Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Chi cục bảo vệ môi trường Nghệ An: Ðẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực môi trường

16/10/2017

   Thời gian qua, công tác cải cách hành chính (CCHC), đặc biệt là thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực môi trường tại Chi cục BVMT Nghệ An đã có những chuyển biến tích cực, đảm bảo khung pháp lý quan trọng cho việc quản lý nhà nước về môi trường. Các cơ chế, chính sách cũng như các quy định TTHC ngày càng hoàn thiện, đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

   Tăng cường cải cách thể chế

   Ngay sau khi Luật BVMT năm 2014 được ban hành, Chi cục BVMT Nghệ An đã rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Luật và các văn bản hướng dẫn, gắn liền với công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về môi trường. Từ đầu năm 2017, Chi cục cũng đã tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường, tham mưu hướng dẫn quy trình thẩm định cấp giấy phép kế hoạch, đề án BVMT đơn giản của Phòng TN&MT cấp huyện. Đồng thời, tiếp tục giám sát, đôn đốc thực hiện Dự án điều tra và xử lý các điểm ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV). Đến nay, đã thực hiện được 22 đề án điều tra, khảo sát xác định phạm vi mức độ ô nhiễm cho 178 điểm, đang chuẩn bị triển khai 9 đề án, với 55 điểm ô nhiễm môi trường do tồn dư thuốc BVTV.

   Nhằm nâng cao nhận thức về BVMT cho cộng đồng, Chi cục đã ban hành kế hoạch truyền thông về BVMT, phối hợp với các tổ chức (Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Ban Dân vận, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Ủy ban Mặt trận tổ quốc, Đảng ủy Khối các cơ quan cấp tỉnh, Tỉnh đoàn, Báo Nghệ An và các báo Trung ương) tuyên truyền, tập huấn, xây dựng các mô hình về BVMT đến tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, cộng đồng dân cư.

   Thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông

   Để rút ngắn thời gian xử lý, khắc phục hiện tượng tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời giảm chi phí, tăng cường công khai, minh bạch về TTHC, Chi cục BVMT Nghệ An đã trình lãnh đạo Sở, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3908/QĐ-UBND ngày 12/8/2016 công bố bộ TTHC trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn tỉnh. Trong đó có một số nội dung đơn giản hóa TTHC như: Thời gian thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM giảm 75% thời gian đối với các dự án đầu tư trực tiếp (từ 20 ngày làm việc theo quy định tại Thông tư số 27/TT-BTNMT xuống 5 ngày làm việc) và 50% (từ 20 ngày xuống 10 ngày) đối với các dự án khác; Giảm 26,7% thời gian xem xét cấp Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, đầy đủ (từ 15 ngày làm việc theo quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT xuống 11 ngày làm việc).

   Triển khai Kế hoạch CCHC trong lĩnh vực môi trường theo Quyết định số 148/QĐ-STNMT ngày 18/3/2016 của Sở TN&MT, trong 9 tháng đầu năm 2017, Chi cục đã hoàn thiện rà soát, chỉnh sửa và trình UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo ĐTM đối với 24 dự án đầu tư; Đề án BVMT chi tiết đối với 6 cơ sở; Phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với 2 dự án; Thẩm định Báo cáo ĐTM 18 Dự án đầu tư; Kiểm tra việc thực hiện các công trình, biện pháp BVMT theo báo cáo ĐTM đã phê duyệt cho 8 dự án để làm căn cứ cấp Giấy xác nhận; Giám sát việc thực hiện công tác BVMT đối với các dự án chăn nuôi tập trung, chế biến tinh bột sắn thuộc thẩm quyền quản lý của Chi cục…

   Nâng cao công tác CCHC

   Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Chi cục BVMT Nghệ An tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác CCHC, trong đó tập trung tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

   Đồng thời, theo dõi, đôn đốc cán bộ trong Chi cục thực thi nhiệm vụ công vụ và nội quy, quy chế của đơn vị; thực hiện các nhiệm vụ quy định theo Luật BVMT năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tiếp tục giám sát việc thực hiện quan trắc môi trường định kỳ, quan trắc mạng và nước biển tại thị xã Cửa Lò, Hoàng Mai và huyện Diễn Châu; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác BVMT đối với một số cơ sở hoạt động chế biến thủy sản có nước thải thải ra cửa sông, biển, các đơn vị có lượng nước thải lớn trên địa bàn tỉnh.

   Cùng với đó, tổ chức thực hiện Đề án điều tra thống kê, phân loại nguồn thải để quản lý; tiếp tục phối hợp với Sở, ban/ngành và UBND cấp huyện giám sát, kiểm tra công tác khắc phục của các đơn vị trong danh sách cơ sở ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được UBND tỉnh phê duyệt…n

                Nguyễn Yến

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2017

Ý kiến của bạn