Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Hà Nội tăng cường các giải pháp trong bảo vệ môi trường

05/01/2019

     Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ngày càng gia tăng. Việc ban hành Nghị quyết số 11 - NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy Hà Nội về Tăng cường công tác BVMT trên địa bàn TP đến năm 2020 và những năm tiếp theo (Nghị quyết số 11 - NQ/TU) là một trong những nội dung quan trọng thể hiện sự quyết tâm của Lãnh đạo TP. Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết, công tác BVMT của TP đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường được cải thiện, đặc biệt tại các khu, cụm công nghiệp (CCN) và khu dân cư tập trung.

     Tập trung giảm thiểu ÔNMT, cải thiện môi trường

     Xác định tầm quan trọng của công tác BVMT, thời gian qua, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các cấp, ngành tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp BVMT trên địa bàn TP, bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, đã có 38 Sở, ngành, quận, huyện, thị xã lập kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU. Bên cạnh công tác xây dựng thể chế, chính sách, TP còn có nhiều giải pháp cải thiện môi trường như TP đã lắp đặt và vận hành 10 trạm quan trắc tự động (gồm 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến). Dự kiến trong năm 2019, TP sẽ đầu tư thêm 20 trạm quan trắc không khí và phấn đầu đến năm 2030, sẽ có khoảng 70 - 80 trạm quan trắc theo quy hoạch mạng lưới quan trắc không khí đã được phê duyệt. Đồng thời, triển khai mô hình cánh đồng không đốt rơm rạ và hạn chế sử dụng bếp than tổ ong tại một số quận, huyện trên địa bàn TP. Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, TP cũng đã thực hiện Chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 - 2020, đến nay, đã trồng hơn 927.000 cây, đạt 92% mục tiêu của Chương trình.

 

Nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, công suất 4.000 tấn/ngày, đêm

 

     Trong khuôn khổ Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030, TP đã triển khai 6 nhóm giải pháp với 45 nhiệm vụ được thực hiện đồng bộ theo 3 giai đoạn, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030. Bên cạnh đó, TP cũng tập trung phát triển giao thông vận tải theo hướng sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân; áp dụng các công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính…

     Đặc biệt, TP đã xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng mới phát sinh trên địa bàn; đồng thời, di dời, tập trung xử lý đối với 113 cơ sở gây ÔNMT, hoặc không phù hợp với quy hoạch ra ngoài khu vực nội thành. Trong 43 CCN trên địa bàn TP đã đi vào hoạt động thì có 25 CCN đã và đang được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải (XLNT) và 18 CCN chưa đầu tư xây dựng hệ thống XLNT. TP đã giao các nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất Dự án xây dựng hệ thống thu gom XLNT và quản lý vận hành hệ thống XLNT tại các CCN trên địa bàn TP theo phương thức xã hội hóa.   

     Để việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU đạt kết quả, TP đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong năm 2017, các cơ quan chức năng của TP đã kiểm tra, thanh tra 2.583 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính đối với 751 cơ sở, với tổng số tiền phạt là gần 18,5 tỷ đồng. Trong 6 tháng năm 2018, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, thanh tra tại 681 cơ sở và xử lý vi phạm hành chính 159 cơ sở, với tổng số tiền phạt 5,1 tỷ đồng. Đồng thời, tiến hành rà soát, kiểm tra và xác định các “điểm đen" về ÔNMT trên địa bàn TP. Qua rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã đã có 187 khu vực ô nhiễm. Sở TN&MT Hà Nội đang tiếp tục tiến hành phân loại, đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm tại các điểm để đề xuất phương án xử lý, khắc phục ô nhiễm.

 

 

Người dân Thủ đô đạp xe có gắn hệ thống lọc nước tại hồ Hoàng Cầu (Đống Đa)

 

     Cùng với đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, TP đã tích cực triển khai một số dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt có công nghệ tiên tiến. Đến nay, tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải y tế tiếp tục được nâng cao; các dự án đầu tư nhà máy đốt rác phát điện trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ bảo đảm vận hành trước năm 2020 như: Nhà máy điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, công suất 4.000 tấn/ngày, đêm; Nhà máy xử lý rác thải Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), công suất từ 2.000 - 2.500 tấn/ngày, đêm; Khu xử lý chất thải Đồng Ké (huyện Chương Mỹ), công suất dự kiến từ 1.200 - 1.500 tấn/ngày, đêm; Nhà máy xử lý chất thải rắn chuyển thành năng lượng tại Khu xử lý rác thải Xuân Sơn, công suất 1.500 tấn/ngày, đêm. UBND TP cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng quy mô 500 tấn/ngày của Công ty TNHH Indovin Povver tại Khu xử lý rác thải Xuân Sơn. Đối với các hồ trên địa bàn, TP đã tiến hành xử lý ô nhiễm nguồn nước tại 132 hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C; lắp đặt bè thủy sinh, máy sục khí, nạo vét bùn ở 118 hồ. Đặc biệt, TP đã triển khai cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm và nạo vét bùn hồ Tây.

     Xác định các nhóm giải pháp cụ thể

     Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của TP. Hà Nội vẫn còn một số hạn chế: Sự phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương chưa chặt chẽ; một số đơn vị triển khai các nhiệm vụ, nhất là các dự án đầu tư, còn chậm so với tiến độ TP giao; việc thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu của Nghị quyết chưa đạt yêu cầu; công tác di dời các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng gặp nhiều khó khăn; kinh phí sự nghiệp về môi trường còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu, tình hình thực tế; hoạt động thu hút nguồn vốn cải tạo các dòng sông theo hình thức BT còn hạn chế…

     Trên cơ sở những kết quả đạt được và một số tồn tại, hạn chế, TP đã đề ra các nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như: Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, đặc biệt là xây dựng chính sách đặc thù theo quy định của Luật Thủ đô, trong đó, tập trung vào công tác kiểm soát và xử lý ÔNMT KCN, CCN và làng nghề; quản lý chặt chẽ các nguồn thải gây ÔNMT không khí, nước sông, hồ... Đẩy nhanh công tác xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch, Kim Ngưu và xây dựng hệ thống thu gom nước thải đưa về hệ thống xử lý trước khi xả vào hai sông trên và các sông Sét, Lừ, Cầu Bây; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với công tác BVMT; huy động sự tham gia của nhân dân trong việc hạn chế, tiến tới không sử dụng bếp than tổ ong; vận động nhân dân thu gom rác thải, vệ sinh môi trường hàng tuần gắn với tham gia phong trào trồng cây xanh, trồng hoa, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Mặt khác, TP cũng sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát về môi trường; xử lý nghiêm khắc, triệt để các trường hợp vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải làm rơi vãi; đề xuất tăng mức xử phạt nặng đối với chủ cơ sở, công trình gây ÔNMT và hoàn thiện việc quy hoạch mạng lưới điểm tập kết, trung chuyển rác thải, xử lý nghiêm các trường hợp đổ đất, phế thải không đúng nơi quy định…

 

Nguyễn Thanh Hằng

Sở TN&MT Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2018)

 

 

Ý kiến của bạn