Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Giới thiệu Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

31/01/2020

     Luật BVMT năm 2014 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác BVMT. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời với những thách thức mới đặt ra đối với công tác BVMT. Vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật BVMT để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giải quyết những vấn đề đặt ra của giai đoạn mới.

     1. Sự cần thiết sửa đổi Luật BVMT

     Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các hoạt động công nghiệp, giao thông, xây dựng... đã tạo nhiều áp lực đối với môi trường. Lượng chất thải, nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn, hầu hết chưa qua xử lý, xả ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Ô nhiễm, suy thoái đất tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ô nhiễm đất do dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật. Ô nhiễm môi trường (ÔNMT) không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt tại các TP lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Chất lượng và tính đa dạng sinh học (ĐDSH) của hệ sinh thái rừng tiếp tục suy giảm; việc thành lập mới và mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên còn chậm; các loài động thực vật hoang dã tiếp tục suy giảm; vẫn còn các nguy cơ từ sinh vật ngoại lai xâm hại và rủi ro từ sinh vật biến đổi gen.

     Luật BVMT qua gần 5 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, chồng chéo với một số hệ thống pháp luật khác. Cơ chế, chính sách BVMT chưa phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường. Các thủ tục hành chính về môi trường còn có sự phân tán, thiếu liên thông, tích hợp. Một số vấn đề mới phát sinh chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh như sự cố ô nhiễm, suy thoái môi trường, cơ chế, các tiêu chí sàng lọc, phân loại, phân luồng các dự án đầu tư theo mức độ rủi ro về môi trường; cơ chế kiểm soát đặc thù đối với các đối tượng có nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường. Nội dung, trách nhiệm, phân công, phân cấp quản lý nhà nước về BVMT chưa hợp lý...

     Hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ tác động mọi mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, tạo ra xu thế mới trong quản lý môi trường và phát triển bền vững, trong đó việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đang trở thành xu thế chủ đạo trên phạm vi toàn cầu. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế, xã hội, sản xuất, thay đổi nền tảng quản lý môi trường dựa trên công nghệ internet vạn vật. Công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, vật liệu mới thân thiện với môi trường, việc áp dụng các kỹ thuật tốt nhất hiện có,…sẽ thúc đẩy nhanh việc chuyển dịch từ mô hình kinh tế tuyến tính phát thải lớn sang các mô hình kinh tế các bon thấp, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh gia tăng nhanh dân số, sức ép của tăng trưởng, nhu cầu tiêu thụ các loại nhiên liệu và năng lượng làm gia tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên, gây ÔNMT và biến đổi khí hậu (BĐKH).

 

Hội thảo tham vấn ý kiến Đại biểu Quốc hội về một số định hướng lớn cần sửa đổi, bổ sung trong Dự án Luật BVMT ngày 11/11/2019

 

     Nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về BVMT được ban hành, cần được thể chế hóa kịp thời. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, quan điểm, chủ trương về phát triển bền vững, BVMT phải được gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội đã được tiếp tục được Đảng và Nhà nước ta mở rộng, sâu sắc hơn, thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, đường lối nói trên của Đại hội, trong giai đoạn vừa qua, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng, thể hiện những quan điểm, nhận thức mới về công tác BVMT gắn kết với quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

     2. Một số điểm mới trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi)

     Từ thực tiễn thi hành Luật BVMT và tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Nhà nước về công tác BVMT, Luật BVMT (sửa đổi) cần đáp ứng các yêu cầu đặt ra như: Đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan và hệ thống quy định pháp luật về BVMT; kế thừa phát huy những quy định phù hợp của Luật hiện hành; khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác BVMT; xử lý những khó khăn, vướng mắc của các Bộ, ngành; Nội dung quy định của Luật phải có tính khả thi, dài hạn; phù hợp với các điều ước và thông lệ quốc tế.

     Thưc hiện các yêu cầu trên, Bộ TN&MT đã triển khai các hoạt động xây dựng Dự thảo Luật BVMT gồm: Đánh giá tình hình thực hiện Luật BVMT năm 2014 nhằm xác định những nội dung cần tiếp tục hoàn thiện; Rà soát, tổng hợp các tồn tại, bất cập trong công tác BVMT trên thực tế, các yêu cầu mới về BVMT; Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng pháp luật về BVMT; Thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và các nhóm chuyên gia, tổ công tác phục vụ việc xây dựng Dự thảo Luật.

     Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) được xây dựng có 17 chương, 177 điều (tăng 7 điều so với Luật BVMT năm 2014); trong đó giữ nguyên 30 Điều; bãi bỏ, lồng ghép nội dung vào các điều khác đối với 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 78 Điều; bổ sung mới 57 Điều.

     Theo đó, một số nội dung được sửa đổi, bổ sung như: Quy hoạch BVMT; đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM); Giấy phép môi trường; quản lý cảnh quan thiên nhiên và BVMT trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; ứng phó với BĐKH; quản lý chất thải; quy chuẩn kỹ thuật môi trường; quản lý chất lượng môi trường; quan trắc, thông tin, cơ sở dữ liệu và báo cáo môi trường; sự cố ÔNMT; công cụ kinh tế, nguồn lực cho BVMT; trách nhiệm BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, khu dân cư; nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; hội nhập, hợp tác quốc tế về BVMT; thanh tra, kiểm tra; bồi thường thiệt hại về môi trường.

     Về quy hoạch BVMT: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch BVMT để bảo đảm thống nhất đồng bộ với pháp luật về quy hoạch và yêu cầu BVMT,  trong đó quy định rõ nội dung chính của quy hoạch BVMT quốc gia, nội dung BVMT trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Quy định về phân vùng môi trường là một nội dung của quy hoạch BVMT với 3 mức độ phân vùng môi trường: bảo vệ nghiêm ngặt; hạn chế tác động và vùng còn lại để làm căn cứ quyết định cho phép các dự án phát triển.

     ĐTM:  Bổ sung quy định về đánh giá sơ bộ ĐTM để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công. Quy định đối tượng phải thực hiện ĐTM bảo đảm thống nhất với dự án đầu tư, đầu tư xây dựng theo tiêu chí phân loại của Luật Đầu tư công. Chỉ các dự án đầu tư xây dựng mới có công trình xử lý chất thải và các dự án khác có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mới phải thực hiện báo cáo ĐTM. Các dự án khác không thuộc quy định nêu trên và dự án áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có không phải thực hiện ĐTM. Các đối tượng phải thực hiện ĐTM được phân thành 2 nhóm: Có tác động xấu đến môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;  Ít có tác động xấu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để đưa ra các công cụ quản lý phù hợp.

     Bỏ kế hoạch BVMT đối với các dự án ít có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và thay vào đó là “hậu kiểm” bằng giấy phép môi trường. Bỏ thủ tục phê duyệt báo cáo ĐTM và sửa đổi việc thẩm định báo cáo ĐTM theo hướng báo cáo ĐTM do chủ dự án lập, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan thẩm định chỉ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM.

     Giấy phép môi trường: Dự thảo Luật hợp nhất, tích hợp 7 loại giấy phép về môi trường và xả nước thải vào nguồn nước hiện có thành giấy phép môi trường nhằm giảm thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả thực hiện, bao gồm: giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT; giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu; giấy phép xử lý chất thải nguy hại; sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; giấy phép xả khí thải; xác nhận kế hoạch BVMT; tích hợp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi.

     Quản lý cảnh quan thiên nhiên và BVMT trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên: Bổ sung quy định về cảnh quan thiên nhiên quan trọng; đánh giá tác động đa dạng sinh học (ĐDSH); bồi hoàn ĐDSH, theo đó chủ dự án đầu tư phải đánh giá những tác động sẽ làm suy giảm ĐDSH trong quá trình ĐTM của dự án đến các cảnh quan thiên nhiên quan trọng, có trách nhiệm thực hiện bồi hoàn ĐDSH để bồi thường tổn thất ĐDSH do dự án gây ra thông qua việc chi trả bằng tiền hoặc thông qua việc lập và triển khai hoạt động nhằm bảo tồn ĐDSH.

     Cơ sở kinh doanh, dịch vụ khai thác cảnh quan thiên nhiên quan trọng theo quy định của Luật này vào mục đích thương mại, du lịch phải nộp “phí hưởng lợi môi trường” vào ngân sách địa phương với các mức phí khác nhau tùy theo mức độ quan trọng theo quy định của Luật.

