Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Dự thảo Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stốckhôm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

10/05/2017

     Bộ TN&MT đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Dự thảo Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stốckhôm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP). Hiện Dự thảo đang trình Chính phủ ban hành.

 

Các chất hữu cơ khó phân hủy là tác nhân gây ô nhiễm môi trường 

 

      Theo Dự thảo, Kế hoạch nhằm quản lý an toàn theo vòng đời, kiểm soát ô nhiễm, giảm phát thải, xử lý và tiến tới loại bỏ các chất POP ở Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu của Công ước Stốckhôm, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, hướng đến phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Kế hoạch quốc gia sẽ tập trung vào xây dựng, bổ sung và tăng cường hiệu quả các quy định, chính sách, thể chế, đáp ứng yêu cầu mới của Công ước Stốckhôm cũng như các yêu cầu tại Viêt Nam; Quản lý an toàn và kiểm soát ô nhiễm các loại hóa chất POP - Bảo vệ thực vật, PCB, nhóm POP-BDE, PFOS và PFOSF, nhóm HBCD, HCBD, PCP, PCN; Tiếp tục xử lý, cải thiện, khắc phục ô nhiễm môi trường tại những khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng chất da cam/dioxin. Bên cạnh đó, kiểm soát, giảm phát thải UPOP từ các hoạt động kinh tế - xã hội; Kiểm soát ô nhiễm và xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường tại các khu vực tồn lưu, ô nhiễm các chất POP; Nâng cao nhận thức, đào tạo, giáo dục về nguy cơ do các chất POP và hóa chất nguy hại gây ra; Tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển, quan trắc, quản lý rủi ro, quản lý, xử lý an toàn các vật liệu, sản phẩm, chất thải có chứa POP và các hóa chất nguy hại; Quản lý sức khỏe môi trường liên quan đến các chất POP; Trao đổi thông tin, báo cáo thực hiện Công ước Stốckhôm.

     Về nguồn lực thực hiện, Kế hoạch quốc gia sẽ lồng ghép với các chương trình, dự án về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, chất thải, các chương trình khoa học công nghệ và các chương trình, dự án, hoạt động có liên quan khác, nhằm thu hút thêm nguồn đầu tư, tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực; Huy động đa dạng các nguồn tài chính; Khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đầu tư thực hiện dự án khắc phục ô nhiễm thông qua chính sách ưu đãi và hoạt động hợp tác công - tư trong quản lý các chất POP; Tranh thủ tối đa nguồn tài chính của các tổ chức tài chính quốc tế và các nước; Tăng cường hợp tác quốc tế.

 

Đức Anh

 

     Công ước Stốckhôm được các nước ký kết và phê chuẩn thực hiện nhằm bảo vệ sức khỏe con người, đa dạng sinh học và môi trường sống trước những nguy cơ, rủi ro do các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (các chất POP) gây ra và có hiệu lực vào năm 2004. Công ước quy định việc ngừng sản xuất, cấm, hạn chế sử dụng và tiến tới tiêu hủy hoàn toàn một số chất POP do con người tạo ra, đồng thời thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu liên tục sự phát sinh không chủ định các chất POP từ hoạt động sản xuất công nghiệp, dân sinh hoặc xử lý chất thải.

     Thực hiện yêu cầu của Công ước Stốckhôm, ngày 10/8/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stốckhôm tại Quyết định số 184/2006/QĐ-TTg, trong đó tập trung quản lý 12 nhóm chất POP. Từ năm 2009 đến nay, Hội nghị các thành viên Công ước (COP) đã bổ sung 14 nhóm chất POP mới vào các Phụ lục A, B, C của Công ước, nâng số nhóm chất POP cần quản lý lên 26 nhóm chất với các lĩnh vực sử dụng chính gồm: Bảo vệ thực vật và diệt côn trùng, y tế (POP - BVTV); công nghiệp; phát sinh không chủ định (UPOP).

 

Ý kiến của bạn