Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Một số nội dung cơ bản Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

16/12/2019

     Ngày 31/10/2019, Bộ TN&MT đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả BVMT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Bộ chỉ số) tại Quyết định số 2782/QĐ-BTNMT. Bộ chỉ số nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ BVMT và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, đánh giá hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về BVMT; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, khuyến khích nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong công tác BVMT.

     Sự cần thiết ban hành Bộ chỉ số

     Trên thế giới, việc áp dụng bộ tiêu chí, chỉ số liên quan đến đánh giá, xếp hạng công tác BVMT đã trở nên phổ biến. Ở cấp độ toàn cầu, Bộ chỉ số đánh giá hoạt động môi trường (EPI) do Đại học Yale và Đại học Columbia (Mỹ) phối hợp với Diễn đàn Kinh tế thế giới, Trung tâm Hợp tác nghiên cứu của Ủy ban châu Âu xây dựng từ năm 2006, áp dụng chính thức từ năm 2008 đến nay, để đánh giá, xếp hạng kết quả hoạt động môi trường cho hầu hết các nước trên thế giới, định kỳ hai năm một lần. Trải qua 10 lần áp dụng để đánh giá cho các nước, Bộ chỉ số EPI vẫn giữ nguyên 2 nhóm mục tiêu chính (sức khỏe môi trường và sức sống của hệ sinh thái), nhưng có sự điều chỉnh về các chính sách, chỉ số đánh giá cụ thể, với khoảng từ 9 - 14 nhóm chính sách và 22 - 25 chỉ số đánh giá; các trọng số tương ứng đối với các nhóm mục tiêu, chính sách, chỉ số cụ thể cũng được thay đổi theo từng kỳ đánh giá để phù hợp với mức độ ưu tiên, tầm quan trọng của hoạt động BVMT.

     Dựa trên Bộ chỉ số EPI này, từ năm 2010, Trung Quốc và Malaixia cũng xây dựng Bộ chỉ số riêng, phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia để tiến hành đánh giá, xếp hạng cho các bang, tỉnh của quốc gia nhằm phục vụ đánh giá và xây dựng chính sách BVMT, hướng tới đáp ứng các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Ngoài ra, các quốc gia khác cũng đã xây dựng những Bộ chỉ số như Bộ chỉ số Thành phố xanh (Green City Index) được áp dụng tại một số nước thuộc châu Âu, châu Mỹ, châu Á; hay Bộ chỉ số Địa phương xanh được thực hiện tại Canađa và Mỹ từ năm 2010, với mục đích giúp các nhà quản lý của thành phố, địa phương so sánh, theo dõi sự tiến bộ trong công tác BVMT qua các năm, cũng như có những chính sách cải thiện môi trường.

     Tại Việt Nam, trong thời gian qua, cũng đã có một số Bộ chỉ số trong nhiều lĩnh vực được nghiên cứu, xây dựng, ban hành và triển khai, phục vụ mục đích đánh giá, so sánh, xếp hạng giữa các địa phương, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức của các Bộ, ngành như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, ngành và địa phương (Par Index); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Sipas); Bộ chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với các dịch vụ công; Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng công tác quản lý an toàn thực phẩm trong nông nghiệp; Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; chỉ số thành phố thông minh; chỉ số đô thị xanh; Bộ chỉ số đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường (ÔNMT) biển và hải đảo…

     Tuy nhiên, hiện nay, ở nước ta vẫn chưa có bộ công cụ đánh giá mang tính toàn diện, tổng thể thể hiện được kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ BVMT, cũng như sự hài lòng của người dân, tổ chức về môi trường nhằm theo dõi, so sánh kết quả thực hiện và đưa ra những điều chỉnh cần thiết, phù hợp với thực tiễn, qua đó nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về BVMT. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả BVMT của các địa phương sẽ góp phần theo dõi, so sánh, xếp hạng kết quả thực hiện công tác BVMT của địa phương, giữa các địa phương với nhau; nhận diện rõ điểm mạnh, điểm yếu trong thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT để có biện pháp điều chỉnh hiệu quả; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, khuyến khích nỗ lực của địa phương trong công tác BVMT.

     Nội dung cơ bản Bộ chỉ số

     Bộ chỉ số được xây dựng trên cơ sở các căn cứ pháp lý: Luật BVMT năm 2014; Luật Đa dạng sinh học năm 2008; Luật Thống kê năm 2015; Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/1/2014 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 6/3/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong lĩnh vực BVMT; Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

     Bộ Chỉ số được cấu trúc thành 2 nhóm gồm: Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về BVMT và Đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống.

