Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Dừng triển khai Dự án đầu tư xây dựng thủy điện Ðrăng Phôk - Ðắc Lắc do tác động tiêu cực đến môi trường

19/07/2016

   Ngày 3/6/2016, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã ký Công văn số 2169/BTNMT-TCMT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh Đắc Lắc về việc không tiếp tục triển khai Dự án đầu tư xây dựng thủy điện Đrăng Phôk tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc.

   Thực hiện Luật BVMT năm 2014, ngày 26/5/2016, Bộ TN&MT đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Dự án thủy điện Đrăng Phôk (Dự án), tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc, do Công ty CP Đầu tư và Ứng dụng công nghệ mới làm chủ đầu tư. Sau khi xem xét hồ sơ và các tài liệu liên quan, Bộ TN&MT đã có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất không tiếp tục triển khai Dự án của UBND tỉnh Đắc Lắc.

   Theo nội dung Báo cáo ĐTM, Dự án có công suất lắp máy 26 MW, nằm trên bậc thang thủy điện cuối cùng của dòng sông Srêpôk trước khi chảy sang Campuchia. Dự án sẽ chiếm dụng 308,7 ha đất, trong đó có 295,4 ha đất thuộc Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn (khoảng 63 ha thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt) và 28,88 ha rừng đặc dụng phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Việc triển khai Dự án tại địa điểm nêu trên sẽ vi phạm một số quy định của pháp luật và gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường rất khó khắc phục.

Khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy thủy điện Đrăng Phôk

   Tại Khoản 16 Điều 3 Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 giải thích rõ “Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng là khu vực được bảo toàn nguyên vẹn, được quản lý, bảo vệ chặt chẽ để phục hồi, tái sinh tự nhiên”. Cũng tại Khoản 2 Điều 7 Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH) năm 2008 nêu rõ việc “xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh” là “hành vi bị nghiêm cấm về ĐDSH”. Điểm a khoản 1 Điều 19 Nghị định số 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/12/2010 về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng quy định rõ “Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ được áp dụng các biện pháp bảo vệ, bảo tồn để duy trì diễn thế tự nhiên”.

   Tuy nhiên, khu vực dự kiến triển khai Dự án có hệ sinh thái đặc thù với rừng cây họ dầu (rừng khộp) chiếm ưu thế, tính ĐDSH độc đáo với nhiều loài động thực vật bậc cao thuộc diện quý hiếm có giá trị bảo tồn cao; đặc biệt đây là khu vực thường xuyên cư ngụ và là hành lang di chuyển của các đàn voi rừng. Việc thi công xây dựng sẽ phải chặt phá rừng, mở đường, tập trung với lượng lớn trang thiết bị, vật tư, con người sẽ gây tác động tiêu cực tới môi trường sống, công tác bảo tồn của các loài động thực vật cũng như không thể kiểm soát được tình trạng săn bắn thú, khai thác lâm sản trái phép.

   Việc xây đập, chặn dòng trên sông Srêpôk sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái thủy sinh, đặc biệt các loài có tập tính di cư. Đồng thời, việc thay đổi cơ bản chế độ dòng chảy của sông Srêpôk (sông thành hồ chứa) sẽ làm thay đổi chế độ dòng chảy bùn cát/phù sa về vùng hạ du đập và thay đổi lớn về nước dưới đất; tác động tới một số quá trình địa chất, địa chất công trình; gây sạt lở, tái tạo lòng hồ; làm thay đổi cảnh quan, địa hình, địa mạo cũng như làm xáo trộn diễn thế sinh thái không chỉ trong phạm vi khu vực Dự án. Ngoài ra, khu vực Dự án nằm gần biên giới Việt Nam - Campuchia (cách biên giới khoảng 8 km) nên có những tác động tiêu cực tới an ninh - quốc phòng. Việc phá vỡ cân bằng sử dụng nước với chế độ vận hành hồ chứa phục vụ phát điện sẽ tác động tiêu cực tới vùng hạ du, đặc biệt đối với phía Campuchia.

   Hiện nay, trên dòng sông Srêpôk đã có 12 công trình thủy điện đang hoạt động. Do tình trạng hạn hán, sản lượng điện của các nhà máy giảm rõ rệt. Với ảnh hưởng ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu và lại nằm ở bậc thang thủy điện cuối cùng của dòng sông này, thủy điện Đrăng Phôk sẽ gặp nhiều khó khăn về sản lượng và khó đạt được công suất như thiết kế.

   Trước đó, ngày 19/5/2016, Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 4037/BNN-TCLN gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị xem xét, dừng thực hiện Văn bản số 1479/TTg-KTN ngày 25/8/2009 về việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp của VQG Yok Đôn để xây dựng Nhà máy thủy điện Đrăng Phôk. Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, khi xây dựng thủy điện Đrăng Phôk sẽ phải chuyển mục đích sử dụng 63 ha đất có rừng, trong đó, chuyển đổi vĩnh viễn 53 ha, chuyển đổi tạm thời để phục vụ thi công 10 ha (chưa bao gồm nhu cầu sử dụng đất, rừng để xây dựng đường dây tải điện từ Nhà máy đến trạm biến áp hòa với hệ thống điện quốc gia, theo dự tính hành lang tuyến và các trụ cột điện khoảng 27 ha). Hiện trạng khu vực này là rừng tự nhiên, trong đó có 3 ha rừng giàu, 11 ha rừng trung bình và 49 ha rừng nghèo. Ngoài việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì quá trình thi công xây dựng, vận hành Nhà máy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh cảnh sống của các loài động vật hoang dã, đặc biệt là voi, hổ có thể bỏ đi nơi khác. Trong quá trình thi công và vận hành Nhà máy sẽ tạo thêm áp lực bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên của VQG Yok Đôn, nhất là việc dâng nước lòng hồ Đrăng Phôk sẽ tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động vận chuyển gỗ trái phép bằng đường thủy.

   Cũng theo Bộ NN&TPNT, hiện nay, rừng Tây Nguyên đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về diện tích, chất lượng. Trong 5 năm qua, độ che phủ rừng đã giảm 6,1%, đặc biệt khu vực tiếp giáp với VQG Yok Đôn, rừng đã bị suy giảm rất nghiêm trọng, nhiều khu vực không còn rừng. Cùng với đó, tác động ngày càng gay gắt của biến đổi khí hậu, làm cho diễn biến thời tiết cực đoan, tình trạng khô, hạn kiệt diễn ra khốc liệt, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội, môi trường bền vững ở Tây Nguyên.

   Như vậy, đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh Đắc Lắc, Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT đều đã có văn bản báo cáo Chính phủ xem xét, dừng triển khai thực hiện Dự án Nhà máy thủy điện Đrăng Phôk dự kiến xây dựng giữa vùng lõi của VQG Yok Đôn. Sự vào cuộc và có ý kiến kịp thời của các cơ quan chức năng đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân địa phương, các chuyên gia và nhà khoa học về môi trường.

            Hồng Quân

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2016

Ý kiến của bạn