Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Kết quả rà soát các văn bản pháp luật và đề xuất phương án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn

06/06/2019

     Hiện nay, chất thải rắn (CTR) đang được quản lý theo các quy định về chất thải nguy hại (CTNH), CTR sinh hoạt (CTRSH), CTR công nghiệp thông thường và các chất thải đặc thù từ các hoạt động y tế, xây dựng, nông nghiệp, giao thông vận tải... Việc quản lý CTR đang có sự tham gia, giao thoa của các Bộ, ngành, thiếu đầu mối quản lý thống nhất, đặc biệt giữa Bộ TN&MT với Bộ Xây dựng trong quản lý CTRSH. Để giải quyết các tồn tại, bất cập, khó khăn trong quản lý nhà nước (QLNN) về CTR, tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019, Chính phủ đã thống nhất giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, thống nhất QLNN về CTR; giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn.

     Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT đã tiến hành rà soát các văn bản pháp luật, các quy định hiện hành về phân công trách nhiệm QLNN của các Bộ, ngành và địa phương trong công tác quản lý CTR để đề xuất các phương án thống nhất QLNN về CTR. Thực tế hiện nay, bên cạnh hệ thống pháp luật về BVMT, công tác QLNN về CTR còn được quy định ở các hệ thống pháp luật chuyên ngành khác có liên quan như xây dựng, quy hoạch, quy hoạch đô thị... Do đó, việc rà soát, đánh giá các văn bản về QLNN đối với CTR được thực hiện với các nhóm văn bản như: Nhóm các văn bản về môi trường, trong đó tập trung vào nội dung QLNN về CTR, bao gồm: Luật BVMT và các văn bản quy định chi tiết thi hành; Nhóm các văn bản có liên quan đến QLNN về CTR, bao gồm: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN)... và các văn bản quy định chi tiết thi hành; Nhóm văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có liên quan đến quản lý CTR, bao gồm các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, ngành, hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

     Căn cứ Điều 141 Luật BVMT, để có sự thống nhất trong QLNN về CTRSH thì Bộ TN&MT và các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần được phân định rõ trách nhiệm quản lý, cụ thể:

     Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất QLNN về CTR và có trách nhiệm: Chủ trì xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý CTR; ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật; Chủ trì xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án quốc gia về quản lý CTR; Chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động đánh giá và dự báo hiện trạng phát sinh và quản lý CTR. Chủ trì xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý CTR; Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vấn đề về quản lý CTR liên ngành, liên tỉnh; Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền việc cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép về quản lý CTR; Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý CTR, công tác QLNN đối với CTR; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến CTR; xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý CTR; Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động về đào tạo, tăng cường năng lực, giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về quản lý CTR; Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý CTR; Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền về thẩm định, đánh giá công nghệ xử lý CTR; Trình Chính phủ việc tham gia tổ chức quốc tế, ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về quản lý CTR; chủ trì hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý CTR.

     Các Bộ, ngành có trách nhiệm chính: Chủ trì xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CTR trong phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực và có ý kiến đồng thuận của Bộ TN&MT trước khi ban hành; Chủ trì xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về việc sử dụng chất thải cho các mục đích thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, trong đó phải bao gồm các yêu cầu, thông số kỹ thuật về BVMT và phải có sự đồng thuận của Bộ TN&MT. Bộ Xây dựng trong quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng đối với các công trình xây dựng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến CTR phải có sự đồng thuận của Bộ TN&MT về các nội dung liên quan đến CTR; Tham gia triển khai các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án về quản lý CTR theo phân công; Tổ chức đánh giá hiện trạng và dự báo tình hình phát sinh CTR trong lĩnh vực quản lý của ngành; tham gia xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quản lý CTR; Thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu về BVMT liên quan đến CTR trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.

     UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật địa phương, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án về quản lý CTR của địa phương; chịu trách nhiệm toàn diện trong các hoạt động phân loại, thu gom, xử lý CTR trên địa bàn, ban hành đơn giá liên quan phù hợp với địa phương; quản lý các dịch vụ công về CTR; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và các nội dung khác theo quy định và phạm vi quản lý.

     Kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến công tác QLNN về CTR

     Trên cơ sở xác định mô hình thống nhất QLNN về CTR giữa Bộ TN&MT, các Bộ, ngành, địa phương nêu trên, Bộ TN&MT đã tiến hành rà soát từng nội dung QLNN về CTR. Theo đó, có 6 nội dung QLNN về CTR và 1 nội dung phân cấp cho các địa phương trong quản lý CTR có tồn tại, bất cập cần sửa đổi; 4 nội dung QLNN về CTR không có xung đột, mâu thuẫn. Cụ thể như sau:

     Về trách nhiệm xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CTR, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường: Trên cơ sở rà soát 5 Nghị định, 14 Thông tư do Bộ TN&MT tham mưu ban hành/ban hành, 2 Nghị định, 3 Thông tư, 1 Quyết định do Bộ Xây dựng tham mưu ban hành/ban hành; các Thông tư của Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN…có liên quan đến quản lý CTR cho thấy, một số vướng mắc, bất cập cần giải quyết như thiếu các quy định về cơ chế phối hợp với Bộ TN&MT trong việc ban hành các quy định này để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật về quản lý CTR, đặc biệt sau khi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định hình thức Thông tư liên tịch; Có sự chồng chéo, giao thoa, thiếu thống nhất trong công tác QLNN về CTR khi giao Bộ Xây dựng một số nội dung về CTRSH; Đầu mối cơ quan ban hành hướng dẫn quản lý còn có sự chưa thống nhất giữa Luật BVMT, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật đối với các loại chất thải là bao bì, hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, phát sinh trong hoạt động nông nghiệp; Bộ TN&MT chủ yếu chịu trách nhiệm ban hành đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải khi phát thải ra môi trường (chủ yếu là nước thải, khí thải) và CTNH; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến việc quản lý chất thải (phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt, tái chế, tái sử dụng chất thải...) đang được giao cho Bộ Xây dựng và các Bộ chuyên ngành, nhưng không có cơ chế phối hợp với Bộ TN&MT dẫn đến việc không thống nhất trong quản lý CTR.

     Về trách nhiệm xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch quản lý CTR: Trước ngày 1/1/2019 (thời điểm Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có liên quan đến quy hoạch có hiệu lực thi hành), các quy định của pháp luật đang có sự giao thoa về phân công trách nhiệm, chủ yếu giữa Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng ở cả cấp độ luật và nghị định.Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan có hiệu lực, Bộ TN&MT sẽ thống nhất tổ chức lập quy hoạch BVMT quốc gia, trong đó có các nội dung về quản lý CTR; UBND cấp tỉnh xây dựng quy hoạch tỉnh, trong đó có các nội dung về quản lý CTR trên địa bàn. Do đó, đối với các Nghị định đang có quy định khác nhau về quy hoạch sẽ được sửa đổi tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch đang được Chính phủ xem xét, ban hành.

     Tuy nhiên, Điều 24 Luật Xây dựng được sửa đổi bởi Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật liên quan đến quy hoạch quy định Bộ Xây dựng tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch bao gồm quy hoạch thu gom, xử lý CTR; nhưng chưa có quy định về vai trò trách nhiệm của Bộ TN&MT trong xây dựng nội dung quy hoạch về thu gom, xử lý CTR trong hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật.

     Về trách nhiệm tổ chức định kỳ đánh giá hiện trạng và dự báo tình hình CTR: Việc đánh giá hiện trạng và dự báo tình hình CTR đang được nhiều Bộ thực hiện căn cứ vào quy định về chức năng, nhiệm vụ và theo quy định về phân công trong các văn bản quy phạm pháp luật cho các Bộ (TN&MT, Xây dựng, Công thương, Y tế, NN&PTNT*). Để đảm bảo thống nhất trong QLNN về CTR, cần xem xét quy định cơ quan thống nhất trong việc đánh giá và dự báo tình hình CTR trên phạm vi quốc gia. Ở cấp độ ngành, lĩnh vực, việc đánh giá và dự báo này sẽ do các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện.