     Ứng phó với BĐKH: Quy định về ứng phó với BĐKH phải gắn với phát triển bền vững, tăng cường khả năng chống chịu của tự nhiên và xã hội, hướng tới nền kinh tế các bon thấp và tận dụng các cơ hội do BĐKH mang lại. Bổ sung quy định về thích ứng với BĐKH, trong đó có yêu cầu đánh giá tác động, tình trạng dễ bị tổn thương và rủi ro do BĐKH đối với các đối tượng người dân, các lĩnh vực và các khu vực dựa trên cơ sở kịch bản BĐKH và dự báo phát triển kinh tế - xã hội; triển khai các hoạt động ưu tiên thích ứng, tăng cường khả năng chống chịu đối với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro do BĐKH, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với nước biển dâng và ngập lụt đô thị.

     Bổ sung các nội dung mới về thích ứng với BĐKH; quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về BĐKH; xây dựng báo cáo quốc gia về BĐKH phải trình Quốc hội 2 năm một lần; quy định về nghĩa vụ quốc gia về BĐKH và bảo vệ tầng ôzôn.

     Quản lý chất thải: Xem chất thải là tài nguyên. Chất thải đã được phân định, phân loại sử dụng cho quá trình sản xuất khác thì không coi là chất thải nhằm thúc đẩy tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải; quy định trách nhiệm của các Bộ trong hợp chuẩn, hợp quy việc sử dụng chất thải làm nguyên liệu sản xuất. Quy định rõ chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phát sinh chất thải rắn thông thường có trách nhiệm phân loại chất thải rắn thông thường tại nguồn để thuận lợi cho việc tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý.

     Quy định về nguyên tắc và giao địa phương thực hiện thu phí, giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức bán bao bì lưu chứa chất thải ở các đô thị lớn, qua đó thúc đẩy việc phân loại tại nguồn, giảm lượng phát sinh, thuận lợi cho việc xử lý và hỗ trợ một phần kinh phí cho nhà nước thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.

     Quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, chủ đầu tư, dự án phát triển đô thị có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn; nước thải từ hộ gia đình và cơ sở kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ ở đô thị và khu dân cư tập trung phải đầu tư, lắp đặt thiết bị xử lý tại chỗ theo quy chuẩn kỹ thuật thiết kế xây dựng, đáp ứng yêu cầu BVMT của địa phương trước khi thải vào hệ thống thoát nước chung.

     Quản lý chất lượng môi trường, quan trắc, thông tin về môi trường: Bổ sung quy định lập kế hoạch quản lý chất lượng không khí đối với các tỉnh, thành phố. Kế hoạch quản lý chất lượng không khí là cơ sở để UBND cấp tỉnh đánh giá công tác quản lý, chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin trên địa bàn; trường hợp môi trường không khí bị ô nhiễm thì phải cảnh báo, xử lý kịp thời. Bổ sung trách nhiệm các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quản lý khí thải; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, của người dân trong việc sử dụng nhiên liệu sạch nhằm giảm ô nhiễm không khí.

     Quy định thẩm quyền, trách nhiệm quan trắc môi trường xung quanh; quy định rõ thông tin môi trường bao gồm thông tin về chất ô nhiễm, dòng thải các chất ô nhiễm ra môi trường, nguồn ô nhiễm… Bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu môi trường, trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong việc cung cấp, cập nhật, vận hành cơ sở dữ liệu môi trường.

     Công cụ kinh tế, nguồn lực cho BVMT: Quy định về khuyến khích phát triển năng lượng sạch, tái tạo; khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; nông nghiệp sinh thái; sản xuất và tiêu dùng bền vững; lối sống, hành vi ứng xử thân thiện với môi trường. Bổ sung các quy định về ưu đãi mới đã có các văn bản dưới Luật; phân tách hoạt động BVMT được ưu đãi; bổ sung nhiều hoạt động BVMT được hỗ trợ.

     Ngoài ra, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã chỉnh sửa, bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và cộng đồng dân cư nhằm thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong công tác BVMT.  Bên cạnh đó, nhiều nội dung khác cũng được sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật như các quy định về hội nhập, hợp tác quốc tế về BVMT, thanh tra, kiểm tra, bồi thường thiệt hại về môi trường…

 

Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng

Nguyễn Trung Thuận

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2020)

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn