). Sự phát triển hệ thống các CSYT trong những năm qua đã góp phần tích cực nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe của nhân dân, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển đó cũng đã đặt ra những thách thức đối với công tác BVMT tại các CSYT, trong đó có vấn đề xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (ÔNMTNT).

   Trong những năm qua, Bộ Y tế đã đẩy mạnh công tác quản lý môi trường trong các CSYT. Bộ đã ban hành các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo địa phương tăng cường công tác quản lý chất thải y tế (CTYT) nhằm hạn chế phát sinh các cơ sở gây ÔNMTNT.

Khu lưu giữ chất thải tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên - đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ÔNMTNT

   Ngày 1/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1788/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT đến năm 2020 (Quyết định số 1788/QĐ-TTg). Để triển khai Quyết định này, Bộ Y tế đã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như: Phối hợp với Bộ TN&MT và các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung ban hành các văn bản chính sách pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ các CSYT xử lý triệt để ÔNMTNT; Thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về BVMT, tổ chức họp và triển khai kế hoạch thực hiện về quản lý môi trường trong ngành Y tế; Tăng cường công tác chỉ đạo các địa phương trong công tác quản lý chất thải, BVMT nhằm hạn chế phát sinh các cơ sở gây ÔNMTNT; Chỉ đạo, đôn đốc thực hiện Kế hoạch xử lý triệt các cơ sở gây ÔNMTNT; Xây dựng các dự án huy động nguồn lực để hỗ trợ địa phương trong xử lý CTYT, trong đó có dự án sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới với tổng kinh phí 150 triệu USD và các dự án, công trình có liên quan.

   Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra giám sát công tác quản lý CTYT. Trong 6 tháng đầu năm 2015 đã thanh tra, kiểm tra tiến độ thực hiện xử lý triệt để ÔNMTNT tại các CSYT trên địa bàn các tỉnh: Hà Nam, Thanh Hóa, Bắc Giang, An Giang, Đắc Lắc và Gia Lai; đồng thời chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát các CSYT trên địa bàn quản lý. Ngoài ra, Bộ tiến hành kiểm tra, giám sát công tác quản lý CTYT tại 25 bệnh viện/viện trực thuộc Bộ Y tế.

   Theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg, có 172 CSYT gây ÔNMTNT, trong đó 10 CSYT còn tồn đọng từ Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT. Trong số 172 cơ sở gây ÔNMTNT có 1 Bệnh viện tuyến Trung ương thuộc Bộ Y tế quản lý (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên) (chiếm 1%), 62 bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 36%) và 109 bệnh viện tuyến huyện (chiếm 63%). Trong số 10 cơ sở tồn đọng từ Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg mới chỉ có 2 cở sở đó là Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã được cấp giấy chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ÔNMTNT theo quy định, còn 8 đơn vị đang lập dự án và tìm nguồn vốn đầu tư.

   Theo thống kê đến nay đã có 38/172 bệnh viện (chiếm 22%) đã được cấp chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ÔNMTNT theo quy định; 57/172 (chiếm 33%) cơ sở đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo quy định, hiện đang làm thủ tục ra khỏi danh sách gây ÔNMTNT; 23/172 cơ sở (chiếm 14%) đã được phê duyệt các hạng mục đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống xử lý CTYT; 40/172 cơ sở (chiếm 23%) đang triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý CTYT nhằm khắc phục tình trạng ÔNMTNT; 14/172 (chiếm 8%) chưa triển khai đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo quy định.

   Trong số các địa phương hoàn thành việc xử lý các cơ sở gây ÔNMTNT, có tỉnh Phú Thọ (7 đơn vị) và tỉnh Thanh Hóa (5 đơn vị) có CSYT đã ra khỏi danh sách ÔNMTNT, đạt 100% yêu cầu theo quy định. Trong khi đó, một số địa phương chưa có cơ sở nào ra khỏi danh sách gây ÔNMTNT như tỉnh Sơn La có 14 cơ sở (2 cơ sở từ Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg), Tây Ninh 9 cơ sở; An Giang 9 cơ sở, Đắc Nông 7 cơ sở, Cao Bằng 6 cơ sở; Bình Thuận 4 cơ sở; Hà Giang 8 cơ sở…

   Bên cạnh đó, một số địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải cho các CSYT và đi vào hoạt động, kết quả quan trắc môi trường đạt yêu cầu quy định nhưng do vướng mắc về việc làm thủ tục ra khỏi danh sách gây ÔNMTNT nên chưa được cấp chứng nhận hoàn thành, cụ thể như tỉnh Thái Bình (7/16 cơ sở), Gia Lai (5/6 cơ sở), Đắc Lắc (8/18 cơ sở), Cao Bằng (4/6 cơ sở)… Ngoài ra có một số địa phương đang triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý CTYT như Đắc Lắc có 8/18 cơ sở, Nam Định có 13/16 cơ sở.

   Qua kết quả trên cho thấy, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện Quyết định số 1788/QĐ-TTg như kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý CTYT chưa đáp ứng nhu cầu để xây dựng, cải tạo các hệ thống xử lý CTYT. Tại một số CSYT, hệ thống xử lý chất thải xuống cấp, quá tải trong khi giá thành đầu tư hệ thống xử lý chất thải cao. Thêm vào đó, đa số CSYT là đơn vị công ích làm dịch vụ công nên thu không đủ chi; Các CSYT còn thiếu kinh phí cho việc vận hành và bảo dưỡng thường xuyên hệ thống xử lý chất thải; chi phí cho xử lý chất thải chưa được cấu thành trong giá thu viện phí. Một số địa phương chưa quyết liệt nên việc bố trí nguồn vốn cho xử lý và vận hành hệ thống xử lý chất thải theo quy định còn chậm.

   Mặt khác, việc lựa chọn mô hình, công nghệ xử lý CTYT đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường với chi phí đầu tư, vận hành phù hợp với nguồn ngân sách của các CSYT còn gặp khó khăn; Sự quan tâm xử lý CTYT tại một số CSYT chưa thường xuyên, chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều địa phương không có xe chuyên dụng để vận chuyển chất thải rắn y tế. Đặc biệt, có địa phương không có doanh nghiệp đủ điều kiện hành nghề xử lý CTYT nguy hại.

   Để đảm bảo việc hoàn thành xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMTNT theo đúng tiến độ đề ra, các Bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành về BVMT cùng với hướng dẫn, giám sát thực hiện tại các cơ sở gây ÔNMTNT. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các văn bản, hướng dẫn thực hiện chính sách ưu tiên hỗ trợ trong đầu tư xử lý CTYT; Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Y tế trong việc rà soát thực hiện quy hoạch xử lý CTYT, áp dụng và lựa chọn công nghệ phù hợp, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường; Đẩy mạnh triển khai hình thức đối tác công - tư trong quản lý CTYT.

   UBND các tỉnh, thành phố quan tâm và ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư cho các CSYT thuộc danh mục các cơ sở gây ÔNMTNT. Đồng thời chỉ đạo rà soát và có kế hoạch thay thế dần các lò đốt CTYT không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng bộ tài liệu mẫu, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ y tế quản lý CTYT.

   Tăng cường huy động các nguồn vốn trong nước và nguồn vốn ODA, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư cho việc xây dựng hệ thống xử lý CTYT.

Nguyễn Thị Thúy Hà

Bộ Y tế

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2016)

Ý kiến của bạn