Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về môi trường đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

09/09/2020

    Hoạt động tái chế, tái sử dụng phế liệu loại ra từ quy trình sản xuất, tiêu dùng là xu hướng tất yếu nhằm tiết kiệm tài nguyên và hạn chế chi phí xử lý chất thải. Trong bối cảnh việc thu mua phế liệu trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của một số ngành sản xuất phôi thép, xi măng, giấy, nhựa…, Việt Nam cho phép nhập khẩu phế liệu (NKPL) từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất (NLSX). Tuy nhiên, để hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường từ hoạt động sử dụng phế liệu nhập khẩu (PLNK) làm NLSX, Bộ TN&MT đã xây dựng, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quản lý hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu làm NLSX.

    Tại Điều 76 của Luật BVMT năm 2014 có quy định về điều kiện đối với PLNK từ nước ngoài làm NLSX và với cơ sở NKPL làm nguyên liệu sản xuất. Theo đó, PLNK từ nước ngoài làm NLSX phải thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ ban hành và phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường do Bộ TN&MT ban hành. Các cơ sở NKPL làm NLSX phải đáp ứng các quy định về điều kiện kho bãi, xử lý tạp chất và các điều kiện BVMT khác nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động sử dụng PLNK.

    Thực hiện Luật BVMT năm 2014, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm NLSX. Trong đó, Danh mục bao gồm 36 loại phế liệu kèm theo mã HS được phép nhập khẩu làm NLSX, được chia thành các nhóm phế liệu: Giấy phế liệu; sắt, thép phế liệu; nhựa phế liệu; xỉ hạt lò cao (xỉ hạt nhỏ), phế liệu thạch cao, kim loại màu…

    Để quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc NKPL làm NLSX, tránh việc bị doanh nghiệp lợi dụng để đưa chất thải vào Việt Nam, năm 2015, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu. Trong đó, Chương 8 của Nghị định đã quy định cụ thể về quản lý PLNK làm NLSX, nêu rõ đối tượng được phép NKPL, điều kiện BVMT đối với cơ sở nhập khẩu, sử dụng phế liệu, ký quỹ bảo đảm PLNK và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Để có những hướng dẫn cụ thể, đảm bảo việc thực hiện hiệu quả Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, ngày 9/9/2015, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT quy định về BVMT trong NKPL làm NLSX. Thông tư đã nêu rõ việc xem xét, cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong NKPL làm NLSX, việc kiểm tra, thông quan PLNK. Với những quy định nêu trên, công tác quản lý PLNK làm NLSX về cơ bản đã được quản lý có hiệu quả.

    Tuy nhiên, trước tình trạng một số nước như Trung Quốc, Malaixia, Hàn Quốc… đã hạn chế, thậm chí cấm nhập khẩu một số loại phế liệu, tạo nên sự dịch chuyển lượng lớn PLNK vào các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đã dẫn đến tồn đọng lượng lớn lô hàng PLNK tại các cảng biển Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam phải có những thay đổi trong chính sách quản lý PLNK theo hướng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Vì thế, ngày 17/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg về các giải pháp cấp bách quản lý PLNK làm NLSX. Trong đó, yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa các lô hàng PLNK không đáp ứng các quy định pháp luật. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg, các lô hàng PLNK không có thông tin chủ hàng, hoặc chủ hàng không thuộc Danh sách tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận/Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong NKPL thì sẽ không được đưa vào lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp những lô hàng PLNK của các cơ sở được cấp Giấy xác nhận được hạ xuống cảng và xác định không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) thì cơ sở nhập khẩu phải có trách nhiệm tái xuất lô hàng. Với quy định này, sau ngày 17/9/2018, về cơ bản đã hạn chế được các lô hàng tồn đọng không có chủ hàng đến nhận.

    Ngay sau khi Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ dược ban hành, Bộ TN&MT đã xây dựng và ban hành 2 Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT, Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT quy định về QCVN trong lĩnh vực môi trường đối với 6 nhóm PLNK được sử dụng phổ biến trong quá trình sản xuất và thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm NLSX (theo Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ), bao gồm: QCVN 31:2018/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu sắt, thép nhập khẩu làm NLSX;  QCVN 32:2018/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu làm NLSX; QCVN 33:2018/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu giấy nhập khẩu làm NLSX; QCVN 65:2018/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu thủy tinh nhập khẩu làm NLSX; QCVN 66:2018/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu kim loại màu nhập khẩu làm NLSX; QCVN 67:2018/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu xỉ hạt lò cao (xỉ hạt nhỏ, xỉ cát từ công nghiệp luyện sắt, hoặc thép) nhập khẩu làm NLSX. Các quy chuẩn được ban hành nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng PLNK vào Việt Nam thông qua các quy định kỹ thuật, phương pháp kiểm tra, giám định chất lượng phế liệu và quản lý để điều chỉnh hành vi của các tổ chức, cá nhân có liên quan, bao gồm: Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sử dụng phế liệu làm NLSX; cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu; tổ chức đánh giá sự phù hợp chất lượng PLNK.

    Để thể chế hóa các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý PLNK, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT, trong đó, nội dung về quản lý PLNK đã được quy định chặt chẽ hơn. Cụ thể, liên quan đến điều kiện về BVMT đối với cơ sở NKPL làm NLSX, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đã quy định rõ thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với dự án sử dụng PLNK làm NLSX và thẩm quyền cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong NKPL làm NLSX được giao cho Bộ TN&MT, không phân cấp tới cơ quan quản lý môi trường địa phương. Đồng thời, Nghị định cũng quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra, cấp Giấy xác nhận; trình tự, thủ tục kiểm tra, thông quan PLNK và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan, bao gồm: Tổ chức, cá nhân NKPL làm NLSX, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan (Bộ TN&MT, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, UBND các tỉnh, thành phố…). Nghị định nêu các điều kiện cụ thể về BVMT đối với các tổ chức, cá nhân NKPL làm NLSX như kho, bãi lưu giữ PLNK; công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định; có văn bản cam kết về việc tái xuất, hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp NKPL không đáp ứng yêu cầu BVMT…

    Đặc biệt, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP quy định rõ, các tổ chức, cá nhân chỉ được NKPL làm NLSX cho cơ sở của mình theo đúng công suất thiết kế để sản xuất các sản phẩm, hàng hóa; không được NKPL về chỉ để sơ chế và bán lại phế liệu. Từ ngày 1/1/2025, cơ sở sử dụng PLNK làm NLSX chỉ được NKPL tối đa bằng 80% công suất thiết kế; số phế liệu còn lại phải được thu mua trong nước để làm NLXS…  Cùng với đó, Nghị định đã đưa ra các quy định cụ thể liên quan đến việc ký quỹ bảo đảm PLNK, phương thức, khoản tiền, quy trình ký quỹ, việc quản lý và sử dụng số tiền ký quỹ.

    Để có các hướng dẫn cụ thể hơn, trong năm 2019, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT quy định chi tiết về các biểu mẫu, quan trắc chất thải trong quá trình thẩm định, cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong NKPL làm NLSX. Như vậy, về cơ bản, các quy định quản lý PLNK làm NLSX đã được ban hành đầy đủ, đảm bảo chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường, nhưng cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng phế liệu làm NLSX hoạt động có hiệu quả.

     Nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý PLNK, Bộ TN&MT đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm NLSX. Đồng thời, Bộ đã có kế hoạch sửa đổi các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với PLNK trong năm 2020 nhằm đảm bảo quản lý chất lượng PLNK hiệu quả và đúng quy định theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP. Đặc biệt, trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã được Bộ TN&MT trình Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ  9 xem xét và cho ý kiến, nội dung về quản lý PLNK được xây dựng theo hướng chặt chẽ, kiểm soát chất lượng PLNK từ xa và hạn chế tối đa NKPL không đáp ứng yêu cầu về BVMT. Cụ thể: PLNK từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường và thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm NLSX; Tổ chức, cá nhân chỉ được NKPL làm NLSX cho cơ sở sản xuất của mình và phải đáp ứng các yêu cầu về BVMT như: Có cơ sở sản xuất với công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng, kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu đáp ứng yêu cầu BVMT; phương án xử lý tạp chất đi kèm phế liệu phù hợp với PLNK; Quyết định của Bộ TN&MT phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM, hoặc có báo cáo ĐTM được Bộ TN&MT phê duyệt, có giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật; Thực hiện ký quỹ bảo đảm PLNK trước thời điểm phế liệu dỡ xuống cảng đối với trường hợp nhập khẩu qua cửa khẩu đường biển, hoặc nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam đối với các trường hợp khác, trong đó, tổ chức, cá nhân NKPL gửi một khoản tiền, hoặc kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá trị vào tổ chức tài chính, tín dụng được quy định để bảo đảm cho việc giảm thiểu, khắc phục các rủi ro môi trường do hoạt động NKPL gây ra, đồng thời có văn bản cam kết về việc tái xuất, hoặc xử lý phế liệu trong trường hợp PLNK không đáp ứng yêu cầu BVMT.

    Rõ ràng, với hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT đối với PLNK làm NLSX  được Bộ TN&MT ban hành trong thời gian qua, đã tạo nên hành lang pháp lý hoàn chỉnh, nhằm hạn chế tối đa việc nhập khẩu các phế liệu không đáp ứng điều kiện, yêu cầu về BVMT, để Việt Nam không trở thành nơi chứa rác thải của các nước khác.

 

Nguyễn Mạnh Hà - Phó Vụ trưởng

Nguyễn Thị Hồng Hà

Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 8/2020)

Ý kiến của bạn