Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Một số giải pháp chống rác thải nhựa tại Việt Nam

11/07/2019

    Bước vào giai đoạn đầu của thế kỷ 21, thế kỷ của sự phát triển như vũ bão khoa học kỹ thuật, của những dấu ấn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhưng chúng ta đang phải giải quyết những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, trong đó, một vấn đề nhức nhối đang được nhiều quốc gia quan tâm đó là rác thải nhựa. Năm 2018, Liên hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” và tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019, Nguyên thủ các nước, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã có các cam kết mạnh mẽ về chống rác thải nhựa.   

   Theo ước tính và số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ TN&MT, rác thải nhựa chiếm tỷ trọng khoảng 5 - 10% trong rác thải sinh hoạt (tương đương với các nước trên thế giới); cả nước phát sinh khoảng 23 - 25 triệu tấn rác thải sinh hoạt/năm, tương ứng từ 1,15 - 2 triệu tấn rác thải nhựa/năm.

   Trong thời gian qua, vấn đề rác thải nhựa đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm, nhiều chính sách, quy định liên quan trực tiếp đến quản lý, kiểm soát chất thải nhựa và túi ni lông đã được ban hành và triển khai thực hiện. Từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 2149/QĐ-TTg (Chiến lược này tiếp tục được phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018); Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Cùng với quy định về quản lý chất thải rắn trong Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Quốc hội đã ban hành Luật Thuế BVMT, trong đó quy định túi ni lông không thân thiện với môi trường là một trong những đối tượng chịu thuế BVMT.

 

Mô hình cá bống khổng lồ thu gom rác thải nhựa tại bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng)

 

   Là cơ quan đầu mối được Chính phủ giao quản lý về chất thải rắn, bên cạnh việc tham mưu với Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật, Bộ TN&MT đã phối hợp với Bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều hội thảo phổ biến, tuyên truyền tác hại của việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy, khuyến khích cộng đồng tăng cường tái sử dụng túi ni lông, sử dụng túi ni lông phân hủy sinh học, phát động phong trào toàn dân tham gia chống rác thải nhựa. Đặc biệt, ngày 9/6/2019, tại Hà Nội, Bộ TN&MT đã phối hợp với UBND TP. Hà Nội và Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức thành công Lễ ra quân toàn quốc Phong trào "Chống rác thải nhựa năm 2019". Tại TP. Hồ Chí Minh, cũng đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận thành lập “Liên minh tái chế bao bì Việt Nam” của 9 tập đoàn lớn: Cocacola, Lavie, Frieslandcampina, Tetra Pak, TH Truth milk, Nestle, Nutifood, Suntory Pépsico, Universal Robina. Các hoạt động nêu trên bước đầu đạt được những kết quả khả quan trong việc  nâng cao nhận thức trong cộng đồng, góp phần tăng cường quản lý chất thải nhựa và túi ni lông.

   Bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác quản lý, hạn chế sử dụng rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy cũng còn nhiều hạn chế, bất cập như: Thói quen sản xuất, tiêu dùng, nhận thức của người dân cùng với công tác tuyên truyền chưa đồng bộ, hiệu quả; Việc thu thuế môi trường đối với túi ni lông khó phân hủy còn gặp nhiều khó khăn trong khi giá thành túi ni lông thân thiện với môi trường còn cao nên người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn hầu hết vẫn sử dụng túi ni lông khó phân hủy; Các cơ sở tái chế chất thải nhựa hiện còn nhỏ lẻ, phân tán và sử dụng công nghệ đơn giản, có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Hoạt động điều tra, thống kê về việc sản xuất, tiêu thụ và xử lý túi ni lông vẫn còn hạn chế dẫn đến thiếu thông tin khi đưa ra quyết định quản lý.

   Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý rác thải nhựa hiện nay, đồng thời thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chống rác thải nhựa, ngay sau Lễ ra quân toàn quốc Phong trào “Chống rác thải nhựa năm 2019”, Tổng cục Môi trường sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, nhân rộng các điển hình tiên tiến về hạn chế sử dụng túi ni lông, rác thải nhựa

   Nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa cần có sự chung tay, góp sức của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, phải tiếp tục coi công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa, những biện pháp tiết kiệm, tái sử dụng rác thải nhựa là hoạt động trọng tâm, xuyên suốt.

   Đối với các cán bộ, công chức, viên chức, nhất là thủ trưởng của đơn vị, cần phổ biến, quán triệt, yêu cầu mỗi cá nhân phải nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong việc nói không với rác thải nhựa sử dụng một lần, túi ni lông khó phân hủy; đồng thời tăng cường tuyên tuyền vận động người thân, gia đình và bà con khu phố về hạn chế sử dụng rác thải nhựa.

   Đối với cộng đồng, doanh nghiệp, tiếp tục xây dựng, thực hiện các Chương trình tuyên truyền về phòng chống rác thải nhựa, túi ni lông sử dụng một lần, với các hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền, tạo sự lan tỏa sâu rộng, hiệu quả. Thông qua việc thực hiện các Chương trình tuyên truyền này sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư chuyển biến từ nhận thức sang hành động cụ thể nhằm sử dụng rác thải nhựa, túi ni lông thân thiện môi trường một cách tiết kiệm, hiệu quả.

    Tổ chức bình chọn và công bố các sản phẩm, cửa hàng, siêu thị thân thiện với môi trường; phát hiện và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, các sáng kiến thiết thực, hiệu quả nhằm khuyến khích, động viên, tôn vinh kịp thời các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có đóng góp trong việc giải quyết vấn đề rác thải, rác thải nhựa. Đồng thời, rà soát, xây dựng, đưa nội dung chống rác thải nhựa vào chương trình giáo dục ở các cấp học để giáo dục ý thức của học sinh, sinh viên, giáo viên trong các trường học.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý rác thải nhựa

   Khẩn trương xây dựng, hoàn thành Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải nhựa, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2019. Các nội dung chính được nghiên cứu, đề xuất trong Đề án là: rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý chất thải nhựa; tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý rác thải nhựa; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu điều tra về rác thải nhựa; Triển khai hoạt động tăng cường thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa trong toàn quốc, thực hiện kinh tế tuần hoàn chất thải nhựa, tiến tới kiểm soát và giảm tối đa lượng phát thải chất thải nhựa ra môi trường; nghiên cứu sản xuất những vật liệu thân thiện môi trường, thay thế việc sử dụng túi ni lông …

    Đẩy nhanh tiến độ ban hành Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg của Chính phủ về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu theo hướng chỉ cho phép nhập các loại nhựa có giá trị tái chế cao.

    Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung các bao bì nhựa vào đối tượng chịu thuế và nâng cao mức thuế suất để hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng; tăng thuế BVMT đối với túi ni lôngg khó phân hủy; bổ sung quy định túi ni lông thân thiện với môi trường là đối tượng được miễn thuế BVMT; ưu đãi cho các hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa.

    Xây dựng các chế tài xử phạt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra… Đồng thời, xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phù hợp để đưa các cơ sở tái chế nhựa phân tán nhỏ lẻ với công nghệ đơn giản hiện nay vào các khu công nghiệp tập trung, nâng cấp công nghệ xử lý, tái chế phù hợp; Thành lập các khu công nghiệp tái chế nhựa tập trung.

Thứ ba, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; sự tham gia, giám sát của các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan thông tấn báo chí

   Tăng cường sự phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong triển khai phong trào chống rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy, trong đó yêu cầu triển khai có hiệu quả hoạt động thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói chung và rác thải nhựa nói riêng; phát triển các sản phẩm, vật liệu thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.         

   Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trong việc tuyên truyền, vận động hội viên, chị em phụ nữ tích cực tham gia vào việc không sử dụng túi ni lông một lần, thay thế các loại túi khi đi chợ, mua sắm sản phẩm, hàng hóa. Hiện nay, các nội dung này đang được Hội phụ nữ tích cực triển khai thực hiện và đem lại những hiệu quả tích cực.

    Tăng cường vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức đoàn thể trong tổ chức các cuộc vận động hội viên tham gia vào phong trào tiêu dùng bền vững, không sử dụng túi ni lông, bao bì nhựa một lần; tăng cường vai trò giám sát việc triển khai thực hiện các cơ chế chính sách hạn chế sử dụng túi ni lông, nhựa bao bì dùng một lần... tại các địa phương, khu dân cư, tổ dân phố…. 

   Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc tuyên truyền các nội dung liên quan đến việc hạn chế sử dụng túi ni lông, rác thải nhựa cho cộng đồng.

Thứ tư, phát triển công nghệ tái chế, xử lý rác thải nhựa, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới thay thế cho việc sử dụng túi ni lông

   Tăng cường đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong xử lý, tái chế rác thải nhựa và phát triển các sản phẩm, vật liệu thay thế.

   Trong quá trình xem xét, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép đối với các dự án xử lý chất thải,  sẽ yêu cầu chủ đầu tư tăng cường sử dụng, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong xử lý, tái chế chất thải.

  Các viện, trường, nhà khoa học, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ về vật liệu thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Thứ năm, mở rộng và phát huy vai trò của Liên minh chống rác thải nhựa, thúc đẩy hợp tác quốc tế về chống rác thải nhựa

   Thúc đẩy việc thành lập và phát huy vai trò của các trung tâm khu vực, toàn cầu và liên minh các doanh nghiệp, người tiêu dùng về chống rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy; các tổ chức tái chế bao bì, sử dụng vật liệu, sản phẩm thân thiện môi trường để cùng thực hiện việc phòng chống, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

   Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các quốc gia, tổ chức quốc tế để tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn vốn, chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy tại Việt Nam.

 

TS. Hoàng Văn Thức

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2019)

Ý kiến của bạn