Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Hà Nội quyết tâm giải quyết các vấn đề môi trường

01/11/2017

  Trước những thách thức về tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ngày càng báo động, TP. Hà Nội đang tập trung các giải pháp và nguồn lực để giải quyết vấn đề này. Bên cạnh việc đầu tư cho công tác kiểm soát và xử lý ÔNMT, triển khai thực hiện các chương trình, đề án, quy hoạch về BVMT và đa dạng sinh học, Thành phố (TP) còn ban hành một số văn bản pháp luật quan trọng, khẳng định quyết tâm của Thành ủy, UBND TP và các cấp, ngành để giảm thiểu ÔNMT, đảm bảo Hà Nội là TP đáng sống.

   Để tìm hiểu về những chủ trương, giải pháp và kế hoạch trong công tác BVMT của TP. Hà Nội, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định về vấn đề này.

Ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội

   Ngày 31/5/2017, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về tăng cường công tác BVMT trên địa bàn TP đến năm 2020 và những năm tiếp theo (gọi tắt là Nghị quyết). Ông có thể cho biết một số nội dung quan trọng của Nghị quyết?

   Ông Lê Tuấn Định: Nhằm đẩy mạnh công tác BVMT, đáp ứng công cuộc xây dựng TP Xanh, Sạch, Đẹp, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về tăng cường công tác BVMT trên địa bàn TP đến năm 2020 và những năm tiếp theo, trong đó đưa ra một số chỉ tiêu như: Đối với chất thải rắn (CTR), tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt từ 95 - 100%, phấn đấu giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải còn 30%, thu gom 100% và xử lý 80% CTR công nghiệp, 100% chất thải nguy hại (CTNH) được thu gom, xử lý; 100% phế thải xây dựng được thu gom tập kết đúng nơi quy định; Đối với môi trường nước, xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch và đến năm 2020, 100% người dân ở nông thôn được dùng nước sạch; 100% số hộ dân có các công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn; 100% các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn…

   Đồng thời, Nghị quyết đặt ra 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm: BVMT nước mặt và sử dụng bền vững tài nguyên nước, quản lý tốt các nguồn xả thải, cải tạo sông, hồ bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt kết hợp với xây dựng hồ điều hóa mới; Quản lý có hiệu quả CTR và CTNH, đầu tư xử lý xử lý CTR theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, giảm tỷ lệ chôn lấp; tăng cường phân loại rác thải tại nguồn và hoàn thiện mạng lưới điểm tập kết trung chuyển rác thải cấp huyện; Giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn, đặc biệt ở các khu vực nội thành, xử lý nghiêm đối với các trường hợp đổ phế thải xây dựng không đúng nơi quy định, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng.

   Để đạt được các mục tiêu quan trọng trong công tác BVMT, Nghị quyết đã đề ra 4 giải pháp chính là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cấp, các ngành, cá nhân người đứng dầu trong việc để xảy ra vi phạm pháp luật về môi trường và hoàn chỉnh các quy định cụ thể về BVMT trên địa bàn TP (theo Luật Thủ đô, Luật BVMT năm 2014), các cơ chế, chính sách về ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BVMT đối với mọi cấp ủy, chính quyền và tầng lớp nhân dân Thủ đô, cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát môi trường, tập trung vào các cơ sở có nguồn xả thải lớn từ 100 m3/ngày, đêm trở lên, qua đó, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về BVMT. Đồng thời, tập trung nhiều nguồn lực và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác trong đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường.

   Những năm qua, TP đã quan tâm đầu tư khá nhiều cho công tác BVMT, để giải quyết những vấn đề môi trường nổi cộm trên địa bàn TP, tuy nhiên hiệu quả chưa được như mong muốn. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

   Ông Lê Tuấn Định: Có một số nguyên nhân chính dẫn đến ÔNMT tại một số nơi trên địa bàn TP trong thời gian qua. Cụ thể, về cơ chế chính sách, việc lồng ghép vấn đề môi trường trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển vẫn chưa được chú trọng. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, việc xây dựng hạ tầng thiếu đồng bộ, quản lý trật tự xây dựng chưa chặt chẽ, dẫn đến ô nhiễm môi trường cục bộ một số nơi, đặc biệt là ô nhiễm do bụi…; Công tác BVMT, kiểm soát ô nhiễm còn nhiều bất cập, đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa và xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm chưa kịp thời, mang tính sự vụ; lực lượng thanh tra mỏng và không có hệ thống thanh tra chuyên ngành nên còn nhiều hạn chế. Một số cụm công nghiệp (CCN) do tồn tại từ những năm trước được đầu tư xây dựng hạ tầng khi chưa có các văn bản quy định về việc bắt buộc đầu tư xây dựng hạng mục xử lý nước thải nên hiện tại một số CCN chưa bố trí quỹ đất cho các hạng mục công trình xử lý nước thải trong quy hoạch tổng thể của cụm. Bên cạnh đó, việc xử lý nước thải tại khu vực làng nghề rất khó khăn do các hộ sản xuất làm nghề phân tán trong làng nghề chưa phân tách được nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt, quy mô sản xuất nhỏ, tự phát.

