Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Lồng ghép tiêu chuẩn FairWild trong Nghị định thư Nagoya và quy định về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích ở Việt Nam

08/05/2017

   Việt Nam có nguồn tài nguyên cây thuốc vô cùng phong phú và đa dạng. Tính đến cuối năm 2015 đã phát hiện được 5.117 loài và dưới loài, thuộc 1.823 chi, 360 họ của 8 ngành thực vật bậc cao có mạch, cùng với một số taxon thuộc nhóm rêu, tảo và nấm lớn. Sự đa dạng về hệ sinh thái (HST) này không chỉ thể hiện các loài cây thuốc phân bố khắp các vùng sinh thái địa lý trong nước mà còn thể hiện ở phần lớn số loài thực vật sử dụng làm thuốc ở Việt Nam được ghi nhận dựa trên tri thức và kinh nghiệm sử dụng của các dân tộc ở khắp các vùng miền của Tổ quốc.

Người dân thôn Bản Khang thu hái cây giảo cổ lam trên rừng ở xã Xuân Lạc (Chợ Đồn, Bắc Cạn)

   Tuy nhiên, việc thu hái và buôn bán các loài cây hương, dược liệu vẫn đang diễn ra khó kiểm soát; việc khai thác đưa vào sản xuất công nghiệp không chú ý bảo vệ tái sinh và nhiều nguyên nhân tác động khác đã làm cho nguồn cây thuốc tự nhiên ở Việt Nam đã và đang suy giảm nghiêm trọng, thậm chí nhiều loài có nguy cơ bị tuyệt chủng. Trong khi đó tại các vùng rừng, vùng có dược liệu tự nhiên, người thu hái hiện không tuân theo một quy định hoặc tiêu chuẩn nào.

   Trong thời gian qua, Mạng lưới giám sát buôn bán các loài động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) đã giới thiệu tiêu chuẩn FairWild tại Việt Nam nhằm áp dụng cho các hoạt động thu hái thực vật hoang dã, với mong muốn thể hiện cam kết trong việc thu hái bền vững, trách nhiệm xã hội và các nguyên tắc thương mại công bằng. Những nguyên tắc của FairWild có những điểm tương đồng nhất định với Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (ABS) và những tính năng hữu ích đó có thể đóng góp vào việc thực hiện tốt ABS tại Việt Nam.

   Thực trạng quản lý ABS ở Việt Nam và Nghị định thư Nagoya về ABS

   Quản lý nguồn gen ở Việt Nam đã được quy định tại nhiều văn bản như: Luật Thủy sản năm 2003, Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, Pháp lệnh Giống vật nuôi và Pháp lệnh Giống cây trồng năm 2004, Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH) năm 2008, nhưng quy định về ABS chủ yếu được quy định tại Luật ĐDSH năm 2008 (các điều từ 55 - 61 Mục 1 Chương V và một số điều, khoản liên quan tại Mục 2 Chương V), Nghị định số 65/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ĐDSH (điều 18, 19 và 20).

   Tuy nhiên, các quy định về ABS còn một số vấn đề bất cập như: Nghị định số 65/2010/NĐ-CP không hướng dẫn chi tiết các nội dung của hợp đồng thỏa thuận về ABS nên rất khó triển khai trên thực tế. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân được giao quản lý nguồn gen chưa có đủ kiến thức và kỹ năng đàm phán hợp đồng thỏa thuận về ABS. Ngoài ra, Nghị định số 65/2010/NĐ-CP quy định: tỷ lệ phân chia tổng lợi ích thu được từ việc tiếp cận nguồn gen cho các bên có liên quan được xác định thông qua đàm phán, thỏa thuận bằng hợp đồng giữa các bên nhưng không thấp hơn 30% tổng lợi ích thu được quy đổi thành tiền. Quy định này là không khả thi vì không chỉ ra được cách thức xác định tổng lợi ích thu được, lợi ích phát sinh trong trường hợp sử dụng thứ phát trở đi và tỷ lệ chia sẻ 30% tổng lợi ích thu được quy đổi thành tiền là rất cao so với thực tiễn của quốc tế (khoảng 0,1 - 3%). Điều này cho thấy cần có một quy định cụ thể hơn về ABS.

   Ngày 17/3/2014, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương gia nhập Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng hợp lý lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen tại Nghị quyết số 17/NQ-CP. Theo đó, Chính phủ giao Bộ TN&MT xây dựng và trình Dự thảo Nghị định về ABS từ việc sử dụng nguồn gen. Căn cứ trên các quy định của Luật ĐDSH, Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ngành liên quan đã nghiên cứu, xây dựng các nội dung của Dự thảo Nghị định về ABS, điều chỉnh và thay thế các nội dung liên quan tại Nghị định số 65/2010/NĐ-CP. Qua 2 năm xây dựng với sự đóng góp của các Bộ/ngành, cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và cá nhân, đến tháng 3/2017, Dự thảo Nghị định về ABS từ việc sử dụng nguồn gen đã được Bộ TN&MT trình Chính phủ xem xét, ban hành.

   Nghị định thư Nagoya về ABS được thông qua tại Hội nghị lần thứ 10 của các bên tham gia Công ước ĐDSH ngày 29/10/2010 tại Nagoya, Nhật Bản. Nghị định thư được thông qua nhằm thực hiện mục tiêu thứ ba của Công ước ĐDSH là chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen và đóng góp cho công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các thành phần của ĐDSH. Nghị định thư Nagoya gồm 36 Điều và 1 Phụ lục. Trong đó các điều khoản quan trọng tập trung vào: Tiếp cận với Giấy phép tiếp cận nguồn gen (PIC) và Hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (MAT); Chia sẻ lợi ích; Tri thức truyền thống về nguồn gen; Thực thi và tuân thủ.

   Tiêu chuẩn FairWild

   Tiêu chuẩn FairWild ver.2.0 gồm có 11 nguyên tắc và 29 tiêu chí thuộc 4 nhóm vấn đề liên quan đến thu hái và bảo tồn; pháp luật và đạo đức; yêu cầu về xã hội và thương mại công bằng; yêu cầu về quản lý và kinh doanh, được phát triển và xuất bản vào năm 2010 nhằm đảm bảo việc sử dụng mang tính liên tục và sự tồn tại lâu dài cho các loài thực vật hoang dã cũng như các quần thể và nơi cư trú của chúng. Đồng thời tôn trọng các giá trị văn hóa truyền thống, hỗ trợ sinh kế cho tất cả các bên tham gia, đặc biệt là các cộng đồng thu hái và người lao động.

   Để có chứng chỉ FairWild, các doanh nghiệp phải áp dụng theo quy trình gồm 4 bước: Các khu vực thu hái, các tổ chức thu hái tự nhiên có nguồn gen/loài cây thuốc và cây hương liệu (MAP) khi đã tình nguyện thực hành Tiêu chuẩn FairWild sẽ tiến hành xây dựng các tiêu chuẩn nội bộ phù hợp về thu hái bền vững (các công ty, hiệp hội, nhà tài trợ); Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở các cấp độ xây dựng Kế hoạch của địa phương và khu vực về quản lý nguồn tài nguyên cây mục tiêu (Cơ quan nhà nước); Xây dựng các Khung pháp lý và chính sách (bảo tồn, chính sách thương mại, thỏa thuận quốc tế - CBD, Nghị định thư Nagoya, CITES) cho chuỗi thương mại MAP và sản phẩm thu hái tự nhiên; Tổ chức FairWild cấp Chứng chỉ cho đối tượng doanh nghiệp xuyên suốt chuỗi thương mại với sản phẩm gắn nhãn mác FairWild.

   Theo báo cáo của Anastasiya Timoshyna thuộc tổ chức TRAFFIC (2015), với việc thử nghiệm áp dụng Tiêu chuẩn FairWild tại hơn 30 quốc gia, vùng, lãnh thổ của châu Âu, châu Phi, châu Á và Nam Mỹ, đã cho thấy tính hữu ích của nó đối việc bảo tồn, khai thác bền vững và thương mại công bằng nguồn gen cây thuốc và cây hương liệu. Ở một số nước, Tiêu chuẩn FairWild được đưa vào chiến lược quốc gia như: Chính sách sinh thái quốc gia của Nhật Bản; Chương trình kế hoạch bảo tồn ĐDSH của Hồng Kông; Chiến lược bảo tồn thực vật quốc gia của Mêhicô và góp phần vào việc xây dựng các văn bản quốc tế khác như Chiến lược toàn cầu về bảo tồn thực vật; Hướng dẫn của GACP-WHO... Qua đó cho thấy, tùy điều kiện chính sách, khung pháp lý và quy định của mỗi quốc gia mà các công ty/doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của sản phẩm dược có thể tự nguyện tham gia 1 hoặc 2 hoặc cả 4 bước của qui trình áp dụng Tiêu chuẩn FairWild nếu thấy Tiêu chuẩn này đem lại lợi ích cho bảo tồn, cộng đồng thu hái và doanh nghiệp.

    Những điểm tương đồng giữa tiêu chuẩn FairWild và tiêu chuẩn ABS

   Những điểm tương đồng giữa Tiêu chuẩn FairWild và Tiêu chuẩn ABS được xem xét đưa ra, dựa trên sự so sánh giữa các nguyên tắc, tiêu chí của Tiêu chuẩn FairWild ver.2.0 và các Tiêu chuẩn, tiêu chí của Công cụ quản lý ABS tương ứng với các Điều khoản của Nghị định thư Nagoya.

   Những điểm tương đồng giữa hai tiêu chuẩn này được lý giải theo các vấn đề có liên quan đến hoạt động sinh thái, xã hội và kinh tế đó là: Cùng đưa ra các nguyên tắc về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là trong vấn đề thu thập/thu hái nguồn gen thực vật hoang dã cần đảm bảo tính bền vững và không ảnh hưởng đến cấu trúc, chức năng và dịch vụ HST; Thúc đẩy mối quan hệ từ Giấy phép tiếp cận nguồn gen (PIC) đến hợp đồng/thỏa thuận ABS (MAT) giữa người sử dụng/người mua và người cung cấp/người thu hái về tiếp cận nguồn tài nguyên và sử dụng kiến thức bản địa; Chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích có được từ sử dụng cho người cung cấp nguồn gen/nguyên liệu; cộng đồng có nguồn gen/nguồn cây dược và hương liệu có nhu cầu sử dụng/thị trường, góp phần bảo tồn ĐDSH, tôn trọng văn hóa truyền thống và sinh kế bền vững; Sự tuân thủ các luật pháp quốc gia, quy định hay thỏa thuận đều được nhấn mạnh ở cả hai Tiêu chuẩn; Nâng cao nhận thức và năng lực của các bên liên quan về giá trị và quản lý tài nguyên, năng lực đàm phán, thỏa thuận và hợp tác dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau là nguyên tắc quan trọng để thực thi được các Tiêu chuẩn. Điều này được thể hiện rõ ở một số nguyên tắc và tiêu chí của FairWild và ABS-MT.

   Tiêu chuẩn FairWild và Tiêu chuẩn thực hành ABS có thể áp dụng đối với tất cả các giai đoạn của hoạt động về nguồn gen hoặc trong các công đoạn của chuỗi cung ứng sản phẩm từ nguồn gen cây dược, hương liệu. Những qui định về ABS của Việt Nam có sự phù hợp hoặc tương đồng với 8 nguyên tắc của Tiêu chuẩn FairWild tương thích với Nghị định thư Nagoya. Vì vậy, các bên liên quan đến tiếp cận nguồn gen cây thuốc và cây hương liệu khi muốn thực hành các qui định này trong ABS, có thể vận dụng giống như Tiêu chuẩn FairWild.

Bảng 1. Những tương đồng về các nguyên tắc giữa Tiêu chuẩn FairWild và Tiêu chuẩn ABS

 

TT

Tiêu chuẩn ABS

Tiêu chuẩn FairWild

1

 Tiêu chuẩn 1.0. Tiếp cận

 Giấy phép và Hợp đồng về ABS

Nguyên tắc 5. Thúc đẩy mối quan hệ hợp đồng công bằng giữa người thu mua và người thu hái

2

Tiêu chuẩn 2.0. Chia sẻ lợi ích

- Quyền sử dụng, thực hành

- Bảo đảm lợi ích cho các bên liên quan và cộng đồng

- Thỏa thuận chia sẻ lợi ích

- Nâng cao năng lực và nhận thức cho các bên liên quan

Nguyên tắc 4. Tôn trọng các quyền mang tính phong tục tập quán và chia sẻ lợi ích (Tiêu chí 4.1; 4.2a; 4.2c);

Nguyên tắc 7. Bảo đảm lợi ích cho những người thu hái và cộng đồng của họ (Tiêu chí 7.1; 7.2.)

Nguyên tắc 9. Áp dụng thông lệ quản lý có trách nhiêm. (Tiêu chí 9.4. Đào tạo và nâng cao năng lực).

3

Tiêu chuẩn 3.0. Tuân thủ

Nguyên tắc 3. Tuân thủ luật pháp, các quy định và thỏa thuận

4

Tiêu chuẩn 4.0. Tri thức truyền thống (TK) gắn với nguồn gen

Nguyên tắc 4. Quyền sử dụng, thực hành và tiếp cận mang tính truyền thống và di sản văn hóa

5

Tiêu chuẩn 5.0. Bảo tồn và sử dụng bền vững

Nguyên tắc 1. Gìn giữ các nguồn tài nguyên thực vật hoang dã

Nguyên tắc 2. Ngăn ngừa tác động tiêu cực đến môi trường

 

   Đề xuất một số giải pháp

   Để tạo điều kiện hỗ trợ cho việc áp dụng Tiêu chuẩn Fairwild phù hợp với quy định về ABS ở Việt Nam, xin được đề xuất một số giải pháp:

   Lồng ghép việc thực hiện một số nguyên tắc của Tiêu chuẩn FairWild thông qua việc xây dựng và thực hiện các văn bản hướng dẫn Nghị định ABS tại Việt Nam: Tạo cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hỗ trợ thực hiện các hoạt động đánh giá nguồn tài nguyên cây thuốc; Xây dựng kế hoạch cụ thể để quản lý các loài mục tiêu; Lồng ghép Tiêu chuẩn FairWild vào hệ thống chính sách khuyến khích thu hái bền vững; Quy định về việc truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm có sử dụng các nguồn gen nói chung cũng như các nguồn nguyên liệu thảo dược; Hướng dẫn cụ thể về việc chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích thu được từ việc sử dụng nguồn gen cho tất cả các bên liên quan, trong đó bảo đảm lợi ích cho người thu hái và cộng đồng có tài nguyên bằng các cơ chế: giảm thiểu các trung gian thương mại; những người cung cấp được đảm bảo một mức giá hợp lý cho các sản phẩm cung cấp; các hoạt động sinh thái, văn hóa, xã hội có lợi ích cho công tác bảo tồn nguồn gen MAP trong cộng đồng sẽ được hỗ trợ thông qua các công cụ của quỹ ủy thác bảo tồn hay tiền thưởng Fairwild.

   Tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức cho các bên liên quan: Xây dựng và ban hành bộ tài liệu hướng dẫn thu hái dược liệu tự nhiên bền vững tuân thủ với Nghị định ABS để truyền thông nâng cao nhận thức và hiểu rõ về lợi ích của việc áp dụng Tiêu chuẩn FairWild; Xây dựng kế hoạch lồng ghép việc nâng cao nhận thức và năng lực về ý nghĩa và lợi ích của việc áp dụng Tiêu chuẩn FairWild với ABS từ việc sử dụng nguồn gen cho các bên tham gia chuỗi cung ứng, đặc biệt các khu vực thu hái nguồn gen mục tiêu có giá trị thương mại lớn, chẳng hạn như: truyền thông tại cộng đồng về vai trò của cây dược liệu và cách thu hái bền vững; Đào tạo về yêu cầu tiếp cận thị trường và các quy định khung (GACP, GMP, HACCP, chương trình chứng nhận thương mại hữu cơ và công bằng...); đồng thời có kế hoạch phổ biến các quy định về ABS cho các nhóm đối tượng trong chuỗi cung ứng, đặc biệt về trình tự thủ tục và các quy định bắt buộc; Đẩy mạnh việc tập huấn, đào tạo về Tiêu chuẩn FairWild và tạo mối liên kết bền vững với các doanh nghiệp, cán bộ kiểm lâm và cộng đồng thu hái tự nhiên tại các khu vực thu hái phù hợp.

   Hỗ trợ các cộng đồng, tổ chức và doanh nghiệp áp dụng Tiêu chuẩn FairWild: Nghiên cứu cơ chế phù hợp hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp dược tiềm năng có thể áp dụng linh hoạt các nguyên tắc và tiêu chí của Tiêu chuẩn FairWild phù hợp với điều kiện của Việt Nam; tạo cơ hội thị trường cho các sản phẩm bền vững như sản phẩm có chứng nhận FairWild; Tổ chức Traffic và tổ chức FairWild tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý và tổ chức có liên quan tại Việt Nam để tư vấn và hỗ trợ việc áp dụng các tiêu chuẩn FairWild và chứng nhận chuỗi cung ứng; việc áp dụng các tiêu chuẩn về quản lý bền vững và công bằng thương mại trong việc bảo tồn, chính sách thương mại và các quy định khác. Mở rộng trường hợp nghiên cứu điểm về Tiêu chuẩn FairWild của tỉnh Bắc Cạn cho một số vùng có nguồn tài nguyên MAP quan trọng như Lào Cai, Hà Giang, Nghệ An, Ninh Thuận...; Khuyến khích xây dựng các điều khoản về khai thác bền vững nguồn gen cây thuốc và cây hương liệu phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam về tiếp cận nguồn gen và hài hòa với Tiêu chuẩn FairWild.

Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Nguyễn Đặng Thu Cúc

Cục Bảo tồn đa dạng sinh học

Tổng cục Môi trường

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2017

Ý kiến của bạn