     Về trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quản lý CTR: Luật BVMT quy định mang tính nguyên tắc trách nhiệm của Bộ TN&MT trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện hoạt động quản lý chất thải nói chung và các Bộ trong việc chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT. Trách nhiệm cụ thể của từng Bộ được quy định trong các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật. Tuy nhiên, các văn bản dưới luật (Nghị định số 36/2017/NĐ-CP, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP) có sự phân đoạn và không rõ ràng trong phân công chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện QLNN về CTR; chưa quy định, phân luồng quản lý CTR một cách thống nhất; giao trách nhiệm cho nhiều Bộ, ngành khác nhau hướng dẫn việc thực hiện.

     Về thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý CTR, công tác QLNN đối với CTR; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến CTR; xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý CTR: Điều 159 Luật BVMT quy định trách nhiệm thanh tra, kiểm tra về BVMT cho Bộ trưởng Bộ TN&MT, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành đều quy định các Bộ quản lý ngành có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra về các nội dung thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực. Do vậy, cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ trong quản lý CTR, để không xảy ra chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về quản lý CTR.

     Về trách nhiệm thẩm định, đánh giá công nghệ trong lĩnh vực quản lý CTR: Luật Chuyển giao công nghệ và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành đang thống nhất giao Bộ TN&MT tổ chức thẩm định, đánh giá công nghệ xử lý môi trường (trong đó có công nghệ xử lý CTR), bao gồm cả thẩm định, đánh giá công nghệ mới lần đầu áp dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP vẫn đang giao trách nhiệm thẩm định công nghệ xử lý CTRSH mới được nghiên cứu và áp dụng lần đầu ở Việt Nam cho Bộ KH&CN. Luật BVMT không quy định về vấn đề này.Bên cạnh đó, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật KH&CN lại giao việc thẩm định công nghệ trong dự án đầu tư cho ngành KH&CN (Bộ KH&CN và Sở KH&CN).

     Về phân cấp cho các địa phương trong quản lý CTR: Các quy định hiện hành về chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành đã có quy định về phân công cho các địa phương trong hoạt động QLNN về CTR. Tuy nhiên, một số điểm cần xem xét để sửa đổi quy định đảm bảo thống nhất trong QLNN về CTR, cụ thể: Có địa phương giao lĩnh vực quản lý CTRSH cho Sở Xây dựng hoặc Sở TN&MT; Sở Xây dựng được giao tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh QLNN về hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, trong đó bao gồm quản lý CTR thông thường tại đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng...

 

Việc quản lý CTR đang có sự tham gia, giao thoa của các Bộ, ngành

 

     Đối với các nội dung QLNN khác về quản lý CTR như: Cấp giấy phép trong lĩnh vực xử lý CTR; Đào tạo, tăng cường năng lực, giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về quản lý CTR; Tổ chức nghiên cứu, áp dụng khoa học, công nghệ; Hợp tác quốc tế về quản lý CTR đang được giao cho các Bộ, ngành thực hiện và không có xung đột, bất cập và đề xuất tiếp tục triển khai theo các quy định hiện hành.

     Đề xuất phương án thống nhất QLNN về CTR

     Nguyên tắc xây dựng phương án

     - Bám sát quan điểm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 09/NQ-CP là: Bộ TN&MT thống nhất QLNN về CTR trên phạm vi toàn quốc. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề quản lý rác thải trên địa bàn.

     - Thống nhất QLNN về CTR phải được thực hiện xuyên suốt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Ở Trung ương, cơ quan chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ về quản lý CTR là Bộ TN&MT; ở địa phương, cơ quan chịu trách nhiệm chính trước UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về quản lý CTR là Sở TN&MT.