TP. Hà Nội tập trung nguồn lực xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch

   Đáng nói là nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của các doanh nghiệp, cũng như người dân còn hạn chế. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn chưa đầu tư công trình BVMT và không thực hiện nghiêm túc các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Luật BVMT năm 2014, mặc dù đã được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn. Ngoài ra, việc kêu gọi, huy động đầu tư trong lĩnh vực BVMT còn hạn chế. Kinh phí chi thường xuyên từ nguồn sự nghiệp môi trường hàng năm của TP chủ yếu dành cho các hoạt động duy trì vệ sinh môi trường, duy tu hạ tầng đô thị; nguồn kinh phí để xử lý chất thải của TP (xử lý nước thải sinh hoạt, y tế, ô nhiễm các sông, hồ, CTR bằng công nghệ hiện đại, chất thải tại khu vực nông thôn, làng nghề...) còn thiếu; chưa thu hút và khuyến khích được nhiều thành phần kinh tế tham gia BVMT, vốn viện trợ ODA từ nước ngoài chiếm tỉ lệ thấp; công tác xã hội hóa mới ở mức thí điểm. Trong khi, bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ TP đến quận, huyện, phường, xã còn thiếu và yếu, thậm chí kiêm nhiệm, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phân cấp quản lý. Nhiều khu, CCN, Ban quản lý, các doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư cho công tác quản lý môi trường, không có bộ phận, hoặc cán bộ phụ trách về môi trường, sự phân công, phân cấp về quản lý môi trường giữa các cơ quan còn chồng chéo.

   Hiện nay, vấn đề ô nhiễm không khí (ÔNKK) và ô nhiễm nguồn nước tại các hồ của Hà Nội đang ở mức báo động, TP có kế hoạch như thế nào để giải quyết bài toán này, thưa ông?

   Ông Lê Tuấn Định: Để giải quyết tình trạng ÔNKK và ô nhiễm các hồ trên địa bàn, TP đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Cụ thể, đối với vấn đề ÔNKK, UBND TP có chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế trong BVMT không khí và giao Sở TN&MT làm đầu mối triển khai các dự án hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài như Dự án hỗ trợ kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính (Mạng lưới các TP sáng kiến Khí hậu (C40)); Dự án hỗ trợ kỹ thuật về Quản lý chất lượng không khí cho TP Hà Nội (Ngân hàng Thế giới). Đặc biệt, TP đã hợp tác với Đại sứ quán Pháp triển khai Dự án quản lý chất lượng không khí và đã đưa vào vận hành 8 trạm quan trắc cảm biến, 1 trạm quan trắc cố định; Tập đoàn Vingroup tài trợ TP xây dựng 10 trạm quan trắc không khí tự động… Đối với các công trường thi công xây dựng ở khu vực nội thành, TP cũng yêu cầu giảm thiểu bụi, kiểm soát chặt chẽ về BVMT; Triển khai đồng bộ chương trình trồng 1 triệu cây xanh trên địa bàn TP; Nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ pháp lý về BVMT; Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và xử lý theo quy định; Tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực môi trường không khí, các ảnh hưởng của ÔNKK đến con người và phát triển kinh tế - xã hội...

   Để cải thiện tình trạng ô nhiễm hồ trên địa bàn TP. Hà Nội, TP đã tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác giám sát và BVMT, cảnh quan các ao, hồ trên địa bàn; Tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng tổng thể các hồ, giao Trung tâm quan trắc TN&MT Hà Nội thực hiện quan trắc nhằm đánh giá chất lượng nước các ao, hồ để làm cơ sở lựa chọn, xây dựng danh mục ưu tiên xử lý ô nhiễm hồ; Xây dựng Kế hoạch BVMT hồ TP. Hà Nội đến năm 2020; Xây dựng quy chế, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương trong công tác khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất, cảnh quan môi trường xung quanh các hồ và sử dụng mặt nước hồ, đảm bảo đúng mục đích, thân thiện môi trường; Tìm kiếm công nghệ tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của TP để xử lý ô nhiễm các hồ; Đẩy nhanh dự án cải tạo hồ, hệ thống thoát nước, thu gom, tách nước thải vào các sông, hồ; Tập trung nguồn lực cho việc xử lý ô nhiễm nước sông, hồ từ nguồn ngân sách TP. kết hợp các nguồn vốn huy động khác.

   Để Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội đi vào cuộc sống, đảm bảo Hà Nội là TP đáng sống. Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ triển khai những hoạt động gì?

   Ông Lê Tuấn Định: Để triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 3/7/2017 nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp; phân công trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, giao tổng hợp các chỉ tiêu giám sát, đánh giá đến từng Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; đồng thời yêu cầu phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị các cấp, cơ quan, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô trong công tác BVMT.

   Kế hoạch số 160/KH-UBND đã đề ra 13 nội dung, nhiệm vụ trọng tâm (chia làm 20 lĩnh vực cụ thể) cần thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn đến năm 2020, UBND TP sẽ xây dựng các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể và đề xuất nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong giai đoạn tiếp theo đến năm 2030, nhằm hướng tới việc xây dựng những điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải và phát triển bền vững Thủ đô.

   Với trách nhiệm là cơ quan được UBND TP giao trách nhiệm thường trực triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy, Sở TN&MT sẽ thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các Sở, ngành và UBND các quận, huyện và thị xã triển khai thực hiện Kế hoạch số 160/KH-UBND, đảm bảo đúng tiến độ được UBND TP giao. Đồng thời, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về Nghị quyết số 11-NQ/TU và Kế hoạch số 160/KH-UBND, nhằm huy động sự vào cuộc cùng chung tay, góp sức BVMT.

Xin cảm ơn ông!

                Hương Trần

(Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2017

Ý kiến của bạn