Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Gia Lai: Tăng cường chính sách, phát luật về bảo vệ môi trường

04/07/2017

   Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế nêu trên, UBND tỉnh Gia Lai đã đề ra các giải pháp BVMT trong thời gian tới như: Nâng cao năng lực quản lý môi trường các cấp; Tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế môi trường, chính sách, cơ chế về BVMT; Xây dựng cơ chế xã hội hóa công tác BVMT; Thực hiện tốt Luật BVMT... Để hiểu rõ tình hình triển khai chính sách pháp luật BVMT trên địa bàn tỉnh, Tạp chí Môi trường đã có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở TN&MT Gia Lai Hoàng Đình Chung về vấn đề này.

   Sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về BVMT, việc triển khai thực hiện Chỉ thị trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa ông?

   Ông Hoàng Đình Chung: Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách về BVMT, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch số 5374/KH-UBND ngày 21/11/2016 về Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong BVMT trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2020.

   Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai xác định rõ BVMT là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp, hộ gia đình và mọi người dân. Kiên quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường; Cấm nhập khẩu công nghệ sản xuất lạc hậu, triển khai các dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và phân công rõ trách nhiệm của các Sở, ngành trong việc triển khai, thực hiện Chỉ thị.

   Được biết, Gia Lai là tỉnh có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng. Xin ông cho biết tình hình quản lý, BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản, cũng như công tác cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ tại các mỏ đã thực hiện như thế nào?

   Ông Hoàng Đình Chung: Trên địa bàn tỉnh Gia Lai chủ yếu là các loại khoáng sản như đá làm vật liệu xây dựng, đá ốp lát, cát nằm phân tán, không tập trung và trữ lượng nhỏ. Hoạt động khai thác khoáng sản đã tạo nguồn thu ngân sách, giải quyết lao động, hỗ trợ cho địa phương xây dựng một số cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng, an sinh xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới.

   Tính đến ngày 15/5/2017, trên địa bàn tỉnh hiện có 57 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Các doanh nghiệp đã chấp hành tốt công tác BVMT theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cam kết BVMT, kế hoạch BVMT được phê duyệt, xác nhận. Công tác ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường với tổng số tiền hơn 31,4 tỷ đồng; các mỏ đã nộp tiền ký quỹ hàng năm, đến nay, số tiền nộp vào Quỹ BVMT tỉnh Gia Lai là hơn 16,68 tỷ đồng, đạt 85,8%.

   Tuy nhiên, hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã ít nhiều tác động xấu đến môi trường sinh thái như: Lượng khí thải, nước thải, chất thải rắn gia tăng làm thay đổi, suy thoái hệ sinh thái khu vực, song do quy mô các mỏ khai thác nhỏ, ở vùng sâu, vùng xa nên chỉ ảnh hưởng cục bộ và kiểm soát được.

Gia Lai triển khai nhiều mô hình áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao cho cây công nghiệp theo hướng bền vững

   Gia Lai có thế mạnh là phát triển cây công nghiệp như cao su, cà phê, ca cao… tuy nhiên, việc sản xuất và chế biến các loại sản phẩm có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Tỉnh có giải pháp gì để vừa phát triển bền vững loại hình chế biến này, vừa hạn chế các tác động tiêu cực đối với môi trường?

   Ông Hoàng Đình Chung: Khí hậu và thổ nhưỡng Gia Lai rất thích hợp cho việc phát triển nhiều loại cây công nghiệp, nhất là đối với các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, hồ tiêu… Đây là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và góp phần để Gia Lai phát triển ngành nông nghiệp bền vững. Ngày 7/10/2010, UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt Quyết định số 681/QĐ-UBND về quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, trên cơ sở đó đã tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển các loại cây trồng chủ lực gắn với công nghiệp chế biến, phù hợp với tiềm năng lợi thế mỗi vùng. Tỉnh cũng đã triển khai nhiều chương trình, dự án, mô hình áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao vào sản xuất, đưa cơ giới vào nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

   Để hạn chế tác động đến môi trường, tỉnh đã có những giải pháp: Quản lý và triển khai thực hiện đúng quy hoạch, vùng nguyên liệu, bảo vệ và phát triển diện tích rừng, tăng độ che phủ đạt 46,6% vào năm 2020;

   Tuân thủ đúng các quy định của Luật BVMT năm 2014 trước và trong quá trình triển khai thực hiện dự án, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường nước, không khí và hệ sinh thái; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT, đa dạng sinh học; Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chung tay BVMT.

   Trong quá trình triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT, địa phương có gặp khó khăn gì, thưa ông?        

   Ông Hoàng Đình Chung: Hiện nay, Luật BVMT và các Nghị định, Thông tư cơ bản đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về BVMT. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện tỉnh còn một số khó khăn, vướng mắc:

   Một số nội dung do thực tiễn phát sinh song chưa có các hướng dẫn nên khó thực hiện (lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, khoảng cách an toàn của các hộ kinh doanh mua bán vật liệu xây dựng quy mô nhỏ, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm (quy mô chuồng trại dưới 50 m2),… hoạt động trong khu dân cư đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường); chưa có quy chuẩn mùi hôi của các cơ sở chăn nuôi, chế biến mủ cao su, mì, mía,…

   Trên địa bàn tỉnh còn tồn tại nhiều bãi rác lộ thiên cấp huyện chưa được nâng cấp, cải tạo; hệ thống thu gom nước thải đô thị chưa có nhà máy xử lý, là nguồn tiềm ẩn ô nhiễm môi trường cao.

   Tập quán canh tác chăn nuôi của đồng bào dân tộc thiểu số một số nơi chưa thay đổi, do đó công tác vệ sinh môi trường nông thôn chưa được cải thiện, khó thực hiện được tiêu chí số 17 của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.     

   Xin cảm ơn ông.

Phạm Tuyên - Đinh Hương (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2017

Ý kiến của bạn