Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 24/01/2025

Dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy - minh bạch mức tiêu thụ nhiên liệu vì lợi ích của xã hội, người dân và doanh nghiệp

03/05/2018

     Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ mà chủ yếu là xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy tiêu thụ khoảng 70% lượng xăng/dầu trong cả nước. Đây là một trong những nguồn chính phát thải khí như: ôxít cácbon (CO), các hyđrô cácbon (HC), các ôxít nitơ NOx, bụi thải (PM) và các độc tố có trong nhiên liệu như benzen... gây ô nhiễm không khí đô thị, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân; đồng thời góp phần khoảng 22,6% khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

     Sử dụng nhiên liệu tiết kiệm, hiệu quả là một trong những biện pháp giảm phát thải khí gây ô nhiễm, khí nhà kính  (KNK) và hiện đang là mục tiêu ưu tiên tại nhiều quốc gia. Trên thế giới, nhiều nước đã, đang tích cực triển khai việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với xe cơ giới thông qua các chương trình: dán nhãn năng lượng, quy định mức tiêu thụ năng lượng tối thiểu, đánh thuế nhiên liệu, lái xe sinh thái, chương trình bảo dưỡng xe... Chương trình dán nhãn năng lượng đã được thực hiện ở nhiều quốc gia như: Châu Âu (EU), Mỹ, Ôxtrâylia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ; ở khu vực Đông Nam Á có Singapo, Thái Lan, Đài Loan...

     Tại Việt Nam, thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ngày 12/9/2011 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện, theo đó từ 1/1/2015 xe ô tô loại từ 7 chỗ ngồi trở xuống sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới thuộc đối tượng phải dán nhãn năng lượng. Ngay khi Quyết định nêu trên được ban hành, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô đều hưởng ứng; một số doanh nghiệp có lợi thế đã thực hiện dãn nhãn năng lượng từ trước 1/1/2015 (thời gian khuyến khích áp dụng).

     Bằng việc dán nhãn năng lượng cho xe cơ, các loại xe khi đưa ra thị trường tiêu thụ, doanh nghiệp sẽ phải thông tin minh bạch và có căn cứ về mức tiêu thụ nhiên liệu của xe; mức tiêu thụ nhiên liệu này sẽ được ghi trên nhãn năng lượng dán trên xe. Thông qua nhãn năng lượng dán trên xe, người tiêu dùng có căn cứ để  lựa chọn phương tiện với mức tiêu hao nhiên liệu phù hợp; các nhà sản xuất, kinh doanh xe cũng lấy mức tiêu thụ nhiên liệu của xe là một trong những công cụ cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn phương tiện có mức tiêu hao nhiên liệu thấp; doanh nghiệp sản xuất ô tô quảng bá được hình ảnh doanh nghiệp thông qua nhãn năng lượng; về mặt xã hội việc dán nhãn năng lượng sẽ góp phần giảm tổng mức tiêu thụ nhiên liệu thông qua hoạt động của các phương tiện giao thông, giảm phát thải KNK và ô nhiễm môi trường.

     Hiện nay khi ra đường, mọi người đều dễ dàng nhìn thấy các xe ô tô con mới vẫn còn nhãn năng lượng được dán trên xe (hình 1). Nhãn này tồn tại từ lúc doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô đưa xe ra thị trường tiêu thụ... đây là một thông tin kỹ thuật của xe.

     Hình 1. Mẫu nhãn năng lượng sử dụng để dán trên xe ô tô con

     Để người tiêu dùng có thêm thông tin trong quá trình lựa chọn phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, từ 1/1/2015 Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đăng tải rộng rãi mức tiêu thụ nhiên liệu của các loại xe thuộc đối tượng phải dán nhãn trên trang thông tin điện tử của Cục (mục tra cứu thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu xe cơ giới). Từ khi xe ô tô đã được bàn giao tới người tiêu dùng thì sứ mệnh của nhãn năng lượng đã hoàn thành và người tiêu dùng giữ lại hay loại bỏ nhãn mà không phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát nào.

     Bên cạnh những lợi ích giúp người tiêu dùng lựa chọn phương tiện ít tiêu hao nhiên liệu đem lại hiệu quả kinh tế trong quá trình sử dụng; việc dán nhãn năng lượng còn thúc đẩy các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm cải thiện mức tiêu thụ nhiên liệu và coi đó là một lợi thế cạnh tranh của sản phẩm. Thực tế đã chứng minh, trong 3 năm triển khai chương trình (từ năm 2015 - 2017), mức tiêu thụ nhiên liệu của xe ô tô con loại từ 7 chỗ trở xuống đã có những cải thiện (hình 2).

     Nguồn: Cục Đăng kiểm Việt Nam

     Hình 2. Sự thay đổi mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình của xe xăng từ năm 2015 - 2017 theo các chu trình thử khác nhau

     Với những lợi ích thiết thực mà Chương trình dán nhãn năng lượng mang lại, Việt Nam tiếp tục mở rộng đối tượng phải dán nhãn. Theo đó, tại Quyết định số 04/2017/QĐ-TTg ngày 9/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện; trong đó, xe mô tô, xe gắn máy phải thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc từ ngày 1/1/2020 (thời gian khuyến khích áp dụng đến 31/12/2019).

     Với Quyết định nêu trên, Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe mô tô, xe gắn máy thực hiện dán nhãn năng lượng đến hết 31/12/2019; từ ngày 1/1/2020, xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới trước khi đưa ra thị trường thuộc đối tượng bắt buộc phải dán nhãn năng lượng. Đối tượng dán nhãn năng lượng là các xe mô tô, xe gắn máy mới (xe chưa có biển số) chứ không phải hơn 40 triệu xe đang lưu hành (đã được cấp biển số). Người tiêu dùng được hưởng lợi do họ có thêm thông tin để lựa chọn dòng xe tiết kiệm nhiên liệu trước khi quyết định mua xe mới mà không phải trả bất kỳ chi phí nào; nhãn năng lượng không phải là giấy tờ phục vụ công tác đăng ký xe cũng như các thủ tục khác.

     Cũng như việc dán nhãn năng lượng đối với ô tô trước đây, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng lợi thế về mức tiêu thụ nhiên liệu, tự nguyện dán nhãn năng lượng trước 1/1/2020, Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; dự kiến Thông tư sẽ được lấy ý kiến rộng rãi và ban hành trong năm 2018.

 Sắp tới Bộ GTVT sẽ dán nhãn năng lượng cho tất cả loại xe môtô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới

 

ThS. Nguyễn Hữu Tiến - ThS. Mai Văn Hiến

                                                Vụ Môi trường, Bộ Giao thông vận tải

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2018)

Ý kiến của bạn