Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Một số định hướng trong công tác quản lý nhà nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

06/02/2018

   Là đơn vị thực hiện chức năng tham mưu, thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (ĐDSH) trên phạm vi cả nước, trong thời gian qua, Cục Bảo tồn ĐDSH tiếp tục triển khai thực hiện Luật ĐDSH và các văn bản hướng dẫn Luật, bám sát các định hướng nhiệm vụ tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT; Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…

   Một số kết quả đạt được trong công tác quản lý nhà nước về ĐDSH

   Hoàn thiện công tác xây dựng văn bản pháp luật

   Nhằm tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn ĐDSH, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được chú trọng và thúc đẩy triển khai, đặc biệt là các văn bản thực hiện Luật ĐDSH. Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay đã có hơn 20 văn bản hướng dẫn thi hành Luật do Cục Bảo tồn ĐDSH chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, góp phần tạo lập hành lang pháp lý quản lý tổng thể và toàn diện các vấn đề về ĐDSH.

   Các văn bản pháp luật này bao gồm: Nghị định quản lý loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ (Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 2/11/2013 của Chính phủ); Nghị định quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen, công tác quản lý nhà nước về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen (Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21/6/2010; Nghị định số 108/2011/NĐ-CP ngày 30/11/2011 của Chính phủ); Nghị định Quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen (Nghị định số 59/2017/NĐ-CP ngày 12/5/2017 của Chính phủ); Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ); Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ)…

   Bên cạnh đó, nhiều hướng dẫn kỹ thuật được kịp thời ban hành nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý thực tiễn phát sinh tại địa phương như: hướng dẫn lập quy hoạch bảo tồn ĐDSH cấp tỉnh; hướng dẫn kỹ thuật phân loại đất ngập nước; hướng dẫn kỹ thuật điều tra ĐDSH và xây dựng báo cáo ĐDSH; hướng dẫn mẫu đơn đăng ký, giấy chứng nhận và báo cáo của cơ sở bảo tồn ĐDSH; hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ...

   Tăng cường năng lực hướng dẫn thực hiện và đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức

   Song song với công tác xây dựng các văn bản, các hoạt động tăng cường năng lực hướng dẫn thực hiện và truyền thông, nâng cao nhận thức thực hiện pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH cũng được đẩy mạnh. Hàng năm, Cục đều tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức với nhiều sự kiện, hội thảo, tập huấn cho các đối tượng khác nhau; hướng dẫn các địa phương tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế ĐDSH (22/5) và Ngày Đất ngập nước thế giới (2/2).

   Ngoài ra, Cục còn xây dựng, phát hành các tài liệu tập huấn, các ấn phẩm tuyên truyền và biên tập các tài liệu tham khảo có liên quan đến an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; Đồng thời tổ chức tập huấn, cung cấp các bài giảng về các nội dung của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT liên quan đến bảo tồn ĐDSH cho cán bộ các Sở, ban, ngành tại địa phương.

   Cục cũng đã tham mưu lựa chọn, đề cử và tổ chức Lễ chúc mừng Danh hiệu Anh hùng ĐDSH ASEAN cho GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh - Nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam vinh dự nhận Danh hiệu trên và tham mưu hỗ trợ đề xuất Khu bảo tồn Bái Tử Long thành Vườn Di sản ASEAN (AHP). Hai sự kiện này được Bộ TN&MT bình chọn 2/10 sự kiện tiêu biểu năm 2017.

Trồng cây tại vùng đất bồi ven biển xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình hưởng ứng Ngày Đất ngập nước 2017

   Công tác kiểm tra thực thi pháp luật về ĐDSH được chú trọng

   Thời gian qua, công tác kiểm tra kết hợp với hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện pháp luật về bảo tồn ĐDSH đã được thực hiện tại các địa phương, các khu bảo tồn và cơ sở bảo tồn trong cả nước. Hoạt động này đã góp phần quan trọng trong việc hướng dẫn, hỗ trợ cho các đối tượng tăng cường thực thi pháp luật về bảo tồn, đồng thời, phát hiện các bất cập trong quá trình thực thi pháp luật để có các đề xuất định hướng cho việc điều chỉnh phù hợp.

   Công tác hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về bảo tồn được đẩy mạnh

   Đây là một lĩnh vực nổi bật của Cục Bảo tồn ĐDSH. Cục đã luôn hoàn thành tốt vai trò là đơn vị đầu mối, tham mưu cho lãnh đạo các cấp trong việc thực thi các cam kết quốc tế trong lĩnh vực ĐDSH: Công ước Ramsar, Công ước ĐDSH, Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học, Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen; Nghị định thư bổ sung Nagoya - Kuala Lumpur về nghĩa vụ pháp lý và bồi thường trong lĩnh vực sinh vật biến đổi gen. Đồng thời, Cục còn tham gia tích cực trong các hoạt động của Trung tâm ĐDSH ASEAN, Trung tâm Ramsar Đông Á (RRC), Sáng kiến Bảo tồn Hổ toàn cầu, Hợp tác về đường bay của các loài chim di cư (Flyway Partnership), Diễn đàn liên Chính phủ về ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES)....

   Cục đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong nước, quốc tế và là đối tác lâu năm, trọng yếu của nhiều tổ chức như: CropLife châu Á, Helvetas, Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Quỹ thông tin ĐDSH toàn cầu (GBIF), WWF, IUCN, USAID… Bên cạnh đó, Cục cũng đã và đang tích cực tổ chức triển khai nhiều dự án ODA, bao gồm các dự án ODA không hoàn lại từ Quỹ Môi trường toàn cầu, JICA, … đến dự án vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

   Thời gian qua, Cục đã tổ chức thực hiện nhiều đề tài khoa học, công nghệ góp phần xây dựng luận cứ khoa học cho công tác bảo tồn ĐDSH. Các định hướng nghiên cứu chủ yếu nhằm bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái; bảo tồn loài, cơ chế tài chính bổ sung cho công tác bảo tồn. Nhiều đề tài đã được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, trong đó có các đề tài nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn về nghĩa vụ pháp lý và bồi thường trong lĩnh vực an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen; Cơ sở lý luận, thực tiễn về bồi hoàn ĐDSH tại Việt Nam... Mặt khác, công tác xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH đang từng bước được đẩy mạnh. Các công cụ hỗ trợ điều tra cơ bản, xây dựng báo cáo và phát triển cơ sở dữ liệu về ĐDSH quốc gia (NBDS) được phổ biến, hướng dẫn thực hiện. (www.nbds.vea.gov.vn).

   Tham mưu đề xuất xử lý các vấn đề quản lý thực tiễn

   Đây là một hoạt động rất quan trọng trong chức năng tham mưu của Cục được triển khai trong thời gian qua như: Rà soát, đánh giá hệ thống các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã và thực tế triển khai cấp phép cơ sở bảo tồn ĐDSH tại các địa phương nhằm đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả các cơ sở bảo tồn trong thời gian tới; Theo dõi, giám sát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các sản phẩm của chúng; Tham vấn chuyên môn về công tác bảo tồn ĐDSH đối với các vấn đề về quy hoạch du lịch tại Bán đảo Sơn Trà, sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung, hoạt động nhận chìm của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân tại tỉnh Ninh Thuận và một số hoạt động khác liên quan đến công tác bảo tồn loài.

   Định hướng phát triển trong thời gian tới

   Với nỗ lực tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của mình trong bối cảnh cả nước đang thúc đẩy, tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT nói chung và bảo tồn ĐDSH nói riêng, Cục Bảo tồn ĐDSH xác định hướng hoạt động của đơn vị trong thời gian tới:

   Định hướng chung

   - Thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn ĐDSH và triển khai có hiệu quả Luật ĐDSH, các văn bản hướng dẫn Luật liên quan, đặc biệt xác định rõ cách tiếp cận, đối tượng, cơ chế quản lý, bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH trong mối quan hệ với Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản mới ban hành với Luật ĐDSH hiện nay.

   - Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội; các tổ chức quốc tế về triển khai thực hiện các hoạt động liên quan đến bảo tồn ĐDSH.

   - Tăng cường năng lực thực thi pháp luật bảo tồn ĐDSH cho các khu bảo tồn thiên nhiên, ưu tiên các khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Khu Ramsar), Vườn Di sản ASEAN (AHP), khu dự trữ sinh quyển và các khu bảo tồn được quy hoạch, thành lập theo Luật ĐDSH.

   - Tiếp tục chú trọng công tác kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn ĐDSH cho các các khu bảo tồn.

   - Nâng cao vị trí của Việt Nam trong việc thực thi các công ước quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH; thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế và huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn ĐDSH của Việt Nam.

   Định hướng hoạt động cụ thể

   - Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan hoàn thiện Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của Cục; sớm ổn định tổ chức, nhân sự trong tình hình mới; hoàn thiện Đề án vị trí việc làm; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ có liên quan trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và các nội dung phối hợp khác trong công tác quản lý nhà nước về ĐDSH; Rà soát kết quả thực hiện Luật ĐDSH và có các đề xuất điều chỉnh, sửa đổi Luật trong bối cảnh mới và sau 10 năm triển khai thực hiện.

   - Tiếp tục xây dựng, sửa đổi và hướng dẫn thực hiện các văn bản quản lý các khu bảo tồn đất ngập nước; hành lang ĐDSH; quản lý loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo tồn, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại, cơ chế quản lý các cơ sở bảo tồn, quản lý sinh vật biến đổi gen, tri thức truyền thống liên quan đến nguồn gen, quản lý tiếp cận nguồn gen theo Luật ĐDSH; và các chính sách hỗ trợ, quản lý các loại hình bảo tồn quy mô nhỏ có sự tham gia cộng đồng.

   - Xây dựng, hoàn thiện và phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia đáp ứng nhu cầu công tác quản lý và dự báo bao gồm các chương trình quan trắc, điều tra cơ bản, thông suốt hệ thống báo cáo từ Trung ương đến địa phương và các khu bảo tồn.

   - Thúc đẩy nghiên cứu, áp dụng các công cụ tài chính mới, công cụ kinh tế (PES, TEEB, BBOP, Quỹ bảo tồn ĐDSH, bồi hoàn ĐDSH...), các phương pháp tiếp cận mới (tiếp cận hệ sinh thái, tiếp cận đồng quản lý, quản lý có sự tham gia cộng đồng ...) nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn ĐDSH.

   - Phát triển các công cụ hướng dẫn thực hiện đánh giá tác động đến ĐDSH trong đánh giá tác động môi trường và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến ĐDSH.

   - Thúc đẩy, nhân rộng triển khai xây dựng các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái và tăng cường hiệu quả quản lý các khu bảo tồn.

   - Thực hiện tốt vai trò đầu mối các Công ước quốc tế về ĐDSH như: Công ước ĐDSH (CBD), Công ước Ramsar, Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học, Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, Nghị định thư bổ sung Nagoya - Kuala Lumpur về nghĩa vụ pháp lý và bồi thường, đầu mối hợp tác Trung tâm ĐDSH ASEAN (ACB), Trung tâm Ramsar Đông Á (RRC), Điều phối thực hiện Sáng kiến Bảo tồn Hổ toàn cầu.

TS. Phạm Anh Cường - Cục trưởng

TS. Nguyễn Xuân Dũng - Chánh Văn phòng

Cục Bảo tồn đa dạng sinh học

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2018

Ý kiến của bạn