Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Huy động nguồn lực thu gom, xử lý rác thải tại huyện đảo Phú Quốc

05/03/2019

     Những năm qua, tình trạng di dân ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang) tăng nhanh, cùng với hoạt động sản xuất, kinh doanh và du lịch ngày càng phát triển, dẫn đến phát sinh lượng lớn rác thải sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường.

     Nguy cơ ô nhiễm môi trường do rác thải tồn đọng

     Hiện nay, dân số trên đảo khoảng 100.000 dân, hơn 1.600 công ty và doanh nghiệp, với lượng khách du lịch lớn đã thải ra hàng trăm tấn rác mỗi ngày, làm cho công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nơi đây bị quá tải. Thống kê của Phòng TN&MT huyện Phú Quốc cho thấy, mỗi ngày, huyện đảo phát sinh khoảng gần 200 tấn rác và 18.000 m3 nước được thải ra môi trường, trong khi đó, năng lực thu gom chỉ đạt hơn 60%. Số rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý trôi dạt trong tự nhiên, theo các cống, kênh rạch, sông ngòi trôi thẳng ra biển, gây ô nhiễm môi trường. Nghiêm trọng hơn, ngay tại cảng hàng không Phú Quốc (cũ) ở thị trấn Dương Đông, khi sân bay đã dời về địa điểm khác thì một đoạn đường băng sân bay cũ này đã trở thành bãi rác khổng lồ, bốc mùi nồng nặc khắp khu dân cư lân cận…

     Hiện Phú Quốc chưa có khu xử lý rác thải tập trung theo quy hoạch. Chủ yếu rác thải được tập kết tại 2 bãi rác An Thới (thị trấn An Thới) và Ông Lang (xã Cửa Dương). Nhiều năm qua, lượng rác lộ thiên đã quá tải, chất cao như những quả núi khổng lồ, tràn ra đường. Biện pháp xử lý rác thải ở huyện đảo chỉ là chôn lấp, mang tính tạm thời, không hợp vệ sinh, phát sinh mùi hôi và rò rỉ nước rỉ rác, không có lót chống thấm đáy, không có tường bao xung quanh bãi rác. Trong khi, Dự án Nhà máy xử lý rác Phú Quốc bị thu hồi đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác xử lý rác thải trên đảo. Nhà máy do Công ty CP năng lượng tái tạo Toàn Cầu (TP. Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư, có công suất xử lý 200 tấn rác/ngày, xây dựng trên diện tích 10 ha tại xã Hàm Ninh, đã đi vào hoạt động từ tháng 10/2017, nhưng đến tháng 12/2017 thì tạm ngừng lấy rác do trục trặc về sự cố kỹ thuật và dây chuyền xử lý rác, nên rác thải không được xử lý theo đúng kỹ thuật, và công suất như cam kết ban đầu. Vì vậy, lượng rác tồn đọng và chưa xử lý ngày càng nhiều, gây khó khăn cho địa phương. Hiện UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc hoàn chỉnh các thủ tục thu hồi Dự án theo quy định pháp luật.

 

Bãi rác Ông Lang (xã Cửa Dương, Phú Quốc) đã quá tải

 

      Ngoài ra, lượng rác thải tồn đọng ở môi trường quá lớn còn do nhiều nguyên nhân khác như mạng lưới thu gom thiếu và yếu, chi phí thu gom thấp, sự tham gia của cộng đồng còn hạn chế. Mặc dù, đã có quy định của Nhà nước về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT (Nghị định số 155/2016/NĐ-CP); quy định về thu gom rác thải trên tàu nhưng thực tế số vụ xử phạt thấp. Nhiều vụ việc vứt rác thải ra đường vào ban đêm nên lực lượng chức năng khó phát hiện. Một số hộ dân không đóng phí vệ sinh gây khó khăn cho hoạt động thu gom rác. Bên cạnh đó, địa phương chưa có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp thu gom, xử lý rác thải. Mặc dù, đã có một số doanh nghiệp chủ động thực hiện việc giảm thiểu rác thải, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ mang tính chất nhỏ lẻ và tự phát. Mặt khác, các khu vực chưa được thu gom rác chủ yếu ở xa, hoặc đường đi lại khó khăn nên hệ thống thu gom khó tiếp cận, không có đường cho xe vào… Vì vậy, việc đa dạng hóa các phương tiện thu gom, mở rộng hệ thống thu gom, với sự tham gia của tư nhân sẽ giúp tăng tỷ lệ chất thải được thu gom trên địa bàn.

     Nâng cao ý thức cộng đồng trong thu gom, xử lý rác thải

     Theo mục tiêu của Đề án tổng thể  BVMT đảo Phú Quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 137/2008/QĐ-TTg, trong giai đoạn 2011 - 2020, huyện đảo cần hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và cải thiện môi trường, cụ thể: 100% chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và bệnh viện được thu gom và xử lý theo đúng quy định; Thị trấn An Thới và Dương Đông có hệ thống thu gom nước mưa và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% lượng nước thải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia trước khi thải ra môi trường; 100% hộ gia đình có dụng cụ phân loại rác thải tại nguồn; 100% khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (các điểm ô nhiễm nước thải, chất thải rắn, bụi, mùi độc hại cục bộ hiện nay) được khắc phục, xử lý…

     Để tăng cường hiệu quả thu gom, giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, Phú Quốc cần đẩy mạnh quản lý chất thải rắn, tái chế, phân loại rác tại nguồn, hạn chế lượng chất thải phải chôn lấp. Đặc biệt, phải nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý chất thải rắn, hình thành lối sống thân thiện với môi trường, đóng cửa các bãi rác không đạt yêu cầu. Ngoài ra, Phú Quốc cần xây dựng và áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách mới, đặc thù trong lĩnh vực bảo vệ TN&MT; đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác thu gom và xử lý rác thải; thường xuyên kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh, dịch vụ về BVMT.

      Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực  BVMT đối với những hành vi cố tình xả rác thải trực tiếp xuống biển, gây ô nhiêm môi trường. Mặt khác, tổ chức thành lập các tổ đội và vận động người dân chung tay với các cán bộ chính quyền địa phương, doanh nghiệp dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải tại bãi biển, bến tàu...; tuyên truyền, vận động người dân BVMT, không đổ rác thải sinh hoạt hàng ngày xuống biển; trang bị thùng rác tại các bãi biển, khu du lịch, khách sạn, nhà trọ, nhà hàng và các điểm tập trung như bến tàu, khu vực chợ để hạn chế lượng rác phát sinh ra môi trường.

 

Nguyễn Thế

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

Ý kiến của bạn