 

Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải

tập trung đạt QCKTMT là một chỉ số thành phần được đề cập trong Bộ chỉ số

 

     Đối với nhóm đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về BVMT, Bộ chỉ số đã đưa ra các tiêu chí, chỉ số thành phần để đánh giá. Theo đó, các tiêu chí đánh giá bao gồm: Bảo vệ chất lượng môi trường sống (kiểm soát nguồn ô nhiễm; quản lý chất thải nguy hại, chất thải rắn thông thường; khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường; cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường); Bảo vệ sức sống hệ sinh thái (bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo vệ và phát triển rừng); Bảo vệ hệ thống khí hậu (sử dụng năng lượng tái tạo); Năng lực quản lý nhà nước về BVMT (hạ tầng kỹ thuật phục vụ BVMT; đầu tư cho BVMT; nhân lực quản lý nhà nước về BVMT; hiệu quả hoạt động đường dây nóng về ÔNMT).

     Dựa trên các tiêu chí nêu trên, Bộ chỉ số cũng đưa ra 26 chỉ số thành phần (nhóm I): Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị từ loại IV trở lên được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường (QCKTMT); Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nước thải từ 50 m3/ngày (24 giờ) trở lên có hệ thống xử lý nước thải đạt QCKTMT; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt QCKTMT; Tỷ lệ cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt QCKTMT; Tỷ lệ cơ sở y tế có hệ thống xử lý nước thải đạt QCKTMT; Tỷ lệ cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng được xử lý triệt để; Số lượng phương tiện giao thông công cộng trên 10.000 dân đô thị; Số lượng sự cố môi trường do chất thải gây ra; Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT; Tỷ lệ các cơ quan nhà nước, đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện; các siêu thị, khu du lịch đã có quy định, cam kết, kế hoạch triển khai về chống rác thải nhựa; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đáp ứng yêu cầu BVMT; Tỷ lệ bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh; Tỷ lệ số khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu được xử lý, cải tạo; Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có hố xí hợp vệ sinh; Tỷ lệ diện tích đất của các khu bảo tồn thiên nhiên đã được thành lập trên tổng diện tích đất quy hoạch cho bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; Tỷ lệ diện tích rừng trồng mới tập trung trên diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp; Diện tích rừng tự nhiên bị cháy, chặt phá; Sản lượng điện từ năng lượng tái tạo; Số trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường không khí tại các đô thị loại IV trở lên trên 10.000 dân đô thị; Tỷ lệ các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT địa phương theo quy định của pháp luật; Tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp BVMT; Số lượng công chức, cán bộ thực hiện nhiệm vụ BVMT trên 1 triệu dân; Tỷ lệ xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị về ÔNMT thông qua đường dây nóng

     Đối với nhóm đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống, Bộ chỉ số đưa ra các tiêu chí: Chất lượng môi trường không khí xung quanh; chất lượng môi trường nước mặt; chất lượng môi trường đất; cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học. Chỉ số thành phần đánh giá mức độ hài lòng của người dân (nhóm II) là tỷ lệ hài lòng của người dân đối với chất lượng môi trường sống.

     Việc thực hiện các chỉ số nhóm I do UBND cấp tỉnh tổ chức thu thập, tổng hợp, đánh giá; chỉ số nhóm II sẽ được thực hiện thông qua điều tra xã hội học. Trên cơ sở kết quả tự đánh giá của các địa phương và thông qua điều tra xã hội học, Bộ TN&MT sẽ thành lập Hội đồng Thẩm định liên ngành để tổ chức thẩm định, đánh giá. Kết quả BVMT của các địa phương sẽ được công bố vào dịp kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm sau để đánh giá và công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường và các địa phương. Bộ Chỉ số này được áp dụng định kỳ hàng năm và áp dụng chính thức từ năm 2020. Tổng cục Môi trường là cơ quan chủ trì tổ chức triển khai hướng dẫn, tập huấn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; đồng thời, quy định trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai thực hiện.

     Bộ chỉ số sẽ là căn cứ để đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về BVMT và mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về công tác BVMT nhằm thúc đẩy quá trình hoàn thiện các công cụ BVMT phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu phát triển bền vững của đất nước trong thời gian tới.

 

ThS. Đặng Quốc Thắng

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn