Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Kết quả triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu và sông Nhuệ - sông Đáy

11/02/2020

  

     Trong những năm qua, quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) tại các lưu vực sông (LVS) diễn ra đặc biệt sôi động, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm nằm ở khu vực hạ lưu các LVS lớn, hoặc cửa sông ven biển. Tuy nhiên, chính trong quá trình phát triển KT - XH này đã có những tác động không nhỏ đến chất lượng môi trường nước tại các LVS đang bị suy thoái ở nhiều nơi, tập trung ở những đoạn sông chảy qua khu vực đô thị, khu công nghiệp (KCN), làng nghề, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của nhân dân sống xung quanh LVS. Nổi cộm nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) tại 2 LVS: Cầu và Nhuệ - Đáy. Mặc dù, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, khắc phục và cải thiện tình trạng ô nhiễm của các LVS. Tuy nhiên, đây vẫn đang là vấn đề môi trường “nóng”, đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể để trả lại màu xanh nguyên sơ cho các dòng sông.

     Thực trạng môi trường của LVS Cầu và Nhuệ - Đáy

     Với chiều dài 288 km, LVS Cầu gồm địa giới 6 tỉnh (Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương) và một phần Thủ đô Hà Nội. Thời gian qua, hoạt động phát triển KT - XH diễn ra khá nhanh, cùng với tốc độ đô thị hóa cao, sự mở rộng các KCN, cụm công nghiệp (CCN) tại các địa phương trong lưu vực là nguyên nhân gây ÔNMT nước mặt LVS Cầu, nguồn cung cấp 70% nước sinh hoạt và công nghiệp trên địa bàn. Theo số liệu thống kê, lượng nước thải chủ yếu vào LVS Cầu là nước thải sinh hoạt (chiếm khoảng 50%), tiếp theo là nước thải làng nghề, CCN và KCN. Hiện nay, tại các tỉnh trên LVS Cầu, hầu hết các KCN đều có hệ thống xử lý nước thải (XLNT) tập trung; một số CCN đã và đang xây dựng trạm XLNT tập trung; tuy nhiên, nước thải làng nghề (đặc biệt là làng nghề tái chế giấy Phong Khê, Bắc Ninh), cũng như hầu hết nước thải sinh hoạt đô thị đều không được thu gom, xử lý mà xả thẳng ra sông Cầu. Kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng nước sông Cầu có nơi đạt mức tốt, có thể sử dụng cho sinh hoạt, điển hình ở khu vực thượng nguồn đoạn chảy qua tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực, bắt đầu từ đoạn chảy qua thị xã Bắc Kạn về hạ lưu (các thông số BOD5, NH4 và TSS đã vượt Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08:2008/BTNMT mức A1, xấp xỉ mức B1); đoạn chảy qua TP. Thái Nguyên, mức độ ô nhiễm gia tăng, các thông số quan trắc vượt QCVN nhiều lần. Đoạn chảy qua tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh chịu ảnh hưởng ô nhiễm liên tỉnh do tiếp nhận nước của sông Ngũ Huyện Khê và các KCN, làng nghề dọc 2 bên bờ sông nên nước sông bị ô nhiễm rõ rệt, các thông số chỉ đạt QCVN 08:2008/BTNMT loại B2. Sông Ngũ Huyện Khê là điểm nóng ÔNMT kéo dài nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, mức độ ô nhiễm gia tăng vào mùa khô do tiếp nhận nước thải của làng nghề giấy Phong Khê. Đặc biệt là năm 2019, xuất hiện điểm nóng ô nhiễm mới là khu vực suối Bóng Tối (tỉnh Thái Nguyên) do tiếp nhận trực tiếp nước thải sinh hoạt của TP. Thái Nguyên.

     Tại LVS Nhuệ - Đáy (bao gồm TP. Hà Nội và các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình), trong khi hầu hết các KCN đều có hệ thống XLNT tập trung và cơ bản tuân thủ các quy định về BVMT thì chỉ có khoảng 30% CCN đã và đang xây dựng trạm XLNT tập trung, ngoại trừ TP. Hà Nội (khoảng trên 60%); nước thải làng nghề cơ bản không được thu gom và xử lý. Nguồn gây ÔNMT lớn nhất là nước thải sinh hoạt, chiếm tỷ lệ khoảng 50 - 60% tổng lượng nước thải vào LVS Nhuệ - Đáy, nhưng phần lớn không được thu gom, xử lý mà thải trực tiếp vào LVS. Ước tính, tổng lượng nước thải sinh hoạt trên toàn lưu vực khoảng 610.000 m3/ngày, đêm. Ngoài ra, nước thải do phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và nước thải y tế cũng là những nguyên nhân gây ÔNMT nước LVS... Kết quả quan trắc cho thấy, tại khu vực đầu nguồn sông Nhuệ, nước sông còn tương đối tốt, nhưng khi hợp lưu với sông Tô Lịch (nguồn tiếp nhận nước thải chính của các quận nội thành của Hà Nội), nước sông Nhuệ bị ô nhiễm nghiêm trọng, đây chính là nguyên nhân gây ô nhiễm cục bộ LVS Nhuệ - Đáy, nguồn cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho TP. Phủ Lý (Hà Nam) và một số địa phương phía hạ nguồn. Chất lượng nước của nhiều đoạn thuộc LVS Nhuệ - Đáy đã bị ô nhiễm tới mức báo động, đặc biệt vào mùa khô, giá trị các thông số BOD5, COD, Coliform… tại các điểm quan trắc đều vượt QCVN 08:2008/BTNMT nhiều lần. Tại các đoạn sông chảy qua đô thị, khu vực có các hoạt động sản xuất, môi trường nước sông bị ô nhiễm chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Sông Đáy có chất lượng nước tốt hơn sông Nhuệ và có xu hướng tăng dần theo dòng chảy từ Hà Nội đến Ninh Bình, một số điểm trên địa phận Ninh Bình, nước có thể sử dụng cho sinh hoạt, nhưng cần có biện pháp xử lý phù hợp. Đối với các sông nội thành Hà Nội, do tiếp nhận lượng lớn nước thải sinh hoạt đô thị và nước thải của các cơ sở sản xuất, làng nghề nội đô nên chất lượng nước luôn ở mức thấp, ô nhiễm nặng và hầu như chưa được cải thiện.

 

Đoạn sông Cầu chảy qua thị xã Bắc Kạn về hạ lưu bị ô nhiễm cục bộ

 

     Có thể nói, công tác quản lý, BVMT LVS đang đứng trước nhiều thách thức: Mâu thuẫn giữa yêu cầu BVMT với tăng trưởng kinh tế của các địa phương, giữa phát triển của các tỉnh thượng nguồn và hạ nguồn; giữa năng lực quản lý môi trường với đòi hỏi thực tế trong công tác quản lý môi trường... Nếu không có biện pháp xử lý ô nhiễm kịp thời, cùng cơ chế kiểm soát ô nhiễm, quản lý môi trường LVS liên vùng, liên tỉnh thì tương lai không xa, nguồn nước của các con sông này không thể sử dụng được cho sản xuất và sinh hoạt.

Kết quả triển khai Đề án Tổng thể BVMT LVS Cầu và Nhuệ - Đáy

    Nhận thức được tầm quan trọng của LVS trong quá trình phát triển KT - XH và BVMT, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường công tác quản lý môi trường và bảo vệ nguồn nước các LVS, hướng tới giải quyết vấn đề ô nhiễm LVS theo tiếp cận liên ngành, liên vùng. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 174/2006/QĐ-TTg ngày 28/7/2006 về phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan LVS Cầu (Đề án sông Cầu); Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg ngày 29/4/2008 phê duyệt Đề án tổng thể BVMT LVS Nhuệ - Đáy đến năm 2020 (Đề án sông Nhuệ - sông Đáy).

     Trong hơn 10 năm thực hiện Đề án sông Cầu trên 6 tỉnh thuộc LVS Cầu và Đề án sông Nhuệ - sông Đáy tại 5 tỉnh thuộc LVS Nhuệ - Đáy, dưới sự điều hành, chỉ đạo của các Ủy ban BVMT LVS Cầu, Nhuệ - Đáy (có Văn phòng Ủy ban BVMT LVS đặt tại Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần giải quyết các vấn đề ÔNMT LVS liên vùng, liên tỉnh.

     Phát huy vai trò “Nhạc trưởng” trong chỉ đạo, điều hành của các Ủy ban BVMT LVS

     Với vai trò điều phối, kết nối với các địa phương trong các LVS để BVMT, hàng năm, Ủy ban BVMT LVS Cầu và Nhuệ - Đáy đã tổ chức các phiên họp nhằm đánh giá tình hình triển khai nhiệm vụ của Đề án BVMT LVS tại từng địa phương, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án trong thời gian tới. Đồng thời, Ủy ban cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT, UBND các tỉnh/thành phố trong 2 LVS tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, khảo sát tình hình triển khai Đề án; đánh giá tình hình xử lý các nguồn gây ÔNMT LVS; khảo sát các cơ sở sản xuất/KCN/CCN có xả thải ra LVS Cầu và Nhuệ - Đáy trên địa bàn các tỉnh thuộc 2 LVS… Theo đó, Ủy ban BVMT 2 LVS đã chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc về ÔNMT nước liên tỉnh như việc khai thác cát, sỏi tại đoạn sông giáp ranh giữa tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên, Bắc Ninh với Bắc Giang; tình trạng gây ÔNMT của Nhà máy xử lý rác thải ở xã Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh), huyện Yên Dũng (Bắc Giang); nước thải làng nghề giấy Phong Khê (Bắc Ninh) gây ÔNMT, làm cá chết trên sông Cầu; phối hợp giải quyết tình trạng ô nhiễm nước liên tỉnh giữa TP. Hà Nội và tỉnh Hà Nam trên sông Nhuệ, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm trên sông Châu Giang, Nông Giang (Hà Nam).

     Xây dựng cơ chế, chính sách về BVMT LVS

     Có thể nói, Luật BVMT 2014 và Luật Tài nguyên nước 2012 được ban hành đã tạo hành lang pháp lý về quản lý tổng hợp LVS, đặc biệt tập trung vào quản lý LVS liên vùng, liên tỉnh. Cùng với đó là nhiều văn bản dưới Luật và Nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ TN&MT liên quan đến công tác quản lý môi trường LVS như: Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải phế liệu, trong đó có quy định về tính toán sức chịu tải và phân bổ hạn ngạch xả thải vào sông; Nghị định số 43/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước; Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT của Bộ TN&MT ngày 29/12/2017 về việc quy định đánh giá khả năng tiếp nhận và đánh giá sức chịu tải của sông, hồ; Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải” tại Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 26/1/2018của Thủ tướng Chính phủ… Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã tổ chức lập, thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch hệ thống thoát nước và XLNT khu vực dân cư, KCN thuộc LVS Cầu, LVS Nhuệ - Đáy đến năm 2030 (tại Quyết định số 228/QĐ-TTg ngày 25/01/2013 và Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 3/5/2013) và Quy hoạch quản lý chất thải rắn LVS Cầu, LVS Nhuệ - Đáy đến năm 2020 (tại Quyết định số 2211/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 và Quyết định số 223/QĐ-TTg ngày 12/2/2015). Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý môi trường đối với các LVS, Bộ TN&MT đã đề xuất và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt tổ chức Ủy ban LVS mới, trong đó có tích hợp Ủy ban BVMT LVS Cầu và sông Nhuệ - sông Đáy. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trên LVS Cầu, Nhuệ - Đáy cũng ban hành các văn bản liên quan đến công tác BVMT nói chung, BVMT LVS tại địa phương nói riêng, tập trung vào hoạt động XLNT và rác thải sinh hoạt nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường, đưa các dòng sông trở lại trong xanh, bảo đảm cân bằng sinh thái, ổn định sinh kế của người dân.

     Triển khai các dự án đầu tư xử lý ô nhiễm, khắc phục và cải thiện môi trường 2 LVS

     Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Ủy ban BVMT LVS, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trong 2 LVS về huy động nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn đầu tư xã hội hóa, vốn ODA, các Bộ, ngành và địa phương trên 2 LVS đã triển khai nhiều chương trình, dự án XLNT, cải thiện môi trường. Cụ thể, tại LVS Cầu, Tổng cục Môi trường chủ trì thực hiện các dự án như Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước LVS do Jica hỗ trợ;Ngăn ngừa ô nhiễm và cải thiện nguồn nước sông Cầu bằng việc kiểm soát và xử lý các chất thải hữu cơ có độ bền cao trong nước rỉ rác bằng phương pháp ô xy hóa nâng cao kết hợp sinh học tại bãi rác Xuân Hòa (tỉnh Vĩnh Phúc); Quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc; tỉnh Bắc Kạn triển khai Dự án nạo vét sông Cầu đoạn chảy qua nội thành TP. Bắc Kạn; Xây dựng ytamj XLNT tập trung công suất 3.000 m3 /ngày, đêm của TP. Bắc Kạn; tỉnh Thái Nguyên triển khai Dự án đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt, công suất 150 tấn/ngày, đêm, Dự án hệ thống thoát nước và XLNT khu trung tâm phía Nam TP. Thái Nguyên với vốn vay ODA của Bỉ; Bắc Giang thực hiện các dự án đầu tư cải tạo, nạo vét tuyến kênh tưới tiêu thủy lợi, hồ chứa như kênh T5, T3 thuộc địa phận huyện Yên Dũng và TP. Bắc Giang, hồ suối Nứa, huyện Lục Nam; tỉnh Bắc Ninh đầu tư 3 dự án Nhà máy xử lý CTR sinh hoạt công nghệ cao phát năng lượng tại các huyện Quế Võ, Thuận Thành và Lương Tài; các hệ thống XLNT sinh hoạt tập trung tại các huyện Thuận Thành, huyện Tiên Du, TP. Bắc Ninh.

     Tại LVS Nhuệ - Đáy, nhiều chương trình, dự án XLNT, chất thải rắn, cải thiện chất lượng môi trường cũng đã được các địa phương trong LVS triển khai thực hiện như Dự án cải tạo, nạo vét một số hồ, thủy vực, trồng rừng đầu nguồn sông Nhuệ - sông Đáy tại tỉnh Hoà Bình; tỉnh Hà Nam đã xây dựng trạm xử lý nước rỉ rác tại xã Thanh Thủy, trạm XLNT CCN Cầu Giát, 3 trạm XLNT sinh hoạt tập trung cho TP. Phủ Lý; tỉnh Ninh Bình triển khai Dự án xây dựng Khu xử lý CTR thung Quèn Khó, trạm XLNT tập trung KCN Gián Khẩu; tỉnh Nam Định đã vận hành trạm XLNT KCN Hòa Xá, KCN Bảo Minh, CCN An Xá; TP. Hà Nội tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sông Tô Lịch, khuyến khích các hộ gia đình ứng dụng chế phẩm sinh học, hóa sinh để XLNT trước khi thải ra cống chung đổ ra sông Tô Lịch; lắp đặt 2 trạm quan trắc tự động liên tục; duy trì vận hành các trạm XLNT, trạm bơm tiêu nước; xây dựng Nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến để xử lý rác thải... Đây là những sự chuyển biến tích cực trong công tác BVMT LVS tại các địa phương.

     Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc BVMT và xử lý các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng trên các LVS     

     Thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định, pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên 2 LVS đã được tăng cường và triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tập trung đối với các cơ sở xả thải trực tiếp ra LVS, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ÔNMT cao. Riêng trong năm 2019, trên 2 LVS Cầu và sông Nhuệ - sông Đáy, Bộ TN&MT đã phối hợp với Sở TN&MT các tỉnh trên LVS thanh tra và xử lý 528 cơ sở vi phạm, với số tiền xử phạt là 33.703.900.000 đồng. Bộ Công an đã xử lý 357 vụ việc vi phạm về môi trường, xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền 14.491.250.000 đồng.

     Thực hiện Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng, hầu hết các tỉnh, thành phố trên LVS đã hoàn thành mục tiêu đề ra trong các Đề án BVMT LVS Cầu và sông Nhuệ - sông Đáy. Đối với LVS Cầu, đến nay, đã có 47/52 cơ sở (đạt tỷ lệ khoảng 90,4%) hoàn thành việc xử lý các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và 18/21 cơ sở (tương ứng với 85,7%) theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trên LVS Nhuệ - Đáy, cũng đã có 43/45 cơ sở (đạt 95,55%) hoàn thành việc xử lý các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và 19/27 cơ sở (đạt 70,4%) theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg.

     Nâng cao hiệu quả hoạt động quan trắc môi trường và tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT LVS

     Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giám sát, quan trắc chất lượng môi trường, những năm qua,.Bộ TN&MT, cùng các địa phương trong 2 LVS đã tăng cường công tác đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc và phân tích môi trường nước các LVS từ Trung ương đến địa phương. Trong LVS Nhuệ - Đáy, các tỉnh đã đầu tư lắp đặt được 8 trạm quan trắc tự động nước mặt, bao gồm 4 trạm tại Hà Nam và 4 trạm tại tỉnh Nam Định trong khuôn khổ Dự án của Ngân hàng Thế giới về quản lý ô nhiễm các KCN thuộc LVS Đồng Nai và Nhuệ - Đáy. Thông qua hệ thống quan trắc môi trường, các địa phương đều đã giám sát được chất lượng nước sông trên địa bàn tỉnh, thành phố. Song song với đó, công tác điều tra, thống kê nguồn thải cũng được các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ. Tuy nhiên, các số liệu này chưa thống nhất, chưa được cập nhật vào hệ thống thông tin của địa phương và toàn lưu vực để quản lý.

     Để công tác BVMT LVS đạt kết quả tốt, các địa phương trong 2 LVS đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chủ động BVMT LVS của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng xã hội.

     Trong quá trình triển khai Đề án BVMT LVS Cầu và sông Nhuệ - sông Đáy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn và hạn chế như:  Mặc dù, các địa phương trong 2 LVS đã chú trọng thực hiện việc xử lý các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng, nhưng chưa đạt được mục tiêu của Đề án là xử lý triệt để 100% các cơ sở gây ÔNMT theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã triển khai thực hiện công tác thống kê các nguồn thải vào LVS, nhưng chưa thường xuyên, chưa xây dựng thành cơ sở dữ liệu, nên việc chia sẻ, tổng hợp và đánh giá các nguồn thải trên toàn lưu vực khó khăn. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh hoạt động vi phạm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhằm đối phó với các cơ quan chức năng. Trong khi đó, các quyết định, kết luận của Ủy ban chưa có tính ràng buộc về pháp lý, chưa có nguồn lực riêng để giải quyết các vấn đề môi trường cụ thể, đặc biệt là những vấn đề bức xúc về môi trường liên vùng.

     Đặc biệt là việc kết nối thông tin, phối hợp trong triển khai hoạt động, nhiệm vụ của Ủy ban BVMT LVS Cầu còn hạn chế; công tác chủ yếu giữa Bộ TN&MT và các địa phương thực hiện, thiếu sự tham gia của các Bộ, ngành khác, dẫn đến công tác quản lý môi trường LVS chưa đạt được mục tiêu đề ra.

     Đề xuất, kiến nghị nhằm thực hiện hiệu quả các Đề án tổng thể BVMT LVS

         Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, việc xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại các LVS là một thách thức lớn, cần có các giải pháp đồng bộ, bài bản và quyết liệt trong hành động. Để thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai nhiệm vụ của Đề án trong năm 2020, cần thiết phải kiện toàn mô hình tổ chức và hoạt động của Ủy ban BVMT LVS Cầu và Nhuệ - Đáy lồng ghép vào mô hình Ủy ban LVS mới do Bộ TN&MT dự thảo đề xuất. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư bố trí ngân sách cho Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020; xem xét cơ chế tài chính, đặc biệt ưu tiên các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để xử lý ô nhiễm trên LVS Cầu, Nhuệ - Đáy; Bộ Xây dựng chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh trên LVS Cầu và sông Nhuệ - sông Đáy đẩy nhanh thực hiện “Quy hoạch hệ thống thoát nước và XLNT khu vực dân cư, KCN LVS Cầu và sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030” và “Quy hoạch quản lý CTR trên  LVS Cầu, LVS Nhuệ - Đáy đến năm 2020”; chỉ đạo Bộ NN&PTNT xây dựng và trình Chính phủ triển khai các hạng mục đầu tư dự án theo lộ trình tại Quyết định số 937/QĐ-TTg ngày 1/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tiêu nước hệ thống sông Nhuệ.

     Ngoài ra, Ủy ban BVMT sông Cầu và sông Nhuệ - sông Đáy cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trên 2 LVS ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hệ thống thoát nước, XLNT đô thị theo hướng hợp tác công - tư, xã hội hóa, địa phương nào gây ô nhiễm nhiều phải chịu trách nhiệm chính trong xử lý ô nhiễm LVS; cho phép nghiên cứu và triển khai thử nghiệm mô hình XLNT đô thị, khu dân cư tập trung theo mô hình phân tán hình thức hợp tác công - tư và cơ chế tài chính đặc thù. Các thành viên Ủy ban BVMT LVS Nhuệ - Đáy cần thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Ủy ban, tham dự đầy đủ Phiên họp của Ủy ban BVMT LVS Cầu và Nhuệ - Đáy; có báo cáo hoạt động của các Bộ, ngành địa phương về kết quả triển khai các Đề án, đồng thời, có đề xuất kiến nghị trong thời gian tới. Văn phòng Ủy ban BVMT LVS Cầu và Nhuệ - Đáy tổ chức kiểm tra, theo dõi, đánh giá tổng hợp, xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các hoạt động triển khai Đề án của các Bộ, ngành Trung ương, cũng như các tỉnh, thành phố trên 2 LVS; tổng hợp các đánh giá và đề xuất của Bộ, ngành, địa phương về kết quả thực hiện Đề án đến năm 2020 và định hướng triển khai công tác BVMT LVS Cầu và sông Nhuệ - sông Đáy sau khi Đề án kết thúc vào năm 2020.

         Song song với đó, Ủy ban BVMT LVS Cầu và Nhuệ - Đáy cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thuộc 2 LVS trong giai đoạn năm 2020 chỉ đạo rà soát tiến độ và kết quả triển khai những nhiệm vụ, dự án đã được UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt tại Kế hoạch triển khai Đề án BVMT LVS Cầu và Nhuệ - Đáy, đồng thời, tổ chức đánh giá kết quả việc thực hiện Đề án đến năm 2020; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc xả thải của các cơ sở sản xuất tại các KCN, CCN, làng nghề. Đặc biệt là thúc đẩy cơ chế phối hợp, khắc phục các xung đột lợi ích cục bộ trên LVS; truyền thông, nâng cao nhận thức cho mọi cá nhân, tổ chức và cộng đồng để chung tay BVMT nước LVS như nguồn sống của chính mình.

        

TS. Nguyễn Kim Tuyển - Cục trưởng

ThS. Trần Thị Lệ Anh, ThS. Nguyễn Minh Phương

Cục BVMT miền Bắc

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2020)

 

  

Ý kiến của bạn