     - Quản lý CTR phải gắn với việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn; tăng cường giảm thiểu, phân loại, tái chế, tái sử dụng, khai thác tối đa giá trị của CTR. Do đó, trong quản lý CTR phải có sự tham gia của các Bộ, ngành, sự phối hợp của tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, sự vào cuộc của cộng đồng và người dân. Trong phạm vi lĩnh vực quản lý ngành, các Bộ quản lý ngành phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT trong việc giảm thiểu, phân loại CTR tại nguồn, tái chế, tái sử dụng CTR.

     - Việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan ở Trung ương và địa phương phải gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ trên cơ sở bảo đảm sự tinh gọn, không làm phát sinh biên chế.

     - Thực hiện phương án thống nhất QLNN về CTR theo lộ trình từng bước; trước mắt là thống nhất về chức năng, nhiệm vụ trong QLNN về CTR về Bộ TN&MT, sau đó tiến tới rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý, thống nhất các quy định của pháp luật về quản lý CTR.

     Nội dung các phương án

     Để thống nhất QLNN về CTR, Bộ TN&MT đã đề xuất một số phương án khắc phục các bất cập trong lĩnh vực này. Cụ thể như:

     Thứ nhất, về xây dựng, ban hành/trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CTR, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

     - Xây dựng và ban hành/trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Bộ TN&MT phải là cơ quan đầu mối, thống nhất ban hành, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CTR. Đối với các nội dung liên quan đến quản lý CTR trong phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực, Bộ quản lý ngành ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng phải xin ý kiến đồng thuận của Bộ TN&MT.

     - Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường: Các Bộ quản lý ngành ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về việc sử dụng chất thải cho các mục đích thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, trong đó phải bao gồm các yêu cầu, thông số kỹ thuật về BVMT và phải có sự đồng thuận của Bộ TN&MT. Bộ Xây dựng trong quá trình xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng đối với các công trình xây dựng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến CTR phải có sự đồng thuận của Bộ TN&MT về các nội dung liên quan đến CTR.

     Thứ hai, về xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch về quản lý CTR: Bộ TN&MT thống nhất xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch về quản lý CTR; các Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT trong quá trình thực hiện. Bộ TN&MT hướng dẫn các địa phương trong việc xây dựng, phê duyệt chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch về quản lý CTR. Bổ sung trong Luật Xây dựng quy định Bộ TN&MT tham gia chủ trì, xây dựng các nội dung liên quan đến công trình thu gom, xử lý CTR trong các quy hoạch xây dựng.

     Thứ ba, về tổ chức định kỳ đánh giá hiện trạng và dự báo tình hìnhCTR: Xem xét quy định Bộ TN&MT thống nhất trong việc chỉ đạo, hướng dẫn việc đánh giá hiện trạng và dự báo tình hình CTR trong các lĩnh vực quản lý của các Bộ, ngành và địa phương và là đầu mối tổng hợp, dự báo tình hình CTR trên cơ sở thông tin do các Bộ, ngành và địa phương cung cấp; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức xây dựng, duy trì và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về CTR.

     Các Bộ, ngành và địa phương tổ chức đánh giá hiện trạng và dự báo tình hình CTR phát sinh từ các hoạt động thuộc phạm vi quản lý của ngành, địa phương theo hướng dẫn chung của Bộ TN&MT; cung cấp thông tin, số liệu cho Bộ TN&MT để theo dõi, tổng hợp.

     Thứ tư, về chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quản lý CTR: Bộ TN&MT hướng dẫn quản lý đầu tư các dây chuyền công nghệ, thiết bị về xử lý CTRSH, phương pháp lập, quản lý chi phí và phương pháp định giá dịch vụ xử lý CTRSH; Bộ Xây dựng hướng dẫn đầu tư hạng mục xây dựng cơ sở xử lý CTRSH. Bộ TN&MT, Sở TN&MT chịu trách nhiệm quản lý các công trình công ích về quản lý CTR.

     Thứ năm, về thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý CTR, công tác QLNN đối với CTR; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến CTR; xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý CTR: Bộ TN&MT đầu mối thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành và thanh tra trách nhiệm QLNN về CTR; các Bộ, ngành thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu về BVMT liên quan đến CTR trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý.

     Thứ sáu, về thẩm định, đánh giá công nghệ trong lĩnh vực quản lý CTR: Sửa đổi, giao Bộ TN&MT tổ chức đánh giá, thẩm định công nghệ xử lý chất thải, bao gồm cả công nghệ áp dụng lần đầu tại Việt Nam.

     Thứ bảy, về phân cấp cho các địa phương trong quản lý CTR: UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện trong các hoạt động phân loại, thu gom... theo hướng dẫn của Bộ TN&MT; ban hành đơn giá liên quan phù hợp với địa phương; ban hành các QCVN địa phương liên quan; quản lý các dịch vụ công về CTR; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và các nội dung khác theo quy định và phạm vi quản lý. Chuyển chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh QLNN về hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao trong đó bao gồm quản lý CTR thông thường tại đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng từ Sở Xây dựng sang Sở TN&MT.

     Một số giải pháp

     Để triển khai có hiệu quả phương án thống nhất QLNN về CTR theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019 của Chính phủ, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, tạo sự đột phá trong công tác BVMT nói chung và quản lý CTR nói riêng, cần triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:

     Một là, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ QLNN về CTR của các Bộ, ngành, địa phương.

     Để thực hiện phương án Bộ TN&MT thống nhất QLNN về CTR, mặc dù một số vướng mắc, bất cập đã được đưa vào Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT. Tuy nhiên do giới hạn của Nghị định chỉ sửa đổi 4 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật BVMT nên chưa điều chỉnh, sửa đổi bổ sung các quy định còn chưa phù hợp với phương án thống nhất QLNN về CTR tại các nghị định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ QLNN về CTR của các Bộ, ngành, địa phương. Việc sửa đổi này nhằm cập nhật, bảo đảm sự phù hợp trong quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, ngành, cơ quan chuyên môn ở địa phương liên quan đến công tác QLNN về CTR với những quy định mới trong các Luật, Nghị định mới được ban hành liên quan đến CTR để đảm bảo tính thống nhất. Phương án khả thi là xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ QLNN về CTR của các Bộ, ngành, địa phương theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (quy định các biện pháp để thực hiện chính sách về môi trường thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ).

     Phạm vi của Nghị định sẽ tập trung điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định trong các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT và các Bộ, ngành có liên quan, Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong QLNN về CTR từ Trung ương đến địa phương).

     Hai là, nghiên cứu, bổ sung trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT bên cạnh việc sửa đổi các quy định để đảm bảo tính thống nhất về quản lý CTR, sẽ bổ sung thêm một số công cụ kinh tế trong quản lý CTR; biện pháp huy động nguồn lực từ xã hội; Nhà nước đầu tư các dự án trọng điểm về xử lý CTR phù hợp với điều kiện của các vùng, miền; luật hóa các chủ trương, cơ chế, chính sách về chống rác thải nhựa, kiểm soát và xử lý rác thải nhựa; quy định cơ chế phối hợp giữa Bộ TN&MT với các Bộ, ngành và địa phương trong QLNN về CTR.

     Ba là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam và Đề án tăng cường năng lực quản lý CTR tại Việt Nam trên cơ sở lồng ghép nội dung Đề án tổng thể về mô hình công nghệ xử lý CTRSH đô thị và nông thôn, trong đó sẽ xây dựng các mô hình điểm về cơ chế, chính sách, công nghệ xử lý CTR tại một số địa phương.

     Năm là, rà soát, đề xuất và thực hiện phương án về tổ chức, cán bộ của các cơ quan Trung ương và địa phương để đảm bảo thực hiện thống nhất về QLNN đối với CTR.

 

ThS. Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2019)

 

 

Ý kiến của bạn